Đối thoại Trung Mỹ: Mâu thuẫn không thể giải quyết
Cuộc đối thoại Trung – Mỹ về Chiến lược và Kinh tế lần thứ 6 kết thúc ngày 10/7 mà không đạt được tiến bộ đáng kể nào. Hai chủ đề chính là tình hình Biển Đông và an ninh mạng tiếp tục khoét sâu hố ngăn cách giữa Washington và Bắc Kinh.
Đúng như tên gọi, cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế lần này bao gồm các chủ đề chính là an ninh mạng, tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, chính sách kinh tế.
Kết quả duy nhất đạt được sau 2 ngày đàm phán là việc Trung Quốc đồng ý bớt can thiệp vào thị trường tiền tệ của mình. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên phát biểu: “Chúng tôi sẽ để liên hệ cung – cầu của thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc ấn định tỷ giá hối đoái, mở rộng biên độ thả nổi và tăng tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói rằng, đây là một thắng lợi cho cả hai nước. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Mỹ kêu gọi Trung Quốc thả nổi tỷ giá đồng tiền và cũng chả phải lần đầu Bắc Kinh hứa sẽ bớt can thiệp.
Sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, những khoản chi tiêu khổng lồ của Chính phủ Trung Quốc đã kích thích sự tăng trưởng kinh tế của nước họ và góp phần vực dậy các nền kinh tế khác trên thế giới. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc nói rằng những chương trình chi tiêu đó đã chấm dứt và Mỹ cần phải nắm giữ vai trò thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 9/7.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tố cáo Trung Quốc trên vấn đề an ninh mạng và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong ngày thứ hai của cuộc đối thoại, Ngoại trưởng John Kerry lên án các cuộc tấn công tin học từ Trung Quốc nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ, đe dọa khả năng cạnh tranh của kinh tế Mỹ.
Trong phát biểu sau một phiên họp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, ông John Kerry khẳng định: “Việc đánh cắp sở hữu trí tuệ do tin tặc giống như dội nước lạnh vào khả năng cách tân và đầu tư. Các hoạt động tin tặc gây thiệt hại cho nền kinh tế chúng tôi và đe dọa khả năng cạnh tranh của Mỹ”.
Quan hệ Mỹ – Trung xấu đi hồi tháng 5/2014, sau khi giới tư pháp Mỹ truy tố 5 sĩ quan Trung Quốc vì tội tin tặc và gián điệp kinh tế. Bắc Kinh trả đũa bằng cách rút khỏi nhóm làm việc chung về an toàn tin học. Chính quyền Bắc Kinh liên tục chỉ trích Washington “đạo đức giả” và khẳng định bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân của tin tặc, đồng thời lên án mạng lưới gián điệp mạng rộng lớn của tình báo Mỹ. Như vậy, Bắc Kinh và Washington đã không đạt được bước tiến đáng kể nào ngoài những lời tố cáo nhau trong vấn đề gián điệp tin học, hồ sơ hàng đầu của cuộc đối thoại chiến lược lần này.
Vấn đề chủ quyền tại Biển Đông gây chia rẽ nhất trong cuộc đối thoại lần này giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc thường xuyên cảnh báo Mỹ không nên tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh trong các lĩnh vực kinh tế và ngoại giao và họ xem chính sách xoay trục châu Á của Mỹ là một phần của chiến lược ngăn chặn đó. Các giới chức Mỹ nhiều lần bác bỏ tố cáo đó và khẳng định là Mỹ hoàn toàn ủng hộ cho “sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc ổn định, hòa bình và thịnh vượng”.
Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại lần này, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: Washington và Bắc Kinh đang cố gắng tránh một cuộc đối đầu mà ông cho là sẽ đem lại “tai họa”. Ông Tập nói: “Đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, đối với hai quốc gia và đối với cả thế giới, sẽ dứt khoát là một thảm họa. Trong các tình huống này, chúng ta ở cả hai bên phải nhìn xa, củng cố và tiếp tục hợp tác, và tránh đối đầu”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 10/7.
Video đang HOT
Tuyên bố đó tuy nhiên đã không ngăn cản Mỹ nêu bật quan điểm bất đồng tình của mình trước hành động của Bắc Kinh trên nhiều vấn đề trong đó có Biển Đông. Theo Hãng AFP, trong buổi họp kín với phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã mạnh mẽ gây sức ép với Trung Quốc trong hồ sơ tranh chấp biển đảo khi cảnh báo đối tác Trung Quốc là Washington không thể chấp nhận các mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây là hai nơi mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.
