Đòn bẩy phục hồi kinh tế toàn cầu
Việc Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đã phản ánh những tác động hiện hữu của “cơn sóng thần” lây nhiễm do biến thể mới Omicron gây ra tại hầu hết các khu vực, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba và chưa thể chắc chắn khi nào mới kết thúc.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, WB cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc đáng kể trong năm nay, xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm mạnh xuống còn 3,2% năm 2023 khi gián đoạn trong chuỗi cung ứng kéo dài và các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ khổng lồ vốn được triển khai trong thời gian đại dịch. Dự báo tăng trưởng 4,1% cũng thấp hơn 0,2% so với mức 4,3% được WB đưa ra hồi tháng 6/2021, và con số này có thể còn giảm nếu biến thể Omicron tiếp tục hoành hành.
Nhà kinh tế trưởng của WB Ayhan Kose, tác giả báo cáo, cho rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron cho thấy đại dịch tiếp tục gây gián đoạn đối với nền kinh tế và tình trạng gia tăng các ca nhiễm làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế có thể khiến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm thêm 0,7%. Ông Kose khẳng định “có sự suy giảm rõ rệt đang diễn ra. Các chính sách hỗ trợ đang được rút lại và có vô số rủi ro ở phía trước chúng ta”. Theo ông, lãi suất tăng cũng gây thêm rủi ro và có thể làm suy yếu các dự báo tăng trưởng, đặc biệt nếu Mỹ và các nền kinh tế lớn khác bắt đầu tăng lãi suất vào mùa Xuân này, sớm hơn nhiều tháng so với dự kiến.
Xét theo từng khu vực và quốc gia, WB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc, đồng thời cảnh báo mức nợ cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đe dọa sự phục hồi ở các nền kinh tế đang phát triển.
Cụ thể, WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 từ 6,8% xuống 5,6%, năm nay và 2023 giảm xuống lần lượt còn 3,7% và 2,6%, khi các khoản tiết kiệm được sử dụng, sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ giảm đi và các nút thắt của chuỗi cung ứng dần được tháo gỡ.
Với kinh tế Trung Quốc, báo cáo cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2021, thấp hơn 0,5% so với dự báo trước đó. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo. Nguy cơ khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và những tác động đến giá nhà, chi tiêu tiêu dùng và tài chính của chính quyền địa phương được đánh giá là rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.
Video đang HOT
Trong khi đó, 19 quốc gia thuộc Eurozone dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng chung là 4,2% trong năm nay, giảm so với 5,2% năm vừa qua. WB cũng dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong năm 2021 là 1,7%, thấp hơn 1,2% so với dự báo hồi tháng 6 năm ngoái, song sẽ tăng lên 2,9% trong năm 2022.
Đáng chú ý, WB cảnh báo sự suy giảm sẽ xảy ra đồng thời với sự chênh lệch ngày càng lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Ở các nền kinh tế phát triển, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao và hỗ trợ tài chính đáng kể đã giúp giảm bớt một số tác động kinh tế bất lợi của đại dịch. Ngược lại, tốc độ phục hồi của các quốc gia mới nổi lại bị cản trở do chính sách hỗ trợ suy yếu và điều kiện tài chính bị thắt chặt.WB dự đoán tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% trong năm nay và 2,3% trong năm 2023. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ chậm lại ở mức 4,6%, thấp hơn so với con số 6,3% của năm 2021, và tiếp tục giảm xuống còn 4,4% trong năm 2023. Với các nền kinh tế dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng xung đột vũ trang, sự phục hồi còn chậm chạp hơn, thấp hơn 7,5% so với xu hướng trước đại dịch.
Chủ tịch WB David Malpass mô tả khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển như một “hẻm núi đang mở rộng” và điều này có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội và bất ổn. Ông Malpass nhấn mạnh “các nước đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề dài hạn nghiêm trọng liên quan tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chính sách vĩ mô toàn cầu và gánh nặng nợ”. Bên cạnh đó là áp lực kiềm chế lạm phát khi các hoạt động toàn cầu phục hồi cùng với sự gián đoạn nguồn cung, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Trong khi đó, chuyên gia Ayhan Kose cho rằng đại dịch đã đẩy tổng nợ toàn cầu lên mức cao nhất trong 50 năm qua. Theo báo cáo của WB, mức nợ ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm qua, khiến thu nhập bình quân đầu người tại một số nước vẫn dưới mức trước đại dịch trong năm 2022. Điều này đòi hỏi những nỗ lực tổng thể để đẩy nhanh tái cơ cấu nợ cho các nước đang gặp khó khăn, trong đó WB kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đẩy nhanh hơn việc xóa nợ cho các nước nghèo.
