Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể – Bài cuối: Tạo cơ chế, động lực phát triển
Trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021- 2025, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể sẽ đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố là 0,5%. Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc giải quyết các nút thắt về chính sách, TP Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các mô hình kinh tế tập thể chủ động cải thiện nâng cao nội lực, thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường.
Rau xà lách trồng theo mô hình aquaponics. Ảnh tư liệu: Xuân Dự/TTXVN
Tháo gỡ nút thắt
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường, cần chú trọng xây dựng các hợp tác xã kiểu mới ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản xuất sản phẩm mang tính hàng hóa lớn, gắn với lợi thế lao động, thổ nhưỡng, tài nguyên bản địa. Xây dựng mô hình hợp tác xã chuyên ngành nhằm phát huy thế mạnh tiềm năng kinh tế của địa phương.
Đồng thời, thiết lập chuỗi giá trị liên kết giữa bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và hợp tác xã); trong đó, nhà nước đóng vai trò liên kết, quản lý các thành phần trong chuỗi giá trị sản xuất, quản lý quy hoạch, dự báo nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, hỗ trợ khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
“Để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, Nhà nước cần sớm sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng coi các tổ chức kinh tế hợp tác là chủ thể kết hợp giữa đóng góp của người dân (thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác) và sự hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa bàn một cách minh bạch, hiệu quả”, ông Đinh Minh Hiệp nêu đề xuất.
Từ thực tế hoạt động của hợp tác xã, ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế tập thể cần tháo gỡ ngay là chính sách đất đai và tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất nông nghiệp xây dựng công trình hỗ trợ trên đất nông nghiệp. Thực tế hiện nay hầu hết hợp tác xã, tổ hợp tác đều thuê đất tư nhân, rất khó để thuê dài hạn, trong khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần đầu tư vốn lớn và thời gian thu hồi vốn khá lâu.
Hợp tác xã mong muốn được ưu tiên thuê quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố thời hạn từ 20 -50 năm để yên tâm đầu tư phát triển lâu dài. Các hợp tác xã sản xuất cũng cần các công trình phụ trợ như nhà sơ chế, nhà kho chứa vật tư và bảo quản sản phẩm…vì vậy cần nới lỏng quy định về xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp.
Sau đất đai, vốn cho sản xuất, kinh doanh cũng là thách thức với nhiều hợp tác xã. Theo ông Lâm Ngọc Tuấn, nguồn vốn sản xuất của hợp tác xã hiện nay chủ yếu vay từ các ngân hàng thương mại với lãi suất cao và hạn mức thấp vì không có tài sản thế chấp là đất. Các công trình đầu tư trên đất dù có giá trị cao nhưng không được chấp nhận làm tài sản thế chấp khiến nhiều hợp tác xã không tiếp cận được nguồn vốn.
“Chỉ cần tháo được nút thắt về đất đai và vốn sẽ thúc đẩy các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có mạnh dạn đầu tư phát triển; đồng thời, tạo động lực để hình thành các mô hình kinh tế tập thể khác trong thời gian tới.”, ông Lâm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Cải thiện nội lực
Sản phẩm bánh tráng của Làng nghề bánh tráng Phú Hoà Đông (huyện Củ Chi). Ảnh tư liệu: Hồng Giang/TTXVN
Video đang HOT
Khẳng định kinh tế tập thể là một phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển thêm 150 hợp tác xã, 2 Liên hiệp hợp tác xã. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể sẽ đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP thành phố là 0,5%.Để thực hiện các mục tiêu đó, thành phố tập trung các giải pháp hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã nâng cao nội lực từ con người đến mô hình sản xuất.
Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, thành phố tập trung hỗ trợ các hợp tác xã phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, hộ nông dân gắn với chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hướng dẫn hợp tác xã tổ chức hoạt động thương mại điện tử để thực hiện chuyển đổi bước đầu vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó mở rộng phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả trong thời gian tới.
Về lâu dài, thành phố tích cực hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, việc bổ sung nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý cho các hợp tác xã cũng được chú trọng để nâng cao năng lực sản xuất, quản trị cho các hợp tác xã kiểu mới.
Theo bà Hoàng Thị Mai, dựa trên các lợi thế có sẵn, TP Hồ Chí Minh khuyến khích xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phù hợp với các chương trình cây, con giống chủ lực của thành phố như: Rau, hoa, heo, bò sữa, bò thịt, thủy sản… theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, công ty, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước và địa phương, các hợp tác xã hiện nay đã chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị để cải thiện năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng.
