Donald Trump ca ngợi Anh rời khỏi EU
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và cho rằng người dân “đã lấy lại quyền kiểm soát đất nước của họ”.
Trực thăng của ông Trump hạ cánh xuống câu lạc bộ golf và nghỉ dưỡng Turberry ở Scotland. Ảnh: Reuters
Tỷ phú Mỹ hôm nay đã dừng lại để trả lời một số câu hỏi của phóng viên khi trực thăng của ông hạ cánh xuống câu lạc bộ golf và nghỉ dưỡng Turberry ở Scotland.
Theo Reuters, khi nhắc đến cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi EU, ông đáp: “Họ đã lấy lại quyền kiểm soát đất nước của mình. Đó là một điều tuyệt vời”.
“Người dân rất tức giận, trên toàn thế giới, họ rất giận dữ”, ông nói thêm. “Họ giận dữ về những đường biên giới, họ giận dữ về những người đến đất nước và chiếm chỗ. Thậm chí chẳng ai biết đó là ai. Họ tức giận về nhiều thứ”.
Khi được hỏi ông đang đề cập đến Mỹ hay Anh, ứng viên đảng Cộng hòa đáp: “Có nhiều nơi khác nữa. Đây sẽ không phải là nước cuối cùng”.
Trước cuộc bỏ phiếu ở Anh, ông Trump từng cho hay sẽ nghiêng về lựa chọn rời EU.
Video đang HOT
“Tôi nói rằng điều đó sẽ xảy ra và tôi nghĩ đó là điều tuyệt vời”, ông nói.
Donald Trump cùng con gái và con trai (hai bên) đến sân golf Turnberry, Scotland. Ảnh: Reuters
Ông Trump và Thủ tướng Anh David Cameron từng lời qua tiếng lại với nhau. Ông Cameron gọi chính sách chống nhập cư của tỷ phú Mỹ là sai lầm và gây chia rẽ. Ông ủng hộ Anh ở lại EU và đã tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 sau cuộc bỏ phiếu hôm nay.
Cách đây ít tháng, hơn nửa triệu người Anh đã ký đơn kiến nghị cấm ông Trump sang Anh, nơi ông có nhiều lợi ích kinh tế, sau khi ông kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo đến Mỹ.
Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố từ chức sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý mang tính lịch sử hôm qua kết thúc với kết quả người dân chọn rời khỏi EU. Cameron, có lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, nói ông đã chiến đấu bằng cả con tim và khối óc nhưng người dân đã chọn hướng đi khác.
Anh Ngọc
Theo VNE
Nỗi lo hiệu ứng domino khi Anh chọn rời EU
Các nhà phân tích lo lắng việc Anh chọn rời EU có thể khiến các nước khác theo chân, tác động đến cảnh quan chính trị châu Âu.
Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU. Ảnh: Reuters
Theo NBC, trong cuộc trưng cầu ý kiến, người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) 28 thành viên. Một cuộc thăm dò gần đây của YouGov cho thấy, trong số 7 nước được thăm dò, thì tại 6 nước, phần lớn người dân đều cảm nhận rằng nhiều nước sẽ theo đuôi Anh, chọn rời khỏi liên minh.
69% người Thụy Điển tin rằng sẽ có thêm nhiều nước rời EU hậu Brexit (Anh rời khỏi EU), 66% người Đan Mạch và 57% người Na Uy có cùng cảm nghĩ.
Stephen McGlinchey, cây bút của National Interest, cho rằng Brexit sẽ dẫn đến tranh luận về các vấn đề lớn: nguy cơ tan rã của khu vực đồng Euro, và thể là sự thu hẹp đáng kể của EU, về mặt thành viên và sức mạnh. McGlinchey cho rằng triển vọng kinh tế của châu Âu không phải là mạnh, và sự cám dỗ về viễn cảnh "bước đi một mình" hay ít nhất là xem xét nghiêm túc khả năng đó chắc chắn sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn với nhiều nước.
Không chỉ có vậy, cuộc khủng hoảng di cư đã mở ra tranh luận về một trong những trụ cột trung tâm của EU - người dân được đi lại tự do trong liên minh (với những hạn chế nhỏ trong một số trường hợp). Nếu liên minh không thể đưa ra được biện pháp hiệu quả giải quyết cuộc khủng hoảng thì trụ cột cơ bản này của EU có thể phải ra đi.
"Xét về góc nhìn của châu Âu, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một yếu tố, tôi nghĩ cần phải nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn là cuộc trưng cầu cho thấy đang có làn sóng phản đối EU và chủ nghĩa dân túy trên khắp lục địa. Tôi nghĩ kết quả rút ra được là những ngày các nước hợp nhất chặt chẽ với nhau về cơ bản đã chấm dứt", Carsten Nickel, một nhà phân tích rủi ro chính trị tại Teneo Intelligence, nói.
Trong khi khả năng Brexit sẽ kích thích các nước khác ở châu Âu theo chân khó là vấn đề ngay tức thì, Brexit "chắc chắn sẽ gieo hạt giống nghi ngờ", theo Paolo Dardanelli, quyền giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Liên bang tại Đại học Kent.
"Đan Mạch và Thụy Điển sẽ là những nước cần được chú ý đến", Dardanelli viết. Nickel thì cho rằng ngoài Thụy Điển và Đan Mạch, Hà Lan cũng là nước cần được theo dõi.
Ông Nickel cho rằng tại những nước này, người dân có thể nghĩ rằng "chúng tôi không muốn trả tiền cho người ở phía Nam Âu - những người không có khả năng cải cách nền kinh tế của họ".
Dardanelli thì nói rằng Brexit có thể mang đến 4 kết quả, một trong số đó là quan niệm rằng "hội nhập là số phận của châu Âu và điều đó không thể đảo ngược" sẽ bị tan vỡ.
Dardanelli cũng chỉ ra các kết quả khác, bao gồm việc các thành viên EU nhưng không sử dụng đồng Euro, như Đan Mạch và Thụy Điển sẽ bị cho "ra rìa" nhiều hơn; Ireland - một thành viên của khu vực đồng Euro nhưng gắn chặt với Vương quốc Anh lâm vào tình huống khó xử; và Đức "ở vị trí mạnh mẽ hơn trong khối nhưng cùng lúc đó mất đi một đồng minh quý giá trong các vấn đề như cải cách kinh tế, khả năng cạnh tranh, thương mại tự do và các lĩnh vực khác".
Theo Dardanelli , kết quả cuối cùng là "EU sẽ ít cạnh tranh và các nước sẽ ngả về chủ trương bảo vệ kinh tế trong nước hơn".
Phương Vũ
Theo VNE
Nhà cái đoán cựu thị trưởng London là tân thủ tướng Anh Cựu thị trưởng London Boris Johnson, dẫn đầu chiến dịch đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, có thể được chọn làm người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron. Cựu thị trưởng London Boris Johnson, ủng hộ rời khỏi EU, cùng vợ tại một điểm bỏ phiếu ở bắc London ngày 23/6. Ảnh: Reuters. Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay thông...