Doanh nghiệp Trung Quốc muốn xây nhà máy kẽm tại Chân Mây – Lăng Cô
Một công ty Trung Quốc muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, ước tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 5 triệu USD.
(Ảnh minh hoạ).
Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chiều ngày 19/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã tiếp và làm việc với bà Lu Xin Xin, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh (Trung Quốc) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại buổi tiếp, bà Lu Xin Xin cho biết, Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh là một công ty tư nhân, hoạt động chính là sản xuất kẽm với công nghệ tiên tiến.
Qua tìm hiểu, cảng Chân Mây có thể tiếp nhận tàu hàng trên 50 nghìn tấn, vì vậy công ty muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, ước tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 5 triệu USD.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để tạo điều kiện cho công ty triển khai các bước tiếp theo, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cung cấp các thông tin về thủ tục đầu tư và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Sản xuất kẽm cũng là một trong số những ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hồi năm 2013, từng có trường hợp Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị nhà máy kẽm điện phân tại Thái Nguyên do ô nhiễm môi trường.
Biên bản đo kiểm tra từ cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tại thời điểm đó, không khí xung quanh nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng – một số chỉ tiêu hóa học có trong không khí có thể gây chết người luôn vượt quá quy chuẩn. Mẫu và phân tích mẫu nước từ nhà máy nước điện phân chảy vào mương La Vang phân tích cũng cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng chỉ tiêu chất thải nguy hại.
Trong khi đó, vịnh biển Lăng Cô – Chân Mây là một trong 10 vịnh biển được bình chọn đẹp nhất thế giới, có nhiều tiềm năng lớn về du lịch. Hiện Khu du lịch Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chú trọng việc quy hoạch phát triển để Lăng Cô trở thành đô thị phát triển dịch vụ du lịch biển năng động phía Nam của tỉnh.
Theo những thông tin trước đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện đã thu hút được 88 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 2,26 tỷ USD; trong đó, vốn thực hiện đến nay hơn 849 triệu USD, chiếm 32,4% tổng số vốn đã đăng ký. Thừa Thiên – Huế hiện đứng thứ 25 toàn quốc và thứ 6/13 tỉnh của miền Trung – Tây Nguyên về thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện đã có các nhà đầu tư lớn của nước ngoài hoạt động tại Thừa Thiên-Huế như Tập đoàn Banyan Tree (Singapore), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty CP (Thái Lan)…
Video đang HOT
Điển hình là Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô, với tổng vốn đầu tư 850 triệu USD, thực hiện hơn 500 triệu USD do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng. Cảng biển Chân Mây cũng được Hãng tàu Royal Caribbean lựa chọn để hợp tác đầu tư 5 triệu USD, nâng cấp cầu cảng bến số 1 để đón tàu Quantum of the Seas và Oasis of the Seas – tàu du lịch lớn nhất thế giới.
Phương Dung
Theo Dantri
Công ty vứt xác heo chết xuống sông Sài Gòn sai phạm có hệ thống
Không phải bây giờ, khi cơ quan chức năng phát hiện DN này vứt la liệt hàng trăm xác heo chết ra môi trường, gây hôi thối khắp một vùng thượng nguồn sông Sài Gòn, thì cách đây một năm, Cty TNHH nông sản Việt Phước (100% vốn Đài Loan, tại ấp 4, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) đã là "ông kẹ" đối với hàng trăm hộ dân địa phương về gây ô nhiễm môi trường...
Nước bẩn, mùi hôi, đến... không khí cũng ô uế !
Bất kỳ ai tới ấp 2, xã Minh Tâm hỏi về Cty Việt Phước, sẽ dễ dàng nhận thấy một điều, hầu hết người dân ở đây đều coi Cty này "là nỗi kinh hoàng của bà con, từ nhiều năm nay rồi". Thật vậy, đứng chân trên vùng đất heo hút này của huyện Hớn Quản từ năm 2014, nhưng Cty TNHH nông sản Việt Phước vẫn chưa một lần lấy được thiện cảm của người dân.
Ông Hoàng Vĩnh Cư - ngụ ấp 9, xã Minh Tâm - nói: "Từ ngày cái trang trại nuôi hàng chục ngàn con heo ấy "ngự" ở đây, cũng kể từ đấy, chúng tôi coi mấy ổng như "ông kẹ" vậy. Hôi thối kinh khủng cả một vùng".
