Đối tác bầu Kiên nói không còn thiệt hại
Bầu Kiên bị quy buộc lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Thép Hòa Phát nhưng Hòa Phát nói đến nay không còn thiệt hại.
Trong ngày làm việc thứ ba (2-12), Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tập trung xét hỏi làm rõ về hành vi trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên).
“Chỉ làm theo chỉ dẫn của chồng”
Với cáo buộc trốn thuế, bầu Kiên bị tòa sơ thẩm tuyên phạt mức án sáu năm sáu tháng tù. Tòa sơ thẩm nhận định hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Công ty B&B (do bà Đặng Ngọc Lan – vợ bầu Kiên ký) với em gái bầu Kiên (bà Nguyễn Thúy Hương) là không hợp pháp. Hợp đồng này chỉ là hình thức nhằm chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh giá vàng theo hợp đồng ủy thác với Ngân hàng ACB của B&B cho cá nhân bà Hương.
Cũng theo bản án sơ thẩm, trong cùng ngày 25-12-2008, bà Lan đã ký liên tiếp ba văn bản: Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ giữa Công ty B&B và bà Hương; phụ lục hợp đồng về việc bà Hương đồng ý để B&B ủy thác lại cho bên thứ ba và hợp đồng giữa B&B và Ngân hàng ACB.
“Với một người có đầy đủ nhận thức, tôi không thể nói tôi không hiểu rằng đã ký thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng tôi mong HĐXX hiểu cho, tôi đã ký với tư cách của một người vợ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của chồng. Tôi nghĩ tôi không thể nào nói rằng… anh Kiên phải chịu trách nhiệm chứ không phải tôi. Vì đó là chồng tôi” – bà Lan bật khóc.
“Tôi nghĩ tôi không thể nào nói rằng… anh Kiên phải chịu trách nhiệm chứ không phải tôi” – bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, nói trước tòa.
Tòa hỏi: “Anh Kiên là chồng nên bà không thể nói anh Kiên phải chịu trách nhiệm. Nhưng như vậy có thể xác định mình cũng là đồng phạm, cũng phải chịu trách nhiệm không?”. Bà Lan: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến một ngày phải nghe mình là đồng phạm với chồng. Trong suy nghĩ của tôi, tôi luôn nghĩ mình và chồng không làm sai gì cả. Tôi hành động trên tư tưởng và một lòng tin như thế…
Dù vậy, tôi nghĩ HĐXX có thể hiểu và xem xét trách nhiệm của tôi, là phụ nữ suốt thời gian dài ở nhà sinh con, chăm con và chỉ thực hiện một số công việc theo chỉ dẫn của chồng”.
Video đang HOT
Bà Lan sau đó cũng chia sẻ: “Hai năm vừa rồi là thời gian kinh khủng với gia đình tôi. Ba con còn rất nhỏ… Các công ty, trong đó có sáu công ty mà anh Kiên chịu trách nhiệm, có rất nhiều cổ đông nhưng mọi người quá sợ hãi và rời bỏ công ty. Không ai hỗ trợ hoạt động kinh doanh, và tôi – người chưa bao giờ phải làm gì cả, chưa bao giờ phải kinh doanh gì cả – đã phải chịu trách nhiệm về những công việc đó…”.
Hòa Phát không còn thiệt thại
Buổi chiều, HĐXX chuyển qua thẩm vấn về tội lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, tội danh khiến bầu Kiên phải chịu mức án 20 năm tù.
Ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) khai tại tòa: Tập đoàn Hòa Phát sản xuất đa ngành trong đó có thép và bất động sản (BĐS). “Chúng tôi có cổ phần tại Công ty Cổ phần BĐS Thép Hòa Phát Á Châu. Anh Kiên và ACBI có cổ phần tại Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát. Theo chủ trương của HĐQT muốn tập trung lại về ngành thép, tôi đề nghị anh Kiên tôi muốn mua lại cổ phần thép của anh Kiên và bán cổ phần BĐS, thực chất là rút tiền đầu tư khỏi BĐS” – ông Long khai.
