Độc đáo nghề gốm truyền thống của người Jrai
Không biết nghề gốm của người Jrai có từ bao giờ. Chỉ biết rằng qua bao thăng trầm, nét độc đáo của nghề thủ công truyền thống này vẫn được gìn giữ trong các ngôi làng.
Ngày xưa, nghề gốm truyền thống của người Jrai thường do phụ nữ đảm nhiệm. Ngày nay, nam giới cũng tham gia vào việc làm gốm, trong đó có ông Rơ Châm Hiêng ở làng Yăng 3, xã Ia Phí, huyện Chư Păh.
Nghệ nhân Rơ Châm Hiêng hướng dẫn người dân trong làng kỹ thuật làm gốm. Ảnh: X.T
Nguyên liệu làm gốm chủ yếu từ đất sét. Để sản phẩm đạt chất lượng tốt, khâu tuyển chọn nguyên liệu giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Người lấy đất sét đòi hỏi phải có kinh nghiệm, chọn những loại đất có độ mịn, dẻo cao. Đất sét sau khi lấy về được tán nhuyễn, trộn thêm cát mịn theo tỷ lệ nhất định và một ít nước, sau đó dùng tay nhào nặn thật nhuyễn, loại bỏ tạp chất.
Ông Hiêng cho biết: “Nếu đất sét không pha cát hoặc pha không đúng tỷ lệ thì sản phẩm sẽ dễ bị nứt khi nung”.
Cũng giống như các dân tộc khác ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, dụng cụ làm gốm hết sức đơn giản với chỉ 1 cái đôn gỗ cao khoảng 50-70 cm, 1 thanh tre chuốt mỏng hoặc uốn cong (gọi là kong) để cạo mỏng thân gốm, làm láng và nạo lòng, 1 mảnh vải nhỏ dùng be chuốt bề mặt và 1 viên cuội nhỏ đánh láng sản phẩm sau khi được phơi khô. Không máy móc, không bàn xoay, không khuôn đúc, tất cả đều phụ thuộc vào độ khéo léo của đôi tay nghệ nhân.
Để tạo hình sản phẩm, nghệ nhân đặt nguyên liệu lên bệ đỡ, vừa đi quanh theo chiều kim đồng hồ vừa vuốt miết tạo nên hình dáng cho sản phẩm. Sau đó, họ dùng kong để nạo lấy phần nguyên liệu ở lòng sản phẩm và làm mỏng thân gốm, tiếp theo dùng mảnh vải nhỏ thấm nước chuốt quanh để làm đều bề mặt.
Công đoạn cuối cùng của việc tạo hình là trang trí cho sản phẩm, nghệ nhân dùng que vót nhọn hoặc lông nhím để khắc vẽ, chủ yếu là dạng hoa văn hình học, cỏ cây hoặc đắp nổi các con vật như: thằn lằn, cóc…
Sau khi hoàn thành công đoạn tạo hình, sản phẩm được đem phơi khô, có nơi gác giàn bếp khoảng 4-5 ngày. Cuối cùng, họ dùng viên đá nhỏ để đánh láng bề mặt bên ngoài rồi mới đem nung.
Video đang HOT
Nghệ nhân dùng Kong để nạo trong lòng sản phẩm. Ảnh: X.T
Người Jrai chỉ nung lộ thiên. Họ chất sản phẩm thành cụm trên nền đất trống, phủ rơm hoặc cây rừng rồi đốt lửa khoảng 2-4 tiếng đồng hồ tùy theo độ nhiệt và sức gió. Gốm của người Jrai không tráng men, khi nung chín thì tiếp tục vùi vào vỏ trấu, sau lấy ra và quét thêm một lớp nước cây rừng màu tím đen. Người Jrai gọi là cây “nung”. Sản phẩm gốm sau đó tiếp tục đem phơi nắng hoặc gác bếp khoảng 15 ngày thì có thể sử dụng.
Những vệt cháy đen kết hợp với nước cây nung và ám khói bếp tạo nên những sản phẩm độc đáo, giản dị, thô mộc, bền chắc. Việc sử dụng nước cây nung tạo nên khác biệt của người Jrai so với các dân tộc khác. Loại nước này vừa tạo màu đen làm đẹp cho sản phẩm vừa có tác dụng như một lớp men để bảo vệ xương gốm được bền chắc hơn.
Trước đây, sản phẩm gốm làm ra chủ yếu là các loại nồi tròn dùng để nhuộm màu sợi vải, nấu cơm, nấu thức ăn hoặc là những chiếc ché với họa tiết đơn giản sử dụng để ủ rượu cần hay làm vật hiến tế trong các nghi thức tín ngưỡng.
Ngày nay, sản phẩm đa dạng hơn, một mặt phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, mặt khác còn làm đồ lưu niệm, phục vụ du khách trải nghiệm.
Tuy nhiên, với sự tiện lợi từ các vật dụng hiện đại, số lượng người biết làm gốm ngày càng ít đi. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề gốm truyền thống của người Jrai trở nên quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi nỗ lực của cá nhân, tổ chức và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, cần tạo điều kiện để cộng đồng vừa là người thực hành, hưởng thụ và hưởng lợi từ di sản. Khi đó, giá trị cốt lõi của việc bảo tồn nghề gốm truyền thống mới bền chặt.
Phú Thiện: Độc đáo nhà sàn mái tranh vách tre của người Jrai
Kiểu nhà sàn mái tranh vách tre phổ biến trước đây của người Jrai ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) dần vắng bóng.
Những ngôi nhà còn sót lại đã tạo nên nét văn hóa riêng, độc đáo trong kiến trúc nhà ở của người dân bản địa nơi đây.
Nhờ được tu bổ thường xuyên nên trải qua gần 50 năm, căn nhà sàn mái tranh vách tre của gia đình bà Ksor H'Pem vẫn khá vững chãi. Ảnh: Vũ Chi
Theo chân thầy Nguyễn Đức Minh-cựu giáo viên Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Peng) ghé thăm căn nhà sàn mái tranh vách tre của bà Ksor H'Pem (buôn Ling, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Hứng chịu nắng mưa gần 50 năm nhưng căn nhà vẫn vững chãi. Căn nhà chứa đựng biết bao kỷ niệm của gia đình nên dù con cháu, người thân khuyên dỡ bỏ nhưng bà H'Pem quyết tâm giữ lại.
Trong không gian ấm cúng của căn nhà sàn 3 gian, bà H'Pem cho biết: Căn nhà được dựng lên từ năm 1977 khi bà vừa hạ sinh con gái đầu lòng. Trong đó, phên vách được đan bằng tre, nứa và mái lợp bằng cỏ tranh, sàn nhà là những cây tre già đập dập. Tất cả được gắn kết với nhau bằng dây mây, hoàn toàn không sử dụng đinh vít để cố định. Để làm được ngôi nhà sàn này, ngày ấy cả gia đình bà phải lên núi 1 tuần, đàn ông chặt tre, đàn bà tìm kiếm dây mây, cắt cỏ tranh.
Nhờ có khói bếp, những thanh tre cũng như lớp cỏ tranh lợp mái nhà không bị mối mọt, hư hỏng. Ảnh: Vũ Chi
Để căn nhà vững chãi, không bị mối mọt thì khâu chọn vật liệu rất quan trọng. Tre nứa, mây, cỏ tranh đều phải chọn loại tốt, to, dài và già. Trước khi đưa tranh lên lợp mái phải khéo léo chải sạch cỏ rác rồi bó thành từng bó nhỏ bằng dây mây. Khi lợp, mỗi bó cỏ tranh được bẻ cong 1 đầu khoảng 5-7cm cột cố định vào khung tre tạo sự chắc chắn khi trời có giông bão.
Cũng giống như những ngôi nhà sàn dài của người Jrai, bếp được bố trí gần cửa phía cuối nhà. Khói bếp bốc lên mỗi ngày giúp cỏ tranh không bị mối mọt. Căn nhà cũng có 2 cửa sổ ở giữa nhà đón ánh mặt trời và những luồng gió mát lành. Để tiết kiệm diện tích, căn nhà được bố trí thêm gác xếp bên trên. Đây là nơi chứa đựng những vật dụng chưa dùng đến của gia đình như gùi, thúng, nia....
Các thế hệ trong gia đình bà Ksor H'Pem sống hoàn thuận trong căn nhà sàn mái tranh vách tre có tuổi đời gần 50 năm. Ảnh: Vũ Chi
Bà H'Pem nhớ lại: "Ban đầu, ngôi nhà sàn của vợ chồng tôi chỉ có 1 gian, sau này con cái ngày càng đông đúc, nhu cầu chỗ ở tăng lên, chúng tôi tiếp tục nới dài căn nhà thêm 2 gian nữa. Mặc dù 3 gian nhưng ngôi nhà không có vách ngăn, giúp các thế hệ ở trong nhà luôn được sống trong tình cảm chan hòa, đoàn kết".
