Đôi giầy và cốc nước mía
Chiều làm về, trời nóng, tôi tạt vào quán ngay gần công ty làm cốc café, chờ lát cho vãn người rồi về cho đỡ đông. Nhìn người ta chen chúc nhau mồ hôi nhễ nhại cũng ngán, lè lưỡi lắc đầu. Nhiều khi tôi ước sao xã hội này người ta ngừng phát triển công nghiệp đi, ngừng khai thác tài nguyên đi thì thiên nhiên nó cũng không hà khắc thay đổi và nóng đến thế này.
Thế nhưng mà nghĩ lại lại không ổn, vì ai cũng có nhu cầu dù ít dù nhiều, ví như tôi mà tuần ko đổ xăng cho em cào cào thì chạy bộ đi làm chắc chết. Chính vì có nhu cầu nên xã hội sẽ tìm cách để đáp ứng nếu muốn phát triển. Mà nhu cầu của con người thì vô hạn, chả biết thế nào mà lần. (Người ta bảo bán cái người ta cần, chứ đừng bán cái mình có nếu muốn giàu. Cái này bài toán cung cầu tôi thi đi thi lại mấy lần nên nắm rõ lắm!!! trơn tuồn tuột ^^ ).
Từ đó nên họ cạnh tranh nhau, rồi tìm mọi cách để khai thác, nước nào chả muốn mình phát triển, lợi ích quốc gia phải đặt lên hàng đầu mà. Tránh được khối! Bây giờ mà bảo họ ngồi lại với nhau, bảo ông này khai thác dầu ít thôi, bà kia chặt cây vừa vừa thôi…thiên nhiên nó đang nóng lắm rồi xem có ai thèm nghe không? Có khi còn căng thẳng sắp đánh nhau đến nơi rồi ấy chứ. Nó không ngó ngàng gì đến cây cối với cái giếng nhà mình là còn may. Như cái thằng thô lỗ cạnh nhà tôi, mồm thì cứ nheo nhéo rằng anh em thân thiết lắm với thân thiết vừa, rồi nó sang nhà tôi tè xuống ao xong cứ bu lu bu loa lên với bạn bè là ao của nhà nó, nó muốn làm gì thì nó làm. Tôi điên lắm nhưng nó to khoẻ, tôi thì còm, chỉ biết ngồi phân bua với hàng xóm, nhờ cậy anh em xa gần và mấy anh công an phường xử lý giúp, chứ đụng vào nó nó ăn vạ ngay. Khựa!!! Thế nên là thôi, nghỉ, làm hớp đã, đang khát!
-Chú ơi đánh giầy không chú?
-ưmmm…
Tôi vừa cúi ngậm uống hút vừa lắc đầu.
-Rẻ mà chú, con chỉ xin cái bánh mỳ ăn cho đỡ đói thôi…
-Giầy chú sắp cho vào bảo tàng đến nơi rồi, thử hỏi người khác xem nhé!
Tôi cười nhìn nó, nó xị mặt nhìn tôi, buông thõng 2 vai có vẻ mệt mỏi rồi thất thểu đi ra mé cửa ngồi. Mụ chủ quán ngồi ngay đó cất giọng chua ngoa:
-Đi chỗ khác kiếm ăn đi 2 cái thằng kia! Chúng mày ngồi đó án ngữ thì ai dám vào hàng nhà tao nữa. Hãm vừa chứ!!!
Đúng là cái miệng xinh không đồng nghĩa với những lời nói đẹp. Nó hắt hủi thân phận của đồng loại. Tôi với tay lấy chùm chìa khoá trên bàn gọi thanh toán, mình cũng đếch thèm ngồi ở cái quán này lần nào nữa luôn. Hãm!!!
Lao xe theo hướng 2 đứa nhỏ đi để tìm mà mãi không thấy. Quái! vừa thấy ở đây xong ngoắt cái đã không thấy đâu, bọn này nó bay đi chắc?? Tôi tự hỏi.
-Chú ơi…
Tôi giật mình, quay lại thấy thằng bé con đang ngồi sát ngay sau vách tường lúc nãy chìa tay ra.
-Sao lại ngồi đây? Anh cháu đâu?
-Anh đi kiếm đồ ăn rồi, chú ơi …đói…!!!
