Doanh thu MWG tháng 10 tăng 10%, kỳ vọng mùa mua sắm cuối năm
Doanh thu MWG tháng 10 đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 10% với động lực từ chuỗi Bách Hóa Xanh. Doanh thu TGDĐ và ĐMX quý IV kỳ vọng tăng 15% so quý III nhờ vào mùa mua sắm cuối năm. Bách Hóa Xanh tiếp tục câu chuyện doanh thu và thị phần, mở mới 500-700 cửa hàng trong năm 2021.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 13/11, đại diện Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) thông tin doanh thu tháng 10 đạt khoảng 8.700 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4% so với tháng 9, động lực đến từ chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX).
Chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) ghi nhận doanh thu khoảng 6.700 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sụt giảm là do sức tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng còn yếu, chưa thể phục hồi như trước dịch bệnh; tình hình mưa lũ ở miền Trung gây gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh số các cửa hàng trong khu vực này.
Tuy nhiên, so với tháng 9, tổng doanh thu chuỗi TGDĐ và ĐMX tăng 3% nhờ mở các cửa hàng ĐMX Supermini để khai thác nhu cầu khách hàng ở vùng sâu, vùng xa.
Chuỗi BHX ghi nhận kỷ lục doanh thu tháng mới và vượt mốc 2.000 tỷ đồng trên 1.650 cửa hàng. Doanh nghiệp đã mở mới 30 cửa hàng BHX trong tháng và đẩy mạnh tốc độ nâng cấp cửa hàng “5 tỷ” (>500 m2) để tăng doanh thu.
Chuỗi BHX tiếp tục chưa nói đến câu chuyện hòa vốn
Mặc dù chuỗi BHX là động lực tăng trưởng nhưng ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG khẳng định cuộc chơi của BHX vẫn là tăng doanh thu và thị phần, nhưng không phải giảm giá, hy sinh hiệu quả. Doanh thu BHX trong năm nay đạt khoảng 20.000 tỷ đồng vẫn rất nhỏ trong ngành, khi đạt mốc 80.000 – 100.000 tỷ mới đề cập câu chuyện lợi nhuận. Tính đến cuối năm nay, việc hòa vốn ở từng cửa hàng khả thi, song việc hòa vốn chung cả chuỗi còn liên quan đến nhiều chi phí quản trị khác.
Số liệu MWG cung cấp cho thấy tính đến cuối tháng 9, 80% cửa hàng BHX đã có EBITDA dương. Lũy kế 9 tháng, chuỗi BHX đang có lời EBITDA ở cấp độ sau cửa hàng và trung tâm phân phối.
Video đang HOT
Ông Trần Kinh Doanh – Tổng giám đốc MWG cho biết chuỗi BHX đã có khoảng 1.650 cửa hàng, theo kế hoạch kết năm 2020 tăng lên 1.750 cửa hàng và sang năm 2021 mở thêm khoảng 500-700 cửa hàng. Ở khu vực thành thị (TP HCM, trung tâm tỉnh), doanh nghiệp sẽ tập trung tối đa để làm mô hình lớn và vùng huyện nhỏ thì mô hình tiêu chuẩn.
Theo đó, doanh nghiệp đã triển khai mở cửa hàng BHX mô hình “5 tỷ” (diện tích lớn hơn 500 m2). Số lượng cửa hàng BHX “5 tỷ” đã tăng từ 12 cửa hàng vào tháng 7 lên 72 cửa hàng vào tháng 10, trong đó 45% tại TP HCM, phần còn lại ở 5 tỉnh miền Tây và 5 tỉnh miền Đông. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng hiện nay là trên 3 tỷ đồng/tháng. Tổng giám đốc MWG khẳng định không có hiện tượng chia sẻ doanh số giữa các cửa hàng BHX hiện tại với BHX mô hình “5 tỷ”.
Liên quan đến chi phí vận chuyển, để giải quyết vấn đề về thực phẩm tươi sống (rau, trái cây, thịt, cá), MWG đang hướng tới dịch chuyển tìm kiếm nguồn hàng tại địa phương, kỳ vọng giải quyết được trong năm sau.