Cảnh báo về việc gia tăng bất bình đẳng thu nhập, báo cáo của WB cho rằng, trên khắp thế giới, tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng do nhiều người bị mất việc làm hoặc chịu những tổn thất lớn về thu nhập. Những người thuộc nhóm thu nhập thấp hơn như phụ nữ, lao động phổ thông và phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo WB, 100 triệu người nữa có thể phải trải qua cảnh nghèo cùng cực trong năm nay vì đại dịch, trong khi những người giàu sẽ ngày càng giàu hơn, khi giá cổ phiếu và tài sản của các công ty công nghệ đạt mức cao mới.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, cần có sự hợp tác toàn cầu và các chính sách quốc gia hiệu quả để giải quyết những phí tổn liên quan đến các thảm họa thời tiết và khí hậu. Các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng và các sự kiện liên quan tới khí hậu có thể làm chệch hướng phục hồi ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Hợp tác toàn cầu là cần thiết để đẩy nhanh tiến trình đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và để giảm chi phí kinh tế, y tế và xã hội của biến đổi khí hậu tại các cộng đồng dễ bị tổn thương. Cộng đồng quốc tế có thể trợ giúp mở rộng quy mô thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường đầu tư xanh, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Cùng chung nhận định với WB, Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 11/1 một lần nữa coi cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn và đại dịch COVID-19 là rủi ro lớn nhất trong trung hạn. Theo WEF, trong ngắn hạn (trong vòng 24 tháng tới), thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do COVID-19 và những rủi ro do không hành động về khí hậu. Trong giai đoạn trung hạn (từ năm 2024-2027), WEF đã đưa rủi ro do không hành động về khí hậu lên vị trí đầu tiên, tiếp đó là thời tiết cực đoan và tình trạng suy yếu gắn kết xã hội. Về dài hạn (từ năm 2027-2032), ngoài rủi ro về khí hậu, WEF cũng nêu bật mối đe dọa về đa dạng sinh học.
Trước những dự báo không mấy sáng sủa về tăng trưởng toàn cầu năm 2022, bà Mari Pangestu, Giám đốc Điều hành chính sách phát triển và quan hệ đối tác của WB, khẳng định: “Những quyết sách mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình tăng trưởng của thập niên tới. Ưu tiên trước mắt là đảm bảo vaccine được triển khai rộng rãi và công bằng để kiểm soát được đại dịch COVID-19″. Tuy nhiên, chuyên gia WB cho rằng để giải quyết những thụt lùi trong tiến trình phát triển như sự gia tăng bất bình đẳng sẽ cần những sự hỗ trợ lâu dài. Trong giai đoạn nợ tăng cao, hợp tác toàn cầu sẽ là điều cần thiết để giúp tăng nguồn lực tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển, nhằm giúp các nước này đạt được sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Đây sẽ là đòn bẩy để đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn u ám và trở lại lộ trình tăng trưởng vững chắc.
Tác động của cạnh tranh Mỹ-Trung với bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2022
Các công ty lớn nguy cơ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và trong một số trường hợp, họ bị hạn chế lựa chọn khi cả hai nước này đều là những thị trường quan trọng.
Đó là nhận định của nhà phân tích chính sách Ấn Độ Tridivesh Singh Maini trên trang thegeopolitics.com mới đây.
Vào giữa tháng 12/2021, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ và một số tổ chức Chính phủ Trung Quốc. Học viện khoa học quân sự và một số đơn vị hỗ trợ liên quan đến quân đội Trung Quốc cũng nằm trong danh sách này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc điện đàm trực tuyến tháng 11/2021. Ảnh: DW
Theo những hạn chế trên, các công ty Mỹ bị cấm bán một số thành phần cho các đối tác phía Trung Quốc mà không có giấy phép. Khi bình luận về quyết định của Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: "Chúng tôi không thể cho phép hàng hóa, công nghệ và phần mềm hỗ trợ khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học của Mỹ bị chuyển hướng sang các mục đích sử dụng trái với an ninh quốc gia của Mỹ".
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã ban hành một đạo luật liên quan tới nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Trung Quốc, theo đó áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hàng từ Tân Cương, trừ khi chứng minh rằng không có việc lạm dụng lao động để sản xuất bất kỳ mặt hàng nào trong số này.