Tội nghiệp, thằng bé còm nhom, chắc chỉ tầm 3-4 tuổi, bằng đứa cháu con ông anh trai tôi là cùng. Đáng lẽ ra bây giờ nó phải đang được chăm sóc ăn uống đầy đủ, được đi mẫu giáo, có bố và có mẹ bên cạnh như bao đứa trẻ khác. Thế mà… Tôi lần túi quần ra đc hơn 30k đưa cho nó:
-Này cháu, cầm bảo anh đi mua đồ ăn cho nhé!
-KHÔNGGG!!!
Chưa kịp đưa đến tay thằng bé thì thằng anh từ đâu chạy lại giật tay thằng em vào.
-Con cám ơn chú nhưng anh em con không dám nhận đâu ạ. Bọn con đâu phải ăn xin. Chú có lòng tốt thì để con đánh giầy cho chú.
Video đang HOT
Giọng nó có vẻ dứt khoát.
-Thế mày định để cho em nó đói chết à thằng kia???
Nó cúi gằm mặt xuống không nói gì. Thằng em thì cứ cầm lấy tay anh giật giật. Tôi bước gần đến ấn tiền vào tay thì nó lại hẩy ra xong quay ra ôm lấy thằng bé.
-Thôi được rồi, haiz, thế qua quán nước mía kia ngồi chú trả công đánh giầy và mời 2 thằng nước mía. Được chưa???
Nó lí nhí:
-Vâng, thế thì được ạ.
Vừa đặt cốc nước mía xuống bàn 2 đứa nó hút 1 mạch hết sạch, còn toàn đá. Tôi quay qua chị bán nước giơ 2 ngón tay ý ra hiệu thêm 2 cốc nữa, chị hiểu ý ngay, gật lia lịa. Đợi 2 cốc nước nữa đến, tôi bắt chuyện.
-Uống từ từ thôi không lạnh cổ, về đau họng đấy. Ngon ko?
-Dạ. Ngon ạ!
Thằng bé con mút chùn chụt rồi quay sang anh.
-Nước mía ngon quá anh hai, thế mà hôm trước anh bảo đắng lắm!!!
Nó cười hề hề rồi xoa đầu em. Thấy cốc thằng em đã gần hết, nó lấy cốc của mình đổ sang cho em.
-ơ, anh hai không uống à?
-Không, anh không thích uống nước mía. Em uống nốt đi.
Nó nhìn xuống chân tôi.
-Giầy chú bẩn quá rồi, con đánh giầy cho chú nha.
-Ok! hy vọng nó còn đánh được. Không cần sạch quá đâu.
Tôi vừa tụt đôi giầy vừa xỏ đôi dép tổ ong nó đưa. Mặt nó đen nhẻm, nhưng nhìn kỹ khá sáng sủa.
-Cháu bao tuổi?
-Tám chú ạ.
-Tám?
-Dạ
-Quá nhỏ!
Nó cười trừ
-Con lớn rồi mà.
-Mà sao cháu cứ xưng con với chú thế? Chú đâu quen cháu nhỉ.
-Mẹ con bảo ra đường gặp người lớn phải xưng con hết, phải lễ phép với người lớn tuổi, mình không có gì thì cũng không để người ta coi thường được. Xưng con để thấy con người gần gũi nhau hơn chú ạ.
Tôi tay chống cằm thở dài. Mình còn cố chấp hơn 1 đứa con nít.
-Thế mẹ cháu… à con đâu? nhà ở đâu?
-Mẹ con mất rồi ạ, gần 2 năm nay rồi. Nhà con ở đằng kia, nhưng bị phá rồi chú ơi. Người ta giải tỏa rồi, giờ tụi con ngủ ở sau chợ.
-Thế bố? bố đâu?
-Con không có bố. Lúc sinh ra đến giờ con chỉ biết có mẹ thôi. Con ko được đến trường, mẹ dạy con viết, dạy con làm toán, cái gì mẹ cũng dạy con hết.
