Đối mặt với chứng stress phòng the
Người sống nội tâm dễ bị stress nội tại và càng dễ trục trặc “chuyện ấy”.
Trong cuộc sống, chúng ta thường hay nói về stress và ai cũng nghĩ stress là do quá căng thẳng trong công việc, đời sống hoặc những nỗi bất an trong xã hội.
Đó là những yếu tố gây ra stress ngoại sinh, tấn công liên tục vào mỗi người, từ các trí thức, doanh nhân đến những người thợ, nông dân… Tuy nhiên, ít ai nghĩ stress có thể do chính bản thân mỗi người tạo ra.
Stress nội tại do… tự tạo
Nhiều người sống quá nội tâm, khi gặp những chuyện bất bình, những chuyện không hài lòng mà không chịu nói ra hoặc không chịu trút bỏ, cố gắng “chấp nhận”. Với suy nghĩ an phận, họ ôm khư khư trong lòng nỗi “uất hận”, gây ra stress nội tại trong cơ thể – kẻ phá hoại thầm lặng, gặm nhấm dần sức khỏe con người.
Các nguyên nhân gây stress nội tại rất nhiều, như luôn lo lắng vì bản thân hay người nhà mắc bệnh nan y; làm việc không hợp với sở thích, năng lực; quá lo nghĩ về những chuyện đau đầu do con cái gây ra… Stress nội tại cũng nguy hiểm không kém stress ngoại sinh, tác động nhiều đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, từ đó ảnh hưởng xấu đến năng suất làm việc và mối quan hệ với những người xung quanh.
Cảnh giác stress do… “chuyện ấy” lệch pha
Một trong những nguyên nhân gây stress nội tại là… đời sống tình dục không hòa đồng, lạc điệu. Đây là một nguyên nhân đặc biệt và gây tác động lớn đến bệnh nhân nhưng rất ít người biết và quan tâm. Trong thực tế, đã có không ít ca trục trặc phòng the gây stress và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hôn nhân của họ.
Một trong những nguyên nhân gây stress nội tại là… đời sống tình dục không hòa đồng, lạc điệu (Anh minh hoa)
Video đang HOT
Bà S. là một trí thức U50, vợ của một doanh nhân có học vị cao, rất thành đạt, không hề lo lắng về vấn đề tài chính của công ty và dĩ nhiên tài chính gia đình thì càng thong thả. Ông bà có một tổ ấm được mọi người đánh giá là rất hạnh phúc: Ông rất nam tính lại đẹp trai, phong độ; bà đẹp người, đẹp nết, giỏi cả giao tiếp, kinh doanh và chăm lo tốt gia đình; họ có “đủ nếp-đủ tẻ”, con cái học hành đỗ đạt cao…
Dường như cuộc sống của ông bà S. không có gì phải phàn nàn. Tuy thế, bà S. liên tục mất ngủ, nhức đầu triền miên. Bà đã khám bệnh gần 2 năm qua, đã làm đủ các xét nghiệm, kể cả chụp cộng hưởng từ (MRI) não… mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm và cũng không tìm được nguyên nhân. Sau khi tìm hiểu quá trình bệnh, nghiên cứu kỹ và trao đổi cẩn thận từng chi tiết cuộc sống của bà S., kể cả chuyện phòng the, cuối cùng lộ ra nguyên nhân gây stress nội tại là do… lệch pha trong đời sống vợ chồng.
Điều cần chia sẻ để mọi người cùng rút kinh nghiệm là bản thân ông bà S. (và cả những bệnh nhân có trục trặc “chuyện ấy” đã được khám và tư vấn) cũng không biết vấn đề của mình vì… quá quen với dạng stress này. Chỉ khi được bác sĩ hoặc nhà tâm lý trao đổi tường tận, ông bà S. và những bệnh nhân đồng cảnh ngộ mới nhận ra vấn đề của mình.
Đó là… rất thích được “lên đỉnh” nhưng… thường xuyên bị giữa đường đứt gánh nhưng do văn hóa Việt, đặc biệt là đối với quý bà, họ không dám nói ra mong muốn của mình, dần dần cho là chuyện thường. Điều quan ngại nhất là stress nội tại trong cơ thể vẫn diễn ra khiến người đang có vấn đề bị mất ngủ, dẫn đến các hệ quả như: mệt mỏi, nhức đầu, đau dạ dày, đau tê tay chân kéo dài…
Sau khi tìm được nguyên nhân gốc, cả ông bà S. đều được tư vấn kỹ, cả hai lại hòa điệu trong tình yêu.
Người sống nội tâm dễ bị stress nội tại và càng dễ trục trặc “chuyện ấy” (Anh minh hoa)
Nhiều cách giải quyết
Với stress nội tại, đặc biệt stress phòng the, dù đã biết được nguyên nhân nhưng loại bỏ nó là chuyện không dễ! Chủ yếu là dùng biện pháp tâm lý, người bệnh phải ý thức được bệnh của mình, tìm cách loại bỏ stress, như thay đổi cách sống, tích cực đổi mới, tập luyện thể dục thể thao, trao đổi khi có vấn đề… Điều cần nhớ là cần chống và loại bỏ stress một cách chủ động, không trốn tránh. Ví dụ như chủ động nâng cao kiến thức về giới tính, hôn nhân gia đình thay cho ly hôn, ly thân.
Khi bản thân không thể tự giải quyết thì cần có liệu pháp tâm thần hỗ trợ từ thầy thuốc và người thân… Thầy thuốc lắng nghe và tư vấn; người thân hỗ trợ về tinh thần, tìm những phương pháp thư giãn tốt nhất, giúp bệnh nhân làm chủ chính mình, giảm lo âu và tập trung tư tưởng hơn… Khi các biện pháp trên không có kết quả tốt thì việc điều trị bằng thuốc theo toa của bác sĩ sẽ mang lại hiệu quả nhất định.
Điều quan trọng là tin tưởng thầy thuốc tuyệt đối, phải có sự hợp tác tốt giữa người bệnh và thầy thuốc mới mang lại kết quả cao nhất. Cần lưu ý, tất cả các loại thuốc chống lo âu, an thần và thuốc ngủ chỉ dùng khi có y lệnh của bác sĩ, phải uống đúng liều… để tránh các biến chứng do thuốc và tránh lờn thuốc.
Tóm lại, điều trị stress nội tại hoàn toàn có thể đạt kết quả tốt chỉ khi người bệnh bộc bạch hết, nếu không nói ra thì không ai biết nhưng đã biết thì sẽ giải quyết được.
(Theo NLĐ)
10 sự thật về sức khỏe tinh thần
1. Khoảng phân nửa số rối loạn tinh thần bắt đầu từ sớm hơn 14 tuổi. Chừng 20% trẻ em trên thế giới có vấn đề về tinh thần.
Khó khăn ở chỗ các nước có dân số trẻ thì lại nghèo. Hầu hết các nước có thu nhập thấp hay trung bình chỉ có một chuyên viên tâm lý trẻ em cho 1-4 triệu dân.
2. Trầm cảm là khi con người ta sầu dai dẳng và mất hứng thú đi kèm với các triệu chứng về tâm lý, hành vi và thể chất. Trên toàn thế giới nó được xem là nguyên nhân chính dẫn đến thiểu năng.
Trầm cảm
3. Trung bình mỗi năm trên thế giới có 800.000 người tự sát, 86% số này ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phân nửa nằm trong độ tuổi 15-44. Nguyên nhân chính yếu của tự sát là rối loạn tinh thần, một chứng bệnh có thể chữa được.
4. Chiến tranh và thiên tai có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần và tâm lý con người. Mức độ rối loạn thường tăng gấp đôi sau các trường hợp trên.
Nỗi buồn chiến tranh
5. Rối loạn tinh thần thường dẫn đến chấn thương thể chất, cố ý hay vô ý.
6. Mặc cảm tự thân và thành kiến gia đình, xã hội là tác nhân ngăn cản các bệnh nhân tìm đến sự chăm sóc điều trị. Một nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy người dân nghĩ rằng bệnh tâm thần là do stress hay thiếu ý chí hơn là thể chất. Sự mặc cảm tăng lên cùng với trình độ học vấn và mức sống văn minh.
7. Ở hầu hết các nước đều có vi phạm nhân quyền đối với bệnh nhân tinh thần, với các hành vi giam giữ, cô lập và tước đoạt các nhu cầu cơ bản cũng như sự riêng tư. Rất ít quốc gia có ban hành luật bảo vệ người rối loạn tinh thần.
Ngược đãi
8. Có sự chênh lệch quá lớn trong sự phân bố nhân lực chăm sóc sức khỏe tinh thần. Các nước thu nhập thấp chỉ có 0,5 chuyên viên tâm lý và 1,6 y tá tâm lý trên 1 triệu dân, trong khi ở các nước thu nhập cao con số đó gấp 200 lần, kể cả số người làm công tác xã hội.
9. Có năm rào cản phải vượt qua để phổ cập chăm sóc sức khỏe tinh thần: đưa sức khỏe tinh thần vào nghị sự và kêu gọi đóng góp, tổ chức các dịch vụ chăm sóc, hợp tác bên trong tổ chức, đảm bảo nhân lực và tìm ra người lãnh đạo.
10. Các chính phủ, nhà hảo tâm và các tổ chức công tác xã hội, bệnh nhân và thân nhân cần phối hợp với nhau để tăng chất dịch vụ, nhất là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Sự đòi hỏi tài chính thật ra rất khiêm tốn: chỉ có 2 đôla/người/năm ở các nước có thu nhập thấp và 3-4 đôla/người/năm cho các nước trung bình.
Theo Tuổi trẻ