Đôi vợ chồng công nhân nhận 2 trẻ lang thang về nuôi dưỡng
Với đồng lương công nhân ít ỏi, việc chăm lo cho 3 đứa con đẻ đã vất vả lắm rồi, nhưng vợ chồng ông lại nhận 2 đứa trẻ lang thang về nuôi nấng, cho ăn học. Ông bảo, thấy chúng nó đói khổ, rét mướt, không thể làm ngơ.
Vợ chồng ông Nguyễn Năng Cậy, bà Lê Thị Hồng trong căn nhà đã cưu mang 2 đứa trẻ lang thang
Căn nhà khang trang ngay sát chợ Vinh (phường Hồng Sơn, Tp Vinh, Nghệ An) là nơi vợ chồng ông Nguyễn Năng Cậy (SN 1944) và bà Lê Thị Hồng (SN 1945) sống với vợ chồng người con trai út. Đây cũng là mái ấm đã từng cưu mang hai đứa trẻ lang thang, đói khát ở chợ Vinh cách đây gần 20 năm. Những đứa trẻ ngày ấy bây giờ đã trưởng thành, có công việc ổn định, nhưng với tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ, ông bà vẫn chưa bao giờ thôi hướng về các con, dẫu đó không phải là máu mủ của mình.
Sau thời gian chiến đấu trong quân ngũ, ông Nguyễn Năng Cậy chuyển ngành về công tác tại Bưu điện tỉnh Nghệ An, vợ ông, bà Lê Thị Hồng là nhân viên văn phòng của Công ty chè. Lần lượt 3 đứa con ra đời. Mức lương công nhân của ông bà thời đó không dễ dàng lo cho các con ăn học. Nhưng chính trong cái thời buổi khốn khó ấy, ông bà đã dang rộng vòng tay để đón cậu bé Thạch Quang Tiến về nhà nuôi nấng.
Đó là vào năm 1989, một cậu bé gầy gò, rách rưới rụt rè gõ cửa gia đình ông Cậy xin ăn. “Nhìn hắn gầy đét, mặc mỗi cái áo mỏng manh trong cái giá lạnh thấu xương của những ngày giáp tết mà thương. Tôi bảo vợ lấy cơm cho nó. Hắn kể quê ở Nghi Lộc, bỏ nhà đi lang thang và được một đơn vị bộ đội nuôi nấng. Đơn vị chuyển quân, thằng Tiến (tên cậu bé) bị lạc nên tìm đến chợ Vinh xin ăn. Ở đó, mấy thằng bụi đời bắt nó đi móc túi, ăn căp, nó không chịu nên đói quá, phải đi xin ăn”, ông Cậy kể.
Video đang HOT
Nhìn thấy bản chất tốt đẹp nơi cậu bé lang thang này, một phần cảm thương cho hoàn cảnh của Tiến, ông Cậy bàn với vợ đưa cậu bé về nhà nuôi. “Hồi đó, hai vợ chồng nuôi 3 đưa con đang tuổi ăn tuổi học đã vất vả lắm rồi nhưng khi tôi bàn với bà Hạnh nhận thằng Tiến về nuôi, rất may bà ấy đồng ý ngay”, ông Cậy nhớ lại.
Vào thời điểm đó, việc nhận Thạch Quang Tiến làm con nuôi rất khó khăn do Tiến đã hơn 10 tuổi, có mẹ đang ở quê Nghi Lộc nên dù muốn, vợ chồng ông Cậy cũng không thể ghi tên Tiến vào hộ khẩu gia đình. Dù không thể hợp thức hóa Tiến làm con của mình, việc nuôi dạy Tiến được ông chú ý hơn so với 3 người con ruột. Tiến quá tuổi đến trường, do vậy, ông Cậy là người thầy trực tiếp dạy chữ cho Tiến. Thằng bé ngoan ngoãn, chăm chỉ, thật thà và tiếp thu cũng khá nhanh nhưng nó ốm yếu quá khiến ông bà cũng nhiều phen mất ăn mất ngủ.