Đại diện Hợp tác xã làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông chia sẻ, để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường, thời gian qua hợp tác xã đã chư trọng đầu tư vào công nghệ dây chuyền sản xuất, bảo quản, đóng gói sản phẩm và thiết kế mẫu mã. Nhiều công đoạn như tráng bánh, vận chuyển bánh ra sân phơi đã được thay thế bằng máy móc, băng chuyền giúp giảm chi phí lao động đáng kể, từ đó giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thuận Yến, cho biết: nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm nông sản, thực phẩm, hợp tác xã chủ động chuyển đổi từ cách nuôi tôm truyền thống sang mô hình nuôi công nghệ cao, ứng dụng quy trình xử lý nước tuần hoàn khép kín. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Không chỉ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, Hợp tác xã Thuận Yến còn chủ động quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh bằng phần mềm chuyên dụng. Điều này góp phần đem lại sự hiệu quả, giảm nguồn nhân lực không cần thiết. Ngoài ra, Hợp tác xã còn làm đầu mối kết nối để hỗ trợ sơ chế và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên, gia tăng giá trị cho sản phẩm và cải thiện đáng kể thu nhập của các thành viên tổ hợp tác.
Tháo nút thắt để phát triển kinh tế nông nghiệp
Từ lâu, điệp khúc "được mùa - mất giá" đối với các sản phẩm nông nghiệp do nông dân làm ra đã rất quen thuộc, mà nguyên nhân cũng đã được chỉ ra là không kết nối được với đầu ra một cách ổn định.
Trong tình hình hiện nay, mọi khó khăn có thể được quy cho yếu tố khách quan của tình hình dịch COVID-19 và cần sớm có giải pháp khắc phục.
Đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Trần Văn Thời.
Nhiều thách thức đan xen
Những năm qua, người dân ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông và Ấp 4, 5 thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, thực hiện mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu với diện tích hằng năm 240 ha. Với mô hình này, vụ màu cho năng suất khá cao, ổn định. Tuy tiềm năng và dư địa là rất lớn, tuy nhiên nông dân địa phương không dám mạnh dạn đầu tư phát triển bởi lo ngại về đầu ra.
Cũng như nhiều hộ dân thực hiện mô hình này, điều ông Ngô Văn Tự, ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời lo ngại lớn nhất chính là giá cả đầu ra của sản phẩm không được đảm bảo. "Tới thu hoạch thương lái họ tự cho giá và nông dân được bao nhiêu, bán bấy nhiêu. Nông dân cũng không có sự chọn lựa nào khác", ông Ngô Văn Tự chia sẻ.
Theo ngành nông nghiệp nhận định, để thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết... là trọng tâm cần phải được tháo gỡ. Theo đó, phát triển bền vững nền kinh tế tập thể chính là lời giải cho bài toán này.
Thế nhưng, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đã khiến giá cả các mặt hàng nông sản, vật tư sản xuất có nhiều biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân. Trong bối cảnh đó, nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến điều kiện hoạt động sản xuất mà còn cả đầu ra sản phẩm. Mặc dù đây là yếu tố khách quan, tuy nhiên, nó cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong tổ chức hoạt động của các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mô hình đưa màu xuống ruộng lúa của nông dân huyện Trần Văn Thời cho thu nhập cao, ổn định.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ thuỷ sản Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau cho biết, tình hình thu mua và tiêu thụ sản phẩm lúa của hợp tác xã vẫn đang gặp khó khăn. Chi phí sản xuất lại tăng cao so với mọi năm, cho nên có thể biết, lợi nhuận của người dân, xã viên trồng lúa sẽ không cao.
"Những vướng mắc gặp phải thì từ lâu hợp tác xã cũng đã phản ánh, như: Tiếp cận nguồn vốn, lãi suất vay ngân hàng, tìm đầu ra sản phẩm... Vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hiện hợp tác xã phải tự nỗ lực vượt qua khó khăn này, tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài thì sắp tới muốn mở rộng, kết nạp thêm thành viên vào hợp tác xã sẽ vô cùng khó khăn", ông Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, đồng thời thông tin thêm, hiện nay ngoài nội lực một số hợp tác xã còn yếu thì công tác quản lý, hỗ trợ của ngành chức năng lại chưa thực sự hiệu quả. Một số hợp tác xã được đánh giá là có tiềm lực, hoạt động hiệu quả vẫn luôn kêu khó khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.
Theo đại diện nhiều hợp tác xã cho biết, Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013 quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hợp tác xã, nhưng thực tế các chính sách này chưa thực sự hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ hợp tác xã chủ yếu được lồng ghép trong các chính sách chung. Một số chính sách riêng cho hợp tác xã (chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp...) không có nguồn vốn, phải lồng ghép trong các chương trình khác.
Vì vậy, số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Trong khi đó, đa số các hợp tác xã có vốn ít, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết. Khả năng huy động vốn của các hộ thành viên rất hạn chế, khó vay vốn trung hạn, dài hạn từ ngân hàng.
Gỡ khó để phát triển
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế tập thể, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất.
Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giai đoạn 2013 - 2021, tỉnh đã đào tạo được hơn 6.400 lượt người với tổng kinh phí hơn 4.100 tỷ đồng. Nội dung đào tạo tập trung vào lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã, các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa,... góp phần giúp đội ngũ quản lý các hợp tác xã có thể học tập và vận dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, tỉnh còn lựa chọn, hỗ trợ các hợp tác xã tham gia xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Cùng đó, giúp các hợp tác xã củng cố, kết nối giao thương, tìm được nhiều khách hàng, tăng lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị hàng hóa.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Dương Vũ Nam cho biết, nhằm hỗ trợ các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tăng cường kỹ năng, kiến thức kinh doanh, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Sở đã tổ chức cho các hợp tác xã tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội thảo...
Huyện Trần Văn Thời, vốn được biết đến là "thủ phủ" của con cá đồng Cà Mau, do đó, công tác giữ gìn và phát huy thế mạnh này đang được địa phương tích cực triển khai.
"Nhìn chung, những khó khăn, vướng mắc về phát triển kinh tế tập thể trong thời gian qua đã từng bước được tháo gỡ. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ không ngừng phát triển, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, ổn định đời sống cho thành viên và người lao động, tăng tích lũy cho hợp tác xã một cách hiệu quả", ông Dương Vũ Nam thông tin.
Tỉnh Cà Mau hiện có 180 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 69% tổng số hợp tác xã của tỉnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp cơ bản ổn định, hiệu quả tăng dần theo từng năm và phát triển theo hướng đa dạng ngành nghề, dịch vụ. Một số hợp tác đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo định hướng phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng năm 2045, ngành khoa học và công nghệ tiếp tục lồng ghép nhiệm vụ và tập trung những nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
Theo đó, sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho hợp tác xã nâng cao năng lực quản trị và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp; hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong công tác quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Ưu tiên hỗ trợ các dự án triển khai nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá nông sản thực phẩm thông qua nâng cao chất lượng và chuỗi sản phẩm; bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ, sáng kiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ; việc xác lập quyền sở hữu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch...
Ông Châu Văn Thọ, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định, các tiến bộ khoa học và công nghệ được triển khai trên lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp thời gian qua góp phần đáng kể nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và đa dạng hoá sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. ặc biệt, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, nhằm giúp hợp tác xã tháo gỡ khó khăn về vốn, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh cấp đến nay đạt khoảng 16.500 tỷ đồng, vốn từ thành viên đóng góp đạt hơn 340 triệu đồng. Qua đó, đã hỗ trợ cho trên 180 dự án với tổng dư nợ hơn 40.600 tỷ đồng.
Một tín hiệu vui nữa là UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể là tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách của Trung ương, địa phương. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung, ban hành chính sách mới, chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, gắn kết các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản phát triển bền vững từ khâu cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản đầu ra cho nông dân.
Song song đó là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với các tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.
Đặc biệt, đây là tiền đề quan trọng để củng cố, phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như trung gian cần thiết giữa người nông dân với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và thương mại để tổ chức cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và tiêu thụ nông sản đầu ra cho nông dân.
Như đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử thì dù đã qua nhiều giai đoạn và cho đến hiện nay có thể khẳng định kinh tế tập thể dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng cũng cần nhìn nhận đây là một mảng khó trong phát triển kinh - xã hội và cần có cố gắng nhiều hơn nữa.
Theo đó, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi hoạt động của các hợp tác xã đang hoạt động có hiệu quả, nhất là đối với các hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó là chú trọng thành lập các hợp tác xã mới gắn với xây dựng sản xuất cung ứng sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Để mô hình kinh tế tập thể của tỉnh phát triển hiệu quả trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị UBND các huyện quan tâm đến việc đánh giá, phân loại chất lượng hợp tác xã theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm kịp thời có chỉ đạo phù hợp; các ngành, các địa phương theo chức năng và nhiệm vụ tiếp tục quan tâm thực hiện lồng ghép các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, người đứng đầu các cấp, các ngành có liên quan cần tiếp tục quan tâm đến nhiệm vụ của mình đối với kinh tế tập thể...
"Trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch COVID - 19 hiện nay, tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận, ứng dụng hiệu quả các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử,... Từ đó, giúp các hợp tác xã vượt qua khó khăn, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - Bài 1: Phát triển đa dạng mô hình kinh tế Kinh tế tập thể vẫn có xu hướng phát triển qua từng giai đoạn và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chính sách đổi mới, kinh tế tập thể vẫn chưa tạo ra bước đột phá nào do vướng nhiều nút thắt. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết...