Độc đáo trang trại nông nghiệp trên… không
Với diện tích chỉ 1,98 km và dân số khoảng 38.700 người, Monaco không sẵn đất đai cho nông nghiệp. Hầu hết không gian đất liền bị bê tông hóa, là nền móng cho các cơ sở hạ tầng.
Công quốc Monaco rộng chỉ 1,98 km.
Nhưng cũng chính tại đây, doanh nghiệp trang trại rau quả sạch đô thị Terre de Monaco xuất hiện. Bằng cách tận dụng các khoảng trống sân thượng, họ cung cấp rau quả sạch cho cả nước.
Nhỏ nhưng giàu nhất
Công quốc Monaco nằm ở châu Âu và thuộc diện có chỉ số GDP bình quân trên đầu người cao nhất thế giới (thống kê năm 2017 là 166.726 USD/người/năm).
Người dân Monaco cũng có tuổi thọ cao nhất thế giới, 90 tuổi. Bất chấp mật độ dân cư dày nhất hành tinh, 20.370 người/km, tỷ lệ thất nghiệp bằng 0. Đời sống cư dân khá giả đến mức không có người nghèo. Các sòng bạc hợp pháp mở khắp nơi. Du lịch phát triển rầm rộ. Chỉ riêng lợi nhuận từ du lịch và thuế sòng bạc đã chiếm 25% tổng thu nhập quốc nội.
Ngoài 2 nguồn kinh tế trên, Monaco còn thịnh vượng nhờ công nghiệp chế tạo mĩ phẩm, hóa chất, điện tử, đóng tàu, xây dựng… Do tiếp giáp với biển Địa Trung Hải, chiếm một đoạn bờ biển Côte d’Azur có khe vịnh nước sâu, nó luôn la liệt các siêu du thuyền lớn nhỏ cập bờ.
Có điều, quá giàu sang trong khi đất đai eo hẹp cũng lắm bất tiện. Từng mét đất đều bị tận dụng để xây dựng. Gần như toàn bộ diện tích đất liền của Monaco bị bê tông hóa. Những tòa nhà cao tầng liền kề san sát. Làm sao để trồng cây xanh trong thành phố không hở ra khoảng đất trống nào?
Vào năm 2016, người mẫu kiêm cựu vận động viên quần vợt gốc Thụy Điển, Jessica Sbaraglia (31 tuổi) đề xuất dự án làm các trang trại rau quả trên sân thượng.
Cô thành lập doanh nghiệp nông nghiệp đô thị Terre de Monaco, tích cực vận động cư dân Monaco đồng ý mang đất lên sân thượng, biến khoảng trống bê tông trên cao thành vườn rau xanh tốt, cây ăn trái xum xuê.
Những sân thượng màu xanh
Các “trang trại” sân thượng có mặt trên toàn quốc.
“Lúc đầu, ai cũng cười nhạo, bảo rằng dự án của tôi thế nào cũng thất bại”, Sbaraglia nhớ lại. “Tôi biết mình sẽ phải cố gắng hết sức nếu muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người”.
Đầu tiên, Sbaraglia nhiệt tình phân tích thời thế. Cô khẳng định Monaco cũng phải bắt nhịp xu hướng du lịch sinh thái. Mọi người đều cần có ý thức trách nhiệm về môi trường. Ngoài việc có mật độ cư dân đông đúc, Monaco còn thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi ngày. Lượng khí thải liên tục tăng vùn vụt.
Thuận tiện cho Sbaraglia là từ năm 2006, Hoàng thái tử Albert II của Monaco đã quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và khắc phục sự mất mát đa dạng sinh học.
Công quốc Monaco cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 phải thành công giảm thiểu một nửa hiệu ứng nhà kính, và đến năm 2050 là trung hòa khí CO2.
Kế tiếp, Sbaraglia bắt tay vào xây dựng “trang trại nông nghiệp trên không”. 450 m2 sân thượng của khối chung cư dưới bóng Tháp Odéon cao 170m được sử dụng. Cô chia nó thành từng ngăn, trồng đủ các loại rau xanh và cây ăn trái. Luống cà tím, bí xanh nhanh chóng phất ngọn. Những bụi dâu tây, cây mơ trổ bông, đậu trái.
“Tôi được hưởng vô số hương vị tươi mát từ khu vườn”, Sbaraglia hạnh phúc. Tôi muốn mọi người ở Monaco cũng được thưởng thức những rau quả hữu cơ, tự nhiên như thế”.
Từ vườn sân thượng đầu tiên, Sbaraglia mở rộng diện tích. Đến nay, cô có tổng cộng 5 trang trại (bao gồm cả trang trại siêu tí hon dưới mặt đất, chỉ rộng đúng 30 m2), nâng tổng diện tích lên đến 1.600 m2.
“Ngày càng nhiều người hứng thú với ‘trò chơi sinh thái’ của tôi”, Sbaraglia vui vẻ. “Có điều, chưa phải tất cả các mái nhà ở Monaco đã được tận dụng. Vẫn còn những khoảng trống có thể trồng cây”.
Thu hoạch ấn tượng
Với 1.600 m2, Terre de Monaco của Sbaraglia sản xuất 5 tấn rau quả sạch mỗi năm. Cô bán chúng cho các nhà hàng, khách sạn gắn sao Michelin trên khắp công quốc. Belle Époque năm sao là một trong các khách hàng thường xuyên của Terre de Monaco. Mùa nào thức nấy, họ biến rau quả sạch thành những món ngon thượng hạng.
Kỳ thực, Sbaraglia chỉ là một trong nhiều người ở Monaco chung tay góp sức thúc đẩy sự phát triển của công quốc theo hướng bền vững. Dẫu lừng danh là nơi sa hoa, Monaco rất quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Cũng tại đất nước tí hon này, xuất hiện nhiều nhà lãnh đạo đặt tiêu chí “vì một ngày mai xanh” lên hàng đầu. Họ đang bằng mọi cách cân bằng hệ sinh thái, nghiêm ngặt kiểm soát và thực hiện các dự án “xanh”.
Từ trên đất liền đến dưới bến cảng, các quán ăn của Monaco đều sử dụng thực phẩm hữu cơ tươi sống địa phương. Ở đây cũng có khá nhiều tiệm chay, nổi bật nhất là nhà hàng món chay một sao Art Deco.
Các ban công được tận dụng làm không gian trồng cây. Nhiều người đóng góp sức lực và của cải, tái phát triển sườn đồi bị cháy trong nước thành rừng ô liu xanh tốt. Vào ngày quốc tế Rừng hàng năm (21/3), họ lại dạo quanh một vòng kiểm tra.
Tháng 1/2019, lệnh cấm nhựa có hiệu lực. Toàn bộ ống hút, cốc, đĩa, đồ nhựa dùng một lần biến mất khỏi Monaco.
Dưới bờ Côte d’Azur, hoạt động bảo tồn sinh vật được thực hiện nghiêm ngặt. Khách sạn Metropole mở chiến dịch Mr Goodfish, chủ trương chỉ phục vụ các món hải sản tự nhiên bền vững. Hàng năm, Tuần lễ Đại dương Monaco đều đặn tổ chức, thu hút chuyên gia bảo tồn từ khắp thế giới đến thảo luận, tìm kiếm giải pháp. Đất nước siêu nhỏ này cũng có một Bảo tàng Hải dương, nuôi giữ hơn 6.000 mẫu sinh vật biển.
Cũng tại Monaco, giao thông xe điện, hydro rất phổ biến. Điện tái tạo, nước tái sử dụng 100%. Toàn bộ cư dân nghiêm túc với mục tiêu phát triển bền vững, vì một Monaco xanh sạch đẹp hôm nay và cho con cháu mai sau.
Vũ Huế
Theo giaoducthoidai.vn
Công nghệ đang thay đổi những đám tang như thế nào?
Phá vỡ mọi quy tắc về cái chết, các công ty công nghệ đang tạo ra những thứ kỳ lạ như bộ đồ liệm làm từ nấm, bình đựng tro cốt hình tên lửa hay biến tro cốt thành kim cương.