Bà Hồng nhớ lại: “Thời điểm Tiến đến nhà tôi ở nó gầy đét, đen đúa đến tội nghiệp. Đã thế còn bị mọc những cái nhọt lớn khắp người, phát nóng phát sốt phải đưa đi bệnh viện chữa trị”. Vừa chăm lo cho 3 đứa con đẻ, vừa phải nuôi nấng, chăm sóc đứa con nuôi, cũng có khi không tránh khỏi sự tỵ nạnh của các con khi tình yêu thương bị san sẻ. Thế nhưng, trước tấm lòng nhân từ của bố mẹ, các con của chị cũng hiểu ra, cùng bố mẹ chăm sóc, dạy dỗ đứa em nuôi kém may mắn của mình
Được chăm sóc, nuôi nấng, dạy chữ, Tiến xin bố mẹ nuôi tự lập, ngày đi bốc vác ở chợ Vinh, tối về học chữ do bố dạy. Số tiền Tiến kiếm được, ông bà Cậy không giữ mà để cho Tiến làm vốn riêng để sau này đi học lấy cái nghề nuôi thân.
Khi đủ tiền đi học lái xe, Tiến xin bố mẹ đi học. Ra trường, tích cóp trong nhiều năm, vừa mua xe chạy hàng, vừa học bổ túc văn hóa. Tới nay, Tiến đã là giáo viên một trường dạy nghề lái xe ở TP Vinh. Ông Cậy khuyên Tiến về nhận mẹ và họ hàng. “Không rõ hồi nhỏ giữa nó với gia đình có khúc mắc chi nhưng nó nhất quyết không chịu về quê nhận lại họ hàng. Tôi bảo, làm con, không được quên công ơn sinh thành của cha mẹ. Nếu con thích, con cứ ở đây với bố mẹ và các anh chị nhưng phải làm tròn đạo hiếu với mẹ con ở quê. Rồi nó về nhận lại họ hàng, lấy vợ, sinh con. Giờ có công việc ổn định, ra ở riêng nhưng lễ tết nó đều có mặt như những người con khác trong nhà. Giờ nó cũng tạm gọi là thành công rồi nhưng tôi vẫn thương nó quá vì chuyện vợ chồng không được như ý muốn”. Ông Cậy cho biết thêm.
Cậu bé Trần Văn Tuấn cũng trở thành đứa con thứ 5 của ông bà trong một dịp tình cờ như thế. Bố Tuấn mất sớm, mẹ đi bước nữa. Người cha dượng không muốn vướng bận với đứa con riêng của vợ nên buộc chị phải gửi con đi. Không còn cách nào khác, chị đành gửi con cho một bà bán quán ở chợ Vinh. Người đàn bà được nhờ nuôi Tiến cũng nghèo quá, bà đành bỏ Tuấn trong một cái mẹt ở chợ Vinh, chờ đợi sự thương hại của người đời.
Thạch Quang Tiến (thứ 2 từ trái qua) chụp ảnh cùng gia đình bố mẹ nuôi (ảnh do gia đình cung cấp)
“Một hôm tôi đi qua, thấy người ta xúm xít quanh một đứa trẻ nhỏ thó, gầy đét. Thằng bé mới hơn 3 tuổi thôi nhưng cứ bám lấy quần của mấy bà trông xe trong chợ, bảo đi tìm bố cho cháu, mẹ cháu không thương cháu nữa. Tôi thấy thương quá nhưng hồi ấy nhà 4 đứa con nên cũng không dám nhận về nuôi. Sáng hôm sau, vừa mở cửa ra đã thấy mẹ thằng Tuấn bế con đứng ở cổng. Cô ấy nhờ tôi nuôi giúp thằng Tuấn. Không muốn thấy cái cảnh nó cứ nằm co ro trong cái mẹt, chờ người ta bố thí cho mấy đồng bạc lẻ, hai vợ chồng tôi nhận lời”, ông Cậy kể tiếp.
Tuấn được đổi họ theo họ bố nuôi. Cái tên Nguyễn Năng Tuấn được ghi vào sổ hộ khẩu của vợ chồng ông Cậy và trở thành đứa em út trong nhà. Được bố mẹ, các anh chị thương yêu nhưng càng lớn, Tuấn càng ngỗ nghịch. “Vợ chồng tôi cũng hết khổ vì Tuấn, được mời lên gặp giáo viên với Ban giám hiệu nhà trường suốt. Tôi cố gắng ép nó học hết lớp 9 rồi cho đi học nghề. Giờ nó đang làm việc bên công ty của đứa con gái đầu của vợ chồng tôi”.
Nhờ sự khuyên bảo của bố Cậy, mẹ Hồng, Tuấn cũng đã tìm về và nối lại tình cảm với người mẹ ruột. Cậu thanh niên 24 tuổi bây giờ cũng đã biết chí thú làm ăn, bằng lòng với công việc phụ giúp chị gái. “Đến khi nào thằng Tuấn lấy vợ, có gia đình riêng, vợ chồng tôi mới có thể yên tâm được”, bà Hồng cho biết.
Tâm sự với chúng tôi, Thạch Quang Tiến luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho bố mẹ và những người anh chị em nuôi. “Bố Cậy, mẹ Hồng không sinh ra tôi nhưng có công dưỡng dục, nuôi nấng. Nếu như ngày đó không có bố mẹ dang rộng vòng tay đón về nhà thì có khi bây giờ tôi cũng đã trở thành một kẻ du thủ, du thực rồi. Công ơn của bố Cậy, mẹ Hồng đối với tôi mà nói, không có gì có thể sánh được. Tôi mang ơn bố mẹ, trân trọng những gì bố mẹ và các anh chị đã dành cho mình”.
Theo Dantri
ĐH Ngoại thương hỗ trợ tiền Tết cho sinh viên nghèo học giỏi
Chiều 30/1, Ban giám hiệu và Thành đoàn Trường ĐH Ngoại thương tổ chức trao phần thưởng hỗ trợ sinh viên nghèo đón Tết Quý Tỵ 2013. Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đây là hoạt động nhằm khích lệ cho các sinh viên vượt khó có thành tích tốt trong học tập.
Năm nay, ĐH Ngoại thương đã hỗ trợ cho 43 sinh viên (SV) nghèo vượt khó. Mỗi suất hỗ trợ trị giá bằng tiền mặt là 1 triệu đồng. Tất cả các SV được nhận hỗ trợ đều có kết quả học tập năm học 2011 - 2012 từ 7,0 trở lên; có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt).
Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hoàng Văn Châu trao phần thưởng tới các sinh viên nghèo học giỏi .
Trong 43 SV nhận hỗ trợ xuất hiện các gương mặt xuất sắc có điểm trung bình chung học tập đạt 8,85 như em Phùng Thị Phương Ngoan - lớp A8 Kinh tế Đối ngoại có bố là bệnh binh 2/3, tỷ lệ mất sức lao động 71%, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hay em Bùi Thị Hằng - lớp A4 Kinh tế Đối ngoại, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mất sớm...
Theo thầy Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, mặc dù năm nay điều kiện kinh tế nói chung khá khó khăn nhưng nhà trường vẫn cố gắng dùng ngân sách trong các khoản thu để hỗ trợ các SV nghèo học giỏi.
Nhận được món quà trước thềm Tết Nguyên đán, SV Hoàng Văn Phia - K49 ngành Kinh tế Đối ngoại xúc động chia sẻ: "Phần thưởng nhà trường hỗ trợ cho chúng em không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần để cố gắng học tập vươn lên".
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có công điện gửi các Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đảm bảo điều kiện cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, HS, SV đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 an toàn và tiết kiệm. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động đón Tết lành mạnh, thiết thực và ý nghĩa; tránh xa hoa, lãng phí. Chú trọng chăm lo đời sống vật chất HS, SV thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết cùng gia đình, không để xảy ra trường hợp HS, SV xa nhà, không có Tết.
S.H
Theo dân trí
Vụ tân SV bị đánh: 32 SV xin chuyển điểm thực tập Chiều 11/1, sinh viên (SV) của lớp thực tập bị hành hung tập thể đã có đơn kiến nghị lên Ban giám hiệu nhà trường xin được chuyển địa điểm thực tập. 32 sinh viên lớp K43 ATK HN4, trường CĐ Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp, lớp có sinh viên bị hành hung vào đêm 7/1 tại Phổ Yên, Thái Nguyên,...