Nó vừa nói, 1 tay luồn vào trong giầy, 1 tay quệt xi thoăn thoắt, mặt trùng xuống. Tôi cũng thôi, chẳng hỏi thêm nữa, quá khứ của mẹ nó chắc nó cũng chẳng biết đâu mà hỏi làm gì, nhưng trong đầu tôi thì hiện lên cả đống giả thiết: nào là mẹ nó bị gã nào lừa xong không chịu cưới, bị nhà chồng hắt hủi hay cũng có thể người nhà ruồng bỏ… Nhưng có điều, tôi chắc chắn đó là một bà mẹ tốt. Cứ nhìn cách thằng bé ăn nói và đối xử với người khác thì biết, hẳn nó phải bị ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ.
Tôi bế thằng bé con lên cho ngồi lên đùi, nó cười, nụ cười như chưa từng được một lần như thế. Nó còn bé quá, còn chưa biết gì đang ở phía trước đợi chờ nó.
-Con định tích góp tiền để bữa nào nó lớn cho nó đến trường chú ạ, con không muốn nó giống như con. Nhưng mà sao giờ người ta khó quá, trước 1 ngày con đánh được hai chục đôi mà giờ chỉ được năm, sáu… Hôm mưa thì có khi chẳng đôi nào. Không có cái cho nó ăn nên nó còm nhom chú ạ.
-Haizzz…Mà sao nhìn 2 đứa chả giống nhau nhỉ??
-Dạ, con nhặt được nó ở góc chợ, nó khóc to lắm, con không biết ai để nó ở đấy nữa.
-Sao không đem nó trả lại, con có nuôi nổi nó đâu.
-Biết người ta ở đâu mà trả hở chú? Người ta đâu có thương nó, bỏ nó giữa chợ thế kia còn gì. Ít ra con còn có chỗ ngủ, kiếm được cái ăn cho nó. Nó chẳng có gì.
-Xong rồi chú. Có mấy chỗ con chà mãi không sạch.
-Ừ, nó nát rồi thì sạch sao được, thế này là tốt lắm rồi, chú cảm ơn. Hết bao nhiêu chú gửi tiền nào?
-dạ, 7 ngàn chú. Nhưng thôi ạ, chú cho anh em con uống nước mía coi như hoà rồi ạ.
-Hoà là hoà thế nào, nước mía là chú mời bọn mày. Đây, ví chú còn có ngần này, cầm lấy đưa e đi ăn cơm đi. Tối rồi.
-Sao nhiều thế chú, con không dám cầm đâu. Mẹ con mắng đấy!
-Sao con bảo mẹ con mất rồi??? Không được nói dối nha, xấu lắm đấy.
-Con không nói dối, mẹ con vẫn ở đây mà.
Nói rồi nó thò tay vào túi áo lôi ra cái ảnh be bé đen trắng có hình người phụ nữ tóc dài, đôi mắt buồn nhìn rất hiền.
Lần đầu tiên tôi thấy những tia nắng vàng cuối ngày nó nặng trĩu trên khoé mắt đến thế… Tôi xoa đầu nó:
-Cầm lấy, coi như chú đặt trước cả tháng, mai lại đánh giầy cho chú nhé.
Nó lưỡng lự một hồi, cuối cùng cũng chịu cầm rồi lí nhí:
-Thế mai con sẽ đánh giầy cho chú nữa. Con cám ơn chú!
-Ừ…
Thằng anh cầm tay thằng em lũn cũn đi theo.
-Bữa nào kiếm được tiền mình đi uống nước mía nữa nha anh hai, ngon lắm!!!
Tôi nghe mà chẳng nhấc chân được lên. Giá mà ngay lúc này chú có thể làm được điều gì đó tốt hơn cho 2 đứa. Cảm ơn con, hôm nay là ngày may mắn của chú, con đã chỉ lại cho chú một con đường mà chú dường như đang mất dần niềm tin vào cái xã hội này. Chú vẫn tin là có điều kỳ diệu trên thế giới này, và con là một ví dụ. Cố gắng lên nhé! Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi…
Theo Guu
Vai diễn cuối cùng
Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng.
Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.
Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.
Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."
Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..."
Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.
Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.
Theo Guu
Lựa chọn và quyết định Nếu tôi không biết tự quyết định cho mình, thì rất có thể người khác sẽ phải đưa ra quyết định cho tôi. Và lại rất có thể quyết định của họ chẳng phù hợp với tôi một chút nào. Joseph Henry là một nhà khoa học Mỹ, ông là Chủ tịch đầu tiên của tổ chức danh giá Smithsonian (Học viện nghiên...