Đồng Nai muốn “cải tổ” hệ thống cảng biển
Tính toán lại việc quy hoạch và đầu tư hệ thống cảng nhằm đồng bộ hạ tầng cao tốc, quốc lộ, Sân bay Quốc tế Long Thành, Đồng Nai đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực.
Việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng biển tại Đồng Nai thời gian qua gặp không ít khó khăn.
Phát triển manh mún
Theo đánh giá của Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Đồng Nai, hệ thống cảng biển tỉnh này đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, kết nối hạ tầng giao thông kém.
Quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) được duyệt, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 46 cảng biển được đầu tư xây dựng, gồm 20 bến cảng tổng hợp và 26 bến cảng chuyên dùng. Sau 4 năm thực hiện quy hoạch, Đồng Nai hiện có 17 bến cảng biển đang hoạt động, gồm 5 bến tổng hợp và 12 bến chuyên dùng. Việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng biển tại Đồng Nai thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn.
Do đó, để “vươn ra biển lớn” và hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics của khu vực trong 5 năm tới đây, tỉnh Đồng Nai muốn điều chỉnh quy hoạch, “cải tổ” hệ thống cảng biển.
Theo đề xuất điều chỉnh quy hoạch, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch sẽ phát triển 5 cụm cảng tổng hợp, gồm: Cụm cảng trên sông Đồng Nai (78 ha), Cảng Việt Thuận Thành (69 ha), Cảng tổng hợp Vĩnh Hưng (26 ha), Cảng tổng hợp Phước Khánh (bến 1, diện tích hơn 22 ha) và Cảng tổng hợp Phước Khánh (bến 3, diện tích 10 ha). Cùng với đó là 4 cụm cảng chuyên dùng (3 cụm cảng chuyên dùng xăng dầu và 1 cụm cảng chuyên dùng ngành gỗ).
Huyện Nhơn Trạch có số lượng cảng biển được quy hoạch nhiều nhất, với 35 cảng biển. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cảng biển chưa được đầu tư còn khá nhiều, chủ yếu do không kêu gọi được nhà đầu tư vì hệ thống giao thông kết nối kém.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết, hệ thống giao thông đường bộ kết nối cảng biển còn nhiều hạn chế. Đồng Nai sở hữu hệ thống sông tốt, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 tấn, nhưng đường bộ kết nối cảng biển chưa tốt, nên ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của cảng biển.
Video đang HOT
Không những vậy, việc đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển cũng đang tồn tại nhiều bất cập, như tình trạng manh mún. Số liệu thống kê cho thấy, trong số 17 cảng biển đang hoạt động, chỉ có 2 cảng biển có quy mô diện tích trên 30 ha.
Tăng quy mô, năng lực cụm cảng
Theo tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông – Vận tải đang thực hiện quy hoạch lại tổng thể hệ thống cảng biển, trong đó có hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Về cơ bản, trong quy hoạch mới, số lượng và định hướng phát triển cho giai đoạn sau năm 2020 vẫn giữ nguyên theo quy hoạch đã được duyệt năm 2017 và chỉ thay đổi tên gọi nhóm cảng từ nhóm 5 thành nhóm 4.
Theo quy hoạch mới đang hoàn thiện, những cảng biển đã triển khai và có chủ trương thực hiện thì sẽ tiếp tục thực hiện. Với các cảng biển chưa triển khai thực hiện, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông – Vận tải cho phát triển theo hướng cụm cảng, tăng quy mô để đón tàu trọng tải lớn.
Song song với việc kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai đang xem xét thực hiện điều chỉnh đối với các cảng biển chưa triển khai trên địa bàn trọng điểm, huyện Nhơn Trạch thành các cụm cảng có diện tích lớn để mời gọi các nhà đầu tư tiếp cận dự án phù hợp với quy hoạch mới cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Đồng Nai thời gian tới.
Đối với một số vị trí khó thu hút nhà đầu tư, có lợi thế phát triển các mục tiêu khác, tỉnh Đồng Nai kiến nghị loại khỏi danh mục quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ và điều chỉnh thành mục tiêu đất dự trữ phát triển.
Cụ thể, theo đề xuất, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, thời gian tới sẽ phát triển 5 cụm bến cảng tổng hợp và 4 cụm bến cảng chuyên dùng. Các cụm cảng này có diện tích từ 9,3 đến hơn 78 ha.
Để thực hiện mục tiêu phát triển cụm cảng, theo ông Lê Quang Bình, đối với các cảng chưa triển khai đầu tư, thời gian tới, tỉnh cần có quy định về diện tích cần có để được xây dựng cảng biển. Khi có quy định, những doanh nghiệp đã có đất, nhưng chưa triển khai dự án sẽ phải thực hiện liên doanh, liên kết để tạo thành cụm cảng.
“Cảng lớn mới có thể đón được tàu có tải trọng lớn và khi đó, cảng mới đáp ứng được nhu cầu phát triển và khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún”, ông Bình nói.
Đồng Nai tận dụng lợi thế phát triển dịch vụ logistics
Là địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh các ngành kinh tế; trong đó có dịch vụ logistics.
Đồng Nai tận dụng lợi thế phát triển dịch vụ logistics. Ảnh minh họa: TTXVN
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, một trong những đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương thời gian tới là chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm chính là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics (là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng).
*Nhiều lợi thế
Là địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nằm ở vị trí cửa phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đất nối liền giữa Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh các ngành kinh tế; trong đó có dịch vụ logistics.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng của tỉnh đã và đang được đầu tư phát triển đồng bộ, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, nước, thông tin liên lạc của nhà đầu tư một cách ổn định. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi do tỉnh có hệ thống giao thông với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành-Dầu Giây; tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đồng Nai cũng chỉ cách Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 30 km, gần cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Thị Vải - Vũng Tàu... Đây là những thuận lợi rất lớn cho các hoạt động giao thương trong nước và quốc tế, đồng thời cũng là lợi thế để Đồng Nai phát triển mạnh dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, cùng với sự phát triển, thu hút ngày càng nhiều các dự án sản xuất công nghiệp, với vị trí gần Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm dịch vụ của vùng, sắp tới là Sân bay quốc tế Long Thành được triển khai, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - logistics hiện rất được tỉnh quan tâm, mời gọi và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Sau khi Sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành, được đưa vào sử dụng sẽ tạo ra động lực phát triển mới, mạnh mẽ hơn. Sự phát triển của "thành phố sân bay" với nhiều dịch vụ tiện ích, nhất là chuỗi cung ứng logistics về hàng không được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, tỉnh đã quy hoạch những khu công nghiệp mới tập trung gần khu vực Sân bay quốc tế Long Thành; đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cảng biển ở Phước An, huyện Nhơn Trạch để tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển công nghiệp.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đồng Nai quy hoạch thêm một số khu công nghiệp ở một số địa phương như các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu, thành phố Long Khánh... ; triển khai một số quy hoạch để đón nhận hạ tầng Trung ương đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025, nhằm phát triển bền vững vùng kinh tế này.
Ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, theo quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2020, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 35 khu công nghiệp và 2 khu chuyên ngành là khu công nghệ cao công nghệ sinh học, Khu liên hợp Công nông nghiệp.
Đến thời điểm này tỉnh đã có 31 khu công nghiệp đi vào hoạt động; các khu công nghiệp đã cho thuê đạt hơn 80% diện tích đất công nghiệp. Do đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp là rất lớn, tạo nên thị trường cho nhiều dịch vụ thuộc ngành logistics.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh như thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch- nơi tập trung nhiều khu công nghiệp chính là thị trường, tạo dư địa rất lớn cho dịch vụ logistics phát triển.
* Ưu tiên cho hạ tầng giao thông
Tuyến đường chính trong Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang được hoàn thiện. Ảnh: Công Phong - TTXVN
Phát triển hạ tầng giao thông, tạo sự kết nối thuận tiện, đồng bộ hơn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để Đồng Nai phát triển mạnh ngành logistics. Thực hiện được điểm mấu chốt này cũng góp phần giảm đáng kể chi phí dịch vụ logistics, đặc biệt là chi phí vận tải, từ đó tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng khẳng định, phát triển logistics phục vụ dịch vụ cho công nghiệp được Đồng Nai ưu tiên và việc đảm bảo hạ tầng kết nối là yếu tố hàng đầu. Thời gian tới tại Đồng Nai có Sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành); cảng nước sâu Phước An (huyện Nhơn Trạch) với hai khu là cảng và dịch vụ hậu cần cảng, cảng có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lên tới 50 ngàn tấn; khu dịch vụ hậu cần thực hiện các dịch vụ logistics.
Cụ thể, khi đã có sân bay quốc tế Long Thành, cảng Phước An, cộng với mở rộng các khu công nghiệp và mở mới các khu công nghiệp, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ logistics để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp về Đồng Nai đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là dự án Sân bay quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây lên 8-10 làn xe theo quy hoạch, cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu, dự án đường sắt đô thị từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố Biên Hòa, đường vành đai 3, vành đai 4, đường liên Cảng, cầu Bạch Đằng, cầu Cát Lái, các công trình trọng điểm của tỉnh. Tỉnh cũng chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế mới, động lực mới khi các dự án này đi vào khai thác.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh quy hoạch các hệ thống giao thông của địa phương để đáp ứng với các liên kết với các cao tốc Trung ương đầu tư trên địa bàn, rồi các vùng, các huyện của Đồng Nai với nhau. Tỉnh quy hoạch một số trục lớn nối giữa huyện Xuân Lộc đi ra sau Sân bay quốc tế Long Thành, về Quốc lộ 51 để tạo hành lang phát triển trục đại lộ, tạo thuận lợi phát triển huyện Xuân Lộc, cũng như phát triển vùng công nghiệp ở huyện Cẩm Mỹ, kết nối hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ra cảng Phước An; đồng thời mở trục từ huyện Định Quán đi ra Quốc lộ 1 gần nút giao Dầu Giây...
Với việc hạ tầng giao thông được tính toán kỹ lưỡng, hoàn thiện đồng bộ, mạng lưới giao thông của Đồng Nai đảm bảo phục vụ hiệu quả sự phát triển theo những định hướng mang tính đột phá của tỉnh trong thời gian tới./.
Danh tính 3 thanh niên tử vong bên cạnh xe máy Exciter ở Đồng Nai Nguyên nhân ban đầu được xác định xe máy chở 3 thanh niên chạy với tốc độ nhanh khi đến đường cong đã lao thẳng vào nhà dân. Hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người tử vong rạng sáng 10/11. Liên quan đến vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người tử vong ở huyện Nhơn Trạch...