“Đội quân” robot Made in Vietnam tham gia chống dịch Covid-19
Nhiều mẫu robot do chính người Việt Nam phát triển đã được nghiên cứu, chế tạo và sản xuất cấp tốc để kịp thời nhanh chóng tham gia vào “cuộc chiến” với Covid-19.
Hồi giữa tháng 3, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã đưa ra đề xuất về việc cần sớm ứng dụng công nghệ robot vào công tác điều trị, phòng chống Covid-19 tại Việt Nam.
Điều này từng được thực hiện rất thành công tại Trung Quốc. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển những con robot có khả năng mang đồ ăn hay đo thân nhiệt để đưa vào sử dụng trên thực tế. Nhờ vậy, hệ thống y tế nước này đã được giảm tải một cách nhanh chóng, nhân viên y tế cũng ít gặp nguy hiểm hơn do giảm nguy cơ từ việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
Ở thời điểm đó, tại Việt Nam, công việc làm sạch và khử khuẩn các khu vực có chứa mầm bệnh lây nhiễm vẫn được thực hiện một cách thủ công bởi các nhân viên y tế.
Tuy nhiên, điều này đã nhanh chóng được giải quyết chỉ trong ít ngày nhờ sự xuất hiện của một đội quân robot “Made in Việt Nam”. Đây đều là những sản phẩm do các nhà khoa học Việt Nam tự nghiên cứu và phát triển.
Robot phun xịt, khử khuẩn ngừa Covid-19
Nhóm nghiên cứu Robotics của trường ĐH Tôn Đức Thắng đã cho ra đời 2 mẫu robot khử khuẩn để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng được biết đến với tên gọi Robot khử khuẩn CD 1.0 ( Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 ( Disinfection Robot 1.0).
Nhóm nghiên cứu Robotics của trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Trong đó, Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) được điều khiển từ xa với khoảng cách tối đa 2.000 m. Nhờ sở hữu một cánh tay được thiết kế như vòi phun, mẫu robot này được dùng để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly và phòng điều trị bệnh.
Tải trọng tối đa mà Covid Defender 1.0 có thể mang vác là 170kg. Robot này có thể làm việc liên tục trong khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/h.Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call.
Bên cạnh việc phun thuốc khử khuẩn, trong tương tai, Covid Defender 1.0 còn có thể ứng dụng vào việc phòng cháy chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp.
Video đang HOT
Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) và Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0).
Bên cạnh Covid Defender 1.0, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Tôn Đức Thắng còn phát triển mẫu Robot khử khuẩn thứ 2 là DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0). Đây là một dạng robot tự hành với khả năng ghi nhớ không gian làm việc, lặp lại hành trình và tự động di chuyển theo quỹ đạo.
Ngoài khả năng mang vác, Disinfection Robot 1.0 có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng cách chiếu tia cực tím nhằm phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn. Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng đến các chất hóa học, do đó nó rất thân thiện với con người.
Robot biết lau nhà, tự khử khuẩn
Bên cạnh robot khử khuẩn của đại học Tôn Đức Thắng, nhóm nghiên cứu “Vườn ươm sáng tạo” thuộc Trung tâm công nghệ thông tin của Bệnh viện quân dân y miền Đông (Q.9, TP.HCM) cũng đã cho ra đời một mẫu robot khử khuẩn khác theo đơn đặt hàng của Sở Y tế TP.HCM.
Robot này có 2 chức năng chính là phun xịt thuốc khử khuẩn và lau sàn nhà sau khi phun xong. Ngoài ra robot còn biết tự khử khuẩn mình trước khi ra khỏi phòng cách ly.
Robot biết lau nhà của nhóm nghiên cứu “Vườn ươm sáng tạo” thuộc Trung tâm công nghệ thông tin của Bệnh viện quân dân y miền Đông (Q.9, TP.HCM).
Được thiết kế để điều khiển từ xa, nhân viên y tế có thể ngồi ở khu hành chánh để điều khiển robot này thông qua kết nối 4G hoặc mạng Internet. Nhờ vậy, sự xuất hiện của mẫu robot trên giúp nhân viên y tế giảm tối đa việc tiếp xúc với nguồn bệnh.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ trang bị robot khử khuẩn cho tất cả bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị người nhiễm Covid-19.
Robot mang vác bệnh phẩm, giúp giao tiếp, chữa bệnh từ xa
Robot Vibot-1a do Học viện Kỹ thuật Quân sự phát triển được mô phỏng theo robot TUG của hãng Aethon (Mỹ) với khả năng vận chuyển bệnh phẩm, các trang thiết bị vật tư y tế. Robot này có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.
Robot Vibot-1a của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Sau 2 tuần phát triển, phiên bản 1a của Vibot đã có thể tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,… từ ngoài vào các buồng bệnh, vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt,… từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế với bệnh nhân.
Bên cạnh đó, Vibot-1a còn có thể trở thành một công cụ giao tiếp, thăm khám bệnh từ xa giữa bác sĩ, người thân với người bệnh thông qua hệ thống cảm biến âm thanh, hình ảnh và một trung tâm giám sát, điều khiển từ xa. Nhờ vậy, mỗi robot Vibot-1a có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế, từ đó giúp họ tránh được khả năng phơi nhiễm khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Trọng Đạt
Bác sĩ tương tác với bệnh nhân COVID-19 thông qua robot "made in Vietnam"
Robot vận chuyển trong các khu vực cách ly COVID-19 đã ra đời sau 2 tuần Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng.
Trên cơ sở đề xuất của Học viện Kỹ thuật Quân sự - Bộ Quốc phòng, Bộ KH&CN đã quyết định giao cho Học viện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo hệ thống robot hỗ trợ y tế có các tính năng hiện đại theo mẫu robot TUG của hãng Aethon, Mỹ. Các robot có thể hoạt động theo nhóm trong khu vực cách ly để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân và người nghi nhiễm.
Ngày 07/4/2020, Tổ chuyên gia do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập đã họp đánh giá kết quả giai đoạn 1 nghiên cứu, chế tạo robot Vibot-1a với tỷ lệ 100% thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng tại các cơ sở cách ly.
Với sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ, chỉ trong vòng 2 tuần, robot mang tên Vibot phiên bản 1a đã được chế tạo và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài vào các buồng bệnh; vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt... từ buồng bệnh ra khu tập kết và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Các robot Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.
Phiên bản Vibot-1a sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng tuy đơn giản nhưng có độ tin cậy cao, cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ. Vibot-1a có khả năng phát hiện và tránh va chạm vật cản nhờ các cảm biến trang bị ở phía trước và phía sau. Với khối nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn. Hiện nay, sản phẩm Vibot-1a đã được lắp đặt, chạy thử nghiệm tại môi trường thực tế và nhận được phản hồi tốt tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội - nơi được quy hoạch để cách ly, điều trị các bệnh nhân COVID-19 khi dịch bùng phát.
Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, Vibot được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100kg. Quá trình vận chuyển, robot có thể phát nhạc, phát bản tin giải trí. Sử dụng cảm biến thông minh, Vibot có thể phát ra nhiều âm thanh như "xin tránh đường", "xin cảm ơn", "tạm biệt".
Đặc biệt các bác sỹ có thể tương tác với bệnh nhân thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, có chất lượng hình ảnh, âm thanh cao, nhờ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Mọi hoạt động của Hệ thống robot được giám sát, điều khiển bởi Trung tâm điều hành, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết.
Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.
Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng cho biết thêm, sau khi hoàn thành phiên bản Vibot-1a, nhóm nghiên cứu robot của Học viện đang tiếp tục nâng cấp và cải tiến các tính năng để robot có thể hoạt động hoàn toàn tự động và thông minh hơn, hướng tới mục tiêu chế tạo được Vibot có tính năng hiện đại như robot TUG của hãng Aethon, Mỹ.
Với triết lý một nền tảng, nhiều mục đích và các tính năng ưu việt của mình, Vibot còn có thể được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp và đời sống, phục vụ tại các tòa nhà, kho hàng tự động hoặc các phân xưởng sản xuất và các môi trường đặc biệt khác để hỗ trợ vận chuyển theo yêu cầu.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, sản phẩm đã đáp ứng được bước đầu nhu cầu hỗ trợ điều trị COVID-19, giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sỹ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo.
GS.TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ: "Đối với bệnh truyền nhiễm thì việc lây nhiễm chéo rất là nguy hiểm. Chính vì thế, việc hạn chế được nhân viên y tế phải tiếp xúc quá nhiều với bệnh nhân nhiễm bệnh là giải pháp tốt vào thời điểm hiện nay. Robot này có thể thay thế nhân viên y tế, điều dưỡng, nhân viên phục vụ trong việc mang cơm, thuốc, thu gọn rác thải... nên sẽ giảm tải cho các nhân viên y tế. Bên cạnh đó, robot có chức năng kết nối giữa người bị bệnh với bác sĩ bên ngoài khu vực cách ly để nhận được sự tư vấn cần thiết, điều này cũng sẽ tránh được rủi do khi bác sĩ trao đổi trực tiếp với bệnh nhân".
Cùng với đó, GS.TS Đào Văn Hiệp - Tổ trưởng tổ chuyên gia do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập cho biết, đề tài chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là hình thành sản phẩm để phục vụ cho khu cách ly nên công nghệ mới chỉ ở mức vừa phải, nghĩa là mới chỉ là robot tự hành. Giai đoạn hai sẽ tiếp cận với trình độ cao hơn đó là robot thông minh, việc di chuyển không phụ thuộc vào vạch chỉ đường mà phải theo bản đồ nạp sẵn hoặc robot tự xây dựng được bản đồ hoạt động của mình. Sau này robot không phải hoạt động một con mà hoạt động theo một nhóm robot lúc đó trung tâm điều khiển phải điều khiển được cả một nhóm robot, các robot có thể tương tác với nhau mà không phụ thuộc vào trung tâm điều khiển...
Đây là thành công quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong lúc dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, Bộ KH&CN và các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.
T,K
Cận cảnh robot tuần tra của Tunisia trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 Tunisia đang dùng robot để tìm kiếm những người ra ngoài bất chấp lệnh phong tỏa. Hơn 10 ngàn tài xế đã bị thu hồi giấy phép lái xe do thiếu lý do chính đáng khi ra đường. Cảnh sát Tunisia đã dùng robot để tuần tra và thực thi lệnh phong tỏa trong đại dịch. Trên khắp thế giới, robot được sử...