Ông Kpă É (chồng bà H'Pem) cho biết, trước kia đời sống đồng bào Jrai khó khăn lắm nên bà con tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để làm nhà sàn mái tranh vách tre. Những năm gần đây, đời sống ngày càng nâng cao, những nguyên vật liệu như tre nứa, mây, cỏ tranh ngày càng khan hiếm nên người dân phá nhà cũ để làm nhà sàn kiên cố ván gỗ, mái lợp tôn hoặc nhà xây.
Cũng giống như những căn nhà sàn dài của người Jrai, căn nhà mái tranh vách tre của bà H'Pem có 2 cửa sổ được đan bằng tấm tre nứa nhỏ có thể dịch chuyển để đón ánh mặt trời và những luồng gió mát lành. Ảnh: Vũ Chi
Ông É chia sẻ: Phần cỏ tranh gần gian bếp nhờ được hun khói nên rất bền chắc song phần mái phía trước nhà khoảng 5 năm phải thay mới một lần để không bị mưa tạt, gió lùa. Đầu năm 2023, gia đình phải huy động con cháu lên tận núi Chư Băh giáp huyện Ea H'leo (tỉnh Đak Lak) để cắt cỏ tranh và dây mây về lợp lại mái nhà. Thấy gia đình vất vả sửa nhà, nhiều người bảo ông bà dỡ bỏ xây nhà mới nhưng ông bà không đồng ý vì nơi đây chất chứa bao kỷ niệm. Ông bà cũng dặn con cháu nếu sau này có tiền cũng không phá để xây nhà mới mà hãy cải tạo để căn nhà kiên cố hơn.
"Căn nhà là nhân chứng cho tình cảm vợ chồng tôi, cho 11 người con lần lượt sinh ra và trưởng thành. Vì vậy, dù vất vả ra sao chúng tôi cũng quyết tâm giữ lại để con cháu sau này biết đến nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc dựng nhà của đồng bào mình"-ông É trải lòng.
Chị Ksor H'Nian (con gái thứ 9 của bà H'Pem) bộc bạch: "Biết được nỗi niềm của cha mẹ nên vợ chồng tôi luôn phụ giúp lên núi tìm kiếm nguyên liệu về sửa nhà khi cần. Trải qua gần 50 năm nhưng căn nhà mái tranh vách tre này vẫn là nơi anh chị em tôi quây quần lại vào mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Tuy nhiên điều tôi lo ngại nhất là việc vót những thanh tre dài đều nhau làm vách hiện chỉ có những người lớn tuổi mới làm được. Khi họ dần khuất núi, con cháu chúng tôi rất khó để tu bổ lại ngôi nhà khi nó xuống cấp".
Với gia đình bà Ksor H'Pem (buôn Ling, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) căn nhà sàn mái tranh vách tre là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của gia đình nên bà không muốn dỡ bỏ. Ảnh: Vũ Chi
Ông Lê Thanh Hùy-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Hiao cho biết: Những năm 1980 trở về trước, do đời sống còn nhiều khó khăn và tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nên người Jrai ở xã Ia Hiao chủ yếu dựng nhà bằng mái tranh, vách tre. Tuy nhiên, cùng với tiến trình hiện đại hóa, từ những năm 1990 đến nay, những ngôi nhà theo kiến trúc cổ này dần được thay thế theo hướng hiện đại. Căn nhà của gia đình bà H'Pem là căn nhà mái tranh vách tre còn lại duy nhất tại xã. Việc tu bổ căn nhà hiện gặp không ít khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm và những người có kinh nghiệm không còn nhiều...
Từng đi rất nhiều nơi, tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa của người Jrai, thầy Nguyễn Đức Minh cho rằng sự thay đổi của môi trường sống làm cho kiến trúc nhà ở của người Jrai chịu nhiều biến động. Những ngôi nhà sàn mái tranh vách tre dần vắng bóng. Đây là điều tất yếu khi những vật liệu có sẵn trong tự nhiên ngày càng khan hiếm trong khi vật liệu công nghiệp lại tiện lợi, giá cả phù hợp hơn. Người dân dần chuyển sang dùng tôn để lợp nhà, thậm chí dùng tôn để che chắn xung quanh thay cho vách tre, vách gỗ của những ngôi nhà sàn truyền thống. Để thế hệ tương lai biết đến nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc nhà ở của đồng bào Jrai, rất cần ngành chức năng, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ những căn nhà theo kiến trúc cổ còn lại này.
Ngôi nhà của gia đình 3 thế hệ ấn tượng bởi không gian chung Ngôi nhà sở hữu thiết kế phù hợp với khí hậu tại địa phương, thêm vào đó là giải pháp kiến trúc độc đáo cũng giúp tăng sự gắn kết các thành viên với nhau và với tự nhiên. C6 House xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 1600 m 2 tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, là tổ ấm...