Cuối tháng 12/2021, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Chính phủ Mỹ để phản ứng với các lệnh trừng phạt của Washington. Ngày 30/12/2021, Trung Quốc cũng trừng phạt 5 quan chức Mỹ, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại Kỳ Wilbur Ross, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc Carolyn Bartholomew và cựu Giám đốc Ủy ban Điều phối của Quốc hội về Trung Quốc Jonathan Stivers. Hành động này của Bắc Kinh là một biện pháp trả đũa để đáp lại việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc tại Đặc khu hành chính Hong Kong vào ngày 20/12/2021 - trong đó có 5 Phó Giám đốc văn phòng liên lạc của Chính phủ Trung Quốc tại Hong Kong.
Các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Mỹ trên có nghĩa là họ không được phép vào Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Ma Cao và các tài sản của họ ở Trung Quốc sẽ bị đóng băng. Những cá nhân này cũng sẽ không được phép giao dịch với các công dân và tổ chức của Trung Quốc.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã khiến cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và một số đồng minh của Washington suy giảm, như Anh, Canada, Australia... Mới đây, ba nước này đã cùng Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Vì vậy, không chỉ quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia trên có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, mà ngay cả sự hợp tác trong các lĩnh vực như du lịch và giáo dục (sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cộng đồng sinh viên quốc tế tại Anh và Australia) cũng bị tác động tiêu cực trong thời gian tới.
Theo ông Maini, trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, câu hỏi đặt ra là các quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả Washington và Bắc Kinh sẽ phải cân bằng thế nào?
Trong khi Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Australia rõ ràng đã nghiêng về Mỹ, thì ở Trung Đông, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa ra một thông điệp rõ ràng, đó là sẽ không nghiêng hẳn về bên nào. Một ví dụ điển hình cho điều này là quyết định của UAE hủy bỏ thỏa thuận mua máy bay tiêm kích đa nhiệm F-35 trị giá 23 tỷ USD từ Mỹ. Thỏa thuận này được ký kết vào năm 2020, nhưng Mỹ đã cảnh báo UAE về việc sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc, đồng thời phản đối việc xây dựng một cơ sở trong Dự án Cảng Khalifa, do nghi ngờ đây là một tiền đồn quân sự của Trung Quốc.
Trong khi UAE và Mỹ khẳng định rằng mối quan hệ của họ rất bền chặt, thì UAE vẫn tuyên bố không muốn tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh lạnh nào giữa Washington và Bắc Kinh. Bên cạnh đó, mối quan hệ của Saudi Arabia với Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng sau khi tình báo Mỹ được cho là đã tìm thấy bằng chứng về việc Trung Quốc hỗ trợ Saudi Arabia phát triển tên lửa đạn đạo.
Không chỉ các quốc gia, mà cả các doanh nghiệp cũng có thể bị kéo vào việc "chọn phe" giữa Mỹ và Trung Quốc. Tadashi Yanai, Giám đốc điều hành của Fast Retailing, công ty mẹ của tập đoàn thiết kế nổi tiếng Nhật Bản Uniqlo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng doanh nghiệp này không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ. Ông Yanai đã chỉ ra một thực tế thú vị rằng, bất chấp những cảnh báo về mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đang xấu đi, sự liên kết giữa hai nước vẫn khá chặt chẽ. "Nhìn bề ngoài, dường như Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ khá kỳ quặc, nhưng thực tế không phải vậy, nguồn vốn tài chính của Mỹ vẫn đang chảy vào các khoản đầu tư Trung Quốc".
Tóm lại năm 2022, ngoài mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng sẽ rất thú vị khi theo dõi các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả Washington và Bắc Kinh đưa ra những quyết định của mình. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có lẽ sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh lạnh giữa Washington và Bắc Kinh bởi vì cả hai đều là thị trường quan trọng, nhưng trong một số tình huống nhất định, họ có thể bị hạn chế các lựa chọn.
OPEC+ tăng thêm 400.000 thùng dầu/ngày trong tháng 2 Ngày 3-1, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối (OPEC ) quyết định tăng sản lượng dầu mỏ thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2-2022. Quyết định này lập tức nhận được sự hoan nghênh của Mỹ. OPEC quyết định tăng sản lượng dầu mỏ thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2-2022 - Ảnh: TASS Kể từ tháng...