Đồng Nai chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có ngành Công nghiệp phát triển mạnh, hiện 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1.500 dự án.
Cùng với việc tập trung phát triển công nghiệp, Đồng Nai đặc biệt quan tâm tới nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngay tại địa phương, từng bước vươn tới thị trường lao động quốc tế.
Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) trong tiết thực hành. Ảnh: Hải Yến
* Nâng cao chất lượng cuộc sống
Đồng Nai hiện đang thu hút hơn 1,2 triệu lao động làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó hơn 60% lao động ngoại tỉnh. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và các cấp chính quyền đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đặc biệt là những lao động ngoại tỉnh.
Hiện nay, chất lượng cuộc sống của nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang ngày càng được nâng cao, điều này thể hiện rõ ở mức thu nhập bình quân của người lao động. Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng, trong khi năm 2015, thu nhập bình quân chỉ đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cao Duy Thái, Phó trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TBXH) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, bình quân thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm và không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp và ngành nghề khác nhau. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống của người lao động cũng được cải thiện qua từng năm, năm sau được cải thiện hơn năm trước.
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, để đảm bảo việc làm, đời sống cho công nhân lao động, người lao động trẻ tại các khu công nghiệp, trong thời gian tới, lãnh đạo công ty, các cấp Công đoàn cần tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, ổn định và phát triển việc làm, đảm bảo nhu cầu sống về vật chất và tinh thần cho bản thân và gia đình. Cụ thể: các doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động, lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của người lao động; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, đảm bảo việc làm, thu nhập, đáp ứng được những nhu cầu sống tối thiểu để người lao động yên tâm, gắn bó và tập trung phát huy năng lực làm việc. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động học tập, rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.
Video đang HOT
* Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động
Chú trọng công tác đào tạo nghề chất lượng cao thể hiện qua trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là một trong những “bí quyết” giúp Đồng Nai luôn nằm trong nhóm những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trong cả nước.
Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác và doanh nghiệp tại địa phương. Trung bình mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề, cung cấp ra thị trường lao động khoảng 75 ngàn người.
Xác định thế mạnh là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, Đồng Nai quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ trước hết cho chính đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có thể tiếp cận nhanh nhất với các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc học nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và phát huy cao nhất lợi thế nguồn lao động dồi dào của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, phụ trách Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TBXH), để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, Đồng Nai đang thực hiện chương trình đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế. Chương trình đang được thí điểm tại một số trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao theo tiêu chuẩn của quốc tế.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lao động, nhiều cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện theo mô hình phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo mô hình này, doanh nghiệp tham gia vào ban tư vấn nghề nghiệp, quá trình đánh giá thi cử, xây dựng điều chỉnh các chương trình, làm sao để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên được học trên các thiết bị thực hành của trường và trên các thiết bị trong các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Theo Sở LĐ-TBXH, hiện nay ở tỉnh, sau đào tạo, khoảng 85% số lao động có việc làm với thu nhập ổn định, đặc biệt với nguồn nhân lực ở một số nghề như: cơ khí, sửa chữa, điện, điện công nghiệp gần như 95-100% lao động sau khi đào tạo là có việc làm.
Tỉnh Đồng Nai xác định từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng công nhân lành nghề, được đào tạo có chất lượng cao sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, góp phần cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực với các địa phương khác trong cả nước cũng như thế giới.
Tăng kết nối, thúc đẩy phát triển
Với các dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai xây dựng, những năm tới, tính kết nối giao thông giữa Đồng Nai với các địa phương, nhất là các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được gia tăng.
Điều này sẽ tạo ra động lực lớn thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục kết nối giao thông quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh:P. Tùng
* "Hạt nhân" kết nối giao thông
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 5 tuyến đường cao tốc đi qua. Đây là những trục giao thông chiến lược mang tính kết nối giữa các địa phương cũng như kết nối vùng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là đường cao tốc duy nhất đi qua địa bàn tỉnh đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác. Từ năm 2015 đến nay, sau khi thông tuyến và đưa vào sử dụng, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong kết nối giữa Đồng Nai với trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước là TP.HCM. Cũng chính vì vậy, chỉ sau 5 năm đưa vào khai thác, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đã rơi vào tình trạng quá tải.
Với nhiều ưu thế, đường cao tốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối về giao thông, thúc đẩy phát triển của mỗi địa phương nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước. Thời gian qua, việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, trở thành động lực "đánh thức" tiềm năng của nhiều vùng, miền. "Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế ở đó phát triển, người dân được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển này" - Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Đối với Đồng Nai, địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, những năm qua từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều chính sách ưu tiên để xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GT-VT triển khai nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với quy mô lớn, mang tính đột phá qua địa bàn như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và mới đây nhất là đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
* Sớm hiện thực hóa quy hoạch
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương là 2 tuyến cao tốc được quy hoạch đi qua địa bàn tỉnh hiện nay chưa được triển khai thực hiện.
Công nhân thi công dự án Xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn H.Xuân Lộc
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho hay, đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện Bộ GT-VT đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư để sớm triển khai. "Chúng ta phải nỗ lực để khởi công dự án vào cuối quý IV-2021" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Trong khi đó, dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hiện cũng đang được Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, dự án Xây dựng 2 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Dầu Giây - Liên Khương là 2 dự án mà tỉnh mong muốn các cơ quan chức năng của Trung ương triển khai thực hiện sớm để tạo điều kiện cho Đồng Nai tăng tốc phát triển. "Quốc lộ 51 hiện đã quá tải nên phải xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sớm" - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tương tự, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương khi được triển khai xây dựng sẽ tạo ra trục kết nối đồng bộ giữa Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên. Đồng thời, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương cũng tạo điều kiện cho 2 huyện miền núi của tỉnh là Định Quán và Tân Phú phát triển.
Quan trọng hơn, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, việc đẩy nhanh hoàn thành các tuyến đường cao tốc đang xây dựng, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và triển khai đầu tư sớm các dự án đường cao tốc trong quy hoạch là điều kiện cấp thiết để khai thác tối đa hiệu quả của cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành trong tương lai. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án Xây dựng sân bay Long Thành sẽ được khởi công trong năm 2021 và hoàn thành vào năm 2025. Với công suất 25 triệu lượt hành khách/năm, việc kết nối giao thông, trong đó có các tuyến đường cao tốc với sân bay Long Thành là yêu cầu rất cấp bách để khai thác có hiệu quả "siêu sân bay" Long Thành. "Nhiệm vụ của địa phương là thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án đường cao tốc. Thời gian qua, tỉnh đã rất tập trung cho nhiệm vụ này mà rõ ràng nhất là Đồng Nai đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhanh đối với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung quyết liệt hơn nữa cho công tác này" - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Đồng Nai tận dụng lợi thế phát triển dịch vụ logistics Là địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh các ngành kinh tế; trong đó có dịch vụ logistics. Đồng Nai tận dụng lợi thế phát triển dịch vụ logistics. Ảnh minh họa: TTXVN Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác...