Đớn đau gia cảnh bé trai 5 tuổi không ăn được cơm
Đã được 5 tuổi, nhưng Việt không biết nói dù là một từ, những tiếng em nói được chỉ là âm thanh ú ớ, đã 5 năm em không thể ăn nổi hạt cơm.
Gia đình chị Nguyễn Thị Điệp, 28 tuổi, trú tại Xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nằm lụp xụp sau bụi cây rậm rạp của thôn An Mỹ. Ngôi nhà suốt bao năm qua luôn tràn ngập tiếng khóc, tiếng thở dài đau đớn của những người làm cha, làm mẹ trong gia đình.
Trong ngôi nhà ấy giờ chỉ còn chị Điệp ở nhà chăm 3 đứa nhỏ đầy rẫy bệnh tật, chồng đi làm ăn xa.
Chị Điệp và 3 đứa con thơ dại
Nhắc lại hoàn cảnh trớ trêu của mình, chị thở dài: “Tôi và anh Nguyễn Bá Cường đều có hoàn cảnh khó khăn đến với nhau vào năm 2005. Đến cuối năm thì sinh đứa con trai đầu lòng, cả gia đình và họ hàng đều hết sức vui mừng. Thế nhưng, không ai biết rằng đó chính là sự khởi đầu của nỗi bất hạnh mà vợ chồng phải gánh chịu”.
Khi bé đầu tiên Nguyễn Bá Quốc Việt được 5 tháng, thấy con suốt ngày kêu khóc, quặt quẹo, nhìn không có chút sức sống nào, chị Điệp mới ôm con lên bệnh viện khám, hung tin khiến chị Điệp suýt ngất xỉu: Bé Việt bị mắc chứng thiểu năng trí tuệ, không thể tự ý thức hành vi của mình, lớn lên sẽ thành người ngớ ngẩn.
Quá đau lòng, xót xa chị Điệp chỉ biết ôm con mà khóc, những hàng lệ nghẹn ngào hằng đêm cứ lăn dài nhưng vẫn không thể khiến con trai thoát khỏi chứng bệnh quái ác. Thương con chị Điệp mang hết tiền nhà, rồi chạy vạy, vay mượn họ hàng, người quen đưa con đi đến các bệnh viện để chữa trị, với hy vọng giúp con được bình thường như bao đứa trẻ khác.
Nghe có người nói tận trong tỉnh Đồng Nai có cơ sở chữa bệnh tốt, chị Điệp cũng ôm con vào tận cầu cứu, nhưng sau nửa năm bệnh vẫn không giảm, tiền cũng chẳng còn lấy một xu, hai mẹ con lại bồng bế nhau về căn nhà tồi tàn.
Video đang HOT
Hiện Quốc Việt đã được 5 tuổi, nhưng vẫn không biết nói dù là một từ, những tiếng bé nói được chỉ là âm thanh ú ớ. Đã 5 năm nay, Việt không ăn được cơm mà chỉ uống sữa, cả bộ răng của Việt giờ đã không còn lấy một cái.
Những tưởng sự bất hạnh chỉ đến với Việt, chị Điệp và anh Cường quyết định sinh thêm con.
Năm 2007 bé Nguyễn Bá Gia Tiệp ra đời, niềm hy vọng về một cậu con trai khỏe mạnh, bình thường chưa kịp nhen nhóm trong hai vợ chồng thì nỗi đau đã ập đến, Gia Tiệp bị mắc bệnh hiểm nghèo “tăng sản thượng thận bẩm sinh”. Nói một cách dễ hiểu, đây là bệnh ái nam ái nữ.
Tiệp là con trai nhưng cơ quan sinh dục lại của con gái, ngày nào cũng phải dùng thuốc, cứ ăn nhiều là nôn, sau đó ngất xỉu, mỗi lần như vậy chị Điệp lại phải đưa con đi cấp cứu.
Chị Điệp ngậm ngùi nói: “Muốn phẫu thuật để chỉnh lại cơ quan sinh dục cho thằng Tiệp ít nhất cũng mất trên 50 triệu, bây giờ ở nhà đến tiền ăn, tiền thuốc cho các cháu còn khó khăn, bận chăm 3 đứa chẳng có thời gian làm ăn gì nữa, bố cháu đi làm lương ba cọc ba đồng, không biết đến bao giờ mới có đủ tiền chữa bệnh”.
Năm 2009, nén đau thương chị Điệp động viên chồng cố thêm đứa nữa, biết đâu trời thương tình cho vợ chồng mình.
Ngôi nhà tồi tàn của mẹ con chị Điệp
Lần này, chị Điệp sinh một bé gái đặt tên Nguyễn Ngọc Diệp, Diệp chỉ khác mỗi anh trai Gia Tiệp về giới tính còn căn bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh lại y hệt.
Được một tuổi, trên da của bé Ngọc Diệp bắt đầu xuất hiện các vết bầm tím, chân tay thâm, chân trái bị teo nhỏ. Cố vay chút tiền, cho con đi khám, Chị Điệp được hay con gái bị u máu, giờ chỉ dung thuốc để kéo dài sự sống.
Kể đến đây người mẹ không cầm được nước mắt, tiếng nấc uất nghẹn. Từng lời nói của chị vỡ òa trong đau đớn: “Cũng là người sao con người ta khỏe mạnh là vậy, trong khi con mình lại phải chịu bất hạnh thế này, nếu một đứa thì đã đành, đằng nay cả ba đứa đều bệnh tật, giờ có cho đẻ cũng chẳng dám nữa”.
Sinh con ra đã phải chịu nhiều đau đớn, nhưng sự đau đớn đó đâu thấm gì với nỗi đau của người mẹ hàng ngày phải nhìn con mình ốm yếu, xanh xao mà không thể chữa trị.
Nhiều người nói do hai anh chị mắc chứng “đồng huyết” nên mới sinh con như vậy, bảo đi bệnh viện khám, nhưng tiền chữa bệnh cho con còn không có, nói gì đến mình.
Những ngày này, nhà nào cũng tràn ngập không khí tết, nào bánh kẹo, hoa đào, hoa mai. Nhưng căn nhà chị Điệp vẫn trống trơn, ảm đạm. Chỉ thấy trên bộ bàn ghế cũ kỹ, người mẹ đang xúc từng thìa miến mớm cho đứa con nhỏ nhất, trong khi đứa lớn đang tha thẩn chạy chân đất khắp vườn giữa mùa đông giá rét.
Mọi sự hỗ trợ của cộng đồng, độc giả đối với trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Điệp có thể chuyển đến tận tay cháu chị Điệp hoặc gửi theo địa chỉ: Nguyễn Thị Điệp, 28 tuổi, trú tại Xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Kinh Vân- Giang Uyên
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tiếng kêu tuyệt vọng từ căn lều rách nát
Nhắc đến hoàn cảnh anh Nguyễn Tá Cường, người dân thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) không ai không rơi nước mắt. Từ một chàng trai khỏe mạnh chí thú làm ăn phút chốc trở nên tàn tạ do căn bệnh teo thận quái ác.
Khi chúng tôi đến thăm, anh Cường nằm co quắp trên chiếc võng mắc góc nhà. Căn nhà khoảng 20m2 rách nát gió lùa trống huơ trống hoác như muốn sập bất cứ lúc nào. Thấy có khách đến thăm, anh nặng nhọc mở đôi mắt ra chào rồi nhắm nghiền lại thở dốc. Chị Châu Thị Thắm vợ anh cho biết, trước khi bị bệnh 2 vợ chồng đi phụ hồ. Cách đây một năm trong lúc đi làm tự nhiên mắt anh Cường bị mờ không thấy rõ, tưởng bị bệnh ở mắt nhưng khi đi khám chụp phim thấy 2 quả thận bị bạc trắng, bác sỹ kết luận là có bệnh nhưng không biết bệnh gì và yêu cầu ở lại theo dõi nhưng do không có tiền nên anh về nhà.