Về mảng BHX online, số liệu MWG cho thấy kể từ quý III, mảng này có sự gia tăng mạnh mẽ về cả số lượng đơn hàng và doanh thu. Trong đó, số lượng đơn hàng phục vụ thành công trong quý III đã vượt tổng số đơn hàng trong 6 tháng đầu năm và xấp xỉ cả năm 2019. So với thời điểm cuối tháng 6, BHX online đã tăng phạm vi phục vụ từ 8 lên 10 tỉnh/thành phố và tăng số lượng trung tâm phân phối online từ 11 lên 19.
Ông Doanh cho biết tại TP HCM lượng mua hàng online rất lớn nên việc mở kho online riêng là hợp lý. Tuy nhiên, việc mở rộng ra vùng tỉnh lại không hiệu quả nên doanh nghiệp sử dụng kho của cửa hàng offline. Đồng thời, doanh nghiệp sử dụng kênh offline để truyền thông cho việc có đẩy mạnh mảng online.
Cuộc chơi Bách Hóa Xanh tiếp tục là doanh thu và thị phần.
Doanh số TGDĐ và ĐMX quý IV kỳ vọng tăng 15% so quý III
Chia sẻ về tình hình hoạt động của TGDĐ và ĐMX trong quý IV, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT MWG – CEO Thế Giới Di Động (công ty con MWG) cho biết nhìn chung là khả quan. Do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt và quý IV theo chu kỳ mỗi năm là thời điểm doanh số bắt đầu tăng khi vào mùa mua sắm cuối năm. Với một số sự chuẩn bị của doanh nghiệp thì doanh số TGDĐ và ĐMX kỳ vọng tăng khoảng 15% trong quý IV khi so với quý III.
Dự báo cho năm 2021, lãnh đạo MWG nhận định dù mọi thứ được kiểm soát tốt như dịch bệnh, thiên tai thì tình hình không khả quan do điện thoại không phải là sản phẩm thiết yếu trong khi thu nhập người dân vốn bị giảm sau dịch bệnh. Dù vậy, MWG vẫn đặt mục tiêu tăng doanh số 10% cho 2 chuỗi này.
Xét về động lực tăng trưởng thời gian tới, CEO Thế Giới Di Động chia sẻ trước đây doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi cửa hàng TGDĐ thành ĐMX, giảm từ 1.000 xuống 800 nhưng mục tiêu này tạm thời được thay thế bởi chiến lược mở rộng ĐMX Suppermini, từ đây đến cuối năm đạt 300 cửa hàng và đến năm sau tăng lên 1.000.
Do bối cảnh dịch bệnh, các chuỗi hay nhà bán lẻ đang gặp khó khăn, thậm chí phải thu hẹp và đóng cửa tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm mặt bằng, tăng cường mở rộng để chiếm lĩnh thị phần. Hơn nữa, qua thử nghiệm thì mô hình ĐMX Suppermini đã đem lại kết quả khả quan, doanh thu trung bình khoảng 1 tỷ đồng/tháng, trong khi ĐMX lớn là 8 tỷ và ĐMX mini là 3 tỷ. Biên lợi nhuận gộp là 23%, cao hơn mức trung bình tính chung cho TGDĐ và ĐMX (21%).
Bên cạnh đó, thị trường đã bảo hòa, doanh nghiệp tìm cơ hội gia tăng thị phần bằng cách tăng sản phẩm độc quyền. Hiện nay, cứ 10 sản phẩm bán ra thì TGDĐ chỉ có 1 sản phẩm độc quyền, thời gian tới sẽ tăng lên 3 hoặc 4.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng triển khai mô hình ĐMX tại Campuchia từ năm 2017 nhưng mới bán điện thoại, doanh thu hiện tại khoảng 300 triệu USD/tháng. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ đưa cả mô hình ĐMX qua và kỳ vọng tăng doanh thu lên 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Hiện nay số lượng cửa hàng ở thị trường này là 15, đến cuối năm mở lên 50 cửa hàng và cuối năm sau mở lên 80 cửa hàng thì không mở thêm do quy mô thị trường không lớn.
Dự kiến đến 2021, mảng kinh doanh ở nước ngoài đóng góp khoảng 55 triệu USD, tăng 600% so với năm 2020. Thị trường Campuchia đạt biên lợi nhuận khoảng 19%, thấp hơn trong nước và chưa có lời, kỳ vọng tháng 6 năm sau có lời.
Tích cực "đi cùng" Bách Hoá Xanh, chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn tiếp tục thua lỗ gần 8 tỷ trong quý 3/2020
Tính đến cuối tháng 9, Bách Hoá Xanh có 35 cửa hàng "5 tỷ" tại Tp.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre. Trong đó, 11 trên tổng số 35 cửa hàng "5 tỷ" được sắp xếp đi cùng với mô hình nhà thuốc An Khang.
Ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý 3/2020 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang (trước đây là Phúc An Khang) tiếp tục tăng thêm 3,8 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 2 năm về chung nhà, MWG hiện ghi nhận gần 9,4 tỷ thua lỗ tại chuỗi An Khang. Đây là phần lỗ tương ứng với 49% cổ phần mà MWG nắm giữ, như vậy tổng lỗ của An Khang từ khi MWG chính thức ghi nhận là công ty liên kết vào khoảng hơn 19 tỷ đồng.
Trong lần trao đổi mới nhất, ông Trần Kinh Doanh cho biết đang kết hợp chuỗi nhà thuốc An Khang bên cạnh Bách Hoá Xanh. Bởi, chuỗi bán lẻ thực phẩm đang có lợi thế lớn với lượng khách hàng ổn định nên có thể kết hợp với các chuỗi khác. Theo kế hoạch, MWG đang bố trí diện tích 20-30 m2 cho nhà thuốc và ngay lập tức có lượng khách tốt 100-150 hóa đơn/ngày và doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng/tháng. Dự kiến, với các cửa hàng Bách Hoá Xanh lưu lượng khách lớn 1.000 người/ngày có thể triển khai đặt nhà thuốc An Khang là 100 người.
Đánh tiếng thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang từ năm 2017 - khi thị trường ngành cốt lõi (điện thoại, điện máy) bắt đầu bước sang giai đoạn bão hoà, tuy nhiên nhận định thị trường chưa đến thời điểm chín mùi, sau đó MWG chỉ dừng lại đầu tư liên kết với tỷ lệ sở hữu 49% cổ phần. Theo báo cáo, MWG chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này.
"Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, MWG vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần", ông Nguyễn Đức Tài nói tại buổi chia sẻ đầu năm 2018.
Một lý do khác khiến MWG không vội vã đầu tư ngành dược bởi quy mô bán lẻ vẫn nhỏ, bằng khoảng một nửa so với ngành động. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 5,3 tỷ USD. Trong đó, bệnh viện chiếm tới 70% thị phần, chỉ 30% còn lại là dành cho các nhà thuốc bán lẻ (OTC), tương đương 1,6 tỷ USD trong khi cả nước có khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc.
Chưa kể, trước quy định mới kênh OTC trong những năm gần đây không còn tăng trưởng nóng như giai đoạn từ 2011-2015, thêm vào đó là sự sụt giảm của tổng cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh càng làm cho hoạt động kinh doanh ở kênh OTC gặp nhiều khó khăn.
Có thể, MWG sẽ lùi thêm thời gian xâm nhập mảng này. Ngược lại, mảng FMCGs được dốc lực từ đầu năm 2018 đến nay đang cho kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bùng phát, Bách Hoá Xanh tăng trưởng đột biến và trở thành một trong những lực đỡ đáng kể cho MWG. Quý 3/2020, doanh nghiệp thống kê doanh thu ngành thực phẩm và FMCGs tăng 112%. Trong đó, Bách Hoá Xanh hiện đã đóng góp gần 19% tổng doanh thu Tập đoàn.
Thế giới Di động (MWG): Quý III/2020 lợi nhuận đạt 951 tỷ đồng, tăng 11% Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (Mã chứng khoán: MWG - sàn HOSE) công bố báo cáo tài chính quý III/2020. Theo đó, trong quý III/2020 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 25.714 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 951 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 11% so với quý III/2019. Trong đó, biên lợi nhuận...