Doanh nghiệp Việt lao đao vì dịch Covid – 19
Cùng với việc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và hoạt động giao thương qua các cửa khẩu ở khu vực phía Bắc chưa thuận lợi, hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt bắt đầu thấy có sự tác động do Trung Quốc hiện là thị trường cung cấp nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Căng thẳng nguồn cung từ Trung Quốc
Theo phản ánh từ đại diện các hiệp hội, hiện các mặt hàng nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất đang gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp phía Trung Quốc chưa hoạt động trở lại.
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với đại diện 5 hiệp hội ( Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Da giầy và túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam) và Tập đoàn Samsung trong tuần qua, đại diện Hiệp hội Da giầy túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết khảo sát nhanh các thành viên trong hiệp hội, khoảng 70-80% doanh nghiệp vẫn còn nguyên liệu sản xuất trong vòng 2-3 tuần nữa. Một số ít doanh nghiệp khác trong ngành còn nguyên liệu đến cuối tháng 2 và rất ít doanh nghiệp trữ đủ nguyên liệu đến giữa tháng 3.
Theo đại diện Lefaso, với ngành da giầy, các doanh nghiệp trong nước mới chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu các loại. Trong đó, ở phân khúc cao cấp, ước ảnh hưởng khoảng 20%. Chịu tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng thấp cấp, hoặc chuyên xuất qua khu vực biên mậu vì phải phụ thuộc 100% nguồn cung từ Trung Quốc.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thiếu nguyên liệu cho sản xuất cũng là lo lắng của nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện nay. Ông Cẩm cho hay, ngành dệt may hiện phải nhập khẩu 60-70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ Trung Quốc, trong đó nhập khẩu vải chiếm nhiều nhất. Việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động đến hết tháng 2, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu, nhiều doanh nghiệp dệt may đã tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil…. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, do giá nhập nguyên liệu từ Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác. Việc đàm phán được mức giá tốt từ các thị trường thay thế để giá thành các mặt hàng xuất khẩu không bị quá ảnh hưởng cũng là việc không dễ thực hiện trong một sớm một chiều.
“Hiện khoảng 90% doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa, nên ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Doanh nghiệp đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ cũng như chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Trước diễn biến hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp hội viên gửi báo cáo về tác động của dịch Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh để Vitas tổng hợp báo cáo Chính phủ”, ông Cẩm cho hay.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, Trung Quốc là thị trường cung cấp nguyên liệu lớn nhất cho các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng điện tử Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có lượng nhập hàng nguyên liệu từ Trung Quốc rất lớn. Nếu dịch Covid-19 kéo dài, chỉ 1-2 tháng nữa sẽ nhìn thấy rất rõ tác động của dịch bệnh. “Nguy cơ dừng sản xuất hiện hữu, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc là những áp lực lớn đối với doanh nghiệp”, bà Hương cho hay.
Video đang HOT
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Chính phủ, một doanh nghiệp FDI lớn là LG vừa có báo cáo cho hay, sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh nếu dịch Covid-19 không được ngăn trong vòng 2 tuần tới. Còn với tập đoàn Samsung, việc hàng trăm container nhập khẩu nguyên liệu đang bị ách tắc tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn, nếu không được thông quan có thể giảm tới 50% doanh số của Samsung trong năm 2020.
Tập đoàn Formosa cũng cho hay, không thể nhập khẩu nguyên liệu thép từ Trung Quốc và việc hàng nghìn lao động Trung Quốc làm việc tại dự án Formosa phải sau ngày 15/2 mới được phép nhập cảnh vào Việt Nam đang ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Đại diện một doanh nghiệp thép lớn ở Việt Nam nói với Tiền Phong, hiện nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc tạm thời chưa gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của đơn vị nhưng nếu kéo dài đến giữa tháng 3, nhiều doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp khó khăn về nguyên liệu. Theo vị này, hiện các doanh nghiệp thép đã chủ động tìm nguồn cung nguyên liệu từ các thị trường khác nhưng phải đối mặt với việc giá tăng rất cao.
Tìm thị trường mới cho hàng Việt
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch Covid-19 đang gây những tác động lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc về mặt nông, thủy sản cũng như với nhiều ngành hàng xuất khẩu sang thị trường thứ 3 của Việt Nam. Theo ông Hải, ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang EU, Hoa Kỳ.
“Ngoài nguồn nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp có thể nhập khẩu từ: Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… Giá nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường này có thể cao hơn từ Trung Quốc. Trước đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Cục Công nghiệp rà soát, đánh giá và phân tích các ngành bị ảnh hưởng của dịch cũng như mức độ phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, mức độ và thời gian chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh với từng nhóm ngành hàng. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thay thế”, Bộ Công Thương cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước và FDI đưa ra đánh giá tác động mức độ ảnh hưởng do tác động nguồn cung nguyên liệu đầu vào và khả năng sản xuất trong ngắn hạn và trung hạn.
Bộ Công Thương dự kiến nhiều kịch bản ảnh hưởng tới ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ví dụ, trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), thì trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 – 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5 – 8%, tùy theo diễn biến của dịch.
Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho biết, 30 tỉnh, thành có 322 doanh nghiệp dừng hoạt động, 553 đơn vị giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, 30 hợp tác xã và gần 300.000 hộ gia đình phải dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Chưa kể, hơn 1.000 lao động tại 22 tỉnh, thành bị mất việc, trong đó, hơn một phần ba đến từ ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, 10% là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo Phạm Tuyên/Tiền phong
Dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD, vẫn không lơ là kiểm soát tỷ giá
Dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD là tấm đệm giúp Việt Nam chống đỡ với các cú sốc từ bên ngoài trong năm nay. Tuy nhiên, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải rất thận trọng khi mua vào, bán ra ngoại tệ.
Tỷ giá trong năm nay được dự báo chỉ biến động ở mức 1 - 2%. Ảnh: Đức Thanh
Can thiệp thị trường sẽ phải thận trọng hơn
Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra báo cáo rà soát tháng 1/2020 về các đối tác thương mại lớn. Theo đó, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia bị Mỹ theo dõi về thao túng tiền tệ.
Trong 3 tiêu chí mà Mỹ xem xét, gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, Việt Nam chỉ "phạm" tiêu chí thứ nhất (thặng dư đạt 47 tỷ USD trong 4 quý (tính đến tháng 6/2019).
Phía Mỹ thừa nhận, số dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đã được thu hẹp, chỉ còn 1,7% GDP và sự can thiệp trên thị trường ngoại hối là hai chiều.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn cần thận trọng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC), kể từ tháng 6/2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ (ước tính hơn 10 tỷ USD) và đã vượt mốc 2% GDP. Do đó, thời gian tới, nguy cơ Việt Nam bị chính quyền Trump "để mắt" tới vẫn chưa thể được loại bỏ hoàn toàn.
Trong báo cáo nói trên, Bộ Tài chính Mỹ khuyến cáo, Việt Nam nên giảm bớt sự can thiệp và cho phép điều chỉnh tỷ giá theo nguyên tắc kinh tế căn bản.
TS. Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ khiến Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng hơn trong việc mua vào ngoại tệ năm 2020, dù việc mua vào, bán ra ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đều chỉ nhằm mục tiêu ổn định thị trường trong nước, chứ không phải nhằm tạo cạnh tranh không công bằng với các đối tác thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Minh Hưng đã nhiều lần khẳng định, Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng rất tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để làm việc với các đối tác, khẳng định Việt Nam điều hành tiền tệ và tỷ giá theo diễn biến thị trường. Năm 2020, công tác này tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên hàng đầu.
Hiện tại, Việt Nam đang có lượng dự trữ ngoại hối cao kỷ lục (đến cuối năm 2019 là gần 80 tỷ USD).
Tỷ giá năm 2020 sẽ ít phải can thiệp?
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho hay, dù đang ở mùa thanh toán cuối năm, song thanh khoản hệ thống rất dồi dào. Trên thị trường, tỷ giá cũng khá bình lặng, khác hẳn tình trạng "căng thanh khoản" thường diễn ra vào dịp Tết như những năm trước.
Dù việc mua vào ngoại tệ thời gian tới sẽ phải tính toán thận trọng hơn, song giới chuyên gia cho rằng, tỷ giá năm nay có thể sẽ tiếp tục ổn định do có nhiều yếu tố hỗ trợ, đồng thời tỷ giá không gặp nhiều áp lực như những năm trước. Việc thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt, Mỹ đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ... có thể sẽ khiến đồng nhân dân tệ tăng giá, giúp tỷ giá trong nước dễ thở hơn.
Ngoài ra, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)... đều tăng trưởng tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, năm 2020, dù Ngân hàng Nhà nước có ít can thiệp thị trường ngoại hối hơn, thì nhiều khả năng, tỷ giá sẽ vẫn giữ ổn định.
Tất nhiên, những yếu tố như kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Mỹ - Iran, Brexit... chưa được giải quyết dứt điểm; 2020 là năm bầu cử Tổng thống Mỹ... vẫn là những ẩn số cần dè chừng với tỷ giá.
Giữ ổn định thị trường ngoại hối là yếu tố quan trọng nhất để ổn định vĩ mô, đảm bảo niềm tin vào tiền đồng, nên Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ không "buông" kiểm soát với thị trường này. Bằng kinh nghiệm điều hành nhịp nhàng mấy năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ mua vào, bán ra với liều lượng phù hợp, để vừa ổn định thị trường, vừa tiếp tục đàm phán với phía Mỹ.
Trong bối cảnh tác động như hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng, năm nay, tỷ giá sẽ chỉ biến động 1 - 2%.
Trần Mạnh
Theo Baodautu.vn
Doanh nghiệp muốn xây thương hiệu phải 'xây nhà từ móng' Có thể gọi thương hiệu là "linh hồn" của doanh nghiệp (DN). Đánh mất "linh hồn" đồng nghĩa với việc DN tự vạch ra đường "chết" cho mình. Nốt thăng trầm trong xây dựng thương hiệu Trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới, cộng đồng DN Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh...