Doanh thu Microsoft đạt kỷ lục dù Xbox đang chững lại
Kết quả tình hình kinh doanh quý tài chính thứ 4/2019 của Microsoft không có gì bất ngờ khi hãng vẫn tiếp tục “ăn nên làm ra”.
Cụ thể, Microsoft cho biết đây tiếp tục là “năm tài chính kỷ lục”. Theo CEO Satya Nadella, đây là kết quả của “ quan hệ đối tác sâu sắc của Microsoft với các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp… mang đến những thỏa thuận thương mại lớn hơn, lâu dài hơn và phát triển trên mọi tập hợp công nghệ của chúng tôi“.
Theo Engadget, doanh thu của Microsoft trong quý tài chính thứ 4/2019 (tức quý 2/2019) đạt 33,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cả năm tài chính vừa qua (từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019), doanh thu của Microsoft đạt 125,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vẫn như thời gian gần đây, doanh thu từ mảng đám mây thông minh (Intelligent Cloud) vẫn tăng nhanh nhất, đạt 19% từ 9,2 tỷ USD lên 11,4 tỷ USD. Mảng công việc và quy trình kinh doanh (Productivity and Business Processes) cũng tăng đến 14%, còn máy tính cá nhân tăng 3% lên 11,3 tỷ USD. Riêng mảng game sụt giảm 10%, phần mềm và dịch vụ Xbox giảm 3%.
Cũng dễ hiểu bởi Microsoft không giới thiệu bất cứ phần cứng Xbox mới nào trong thời gian qua, phải đến năm sau chúng ta mới thấy Xbox thế hệ mới. Tại sự kiện E3, Microsoft đã “nhá hàng” Project Scarlett, hệ máy console kế tiếp hứa hẹn mạnh hơn 4 lần Xbox One X.
Microsoft cũng đang ấp ủ dịch vụ stream game xCloud dự kiến ra mắt vào tháng 10 năm nay.
Theo VN Review
Vì sao Sony lại bắt tay với Microsoft trên mảng gaming: Bài học từ Netflix và Amazon
Khi Sony chuyển sang dùng đám mây Azure, chất lượng dịch vụ PlayStation sẽ phụ thuộc vào ông chủ của Xbox. Quá trình tải game từ PS Store, những dòng chat hay video stream trên PS Network sẽ trở thành trách nhiệm của Microsoft.
Video đang HOT
Trong vòng nhiều năm liền, PlayStation đã luôn là mảng kinh doanh công nghệ thành công nhất của Sony. Và, trong gần 2 thập kỷ vừa qua, mối đe dọa lớn nhất, trực diện nhất tới PlayStation đã luôn là những chiếc Xbox của Microsoft.
Bởi thế, khi Sony tuyên bố hợp tác cùng Microsoft trên lĩnh vực gaming trong ngày 16/5 vừa qua, các game thủ chắc chắn đã không khỏi bất ngờ. Trong tuyên bố chung, Microsoft và Sony khẳng định "Hai công ty sẽ tìm hiểu cơ hội phát triển giải pháp đám mây trên Azure (nền tảng đám mây của Microsoft) để hỗ trợ mảng game và streaming".
Từng nhà lãnh đạo của mỗi bên cũng dành những lời có cánh cho đối thủ tưởng chừng không đội trời chung. Tuyên bố của chủ tịch Sony Kenichiro Yoshida có đoạn: "Trong vòng nhiều năm, Microsoft đã luôn là đối tác quan trọng của chúng tôi, mặc dù dĩ nhiên 2 công ty có cạnh tranh trên một số lĩnh vực". Lãnh đạo mảng Xbox tại Microsoft là Phil Spencer thì khẳng định Microsoft đang "Phấn khích về các cơ hội phía trước cùng Sony để phát triển các tham vọng chung trên lĩnh vực game và đem lại niềm vui cho game thủ khắp thế giới".
Không phải chưa có tiền lệ
Thực tế, đây không phải là cái bắt tay gây sốc đầu tiên giữa 2 đối thủ cùng kinh doanh một lĩnh vực công nghệ. Năm 2010, Netflix khiến cả thế giới nghĩ rằng họ đã... mất trí khi tuyên bố sẽ đưa toàn bộ hạ tầng IT của mình lên đám mây của Amazon. Chưa bàn đến năng lực đáp ứng của đám mây AWS, điều khiến thế giới lo ngại nhất là sự cạnh tranh giữa 2 công ty: Netflix kiếm tiền bằng cách stream phim ảnh, và Amazon cũng vậy. Khi hợp đồng đám mây được ký, toàn bộ nội dung của Netflix sẽ nằm tại cơ sở của Amazon.
Chuyện thuê hạ tầng của đối thủ cạnh tranh trực tiếp không phải là chưa từng xảy ra.
Tương tự, năm 2016 Spotify cũng gây bất ngờ khi tuyên bố chuyển sang sử dụng nền tảng đám mây của Google (GCP). Các dịch vụ của Google như Play Music, YouTube Red và dĩ nhiên là cả YouTube "thường' đã luôn ít nhiều cạnh tranh với Spotify để trở thành điểm đến của người nghe nhạc. Nhưng Spotify vẫn sẵn sàng giao phó "nguồn sống" của mình cho Google. Nếu đám mây của Google gặp vấn đề, Spotify sẽ mất doanh thu stream.
