Doanh nghiệp viễn thông “nhòm ngó” băng tần của S-Fone
Trong bộn bề gian khó, S-Fone vẫn gồng mình tìm hướng đi cho cuộc chiến trụ hạng trên thị trường di động Việt Nam. Thế nhưng, đã có doanh nghiệp viễn thông nhòm ngó đến băng tần đẹp mà S-Fone đang nắm trong tay.
Cuối cùng, năm 2010 SK Telecom cũng đã tuyên bố rút khỏi dự án S-Fone và đặt SPT vào cảnh lặn lội đi tìm đối tác mới để chống lưng cho mạng S-Fone. SK Telecom tuyên bố rút lui khỏi hợp đồng hợp tác kinh doanh với SPT trong bối cảnh hàng loạt mạng di động ở Việt Nam và thế giới cũng tuyên bố khai tử công nghệ này. Trên thực tế, thiết bị đầu cuối là vấn đề đau đầu nhất cho các mạng CDMA ở Việt Nam bởi chủng loại ít và giá đắt nên gần như không thể xã hội hóa việc bán máy cho khách hàng.
Sau đó, SaigonTel đã mua cổ phần của SPT và tham gia HĐQT của công ty, đồng thời có nhiệm vụ tìm kiếm đối tác cả trong và ngoài nước để đầu tư vào mạng S-Fone. Thế nhưng, SaigonTel không đủ sức lấp khoảng trống sau khi SK Telecom rút lui khỏi dự án S-Fone. Không thể phủ nhận trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam, SaigonTel là một “đại gia”. Nhưng trong viễn thông thì thương hiệu này lại “không có tuổi”.
Trong bối cảnh đó, S-Fone đã “lặn lội thân cò” đi tìm đối tác đầu tư. Sau khoảng thời gian không hề ngắn, nhưng những thông tin về đối tác nào sẽ đầu tư vào mạng S-Fone xem ra vẫn là câu chuyện khi “trà dư tửu hậu” mà không có một bản hợp tác chính thức được công bố. Khó khăn chồng lên khó khăn vẫn là tình cảnh của S-Fone hiện nay.
S-Fone đang nỗ lực trụ hạng trên thị trường di động.
Hiện S-Fone vẫn miệt mài tìm đường đi cho cuộc chiến trụ hạng trên thị trường di động. Đầu năm 2012, SPT đã xác lập một kế hoạch mang tính cách mạng là “thay máu” công nghệ cho mạng S-Fone. Theo đó, SPT sẽ khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 850 MHz. Tuy nhiên, cuộc thay máu công nghệ sẽ vô cùng tốn kém bởi S-Fone phải thay thế gần như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm… Ngoài việc đầu tư mạng 3G mới, S-Fone còn phải thay máy điện thoại cho khách hàng. Giới chuyên môn nhận định đây là cuộc chơi tiêu tốn tới vài trăm triệu USD và nhanh nhất phải đến năm 2013, S-Fone mới giải quyết xong vấn đề này. Và như vậy, cần có một đối tác hùng mạnh về tài chính để bơm tiền vực dậy mạng S-Fone. Nhưng ngặt nỗi, thị trường di động Việt Nam quá khắc nghiệt. Những tham vọng kiếm tiền từ thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đại đại gia viễn thông hàng đầu thế giới. Vimpelcom đã phải “bỏ của chạy lấy người” khi buộc phải cắn răng bán rẻ cổ phần trong mạng Beeline Việt Nam chỉ lấy có 45 triệu USD. Hutchison và đối tác Hanoi Telecom vận hành mạng Vietnamobile trong nhiều nỗi lo nơm nớp.
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam ngày 14/7/2012, đại diện truyền thông của S-Fone dè dặt thông tin rằng S-Fone vẫn đang trong quá trình đàm phán để tìm đối tác. Trong khi giới chuyên môn biết tỏng rằng câu chuyện này quá khó cho S-Fone.
Video đang HOT
Lãnh đạo một tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam than phiền về khoản nợ cước kết nối mà S-Fone gần như không có khả năng chi trả. “Chúng tôi đã cắt bớt số kênh kết nối theo hợp đồng với mạng S-Fone, nhưng cũng chẳng thấy mạng này phản ứng gì”, vị lãnh đạo này nói.
Một nguồn tin cho Báo Bưu điện Việt Nam hay là đã có doanh nghiệp viễn thông đang “nhòm ngó” băng tần mà S-Fone đang có. Cõ lẽ doanh nghiệp này đã tiên liệu trước điều gì đó. Viễn thông vốn dĩ là lĩnh vực của nhiều toan tính. Giới chuyên môn thừa nhận, băng tần của S-Fone được cấp thuộc loại tốt nhất hiện nay và nó sẽ tạo lợi thế cho nhà mạng nào sở hữu nó.
Theo VNE
S-Fone đã gần như ngừng hoạt động
Các thuê bao của S-Fone ở khu vực TPHCM và các tỉnh miền Tây đang rơi vào tình trạng mất sóng, bên cạnh đó các cửa hàng cũng lần lượt đóng cửa.
S-Fone hứa sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi mạng di động này hoạt động trở lại với công nghệ mới.
Thuê bao dần mất sóng
Ông Dương Văn Tùng, sống tại phường 5, quận 6, đường Hậu Giang, TPHCM cho biết, gia đình ông xài 3 số S-Fone là 095379xxx1, 095941xxx5 và 095812xxx0, bắt đầu bị mất sóng từ ngày 6/7/2011. Trước tình trạng trên, ông đã đi hỏi khắp các cửa hàng của S-Fone trên đường Hậu Giang, Ngô Quyền, Bùi Thị Xuân... nhưng tất cả đều bảo về nhà chờ và gọi gần 40 cuộc lên tổng đài 905 vẫn nhận được câu trả lời như thế. Hiện tại, các điện thoại S-Fone do ông sở hữu hoàn toàn không xài được.
Ông Tùng cho biết thêm, hàng xóm xung quanh nhà ông cũng bị trường hợp như trên và tất cả đều đang thắc mắc không biết khi nào S-Fone sẽ giải quyết vấn đề này cho mình, vì phản ánh nhiều, thậm chí cả trên báo Tuổi trẻ vẫn chỉ thấy bảo chờ. Ông cũng nhấn mạnh, S-Fone cần sớm có câu trả lời chính thức, để khách hàng còn biết, để chuyển mạng khác, chứ chờ đợi quá lâu rồi.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Ngọc, tại Thủ Đức, TPHCM, đang sở hữu điện thoại S-Fone số 0952504xxx cũng cho biết, trong 2 tuần gần đây chiếc điện thoại của mình đã không thể liên lạc với bạn bè ngay tại TPHCM, máy liên tục mất sóng ngay cả ở những quận trung tâm như Quận 1, Quận 3, Quận Phú Nhuận... Chị cũng đã tiến hành lên trung tâm khách hàng của S-Fone để phản ánh, nhưng chỉ nhận được cái cười trừ từ nhân viên, vì họ cũng không giải thích được, chỉ bảo về nhà chờ.
Anh Nguyễn Đức Thuận, tại Tây Ninh cũng cho biết, nhà hiện tại có 4 người dùng S-Fone, gồm anh, mẹ ruột, mẹ vợ và dì của mình, nhưng cả tháng nay đều bị mất sóng khiến mọi người không thể liên lạc được. Thậm chí, khi trao đổi với phóng viên, nhà anh đang có việc, muốn gọi cho dì lên cũng đành chịu, vì không có cách nào khác. Đáng nói hơn, dì của anh còn mua thẻ nạp vào điện thoại, nhưng khi nạp xong không thể liên lạc được, giờ cũng không biết kêu ai.
Rất nhiều khách hàng khác đang sử dụng điện thoại S-Fone ở các tỉnh phía Nam như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Sóc Trăng... cũng rơi vào tình trạng bị mất sóng như trên.
Bên cạnh đó, để kiểm chứng, sáng ngày 17/7, phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam cũng đã dùng chiếc điện thoại S-Fone của mình đi dò thử sóng tại các quận như Thủ Đức, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận, một số khu vực tại Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 10... Kết quả: một số khu vực điện thoại hầu như không có sóng, ở một số nơi có sóng nhưng rất yếu và lúc có lúc không...
Thậm chí, trong vai trò người đến Trung tâm chăm sóc khách hàng của S-Fone tại địa chỉ 49C Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, để mua thẻ nạp, chúng tôi được chứng kiến nhân viên phụ trách ở đây để nạp được thẻ cũng phải chạy ra ngoài đường vì ở trong nhà không thể bắt được sóng. Khi hỏi về tình trạng này, nhân viên cũng chỉ lắc đầu cho biết, sóng đang yếu dần và ai cũng bị, còn hỏi nguyên nhân thì cũng chỉ cười trừ.
Bức xúc về vấn đề vùng phủ sóng của S-Fone, độc giả Hà Giang (Cần Thơ) đã viết thư phản ánh đến Báo Bưu điện Việt Nam. "Hiện sóng nhà mạng này tại khu vực ĐBSCL đã biến mất gần hết. Các máy S-Fone đều không sử dụng được. Trong khi tôi được biết thì nếu thuê bao không liên lạc trong vòng 2 tháng thì bị khóa 1 chiều, sau đó là khóa 2 chiều và xóa số. Do bị mất sóng nên người dùng không thể liên lạc được và việc mất số đã xảy ra và sẽ xảy ra. Tôi không biết than phiền điều này với ai", độc giả Hà Giang phản ánh.