Tòa hỏi ông Kiều Chí Công (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát), người ký hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phần với ACBI. Ông Công khẳng định không phải là người trực tiếp đàm phán hợp đồng mà đây là thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn. Ông Công cũng khẳng định không biết 20 triệu cổ phần này đang bị thế chấp tại ACB, làm nghĩa vụ bảo đảm cho khoản trái phiếu 800 tỉ đồng do Công ty ACBI phát hành.
Tòa xét hỏi những người có liên quan nhằm làm rõ việc tại sao ông Mai Văn Hà (Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát – một công ty con của Tập đoàn Hòa Phát) đã ký xác nhận đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần nói trên mà lãnh đạo tập đoàn nói không biết việc này. “Thời điểm đó tôi làm phó giám đốc công ty. Giám đốc đi vắng, tôi được ủy quyền ký giấy xác nhận đề nghị phong tỏa… Tôi có sơ suất là không lưu, không báo cáo. Tôi quên mất… Tôi đã phải làm văn bản giải trình nhận lỗi đối với ban lãnh đạo tập đoàn” – ông Mai Văn Hà cho biết.
“Sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã nhận được số tiền vì việc mua bán không thành. Đến năm 2013, chúng tôi đã mua được số cổ phiếu đó. Chúng tôi xác nhận đến thời điểm này chúng tôi không còn thiệt hại nữa” – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Trần Tuấn Dương nói.
Bầu Kiên dạy em gái kinh doanh
Tòa sau đó cũng hỏi bà Nguyễn Thúy Hương, em gái bầu Kiên. Bà Hương khai kết quả thực hiện hợp đồng với B&B, bà được chia lãi lần đầu 68 tỉ đồng; lần hai B&B báo cáo có một khoản lãi 31 tỉ đồng nhưng lỗ tiềm năng hàng trăm tỉ đồng nên không phân chia lãi; lần ba ghi nhận lỗ 400 tỉ đồng, bà đã chuyển trả cho công ty 90 tỉ đồng.
Bầu Kiên cho rằng thời điểm 25-12-2008, bị cáo đồng ý cho em gái ký hợp đồng với Công ty B&B để đầu tư vàng, với mục đích cho em có cơ hội đầu tư và cũng là dạy em kinh doanh. Việc ký hợp đồng này là hoàn toàn hợp pháp, đúng pháp luật.
“Trước khi em gái tôi ký hợp đồng với B&B, hoạt động này đã có từ năm 2005, do tôi trực tiếp thực hiện tại ACB (thời điểm tôi là phó chủ tịch HĐQT ACB). ACB có 33.000 khách hàng ký hợp đồng với ACB. Sau nhiều lần thanh tra, kiểm tra của các đoàn thanh tra, kiểm tra khác nhau, không có bất kỳ một cơ quan nào nói rằng các cá nhân không được ký hợp đồng đầu tư vàng với các ngân hàng” – bầu Kiên cho biết.
Theo NTD
Bầu Kiên kêu oan, tòa "cãi nhau" chỗ ngồi của luật sư
Bầu Kiên đề nghị tòa không cách ly mình nếu không thực sự cần thiết nhưng tòa không chấp nhận. Luật sư của bầu Kiên bức xúc về chỗ ngồi.
Ngày 28/11, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xử vụ Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và nhóm cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB). Các bị cáo bị xử về các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Phòng xử của tòa phúc thẩm khá chật hẹp nên những người tham dự phiên tòa được bố trí ngồi ở hai phòng khác nhau, một bên phải theo dõi qua màn hình tivi.
Bác đề nghị triệu tập nhân viên VietinBank
Gần 9h sáng, bầu Kiên được đưa vào phòng xử án. Bị cáo gầy xọp, dáng mệt mỏi, giọng nói không còn đanh gọn, sang sảng như ở phiên tòa sơ thẩm. Trong đơn kháng cáo cũng như tại tòa, bầu Kiên khẳng định kháng cáo toàn bộ nội dung bản án về cả tội danh và hình phạt.
Bầu Kiên sau buổi xử chiều 28/11.
Nguyên tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải ban đầu cho rằng mình không có hành vi cố ý làm trái và không gây hậu quả. Sau đó, bị cáo này lại đề nghị xem xét toàn bộ nội dung vụ án và nếu "có tội gì đó" thì đề nghị xem lại hình phạt, vì mức án tám năm tù dành cho bị cáo là quá cao. Ông Hải cũng cho rằng các bị cáo trong vụ án này không phải là những người có chức vụ, quyền hạn do Nhà nước bổ nhiệm nên không thể bị xử tội cố ý làm trái.
Các bị cáo Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn cũng thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Lê Vũ Kỳ, trong đơn kháng cáo cũng như tại tòa, chỉ xin xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Kết thúc phần thủ tục, bầu Kiên kiến nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ Tư pháp, bởi trong quá trình xét xử vụ án đang có những cách hiểu khác nhau về cùng một quy định pháp luật. Bầu Kiên cũng đề nghị triệu tập đại diện Phòng đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT của một số tỉnh, thành nơi các công ty của bầu Kiên đặt trụ sở, triệu tập ông Trần Mộng Hùng, một trong hai cổ đông lớn nhất của ACB... Tòa cho biết đã triệu tập và sẽ xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.
Luật sư của bầu Kiên đề nghị tòa triệu tập thêm những nhân chứng của VietinBank có liên quan đến hành vi cho vay tiền của Huỳnh Thị Huyền Như. HĐXX không chấp thuận yêu cầu này vì xét thấy không cần thiết.
Cãi nhau về chỗ ngồi của luật sư
Luật sư của bầu Kiên và Lý Xuân Hải nêu ý kiến về việc chỗ ngồi của các luật sư. "Ba luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên hôm nay đang ngồi ở ba góc khác nhau. Chúng tôi đề nghị các luật sư bào chữa cho một bị cáo được ngồi gần nhau để tiện trao đổi, cử người đại diện phát biểu để khỏi mất thời gian của HĐXX" - một luật sư nói.
Đáp lại, HĐXX cho rằng pháp luật tố tụng hình sự không có quy định này. "Việc bố trí chỗ ngồi của các luật sư phụ thuộc vào các điều kiện và yêu cầu của việc xét xử vụ án. Trong phòng xử án, các luật sư đều theo dõi, nắm bắt được toàn bộ diễn biến. Do vậy, HĐXX không chấp nhận yêu cầu này" - một thẩm phán nói.
Luật sư giải thích: "Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi có phân công nhau trình bày để khỏi chồng lấn lên nhau. Trong hoàn cảnh hội trường chật hẹp thế này, chúng tôi không muốn chạy từ bên này sang bên kia để trao đổi rằng câu này tôi nói, câu kia anh nói, như vậy sẽ rất ảnh hưởng.
Tòa: "Việc chuẩn bị bào chữa cũng như việc trao đổi, phối hợp trong quá trình bào chữa cho các bị cáo, các luật sư phải thực hiện ở ngoài phạm vi mà HĐXX đang hỏi, đang tranh luận. Luật sư có thể trao đổi trong giờ nghỉ giải lao hoặc khi hết giờ... Khi HĐXX đang hỏi, bất cứ ai cũng không có quyền đi lại trong phòng xử án, không ai có quyền nói chuyện riêng"...
Cũng tại phiên tòa, bầu Kiên đề nghị HĐXX không cách ly mình nếu không thấy thực sự cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp nhận. Cuối giờ chiều, HĐXX bắt đầu xét hỏi và bầu Kiên bị dẫn sang phòng khác để cách ly.
Theo Pháp Luật TP.HCM
Những câu nói đậm chất bầu Kiên tại tòa sơ thẩm Khi đứng trước vành móng ngựa trong phiên tòa xét xử sơ thẩm hồi cuối tháng 5/2013, bầu Kiên khiến mọi người tiếp tục phải xôn xao bởi những câu nói "không lẫn ai" của mình. Bầu Kiên, khi chưa là bị cáo phải ra Tòa vốn đã nổi danh với những câu nói bất hủ trong ngành (ngân hàng) và trong nghề...