Cái bắt tay giữa Sony và Microsoft cũng mang một nghịch lý tương tự. Khi Sony chuyển sang dùng đám mây Azure, chất lượng dịch vụ PlayStation sẽ phụ thuộc vào ông chủ của Xbox. Quá trình tải game từ PS Store, những dòng chat hay video stream trên PS Network sẽ trở thành trách nhiệm của Microsoft.
Tại sao lại bắt tay?
Dĩ nhiên, những cái bắt tay của đối thủ sẽ chỉ xảy ra nếu như lợi ích mà họ nhận được vượt xa những rủi ro tiềm tàng. Từ thương vụ lịch sử giữa Amazon và Netflix nhiều năm trước, tất cả những lợi ích này đã được làm rõ.
Microsoft có thể đi khoe với khách hàng tiềm năng rằng: "Đến cả Sony còn dùng đám mây của chúng tôi".
Đầu tiên là từ góc nhìn của nhà cung cấp đám mây. Nếu có thể phục vụ tốt cho chính các đối thủ của mình, Amazon, Google và Microsoft sẽ có những câu chuyện trong mơ để kể khi đi bán hàng. Những thông điệp như "Netflix dù cạnh tranh với Amazon nhưng khi dùng AWS vẫn liên tục bùng nổ" sẽ xóa tan mọi nghi ngại về đám mây Amazon. Nhìn vào Netflix, các khách hàng tiềm năng có thể tin tưởng rằng Amazon sẽ đảm bảo cho dữ liệu của họ được an toàn, cho dịch vụ của họ được ổn định. Họ có thể yên tâm rằng dù có cạnh tranh trực tiếp đi chăng nữa, Amazon vẫn sẽ tìm mọi cách để cung cấp cho họ dịch vụ tốt nhất.
Chắc chắn Amazon, Google và Microsoft đều hiểu lợi ích của những cú bắt tay đầy nghịch lý này. Bởi thế họ sẽ sẵn sàng cung cấp mức giá hấp dẫn hơn hẳn để ký được hợp đồng. Nhờ thế, phía còn lại (Netflix, Spotify, Sony) sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí khi dành hợp đồng cho đối thủ trực tiếp, thay vì cho những công ty không mấy liên quan.
Cổ phiếu Sony thậm chí vừa tăng giá 10% ngay sau khi bắt tay với đối thủ.
Chưa kể, các đối thủ đã có sẵn kinh nghiệm trong lĩnh vực mà khách hàng nhắm tới: kinh nghiệm làm hạ tầng liên quan đến game của Microsoft chắc chắn phải vượt trội so với Amazon hay Google. Sony có lý do để tin rằng năng lực cung ứng của Microsoft sẽ tốt hơn hẳn các đám mây còn lại.
Cạnh tranh như thế nào?
Microsoft liệu có bị mâu thuẫn khi đảm nhiệm đám mây cho Sony? Khi đã trao hạ tầng cho đối thủ, Sony sẽ tiếp tục cạnh tranh như thế nào với Microsoft?
Câu trả lời vẫn đến từ bài học của Amazon và Netflix: hiện tại, Amazon Prime Video cạnh tranh với Netflix bằng kho phim chứ không phải bằng độ trễ, băng thông hay bất cứ thứ gì liên quan đến hạ tầng IT. Tương tự, Sony và Microsoft sẽ tiếp tục cạnh tranh với nhau bằng tính năng, bằng cấu hình console, bằng các tựa game độc quyền như họ đã làm trong suốt 18 năm qua. Đưa hạ tầng lên đám mây Azure sẽ giúp các dịch vụ PlayStation ổn định, nhưng chúng chẳng hề thay đổi cái cách Sony đã đánh bại Microsoft trong nhiều năm.
Chuyện tình nghịch lý nhưng đầy hy vọng!
Bởi thế, cổ phiếu Sony đã ngay lập tức tăng giá tới 10% sau khi thông tin hợp tác cùng Microsoft được công bố. Toàn bộ sức mạnh của hệ sinh thái PlayStation giờ đã có nhà cung cấp đám mây số 1 thế giới đứng sau.
Những cú bắt tay như vậy nói lên rất nhiều về sự trưởng thành của ngành công nghiệp đám mây. Các nhà cung ứng có thể tham gia kinh doanh nhiều mảng khác, nhưng khách hàng như Netflix và Sony không cần phải suy nghĩ quá nhiều về vấn đề cạnh tranh khi trao xương sống của mình cho đối thủ. Đám mây không làm thay đổi bản chất cạnh tranh của từng ngành công nghiệp, thay vào đó chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, giúp gỡ bỏ các mối lo về IT để các công ty có thể tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi của mình, vào những gì họ làm tốt nhất.
Theo GenK
Satya Nadella - CEO tham vọng của Microsoft Hiện nay, Microsoft đã vượt mặt Apple để trở thành công ty có giá nhất thế giới, bỏ xa các đối thủ lớn khác như Amazon hay Google trên thị trường chứng khoán. Đây được coi là một kết quả xứng đáng dành cho 'gã hói' CEO Microsoft Satya Nadella. Chưa đầy 5 năm sau khi ngồi ghế lãnh đạo, vị CEO gốc...