Theo một quan chức ngoại giao Mỹ, ông Kerry đã nói thẳng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao Dương Khiết Trì rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng đều không có quyền “hành động đơn phương để đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền hay lợi ích của mình”. Theo nguồn tin trên, thì phía Mỹ đã tái khẳng định sự cần thiết của “một trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, và yêu cầu Trung Quốc “đóng góp và tham gia vào trật tự đó, thay vì chống lại các chuẩn mực khu vực và toàn cầu”.
Quan chức cao cấp Mỹ tiết lộ tiếp là phía Mỹ đã nói rõ với đối tác Trung Quốc rằng: “Tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra một hiện trạng mới bất kể sự ổn định của khu vực, sự hài hòa của khu vực, là điều không thể chấp nhận được”.
Trung Quốc đang dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam và Philippines. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh có hành động hung hăng hơn trong mưu toan bành trướng tại Biển Đông, làm tình hình căng thẳng hẳn lên khi đưa giàn khoan xuống hạ đặt trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cho tàu Trung Quốc đâm vào các tàu công vụ và tàu cá Việt Nam đến gần giàn khoan, dùng vòi rồng xua đuổi tàu Việt Nam, thậm chí bắt giữ ngư dân Việt Nam.
Ngay khi bước chân lên máy bay sang Trung Quốc tham dự đàm phán, Ngoại trưởng John Kerry ngày 8-7 tuyên bố rằng, Mỹ “hết sức quan ngại” về “sự sẵn sàng của các bên tranh chấp trong việc sử dụng các lực lượng quân sự, bán quân sự, tuần duyên nhằm thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền của mình. Mỹ đặc biệt tố cáo tính chất mập mờ của tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà Bắc Kinh dùng làm cơ sở để đòi thâu tóm gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước khác, trong đó “có Việt Nam và Philippines”.
Trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng thường xuyên cho tàu thuyền và máy bay quân sự tiến vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang được đặt dưới quyền kiểm soát của Tokyo, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Liên quan tới vấn đề ở Biển Đông, nhật báo Anh Financial Times, số ra ngày 10-7-2014, cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng chiến thuật mới để răn đe Trung Quốc ở Biển Đông. Theo tờ báo, chiến thuật mới được Lầu Năm Góc triển khai bao gồm nhiều thành tố, trong đó có việc sử dụng một cách thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn các loại máy bay trinh sát cũng như tàu hải quân ngay tại khu vực có tranh chấp.
Sự kiện đầu tiên phản ánh chiến thuật mới đó diễn ra vào tháng 3/2014 khi Mỹ cho một chiếc máy bay trinh sát P-8A bay ngang qua bãi Second Thomas Shoal ở khu vực Trường Sa. Tại nơi đó, tàu Trung Quốc đang phong tỏa đường tiếp tế cho một toán thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên bãi mà Manila tuyên bố chủ quyền nhưng bị Bắc Kinh tranh chấp. Máy bay Mỹ đã bay rất thấp, sao cho phía Trung Quốc có thể nhìn thấy được.
Cũng như vậy, ngày 30/6 vừa qua, một chiếc máy bay EP3 của Mỹ cũng đã bay qua khu vực có giàn khoan HD-981 của Trung Quốc, và ở độ cao rất thấp, chỉ khoảng 200m. Sau đó, có thêm một chiếc trinh sát cơ RC135 của Mỹ bay ở độ cao 3.000m. Đây là một khu vực dày đặc tàu Trung Quốc được phái tới để bảo vệ giàn khoan của họ.
Trả lời báo Financial Times, một cựu quan chức Lầu Năm Góc xác nhận đó là một chiến thuật mới của Hải quân Mỹ và nói: “Thông điệp là chúng tôi biết những gì quý vị đang làm, hành động của quý vị sẽ có hậu quả, chúng tôi vừa có khả năng vừa có quyết tâm và chúng tôi đang hiện diện ở đây”.
Như vậy có thể thấy cuộc đối thoại Mỹ – Trung về chiến lược và kinh tế ngày càng mang tính hình thức hơn là thực chất. Sau 6 lần đàm phán, hai bên vẫn chưa đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nào.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Stapleton Roy nói: “Đối thoại kiểu này không phải là hình thức mà chúng ta mong muốn. Và vì thế, điều hết sức quan trọng đối với chúng ta là phải có các cơ chế có tác dụng và tìm cách giải quyết các loại vấn đề nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Chuyên gia phân tích của Viện Kinh doanh Mỹ, ông Michael Auslin nói các cuộc đàm phán này chẳng hoàn thành được điều gì. “Tại sao chúng ta lại tiếp tục nuôi ảo tưởng rằng cơ chế đối thoại trên là quan trọng hay xây dựng?”. Theo lời ông Auslin, Washington quả là ngây ngô về tham vọng của Trung Quốc.
“Điều này không có nghĩa là chúng ta biến Trung Quốc thành kẻ thù số 1 của chúng ta. Nó không có nghĩa là chúng ta thành lập một NATO châu Á chống lại Trung Quốc. Tôi nghĩ nó có nghĩa là ta chỉ hành động một cách thực tiễn và hiểu rằng Bắc Kinh rất ít quan tâm đến việc tôn trọng bất cứ nguyên tắc nào mà chúng ta coi là quan trọng đối với chúng ta trong việc hợp tác một cách xây dựng với chúng ta hay các đồng minh của chúng ta” – ông Auslin kết luận
Theo An Ninh Thủ Đô
Mỹ Trung ngờ vực nhau sau đối thoại chiến lược
Dù Washington và Bắc Kinh tung ra những lời ca ngợi thiện chí hợp tác và thu hẹp khác biệt trong đối thoại chiến lược và kinh tế vừa qua, giới phân tích cho rằng hai nước lớn còn nghi ngại nhau hơn sau cuộc gặp.
"Cuộc đối thoại kết thúc khi các quan chức hai bên thể hiện quan điểm của mình về các vấn đề nghiêm trọng mà không thuyết phục lẫn nhau về những định hướng chiến lược. Không bên nào đưa ra bằng chứng làm thay đổi ý kiến của bên kia", South China Morning Post dẫn lời Sun Zhe, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, nói.
Trong số những vấn đề bất đồng giữa hai nước, cách xử lý các tranh chấp trên biển của Trung Quốc với một số nước láng giềng là điều Mỹ chỉ trích gay gắt.
Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi tại Bắc Kinh cuối tuần qua. Ảnh: AP
Ngày đầu tiên diễn ra đối thoại 9/7, khi gặp ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thẳng thắn nói rằng Mỹ không chấp nhận việc Bắc Kinh phá vỡ hiện trạng trên biển nhằm đạt được tham vọng kiểm soát ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đòi yêu sách gần như toàn bộ khu vực này với đường lưỡi bò phi lý, xâm phạm vào các khu vực mà Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc gần đây triển khai giàn khoan dầu vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam cùng nhiều tàu hộ tống, liên tục đâm va với tàu Việt Nam. Bắc Kinh cũng tiến hành nhiều hoạt động khai hoang, xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cũng xua đuổi máy bay của Nhật ở khu vực mà mình tự tuyên bố là vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp với Tokyo.
Cho rằng những hành động đơn phương của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới ổn định và hòa bình trong khu vực, ông Kerry một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy tắc của khu vực và thế giới, góp phần duy trì trật tự ở châu Á - Thái Bình Dương.
Đáp lại, ông Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục kiên định trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình. Bắc Kinh phản đối việc Mỹ ủng hộ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á trong tranh chấp với Trung Quốc. Ông Dương yêu cầu Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp trên biển, thể hiện quan điểm trung lập, khách quan và góp phần bảo vệ an ninh, hòa bình ở khu vực.
Trung Quốc và Mỹ đang nhận thấy việc dàn xếp với nhau khó khăn hơn, mặc dù hai bên cố nêu lên những điểm tích cực về kết quả cuộc đối thoại cấp cao và nhấn mạnh quyết tâm kiềm chế xung đột, tăng cường hợp tác về quân sự, kinh tế.
Sun Zhe nhận định những xích mích giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không leo thang thành cuộc chạm trán lớn, nhưng sự ngờ vực gia tăng sẽ khiến Mỹ tăng cường sự ủng hộ với các đồng minh quân sự ở châu Á. Do đó, trong khi tiếp tục cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ, Trung Quốc cũng sẵn sàng chuẩn bị để chống lại Mỹ. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh Biển Đông là mối nguy cơ "bốc cháy" tiềm ẩn khi Bắc Kinh và Washington dấn lên, khẳng định sự can dự của mình ở đây.
Trong khi đối thoại đang diễn ra ở Bắc Kinh, tại Washington, Thượng viện Mỹ ngày 10/7 đã thông qua nghị quyết về Biển Đông, trong đó có nội dung yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng hàng hải liên quan khỏi vị trí hiện nay tại Hoàng Sa.
Bản nghị quyết 412 được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thuận, nhất trí thông qua nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ nước này đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao hòa bình.
Trên National Interest, hai nhà nghiên cứu Robert A. Manning và Barry Pavel nhận định những lời lẽ lạc quan về kết quả cuộc đối thoại Mỹ - Trung tại Bắc Kinh tuần qua không che giấu được thực tế là quan hệ hai nước đang rủi ro hơn bao giờ hết kể từ năm 1989. Bắc Kinh đang có những hành động quyết đoán ở những khu vực tranh chấp ở Biển Đông, cơ bản đang thay đổi hiện trạng ở đây. Cuộc đối thoại không trả lời được câu hỏi chính là hai cường quốc này có thể tìm thấy một thỏa thuận tạm thời hay không.
Mỹ và các nước châu Á đang theo đuổi chiến lược hợp tác với Trung Quốc về kinh tế và các lĩnh vực khác, nhưng cũng bắt tay nhau để trở thành đối trọng khi Bắc Kinh gia tăng năng lực quân sự và ảnh hưởng trong khu vực. Sự e ngại trước Trung Quốc đã thúc đẩy các mối quan hệ chặt hơn về an ninh giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Việt Nam, Philippines, Singapore.
Sự phản đối của Mỹ với những hành động đơn phương gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông là một nguyên nhân khiến quan hệ hai nước xấu đi. Ảnh: Reuters
Cái gai thứ hai trong quan hệ Mỹ - Trung là an ninh mạng. Washington yêu cầu quân đội Trung Quốc ngừng tấn công mạng vào Mỹ, kêu gọi tái khởi động nhóm làm việc chung về vấn đề này. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc liên quan đến các cuộc tấn công và không thể hiện dấu hiệu nào đáp lại đề xuất nối lại đối thoại về an ninh mạng của Mỹ.
Graham Webster, một nghiên cứu sinh cao cấp tại Trung tâm Trung Quốc, trường Luật Yale, Mỹ, cho rằng nếu hai nước không cải thiện được lòng tin lẫn nhau về an ninh mạng thì rủi ro leo thang căng thẳng trong quan hai nước càng hiện rõ hơn.
Các nhà chức trách Mỹ hôm 12/7 cáo buộc một doanh nhân Trung Quốc đột nhập vào các hệ thống máy tính của hãng hàng không Boeing và một số nhà thầu quốc phòng của Mỹ để đánh cắp bí mật quân sự.
Hồi giữa tháng 5, Mỹ thông báo truy nã 5 quan chức quân đội Trung Quốc với cáo buộc tấn công mạng vào các công ty Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại. Trung Quốc lập tức phản đối gay gắt, yêu cầu Bắc Kinh rút lại lệnh truy nã, đồng thời ngừng các hoạt động của Nhóm Hoạt động mạng Trung Quốc - Mỹ vì "Washington thiếu chân thành trong giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh mạng thông qua đối thoại và hợp tác".
Tin tặc từ lâu đã là một vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI cho biết những vụ tấn công tin tặc trong khoảng từ năm 2006 đến 2014 từ Trung Quốc đã gây ra những "tổn thất nặng nề" cho nhiều công ty. Tổng thống Mỹ Barack Obama coi tấn công mạng là "nguy cơ thực sự" với an ninh cũng như nền kinh tế Mỹ.
"Trong ngắn hạn không xảy ra cuộc khủng hoảng quy mô lớn, nhưng nếu không có nỗ lực thực sự, nó sẽ dẫn tới rủi ro có thật trong những năm tới", Webster nói.
Ngay sau những thảo luận giữa các bộ trưởng ngoại giao và tài chính của hai nước, tờ People's Daily của Trung Quốc đăng tải một bài bình luận cho rằng Mỹ và Trung Quốc cần tránh một "cuộc chiến tranh lạnh mới" trong quan hệ quốc tế. Tác giả bài báo nhấn mạnh rủi ro lớn nhất trong quan hệ hai nước là sự hiểu lầm, hai bên cần tăng cường các kênh trao đổi để giũ bỏ giai đoạn mơ hồ trong hợp tác.
"Nếu xử lý tốt, quan hệ hai nước có thể đem lại lợi ích cho cả hai bên, nhưng nếu chúng ta xử lý dở, điều này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh tồi tệ và thậm chí dẫn tới xung đột", bài báo có đoạn.
"Việc hai nước trở thành đối tác trong lĩnh vực an ninh chiến lược là điều rất khó. Cả hai đang ở điểm mà họ cần tái khởi động mối quan hệ với đối phương", Sun Zhen nhấn mạnh.
Theo Vnexpress
Mỹ Trung, long tranh hổ đấu âm thầm Trên Thái Bình dương, hai cuộc tập trận do Mỹ dẫn đầu đang cùng diễn ra với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược. Một tượng trưng cho hy vọng Trung Quốc trỗi dậy hòa bình; và một là sự đề phòng, là kế hoạch B nếu mọi thứ đi sai hướng một cách khủng khiếp. Binh sĩ Philippines di chuyển qua một phương...