Khi Luke Perry, nam diễn viên từng xuất hiện trong sê-ri truyền hình Beverly Hills, 90210 qua đời năm ngoái ở tuổi 53, toàn bộ cơ thể ông được bọc trong một bộ đồ lót màu đen và trắng trông khá gớm ghiếc. Tấm vải liệm này, được làm hoàn toàn bằng nấm và các sinh vật nhỏ khác, được thiết kế để từ từ biến ông thành... phân trộn.
Bộ đồ trị giá 1.500 USD, được thực hiện bởi công ty khởi nghiệp công nghệ tang lễ xanh Coeio, cam kết giảm thiểu tác động môi trường của người chết và làm sạch các chất độc từ cơ thể, thứ có thể xâm nhập vào môi trường bằng cách cho nấm ăn chúng.
"Cha tôi đã phát hiện ra nó và phấn khích vì điều này, hơn những gì tôi từng thấy. Ông đã được chôn cất trong bộ đồ này, đó là một trong những điều ước cuối cùng của ông", con gái của Perry đã giải thích trong một bài đăng trên Instagram .
Coeio, được thành lập bởi Jae Rhim Lee, tốt nghiệp MIT, là một trong số các công ty khởi nghiệp đang cố gắng giành thị phần trong thị trường tang lễ truyền thống trị giá 2 tỷ bảng Anh mỗi năm, mà cho đến nay thường dựa vào việc chôn cất hoặc hỏa táng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều những lời đề nghị mới và mong muốn của Perry chưa phải là điều lập dị nhất. Một số người muốn biến tro cốt của mình thành một viên kim cương đẹp, một bản ghi đĩa than, hoặc thậm chí tạo ra một bia mộ cá nhân có khả năng phát video hoài cổ về mình khi mọi người đi ngang qua .
Trên thực tế, những người lựa chọn một bộ đồ nấm kỳ quặc thay vì mua một chiếc quan tài có thể sẽ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Số liệu mới được công bố gần đây cho thấy mức giá trung bình cho chi phí tang lễ và chứng thực di chúc ở Anh đã tăng lên 9.493 bảng (khoảng 285 triệu đồng) vào năm 2019, tăng hơn 70% kể từ năm 2014. Chỉ riêng một đám tang đã tốn trung bình 4.417 bảng (khoảng 132 triệu), theo dữ liệu từ công ty bảo hiểm SunLife. Đây là một số tiền không nhỏ đối với các gia đình có thu nhập thấp. Một báo cáo năm 2014 của Đại học Bath - được công bố khi chi phí cho đám tang thấp hơn nhiều so với hiện giờ - ước tính rằng 100.000 người "không đủ khả năng để chết".
Đây là một viên kim cương, nhưng cũng là tro cốt của một người đã khuất.
Các công ty công nghệ từ lâu nhận ra thị trường trên thực tế đã bị chi phối bởi các giám đốc nhà tang lễ, những người có thể đã đẩy chi phí dịch vụ lên từ 300% đến 600%. Một số dịch vụ quảng cáo trực tuyến còn so sánh chi phí tang lễ giữa các bên và tuyên bố rằng người dùng có thể tiết kiệm tới 1.000 bảng (khoảng 30 triệu đồng) bằng cách mua quan tài hoặc đặt dịch vụ tang lễ trực tuyến.
"Giám đốc nhà tang lễ của bạn sẽ không nói với bạn rằng chôn cất theo kiểu thân thiện môi trường sẽ giúp tiết kiệm hai phần ba chi phí, hoặc chiếc quan tài bằng đồng sáng bóng đắt tiền mà bạn đã phải trả thêm nếu không được dùng sẽ đem bán như kim loại phế liệu", Derrick Grant, người sáng lập công ty tang lễ giá rẻ Willow nói. "Các gia đình có thu nhập trung bình sẽ có khoản nợ trung bình 1.600 bảng sau khi trang trải chi phí mai táng, và đó thường là các khoản vay nóng."
Ông cho rằng nhiều gia đình thường chịu áp lực phải đưa ra quyết định trong một thời gian ngắn và không có ai tư vấn hỗ trợ. Do đó, kết cục là họ phải mua một chiếc quan tài bị bơm giá, cùng các dịch vụ không có thật với chi phí lớn.
Ở Anh, chi phí tang lễ cao khiến cho nhiều người nghèo tới mức "không đủ khả năng để chết".
Nhưng tiền không phải là vấn đề duy nhất. Chôn cất và hỏa táng gây hại cho môi trường, vì các hóa chất độc hại từ cả hai phương pháp trên đều thẩm thấu vào không khí và đất. Số liệu của Liên minh người tiêu dùng về tang lễ, một tổ chức phi chính phủ, cho thấy có tới 246.240 tấn carbon dioxide được giải phóng mỗi năm do hỏa táng, tương đương với lượng khí thải của 41.040 xe hơi.
Trong khi đó, thay vì mua một chiếc quan tài bằng gỗ đắt tiền sẽ không bị phân hủy cho đến ít nhất 50 năm sau khi chôn cất, người dùng có thể mua một chiếc quan tài bằng bìa cứng với giá chỉ 95 bảng (khoảng 2,8 triệu đồng) và giảm tới 50% lượng khí thải carbon.
Một cách cực đoan hơn, công ty khởi nghiệp về tang lễ ở Mỹ mang tên Recompose có kế hoạch cung cấp các thùng ủ hình lục giác, nơi các thi thể sẽ được ký gửi để tạo ra đất đai mà các gia đình có thể mang về nhà, từ năm 2021. Một công ty có tên Eternal Reefs đề nghị gửi tro cốt của khách hàng xuống đáy đại dương trong một "quả bóng" có khả năng phân hủy sinh học hoàn chỉnh để giúp bảo vệ biển.
Thậm chí, bạn có thể lựa chọn mặc một bộ đồ liệm làm từ nấm để phân hủy cơ thể hoặc một chiếc quan tài đan bằng liễu gai, hay thậm chí đưa tro cốt vào không gian nếu có đủ tiền.
Tuy nhiên, việc đưa tro cốt ra ngoài không gian không hề dễ dàng. Diễn viên người Canada James Doohan, một trong những người muốn đưa tro cốt của mình lên không gian hay mặt trăng, đã phải chấp nhận mai táng trên một sườn đồi ở New Mexico, sau khi một loạt tên lửa phục vụ công tác này phóng thất bại và phát nổ.
Nếu muốn có một "cái kết" độc đáo hơn, bạn có thể sử dụng dịch vụ của một công ty in 3D. Đơn vị này có thể chế tạo ra cho bạn một chiếc bình đựng tro cốt, được thiết kế từ một nghệ sĩ nổi tiếng và có thể đặt nó ở bất cứ nơi nào trên thế giới, với giá 2.500 USD. Pete Saari, người sáng lập công ty này, nói rằng nhiều người đã yêu cầu đặt tro cốt của họ trong những chiếc bình đựng có hình dạng như những chiếc xe cổ điển, tàu tên lửa hoặc một con vật yêu thích.
Ông nói rằng ngành công nghiệp tang lễ từ chối sự đổi mới và việc đưa công nghệ vào gặp nhiều khó khăn, "gần như không thể thực hiện được" bởi vì các công ty tang lễ luôn có một danh sách các sản phẩm và dịch vụ được định sẵn và họ không thích những mọi người cố gắng vượt ra ngoài khuôn khổ.
"Bây giờ, có những công nghệ tốt hơn ngoài kia để giúp cung cấp một cái gì đó thực sự có ý nghĩa", Saari nói.
Tham khảo Wired
Bảo Nam
Theo toquoc.vn
8 khu chợ bán đồ kỳ dị nhất thế giới Những mặt hàng độc đáo như phôi thai lạc đà, đầu voi, đầu báo...khiến các khu chợ ngày càng nổi tiếng và thu hút nhiều khách tham quan. (Ảnh: Easemytrip) Chợ Phù thủy ở thủ đô La Paz (Bolivia) bán những sản phẩm lạ lùng làm bùa chú như phôi thai lạc đà, kền kền hay ếch khô. Theo quan niện của người...