Doanh nghiệp ứng phó Nghị định 81
Nghị định 81/2020 chỉnh sửa bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), có hiệu lực ngày 1-9-2020. Theo đó, DN phát hành phải định hình lại quy trình phát hành TPDN.
Sửa nhưng vẫn có cách né
Việc bổ sung điều kiện phát hành TPDN được quy định trong Điều 10 của Nghị định 163/2018, buộc DN phát hành phải đảm bảo dư nợ từ phát hành TPDN không quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Quy định này giới hạn quy mô phát hành TPDN, nhưng không gây khó cho DN trong việc phát hành TPDN.
Bởi lẽ với những thông thoáng trong việc đăng ký vốn chủ sở hữu hiện nay, nhiều DN có quy mô vốn lớn và rất lớn, trong khi thực góp là vấn đề hoàn toàn khác. Và để đối phó với vấn đề này, DN trước khi thực hiện phát hành TPDN phải đăng ký lại quy mô vốn chủ sở hữu để cơ quan có thẩm quyền cấp phép phát hành.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) nhà đầu tư (NĐT) cũng dễ nhận biết DN có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn nhưng thực góp không đáng là bao, hoặc việc góp vốn vào DN sẽ được rút ra sau khi đã chứng minh đủ số vốn góp.
Thực tế, hiện nay DN niêm yết có giá cổ phiếu thấp hơn nhiều giá trị sổ sách hay thậm chí mệnh giá cổ phiếu, nhiều vô kể. Nguyên nhân từ đâu? Bỏ qua chuyện thua lỗ nhiều năm, vấn đề tài sản thiếu minh bạch của công ty là mấu chốt để giải thích cho giá cổ phiếu “bèo” này.
Với những công ty niêm yết, vốn góp chủ sở hữu đã được rút ra khỏi công ty, chỉ còn là bút toán danh nghĩa, nên việc kê khai vốn này để được phát hành TPDN quy mô lớn hoàn toàn không khó và chỉ là hình thức.
Gần đây, một công ty được thành lập mới với vốn chủ sở hữu lên đến 6 tỷ USD nhưng vốn thực góp thế nào? Bởi việc đăng ký vốn là một chuyện, thực góp lại là chuyện khác.
Do vậy, với việc bổ sung điều kiện phát hành của Nghị định 81/2020, DN muốn phát hành cần phải ý tứ hơn trong vốn góp. Việc không quy định điều kiện này trong Nghị định 163/2018 đã đưa đến những công ty vốn rất nhỏ nhưng đã phát hành số lượng vốn cực lớn.
Một trong số đó là Công ty Hồng Hoàng với mức vốn chỉ 5 tỷ đồng nhưng phát hành TPDN trị giá lên đến 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy định này sẽ giúp xử lý các tình trạng phát sinh khi DN không thực hiện được nghĩa vụ nợ đối với các trái chủ.
Ràng buộc đầu vào, mở đầu ra
Thay vì DN tìm kiếm NĐT sau khi hồ sơ phát hành được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, quy định mới buộc DN phải tìm kiếm NĐT tiềm năng, ký hợp đồng mua TP với NĐT kèm cam kết đã tiếp cận thông tin phát hành, hiểu rõ rủi ro khi mua TP.
Bổ sung điều kiện phát hành, Nghị định 81 có quy định DN phải ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành TPDN. Quy định này xác lập vai trò của việc thiết lập hồ sơ để được phát hành TPDN.
Theo đó, DN muốn phát hành TPDN phải ký hợp đồng dịch vụ với các tổ chức tư vấn, cụ thể là công ty chứng khoán (CTCK). Qua đó, CTCK sẽ thực hiện các công việc theo hồ sơ xin phát hành TPDN. Quy định này chỉ làm rõ nội dung được đề cập ở Khoản 3 Điều 15 về phương thức phát hành TP của Nghị định 163/2018, tức chỉ làm rõ thêm nội dung cần cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền về hợp đồng dịch vụ phát hành TPDN.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 13 của Nghị định 163 cũng yêu cầu DN phát hành phải nộp hợp đồng dịch vụ này.
Video đang HOT
Nhưng một quy định khác được đề cập trong hồ sơ phát hành TP của DN được Nghị định 81 bổ sung là “Hợp đồng mua TP trong đó bao gồm cam kết của NĐT về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua TP”.
Nghĩa là DN phải ký hợp đồng với bên mua tiềm năng TP được phát hành. Nếu thực hiện quy định này, DN phải tìm kiếm NĐT mua TPDN do mình phát hành, trước khi hoàn tất hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc cấp phép chỉ được xem là khâu thủ tục của quy trình phát hành, không phải là quy trình thẩm định hồ sơ được phát hành.
Như vậy, nếu DN phát hành TPDN chưa tìm ra người mua TP phải trông cậy vào dịch vụ từ CTCK, hoặc tìm kiếm tổ chức nào đó để ký hợp đồng mua TP, nhằm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ phát hành để cơ quan có thẩm quyền cấp phép, sau đó 90 ngày tìm kiếm NĐT khác để mua TP.
Do vậy, hợp đồng mua TP trong hồ sơ chỉ là bước thủ tục để được cấp phép. DN phát hành có thể phải tìm kiếm người mua thực sự sau khi được phép phát hành. Vì vậy, cách tốt nhất sau khi ký hợp đồng dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành với CTCK, DN phát hành ký tiếp hợp đồng mua TP kèm theo điều kiện “có thể hủy ngang”.
Cụ thể hóa mục đích phát hành TP
Nghị định 163/2018 chỉ đề cập đến DN phát hành phải xây dựng phương án phát hành, với mục đích sử dụng vốn được hiểu “tùy ý” Mục b Khoản 1 Điều 14 quy định. Còn Nghị định 81/2020 được cụ thể hóa các mục đích sử dụng vốn của việc phát hành TPDN với 3 nội dung: đầu tư dự án, đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ (tên khoản nợ, giá trị, kỳ hạn nợ).
Với việc sửa đổi Mục b, Khoản 1 Điều 14 sẽ giới hạn việc phát hành TPDN đang được bùng nổ từ Nghị định 163/2018. Theo đó, các DN phát hành phải nêu rõ mục đích của việc phát hành TPDN, nhằm huy động vốn để sử dụng cho 1 trong số 3 nội dung trên, không có các trường hợp dùng vốn huy động để mua cổ phiếu của công ty hay NĐT khác.
Trong thời gian qua, ĐTTC đã có nhiều bài viết về việc phát hành TPDN để mua lại cổ phiếu từ NĐT xảy ra tại Công ty Hồng Hoàng. Hoặc bài phản ánh công ty phát hành TPDN mua cổ phần của công ty khác đang sở hữu dự án bất động sản, hay mua cổ phần của một công ty sản xuất kinh doanh khác nhằm mục tiêu thâu tóm.
Trước khi Nghị định 81 có hiệu lực, nhiều hồ sơ xin cấp phép phát hành TPDN đang chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các hồ sơ này sẽ có những mục đích sử dụng vốn phát hành TPDN chỉ để thâu tóm cổ phần của các dự án, các công ty khác.
Mục đích phát hành này sẽ khép lại trước ngày 1-9-2020. Tuy nhiên, nhiều DN và ngân hàng thương mại nên đón nhận giải pháp tái cấu trúc các khoản nợ bằng công cụ TPDN để tránh nợ xấu Nghị định 81 cho phép.
Gọi vốn không khó, cái khó là phải làm ra để trả
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được định hình, đặt ra đòi hỏi các doanh nghiệp phải khắt khe hơn với phương án trả nợ trước khi tính việc tận dụng dòng vốn dễ vay này.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến tháng 6/2020.
Khát vốn, doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu
"Lượng TPDN các tổ chức phi tín dụng và cá nhân nắm giữ đã tăng khoảng 153% trong năm 2019 và tăng khoảng 25% trong 6 tháng đầu năm 2020", đây là thông tin được Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra tại báo cáo "Tác động của kênh trái phiếu doanh nghiệp đến lãi suất tiền gửi" mới đây.
SSI Research cho biết, trong 6 tháng qua, tổng lượng TPDN phát hành ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019. Thực tế, con số này có thể còn cao hơn do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố.
Tổng lượng TPDN lưu hành ước khoảng 783.000 tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến tháng 6/2020.
Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp TPDN cũng rất sôi động.
Cụ thể, lượng TPDN niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã tăng từ 14.200 tỷ đồng (năm 2017) lên gần 36.000 tỷ đồng (tại ngày 30/6/2020), tương ứng tỷ lệ tăng trưởng bình quân 45%/năm; thanh khoản thị trường cải thiện với giá trị giao dịch tăng trung bình 80%/năm từ 2017 đến nay, nhưng hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn, bình quân khoảng 3.200 tỷ đồng/tháng.
Giao dịch qua các đại lý (công ty chứng khoán, ngân hàng) vẫn chiếm đa số. Không chỉ làm trung gian phân phối, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng đáng kể số mở mới và cả tài sản quản lý.
Trong đó, đáng chú ý là xu hướng nhà đầu tư cá nhân tiếp cận ngày càng nhiều với kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp địa ốc.
"Sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt quy mô, tính thanh khoản và khả năng tiếp cận đã khiến TPDN từ chỗ là kênh đầu tư dành riêng cho tổ chức, đã dần trở thành một lựa chọn đầu tư mới cho khách hàng cá nhân", SSI Research nhấn mạnh.
Báo cáo thường niên của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho biết, TCBS chiếm 82,4% thị phần giao dịch TPDN trên HOSE, đã phân phối (bán lẻ) cho nhà đầu tư cá nhân hơn 30.000 tỷ đồng TPDN trong năm 2019, tăng 47% so với năm 2018.
Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, lãi suất bình quân TPDN phát hành sơ cấp dao động từ 10,1 - 11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm.
Khảo sát mức lãi suất của các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại, lãi suất TPDN trên thị trường thứ cấp thường thấp hơn từ 2-2,5%/năm so với thị trường sơ cấp; nằm trong khoảng 7,5-10,5%/năm.
So với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất, lợi tức TPDN cao hơn từ 0,8-1,7%/năm. Bản thân mức độ dao động của lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại cũng rất rộng, khi các ngân hàng thương mại nhỏ huy động với lãi suất cao hơn nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước từ 1-2%/năm.
Bởi vậy, nếu so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn, lợi tức TPDN có thể cao hơn từ 1,8-4%/năm tùy từng kỳ hạn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) từng nhấn mạnh, các doanh nghiệp bất động sản cần coi kênh phát hành trái phiếu, cổ phiếu là kênh huy động vốn quan trọng, giúp giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Điều này không chỉ phù hợp trong bối cảnh tín dụng bất động sản đang được kiểm soát chặt chẽ như hiện nay, mà cả trong tương lai, theo kinh nghiệm phát triển của các thị trường đi trước.
Phát hành TPDN hay cổ phần còn giúp các công ty bất động sản có thể mở rộng tìm kiếm các đối tác ngoại có tiềm lực, từ đó vừa có được dòng vốn tốt, vừa học tập kinh nghiệm quản trị, phát triển sản phẩm...
Quan trọng là đảm bảo khả năng thanh toán
Để có vốn kinh doanh trong bối cảnh nhiều ngân hàng hạn chế dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản, các doanh nghiệp địa ốc tìm cách hút vốn mạnh qua phát hành trái phiếu.
Trong khi đó, quy định pháp luật có nhiều thay đổi mang tính cởi trói cho hoạt động huy động vốn bằng TPDN, giúp hoạt động này nở rộ.
Tuy nhiên, việc mở cơ chế mở cho việc gọi vốn qua trái phiếu đang khiến thị trường này đối mặt với nhiều rủi ro khi xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu mà không gắn với nhu cầu huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp phát hành vượt quá quy mô vốn chủ sở hữu..., tiềm ẩn rủi ro lớn cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
Đó là chưa kể việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao cũng gây nguy cơ phá vỡ mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Bộ Tài chính đã liên tiếp "rút thẻ vàng" đối với hoạt động phát hành trái phiếu của nhiều doanh nghiệp.
Thậm chí trong Luật Doanh nghiệp mới được Quốc hội thông qua, đề xuất chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường TPDN của cơ quan này đã trở thành quy định chính thức.
Nỗi lo này xuất phát từ sự gia tăng đầu tư nhanh chóng của nhóm nhà đầu tư cá nhân, gồm cả nhà đầu tư không chuyên nghiệp, trong khi chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về đặc điểm của trái phiếu, mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành..., tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính họ và thị trường.
Do đó, cần thiết phải có quy định về phạm vi giao dịch TPDN riêng lẻ để đảm bảo hạn chế rủi ro.
Kinh nghiệm từ quốc tế là bài học đáng để Việt Nam tham khảo. Thống kê cho thấy, các vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc đạt giá trị 21 tỷ USD trong năm 2019, đa phần số này là trái phiếu tại thị trường nội địa được phát hành bằng nhân dân tệ và do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ.
Theo đại diện CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR), thị trường trái phiếu được định hướng phát triển thành một trong những kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế, thay thế dần cho kênh tín dụng.
Các doanh nghiệp niêm yết lựa chọn kênh huy động từ trái phiếu như một công cụ đắc lực để gia tăng vốn đầu tư và phát triển.
Không phủ nhận vẫn còn những "hạt sạn" trong việc phát hành trái phiếu, nhưng đó là với những doanh nghiệp chưa đủ năng lực tài chính, còn về cơ bản, với những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững, minh bạch trong quản trị, điều hành..., việc chậm trễ thanh toán trái phiếu thường không gặp khó khăn gì.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, điều quan trọng là đảm bảo an toàn hệ thống. Còn với doanh nghiệp, do khát vốn nên càng huy động được nhiều thì càng tốt, nhất là khi phát hành trái phiếu có nhiều ưu điểm, đặc biệt là không cần tài sản đảm bảo và có thể sử dụng ngay nguồn vốn.
"Các chủ đầu tư cần có 30% vốn để thực hiện các dự án, còn lại 70% có thể huy động từ người mua, nên lượng trái phiếu huy động có thể gấp 3 lần nhu cầu. Tuy nhiên, việc huy động từ trái phiếu nên ở mức phù hợp với khả năng kinh doanh và phải tính đến yếu tố an toàn, đặc biệt trong trường hợp dự án bị đình trệ, phá sản. Để đảm bảo sự thành công, các công ty bất động sản cần phải có thực lực về tài chính, chứ không chỉ là kỹ năng lập dự án", ông Hiển nói.
Trái phiếu doanh nghiệp: Bẫy tín dụng hay kênh đầu tư Tại hội thảo công bố báo cáo vĩ mô quý II/2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đã có nhiều quan điểm trái chiều về trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp: Không quản trị tốt sẽ thành bẫy tín dụng - Ảnh minh hoạ Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chưa phải là...