Hai vợ chồng anh Cường chị Thắm đang cần sự giúp đỡ để chữa bệnh
Bệnh ngày một nặng, mẹ chị Thắm ở Sóc Trăng bảo chị đưa anh Cường vô trong đó để bà đến chùa Khơme xin thuốc uống may ra có thể khỏi, nhưng uống một thời gian bệnh càng nặng thêm. Đi khám chụp phim bác sĩ kết luận 2 quả thận của anh Cường đã bị teo hoàn toàn.
Cách đây 1 tháng chị Thắm gửi lại đứa con gái 7 tuổi cho bà ngoại nuôi giúp để đưa anh Cường về quê vì: "Ảnh nói đưa ảnh về quê chứ ở trong đó lỡ chết thì lấy gì mà lo", chị Thắm thổn thức. Nghe nhắc đến con gái nước mắt anh Cường chảy dài trên má. Hai vợ chồng ôm nhau khóc.
Bây giờ chị phải ở nhà túc trực lo cho anh, nếu chị có đi đâu cũng nhờ hàng xóm qua trông dùm. "Tội hắn lắm chú ơi, mỗi khi lên cơn đau, hắn ngất lên ngất xuống mấy lần. Ăn cũng không được, ngủ cũng không được, ăn chi vô cũng ói ra chỉ có uống nước với sữa thôi, còn tối nằm xuống là thở dốc, vợ hắn phải ngồi cho hắn dựa lưng cả đêm", bà Mùi hàng xóm anh Cường cho biết. "Sao không đi bệnh viện?". Tôi thắc mắc. "Chú xem trong nhà hắn có cái gì bán được 10 ngàn không thì lấy tiền đâu mà đi bệnh viện", bà Mùi ngậm ngùi.
Nhìn căn nhà của anh Cường không ai nghĩ đó là căn nhà, đúng hơn là túp lều. Bên trong trống lốc, xung quanh là những tấm bạt vá chằng chụp. Vật dụng trong nhà ngoài nồi cơm điện và bếp ga cá nhân thì không còn gì có giá trị cả. Cũng theo bà Mùi từ khi 2 vợ chồng về quê đến nay chuyện ăn uống đều trông chờ vào sự giúp đỡ của anh em làng xóm, người cho lon gạo, kẻ cho vài ngàn đắp đổi qua ngày nhưng ở quê ai cũng nghèo thương biết vậy thôi.
Căn nhà rách nát của vợ chồng anh Cường
Ông Việt nhà cạnh bên cho biết thêm, vừa rồi thôn có làm cho anh Cường thẻ bảo hiểm người nghèo đi bệnh viện chữa bệnh, nhưng hẹn đến tháng 2 mới có, nhưng: "Biết nó có sống được đến tháng 2 không", ông Việt chua chát. Để cầm cự đến lúc đó, cứ 3 ngày chị Thắm lại chạy vào Hội đông y từ thiện Nhân Hòa ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) để xin thuốc uống như cầu may, nhưng bệnh vẫn không hết.
Khi chúng tôi ra về, ông Việt và bà Mùi chạy theo dặn đi dặn lại: "Chú cố giúp dùm nó, viết đăng lên báo biết đâu có ai thương tình giúp cho được ngàn nào đỡ ngàn nấy để hắn có tiền đi chữa bệnh, nó còn trẻ quá, mới 29 tuổi mà".
Theo Dân trí
Côi cút cậu bé phút chốc mất hết người thân Mỗi đêm về, Thành bơ vơ ôm bàn thờ mẹ và đứa em gái khóc. Giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đẫm nhòe đã bao đêm tỉnh giấc gọi thầm tên mẹ, tên cha. Trần Văn Thành, 12 tuổi, con anh Hà Văn Bình, chủ đò gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên tại Bến Đất Phú Hưng, Thành phố...