Nhiều trung tâm đóng cửa
Bên cạnh việc mất sóng thì các trung tâm của S-Fone tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cũng đang lần lượt đóng cửa. Hiện khu vực miền Tây, theo nhân viên phụ trách Trung tâm chăm sóc khách hàng ở 49C Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, các cửa hàng và trung tâm S-Fone dưới các tỉnh đều đã đóng cửa, chỉ còn mỗi Cần Thơ là hoạt động.
Tại TP.HCM, bên cạnh cửa hàng An Dương Vương đã đóng cửa từ lâu, sáng 15/7, khi lên cửa hàng 140 Bùi Thị Xuân, Quận 1, nhân viên ở đây cũng cho biết cửa hàng đã tiến hành đóng cửa trong mấy ngày qua. Khi hỏi nguyên nhân thì cho biết là tạm ngưng để sửa chữa, nhưng thời gian mở cửa lại vẫn chưa biết.
Riêng tại Trung tâm chăm sóc khách hàng 49C Phan Đăng Lưu, hỏi về thời gian đóng cửa, nhân viên phụ trách cho biết, có thể là vào cuối tháng, về nguyên nhân đóng cửa do phía S-Fone hết tiền trả tiền thuê mặt bằng. Khách hàng sắp tới ở TPHCM muốn liên hệ với S-Fone qua cửa hàng số 257 đường Hai Bà Trưng là an toàn nhất. Bên cạnh đó, nhân viên phụ trách cũng cho biết hiện công ty vẫn đang nợ lương nhân viên 2 tháng.
S-Fone hứa bảo đảm quyền lợi khách hàng và người lao động
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam qua điện thoại, ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành của S-Telecom cho biết: Do công nghệ CDMA đã cũ không còn phù hợp, nên hiện nay phía S-Fone đang triển khai mạng mới đi theo công nghệ 3G WCDMA (theo sự cho phép chuyển đổi của Bộ TT&TT hồi tháng 3/2012). Chính vì thế, trong quá trình lên kế hoạch đầu tư mới để trình lên hội đồng quản trị, hoạt động kinh doanh của S-Fone phải thu hẹp lại, và một số trung tâm của S-Fone phải đóng cửa là điều bắt buộc.
Ông Phạm Tiến Thịnh cũng cho biết, do quá trình lấy giấy phép chuyển sang công nghệ mới hơi lâu, nên đến cuối năm 2012 và chậm nhất là đầu năm 2013, mạng mới của S-Fone mới có thể triển khai được. Riêng đối với các thuê bao S-Fone, ông Thịnh cho biết công ty vẫn lưu lại dữ liệu toàn bộ khách hàng của mình, khi chuyển sang mạng mới sẽ tiến hành chuyển đổi cho khách hàng. Đối với các khách hàng đã nạp thẻ nhưng không thực hiện cuộc gọi được từ thời điểm đó, hệ thống dữ liệu cũng ghi lại và sẽ tiến hành đền bù sau này. Đồng thời, chuyển sang mạng mới các khách hàng trung thành cũng sẽ được nhận nhiều ưu đãi và ông nhấn mạnh: "S-Fone sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, không để khách hàng thiệt thòi". Còn về những bức xúc của khách hàng hiện tại, ông mong nhận được sự thông cảm.
Về việc nợ lương nhân viên 2 tháng, ông Thịnh giải thích, ngay cả ông cũng chưa được lĩnh lương trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, ông mong mọi người hiểu rõ là không có tình trạng "quỵt" nợ người lao động như một số người nghi ngại. Ông Thịnh cho biết, khi kế hoạch đầu tư mạng mới của S-Telecom trình lên được Hội đồng quản trị SPT duyệt, lúc đó thấy tính khả thi ngân hàng sẽ cho vay vốn. Nhưng do việc tiếp xúc nguồn vốn cần có thời gian nên doanh nghiệp đã bị áp lực về dòng tiền, khiến việc nợ lương nhân viên và bảo hiểm xã hội xảy ra như trên. Nhưng khi chuyển đổi công nghệ mới thành công, ngân hàng cho vay vốn, vấn đề này sẽ được giải quyết sớm. Phía S-Telecom sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như khách hàng của mình.
Theo VNN
Người dùng sẽ hưởng lợi khi quy hoạch hài hòa tần số Việc quy hoạch tần số hợp lý sẽ giúp các nhà mạng có thể triển khai mạng lưới một cách rộng khắp mà vẫn tiết kiệm chi phí. Theo các chuyên gia về tần số, việc thống nhất và quy hoạch hài hòa, hợp lý tần số vô tuyến băng rộng giữa các quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm, giảm giá...