Động đất mạnh nhất hơn 100 năm qua ở Kon Tum: Cử đoàn công tác đi kiểm tra
Một đoàn công tác được cử đi kiểm tra quy trình tích nước hồ chứa, đồng thời tuyên truyền người dân kỹ năng phòng ngừa khi có động đất.
Theo Viện Vật lý địa cầu, chỉ chưa đến 12 tiếng đồng hồ (tính từ 14h08 ngày 23/8 đến 1h21 sáng 24/8) đã có tới 12 trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất gây dư chấn dao động từ 2,5-4,7 độ richter.
Động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum) khiến người dân hoang mang (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)
Ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trận động đất mạnh 4,7 độ richter xảy ra vào lúc 14h08 ngày 23/8, ở độ sâu 8,2km gây rung chấn ở một khu vực rộng lớn thuộc các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Đây là trận động đất mạnh nhất ghi nhận trong hơn 100 năm qua ở địa bàn tỉnh Kon Tum.
Từ năm 1903 đến năm 2020, tỉnh Kon Tum ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên. Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 4/2021 đến ngày 15/8/2022, huyện Kon Plông và vùng lân cận đã xảy ra hơn 300 trận động đất.
Video đang HOT
Nguyên nhân của các trận động đất tại Kon Tum được nhận định là do động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Nhận định sơ bộ, các trận động đất tại khu vực này sẽ không quá 5,5 độ richter.
Hôm nay (24/8), Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác đi kiểm tra quy trình tích nước và phương án ứng phó với động đất tại các hồ chứa huyện Kon Plông, đồng thời tuyên truyền tới người dân kỹ năng phòng ngừa.
Theo báo cáo bước đầu của huyện Kon Plông, trận động đất lớn nhất trong hơn một thế kỷ trên địa bàn chưa ghi nhận thiệt hại về người, tuy nhiên, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng, bất an trong người dân. Về tài sản, có 1 hộ dân ở thôn Đăk Chờ (xã Đăk Ring) bị rơi ngói tại phần mái phụ phía sau nhà.
UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã bằng các hình thức phù hợp tuyên truyền và cung cấp thông tin về động đất, các biện pháp cần thiết để người dân biết, chủ động ứng phó và tránh tâm lý hoang mang, yên tâm sản xuất, sinh sống.
Động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum, chuyên gia lý giải nguyên nhân
Các trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum, thậm chí một số nơi ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng cảm nhận được sự rung lắc.
Theo Viện vật lý địa cầu, chiều nay (23/8), chỉ trong vòng khoảng 2 giờ đồng hồ (từ 14h08 đến 16h15), 5 trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,7 độ Richter. Trận động đất có độ lớn 4,7 độ Richter khiến nhiều nơi ở Quảng Nam, Đà Nẵng cảm nhận được sự rung lắc.
Động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, gần Thủy điện Thượng Kon Tum (Ảnh: Viện Vật lý địa cầu)
Thực tế, động đất bắt đầu xuất hiện nhiều ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ tháng 4/2021, kéo dài liên tục đến nay, có những ngày ghi nhận tới 6-7 trận động đất, chủ yếu là động đất nhỏ.
Viện Vật lý địa cầu thống kê, chỉ trong vòng một năm (từ tháng 4/2021-4/2022), tỉnh Kon Tum ghi nhận tới 169 trận động đất, gấp hơn 5 lần tổng số trận động đất ghi nhận được trong hơn 100 năm trước ở khu vực này.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra động đất liên tiếp ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, bước đầu đánh giá những trận động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum vừa qua là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Nhận định sơ bộ các trận động đất tại khu vực này sẽ không quá 5,5 độ Richter.
Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai cần có những khảo sát, triển khai trạm quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Thủy điện Thượng Kon Tum (Ảnh: Báo Tiền Phong)
PGS.TS Cao Đình Triều - nguyên Phó Viện trưởng Viện vật lý địa cầu, chuyên gia về động đất cũng cho rằng, động đất tại đây là động đất kích thích do hồ chứa nước.
"Khi nước thẩm thấu vào sâu lòng đất khiến đất đá thay đổi trạng thái, kích thích động đất xảy ra. Động đất tại Thủy điện Thượng Kon Tum cũng tương tự như Thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Cường độ của động đất kích thích thường sẽ yếu hơn động đất tự nhiên. Khi người ta nghiên cứu tác động của động đất để xây thủy điện, thường lấy giá trị độ lớn của động đất tự nhiên là 5,5 Richter, do đó, động đất kích thích phải nhỏ hơn 5. Trận mạnh nhất hôm nay xảy ra có độ lớn 4,7 tôi đánh giá cũng là khá lớn", PGS.TS Triều chia sẻ.
PGS.TS Cao Đình Triều cho biết thêm, không có trường hợp nào động đất kích thích có độ lớn lớn hơn động đất tự nhiên, vì vậy, các trận động đất kích thích thường có độ lớn dưới ngưỡng dự báo.
"Động đất dưới 5 hầu như không ảnh hưởng đến đập thủy điện. Nó chỉ gây ra tiếng nổ to nếu xảy ra ở độ sâu chấn tiêu nông khiến dân hoang mang. Ngoài ra, những công trình của người dân có chất lượng kém có thể xảy ra hiện tượng nứt; khu vực đất bở bị ảnh hưởng...", PGS.TS Triều cho hay.
Hai trận động đất liên tiếp ở Kon Tum Hai trận động đất vừa xảy ra ở huyện Kon Plông, Kon Tum, sáng 4/6 sau gần một tháng khu vực này hứng chịu hàng chục vụ động đất. Trận động đất đầu tiên xảy ra khoảng 8h30 với độ lớn 3,7, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Hai giờ sau, trận động đất thứ hai xuất hiện với độ lớn 3,1...