Donald Trump được chuyển giao quyền lực tổng thống thế nào?
Quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền Tổng thống Barack Obama sang chính quyền mới của Donald Trump sẽ diễn ra trong hơn hai tháng với rất nhiều công việc cần làm.
Ông Donald Trump (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 10/11. Ảnh: AP
Vào ngày 20/1/2017, Donald Trump sẽ chính thức làm lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. Trước thời điểm này, tỷ phú Mỹ cũng như gia đình cùng đội ngũ nhân viên không thể tiếp cận các tài sản hay văn phòng làm việc do chính quyền liên bang quản lý (ngoại trừ những khu vực phục vụ chuyển giao quyền lực được Cơ quan Quản lý các Dịch vụ chung cung cấp), theo Guardian.
Tại cuộc gặp riêng kéo dài 90 phút với ông Trump hôm 10/11 ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết hai người đã thảo luận về chính sách trong nước, ngoại giao và các phương thức để bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ.
Thời gian chuyển giao quyền lực từ nay đến 20/1/2017 được cho là tương đối dài. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống trước đây còn lâu hơn thế.
Ban đầu, thời điểm tân tổng thống nhậm chức và Quốc hội mới khai mạc được ấn định vào ngày 4/3 của năm liền kề năm diễn ra bầu cử. Nguyên nhân là do đi lại khó khăn, đặc biệt trong những tháng mùa đông. Năm 1933, khi tu chính án thứ 20 của Hiến pháp được phê chuẩn, ngày nhậm chức tổng thống được lùi về 20/1 và ngày Quốc hội mới khai mạc cũng được dời về 3/1.
Thay thế 4.000 vị trí
Phó tổng thống đắc cử Mike Pence, người vừa được ông Trump chỉ định vào ghế chủ tịch ban chuyển giao quyền lực. Ảnh: AP
Chính quyền tổng thống đắc cử thường có một số khác biệt nhất định so với chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, tổng thống đắc cử phải có nghĩa vụ công bố về lựa chọn nội các trong quá trình chuyển giao quyền lực và Thượng viện mới (xác lập từ ngày 3/1) cần tổ chức các phiên điều trần trước ngày tổng thống nhậm chức nhằm giúp quá trình chuyển giao các vị trí quan trọng diễn ra liền mạch.
Bộ máy của tổng thống đắc cử cũng dành thời gian cân nhắc những ứng viên tiềm năng để bổ nhiệm vào nội các, cố gắng xác định xem liệu có tồn tại mối xung đột lợi ích nào cản trở việc bổ nhiệm hay không, đồng thời hỗ trợ công tác chuẩn bị về an ninh cho các ứng viên.
Có khoảng 4.000 vị trí trong nhánh hành pháp cần được bổ nhiệm người thay thế, trong đó 1.200 vị trí cấp cao (không bao gồm các thẩm phán liên bang) đòi hỏi Thượng viện phải phê chuẩn. Thông thường, mất từ 6 đến tháng 9 tháng để thay thế tất cả các vị trí cần Thượng viện chấp nhận và mất trên một năm để hoàn thiện các vị trí tầm trung không cần Thượng viện phê chuẩn.
Ban chuyển giao quyền lực của ông Trump tuần trước được cho là đã chuyển danh sách ba ứng viên tiềm năng để bổ nhiệm cho mỗi ghế trong 15 ghế bộ trưởng sau khi những người đứng đầu 22 tiểu ban chuyển giao quyền lực nộp bản kế hoạch chi tiết cho tổng thống mới đắc cử.
Video đang HOT
Trang tin Politico đưa tin các tiểu ban chuyển giao được yêu cầu nghiên cứu những tuyên bố của nhà tài phiệt New York và ưu tiên đề xuất bổ nhiệm các ứng viên có kinh nghiệm kinh doanh cũng như những người ủng hộ ông Trump.
Họ cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu, xác định những sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Obama mà ông Trump có thể dễ dàng thu hồi hoặc các vấn đề mà ông Obama bác bỏ, ví dụ như việc xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada sang Mỹ.
Theo Wall Street Journal, một tiểu ban chuyển giao quyền lực đang tập trung lên kế hoạch xây dựng một bức tường ở phía nam đất nước, dọc theo biên giới Mexico, nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Một số tiểu ban chuyển giao khác cũng đang thẩm định phương án tái thương lượng các điều khoản trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có hiệu lực vào năm 1994, và Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính phủ Mỹ đã ký nhưng Thượng viện chưa phê chuẩn.
Trong vài tuần tới, Trump và các trợ lý cấp cao sẽ nhận được những bản báo cáo an ninh quốc gia giống như Tổng thống Obama đang nhận.
Nhân sự ban chuyển giao quyền lực
Những gương mặt chủ chốt trong bộ máy nhân sự mới của Donald Trump. Đồ họa: Trọng Giáp – Việt Chung (Ấn vào ảnh để xem hình đầy đủ)
Chủ tịch ban chuyển giao quyền lực của Trump trước đây là Thống đốc bang New Jersey Chris Christie. Tuy nhiên, ông sau đó quyết định cử Phó tổng thống đắc cử Mike Pence thay thế vị trí này. Ông Christie chuyển xuống làm phó chủ tịch ban chuyển giao quyền lực.
Thượng nghị sĩ Jeff Sessions đến từ bang Alabama, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất nạn nhập cư trái phép vào Mỹ, cũng nắm giữ cương vị phó chủ tịch. Cựu thống đốc bang Utah Mike Leavitt được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn.
Cựu thượng nghị sĩ Rich Bagger ở bang New Jersey nắm chức giám đốc điều hành. Các thành viên khác của ban này gồm Ed Feulner, cựu chủ tịch Quỹ Heritage; Ron Nicol, cựu sĩ quan hải quân Mỹ kiêm cố vấn lâu năm của Tập đoàn Tư vấn Boston; William Walton, chủ tịch một quỹ đầu tư; David Malpass, cựu chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng đầu tư Bear Stearns.
Ngoài ra, danh sách thành viên ban chuyển giao quyền lực còn có các cựu quan chức chính quyền như cựu hạ nghị sĩ Mike Rogers, trung tướng lục quân về hưu Joseph Keith Kellogg, bộ trưởng tư pháp dưới thời tổng thống Ronald Reagan, ông Ed Meese, giám đốc văn phòng quản lý nhân sự dưới thời tổng thống George W. Bush, ông Kay Coles James…
Theo CNN, ban chuyển giao quyền lực của ông Trump có quy mô nhỏ hơn so với các ban chuyển giao quyền lực trong những kỳ bầu cử tổng thống gần đây. Họ chỉ có khoảng 80 nhân sự đang tham vấn ý kiến từ 200 chuyên gia. Con số trên có khả năng tăng lên khi đội ngũ vận động tranh cử cho ông được điều động sang ban chuyển giao quyền lực.
Wall Street Journal nhận định ban chuyển giao quyền lực của Trump có thể gặp khó khăn khi tuyển thêm nhân sự vì trước đó, ông từng tuyên bố bất cứ ai làm việc cho ban chuyển giao quyền lực sẽ bị cấm tham gia hoạt động vận động hàng lang cho cơ quan chính quyền bang mà họ hỗ trợ xây dựng nhân sự trong 5 năm. Ông cũng không tuyển những người có chuyên môn vận động hành lang và đang sử dụng chuyên môn này trong nghề nghiệp.
Khó khăn
Giới quan sát đánh giá rất ít thành viên ban chuyển giao của ông Trump am hiểu tiến trình chuyển giao quyền lực hậu bầu cử. Trong khi đó, kiểm tra tư cách những người được bổ nhiệm là một quá trình dễ gặp sai sót bởi những chi tiết nhỏ nhặt thường dễ bị bỏ qua.
Năm 1993, ông Bill Clinton đề cử bà Zoe Baird vào ghế bộ trưởng tư pháp. Nhưng sau đó, bà phải xin rút lui vì bị phát hiện thuê người giữ trẻ không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Tim Geithner, người được ông Obama đề cử làm bộ trưởng tài chính vào năm 2008, bị phát hiện chưa nộp 35.000 USD tiền thuế. Chỉ sau khi nộp đủ số tiền thuế còn nợ này và giải thích đây chỉ là lỗi bất cẩn, không phải cố ý, ông mới được Thượng viện phê chuẩn chức vụ.
Mặc dù ban chuyển giao quyền lực tổng thống được phân bổ 5 triệu USD từ ngân sách liên bang nhưng chi phí hoạt động trên thực tế thường vượt quá con số này. Ban chuyển giao quyền lực của Obama đã tiêu tốn đến 9 triệu USD và ông phải dựa vào nguồn tài trợ để trang trải chi phí dôi ra.
Mặc dù nhiệm vụ trọng tâm của ban chuyển giao quyền lực là lựa chọn các ứng viên để bổ nhiệm và hoạch định chính sách, họ vẫn có hàng trăm công việc khác phải hoàn thành, ví dụ như thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ của một cơ quan chính quyền, phân bố không gian văn phòng và trang thiết bị, đặt mua đồ dùng văn phòng… Đây là những công việc dễ bị bỏ sót. Chẳng hạn vào năm 2009, 50 nhân viên đầu tiên của chính quyền Obama không có máy tính hay giấy tờ để làm việc sau lễ nhậm chức tổng thống.
Hồng Vân
Theo VNE
Quê nhà Slovenia tự hào vì Melania Trump thành đệ nhất phu nhân Mỹ
Thị trấn nhỏ bé ở Slovenia, nơi bà Melania Trump sinh ra và lớn lên, đang vô cùng mong chờ một chuyến thăm từ bà trên cương vị mới là đệ nhất phu nhân Mỹ.
Thị trấn Sevnica bên bờ sông Sava. Ảnh: Kraji
Sau Louisa Adams, vợ của cố tổng thống John Quincy Adams đắc cử từ những năm 1820, bà Melania trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ đầu tiên có gốc gác nước ngoài. Điều đó khiến người dân tại thị trấn Sevnica, miền đông Slovenia, rất đỗi tự hào, dù họ không mấy ủng hộ chồng bà, ông Donald Trump, người vừa đắc cử tổng thống Mỹ.
Đứng cạnh một trong những lá cờ Mỹ tô điểm cho thị trấn nằm bên sông Sava, thị trưởng Srecko Ocvirk giải thích với Telegraph: "Đây là món quà dành cho Melania Trump. Tôi không bầu cho chồng bà ấy".
Nena Bedek, bạn học của bà Trump tại thủ đô Ljubljana, cũng tỏ rõ sự tự hào: "Cô ấy bây giờ là người phụ nữ quan trọng nhất thế giới. Tôi cảm thấy hạnh phúc cho Melania dù không mấy vui vì chiến thắng của chồng cô ấy".
Bất kể nghi ngại thế nào về ông Trump, 6.000 cư dân Sevnica đều không phủ nhận rằng họ mong đợi một chuyến thăm của vợ chồng nhà Trump, dù biết mình có thể phải chờ đợi lâu.
"Chúng tôi có tới 4 năm ở phía trước và chính phủ đang thúc đẩy một chuyến thăm chính thức. Bà Amalija, mẹ của Melania, đã hứa rằng con gái bà sẽ trở lại với tư cách cá nhân để gặp gỡ người thân và bạn bè thời thơ ấu", thị trưởng Ocvirk cho biết.
Bà Melania trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ sau khi ông Trump đắc cử tổng thống. Ảnh: REX
Bà Melania, 46 tuổi, có tên khai sinh Melanija Knavs, chào đời vào năm 1970 trong một gia đình trung lưu. Mẹ bà làm việc trong một nhà máy sản xuất quần áo trẻ em còn cha bà bán phụ tùng xe hơi. Gia đình họ ban đầu sống ở một căn chung cư, sau đó chuyển tới một căn nhà hai tầng gần sông Sava, ở rìa thị trấn.
Maja Kosmeri, một người bạn thuở nhỏ, nhớ lại: "Khi còn là những cô gái trẻ, chúng tôi cùng nghe nhạc pop phương Tây. Một ngày, Melania nhảy theo bài hát của Boy George và nói với tôi 'Ngay khi có thể, mình sẽ rời khỏi đây' ".
Mirjana Jelancic, một người hàng xóm hiện là hiệu trưởng trường tiểu học cũ của Melania, cho hay từ khi còn bé, bà đã rất sáng tạo. "Sevnica quá nhỏ bé với cô ấy".
Sau khi rời Sevnica, bà Melania theo đuổi sự nghiệp người mẫu ở Milan rồi đến Mỹ. Bà gặp tỷ phú Trump tại một bữa tiệc của tuần lễ thời trang New York hồi tháng 9/1998 và kết hôn với ông năm 2005. Một năm sau đó, bà hạ sinh con trai Barron và trở thành công dân Mỹ.
Roman Dolensek, một người địa phương, ca ngợi Melania đã "tự tái tạo bản thân", trở nên tri thức với vốn tiếng Anh hoàn hảo. "Không có cô ấy, ông Trump sẽ không bao giờ đánh bại được Hillary Clinton hay trở thành tổng thống", ông nói.
Người dân địa phương hy vọng rằng mối liên hệ của họ với gia đình Trump sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến với thị trấn hầu như còn khá xa lạ với cả người dân Slovenia, chưa kể đến người nước ngoài.
"Sự quan tâm của thế giới mang ý nghĩa tích cực vì Sevnica đang trên đà phát triển thành một điểm du lịch", thị trưởng Ocvirk nói.
Thảo Phan
Theo VNE
Donald Trump khó từ bỏ châu Á vì không muốn 'Mỹ yếu đuối' Mặc dù Donald Trump có thể giảm hiện diện của Mỹ ở châu Á nhưng với bản tính của mình, ông cũng không muốn tạo dựng hình ảnh nước Mỹ yếu ớt. Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP Theo những tuyên bố trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhiều nhà quan sát cho rằng tổng thống...