Xe chở xác heo chết từ Cty Việt Phước.
Bà Trần Thị Thôi cho biết: "Từ trại heo, lúc nào cũng bốc ra mùi hôi đủ thứ như: mùi phân heo đặc sệt, mùi nước thải từ trại heo mỗi khi xã ra ngoài sông Sài Gòn bằng đường ống là nồng nặc, tanh tưởi không ngửi được. Đặc biệt, cứ mỗi lần lò đốt thiêu xác heo chết hoạt động, là cả nhà tôi choáng váng, chóng mặt... Thậm chí, có hôm Cty thiêu xác heo quá lâu, dường như không khí xung quanh nhà máy không thể thở nổi. Tôi già rồi, nghe cái mùi hồi ấy là đầu óc choáng váng, vô nhà đóng kín cửa cũng không thoát... Mấy đứa con tôi phải bỏ đi xa cả cây số mới lấy lại được hơi thở...".
Lò thiêu xác heo chết ở Cty Việt Phước bị hư hỏng, không hoạt động.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Nhân - ngụ ấp Bầu Lủng, xã Minh Tâm: "Mùa mưa về, đối với những hộ dân sống xung quanh trại heo mới là một cực hình. Chuyện Cty Việt Phước vứt xác heo chết ra môi trường đâu phải mới xảy ra gần đây. Hơn thế, từ cách đây một năm, xác heo chết cỡ 5 - 15 kg/con đã rải rác xung quanh Cty từ... năm trước. Mùa mưa, xác heo phân hủy, tởm không thể tả. ruồi nhặn tràn lan, nhà dân chúng tôi ăn cơm phải giăng mùng".v.v... Nhiều hộ dân phản ánh, bệnh đường hô hấp, ghẻ ngừa ngoài da... là chuyện thường ngày đối với hàng trăm hộ dân xung quanh trại heo Cty Việt Phước.
Ô nhiễm cả đoạn sông Sài Gòn
Ông Nguyễn Văn Tân -phó ban điều hành ấp 4, xã Minh Tâm - cho rằng: " Xưa kia, đoạn thượng nguồn của sông Sài Gòn kéo dài hơn chục cây số đẹp, trong lành biết chừng nào. Từ ngày trại heo Việt Phước chôn cống xả thải ra sông, thì dòng sông đã dần bị ô nhiễm nghiêm trọng". Thật vậy, suốt chiều dài hơn 3 km bờ sông, có tới 3 cống xả (kích thức D 200) từ trại heo Việt Phước đã biến đoạn sông trở nên màu đục hôi hám...
Cách đây khoảng 10 ngày, tại khúc sống này xảy ra cá chết vô số kể...
Ông Hồ Văn Cò (thường trú ấp 4, tổ 3, xã Minh Tâm) thường xuyên trú ngay dưới gầm cầu Sài Gòn, tố: "Không biết cái lò đốt xác heo chết đốt được bao nhiêu con, mà tôi cứ thấy xác heo được vứt ra từ trại heo trôi lềnh bềnh trên sông... Mưa, nước lớn, xác heo được nước cuốn đi; còn hôm nào nước chưa kịp về nhiều, xác heo la liệt, hôi thúi vô kể. Thêm cái khổ của người dân chúng tôi là thường xuyên dùng nước sông tắm rửa, ăn uống...Ô nhiễm vậy, nhưng vẫn phải dùng nước sông, chứ lấy đâu ra nguồn nước nào khác mà dùng ?".
Người dân đã vớt hàng chục tấn cá chết trên sông.
Gần đây nhất, vào ngày 6.7, cá bỗng dưng chết nổi trắng dòng sông Sài Gòn - đoạn chảy qua xã Minh Tâm. Hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông đã đổ ra vớt cá chết. Ước có đến hàng chục tấn cá đã được người dân vớt lên mag đi bán, làm thức ăn gia súc hoặc để ăn.v.v...Ông Nguyễn Thành Giang - một ngư dân ấp Bàu Lũng, xã Tân Hiệp - cho biết: " Từ sông ngược lên suối Bà Quen, cá chết nổi dày đặc, kéo dài khoảng 10 cây số... Hơn 20 năm đánh cá trên sông này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy cá chết nhiều như vậy, người dân đua nhau đi vớt cá kín cả sông".
Theo ông Nguyễn Việt Phong - ngụ ấp Bàu Bùng, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản - cho rằng: "Cá chết bất thường như thế này là do các công ty xả trực tiếp chất thải ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước trên sông. Trại heo Việt Phước là một trong những thủ phạm gây ra ô nhiễm này". Ông Phong khẳng định, hàng trăm xác heo chết, nằm la liệt tại bãi đất hoang cách bờ sông có 50m. Những xác heo trương phòng, đầy dòi bọ, ruồi nhặn, nước bẩn, đang trong quá trình bị phân hủy đã trực tiếp xâm nhập xuống dòng sông hằng giờ, khiến nước sông ô nhiễm nặng nề.
Cuộc sống người dân vạn chài trên sông Sài Gòn ngày càng khó khăn, vì dòng sông bị ô nhiễm.
Sai phạm kéo dài, có hệ thống
Hiện tượng ô nhiễm đoạn thượng nguồn sông Sài Gòn diễn ra từng ngày, ai ai cũng thấy, nhưng tại sao chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái gì khắc phục ? Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Quý - Chủ tịch UBND xã Minh Tâm - cho rằng: "Khúc sông Sài Gòn, đoạn qua xã Minh Tâm hiện chỉ có 3 trại heo và nhà máy chế biến khoai mì Viet - Sing. Hằng năm, đoàn của phòng, sở tài nguyên - môi trường, lãnh đạo huyện Hớn Quản, xã Minh Tâm tổ chức nhiều đợt kiểm tra, nhưng không phát hiện các Cty này xả thải ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm" (?!). Xung quanh hiện tượng cá chết hàng loạt trong những ngày qua, bà Quý đổ cho "một số hộ đồng bào dân tộc đánh bắt cá bằng cây thuốc cá (loại cây mọc hoang trong rừng)" (?!) .v.v...
Một trong 3 ống xả thải (D 200) từ trại heo Cty Việt Phước ra sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, vào ngày 16.7, tức sau hơn 10 ngày xảy ra hiện tượng cá chết dày đặc sông, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) - Công an tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh và các cơ quan chức năng, đã buộc phải vào cuộc kiểm tra việc Cty Việt Phước gây ô nhiễm môi trường. Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Cty Việt Phước thừa nhận đã tự ý vứt hàng trăm xác heo thối ra môi trường, ngay sát thượng nguồn sông Sài Gòn.
Hiện Cty Việt Phước nuôi 27.000 con heo thịt và heo sinh sản. Mỗi ngày, có khoảng hơn 10 con heo bị chết do dẫm đạp nhau. Thời gian gần đây, lò đốt của Cty Việt Phước bị hư hỏng, không hoạt động được, nên công nhân đã vứt thẳng số xác heo chết này ra môi trường, ngay sát khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn. Năm 2014, Cty Việt Phước từng xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 2 lần đến dưới 5 lần. UBND tỉnh Bình Phước đã xử phạt Cty Việt Phước trên 312 triệu đồng vì vi phạm quy định về môi trường.
Mức độ ô nhiễm môi trường do trại heo Việt Phước gây ra đang khiến cho cuộc sống người dân ở xã Minh Tâm bị đảo lộn.
Song, việc xử phạt trên xem ra không đủ sức răn đe, Cty Việt Phước vẫn tiếp tục sai phạm một cách có hệ thống, khiến môi trường thượng nguồn sông Sài Gòn bị ô nhiễm trầm trọng, cuộc sống của hàng trăm hộ dân địa phương bị đảo lộn...
Hơn bao giờ, người dân mong mỏi các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý sai phạm tại Cty Việt Phước. Mọi chậm trễ trong xử lý sẽ không chỉ đời sống, sinh mạnh người dân thượng nguồn dòng sông bị ảnh hưởng; hơn thế, đời sống và sinh mạng của hàng triệu người dân hạ nguồn (thuộc các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM) thường xuyên sử dụng nguồn nước từ sông Sài Gòn cũng sẽ lâm cửa tử.
Theo Lao Động
Không thể chấp nhận việc HDV "chui" người Trung Quốc giới thiệu sai lệch về Việt Nam Liên quan đến sự việc HDV "chui" người Trung Quốc giới thiệu sai lệch về lịch sử Việt Nam cho khách Trung Quốc đến Đà Nẵng, ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch nêu quan điểm; đây là điều không thể chấp nhận được. Trao đổi với PV Dân trí, ông Dũng khẳng định, nếu việc...