Doanh thu của Pfizer tăng 77% nhờ vaccine COVID-19
Trong quý I/2022, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đạt doanh thu lên tới 25,7 tỷ USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nguồn thu chủ yếu từ các hợp đồng bán vaccine ngừa COVID-19 lên tới 13,2 tỷ USD.
Hình ảnh minh họa vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của Pfizer, thu nhập ròng của hãng tăng 61%, lên 7,9 tỷ USD. Mặc dù đạt kết quả kinh doanh khả quan như vậy, song hãng vẫn hạ dự báo lợi nhuận cả năm do sự chệnh lệch của tỷ giá đối đoái ngoại tệ. Đến nay, Pfizer đã chuyển khoảng 3,4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho 179 nước. Sản phẩm của hãng hầu hết đã được cấp phép ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, vẫn cần tiến hành thêm các thử nghiệm sử dụng vaccine này cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla, công ty đang nghiên cứu phát triển các loại các vaccine thế hệ tiếp theo, trong đó có các loại vaccine ngừa biến thể mới vào mùa Thu năm nay.
Trong quý I/2022, Pfizer đã thu về 1,5 tỷ USD từ bán thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 trên toàn cầu. Hãng dược phẩm của Mỹ kỳ vọng doanh thu bán sản phẩm này trong năm nay sẽ đạt 22 tỷ USD khi công ty đẩy mạnh sản xuất và phân phối.
Tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị nên sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid cho bệnh nhân COVID-19 thể trung bình vẫn có nguy cơ phải nhập viện điều trị.
Chuyên gia Israel cảnh báo biến thể Delta có thể quay trở lại
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, một báo cáo nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Ben Gurion của Israel công bố ngày 2/5, cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 không có khả năng loại bỏ được "người tiền nhiệm" và Delta có thể xuất hiện trở lại gây làn sóng lây nhiễm mới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Tel Aviv, Israel, ngày 11/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo được đăng trên Tạp chí Science of the Total Environment, nêu rõ biến thể Omicron có thể sẽ tự tiêu biến trong vài tháng tới, song biến thể Delta có thể xuất hiện trở lại. Báo cáo dẫn lời giáo sư Ariel Kusshmaro và tiến sĩ Karrin Yaniv, cho biết trong khi biến thể Delta có khả năng loại bỏ các biến thể xuất hiện trước đó là Alpha, Beta và Gamma, thì biến thể Omicron lại không thể làm như vậy với Delta.
Nhóm nhà khoa học trên đã theo dõi và phân tích chất thải của những bệnh nhân COVID-19 từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022 và nhận thấy sự tương tác đáng lo ngại giữa hai biến thể này. Các nhà khoa học dự báo biến thể Omicron có khả năng sẽ tự biến mất trong vài tháng nữa, nhưng Delta có khả năng sẽ quay trở lại và bùng phát thành một đợt dịch mới. Báo cáo nêu trên nhấn mạnh "Biến thể Delta vẫn đang lưu hành trong một cộng đồng có hệ miễn dịch yếu và có thể tái xuất hiện hoặc tạo ra một biến thể mới gây ra làn sóng lây nhiễm mới ở Israel".
Trên cơ sở nghiên cứu kể trên, các nhà khoa học Israel khuyến nghị người dân nước này chưa nên vội bỏ khẩu trang mặc dù Chính phủ Israel vừa mới lần thứ hai dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm công cộng và không gian mở.
Triển khai đợt xét nghiệm đại trà COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc Trong 3 ngày từ 3-5/5, tất cả người dân sống và làm việc tại 12 quận của thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ phải làm xét nghiệm acid nucleic 3 lần liên tiếp. Đây là một trong các biện pháp của chính quyền thành phố nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho...