Doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn
Dịch Covid-19 ở nước ta đã tạm lắng, các doanh nghiệp (DN) đã bắt tay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh. Điều cần nhất hiện nay đối với họ là vốn và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng hứa sẽ hỗ trợ DN. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn “kêu trời” vì thủ tục, điều kiện vay vốn…
Khó tiếp cận vốn vay, DN nhỏ càng khó phục hồi sản xuất
Nguồn vốn hiện tại vẫn luôn là điều mà nhiều DN vừa và nhỏ quan tâm sau mùa dịch Covid-19. Trong báo cáo mới đây của Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cho thấy về mong muốn hỗ trợ tài chính trong và sau đại dịch, 89% DN được hỏi cho biết họ muốn tiếp cận các gói vay ưu đãi, và 43% DN cho biết họ muốn nới lỏng hạn mức tín dụng.
Còn theo báo cáo gần đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), hầu hết các DN thủy sản ở cả 3 nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính vì DN thu hồi tiền hàng từ khách hàng rất chậm. Doanh thu xuất khẩu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến cho nhiều DN thuỷ sản “không xoay vòng được vốn”, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.
Theo Vasep, lãi suất vay cao cũng là một áp lực với các DN. Mặc dù đến nay, đã có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và tại các địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng. Và hiện nay một số ngân hàng vẫn yêu cầu DN bổ sung tài sản đảm bảo, trong khi phía DN thuỷ sản lại khó đáp ứng được điều kiện trong giai đoạn này để có thể vay được.
Thực tế cho thấy một số ngân hàng vẫn có tâm lý ngần ngại cho một số DN vay trong giai đoạn hậu đại dịch này. Điều này khiến cho các DN vừa và nhỏ khó tránh khỏi việc hụt vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết, một số chủ DN cho biết, trong suốt 3 tháng ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của họ giảm mạnh thậm chí là không có thu nhập. Thế nhưng hồ sơ chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 khá phức tạp khiến cho các DN vừa và nhỏ vốn đã quá khó khăn rồi thì làm gì có báo cáo tài chính mà chứng minh. Và bây giờ, nếu phía ngân hàng không cho vay tiếp thì DN cũng không biết sẽ làm ăn ra sao trong giai đoạn hậu đại dịch.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh- Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, nhấn mạnh rằng, với sự gắn bó lâu nay giữa các DN với các ngân hàng thương mại thì không có lý do gì trong lúc này, trước hệ luỵ của dịch Covid-19 lại tạo khó khăn cho DN.
Video đang HOT
“Về phía ngân hàng nhà nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ DN để vượt qua khó khăn này và sẽ yêu cầu, thường xuyên kiểm tra giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM thực hiện nghiêm túc Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc hỗ trợ DN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong năm 2020 này”, ông Minh nói.
Về phía Hiệp hội DN TP HCM, quan điểm của họ là dịch bệnh lần này đã khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đều bị thiệt hại nghiêm trọng trực tiếp hoặc gián tiếp, do vậy khi xây dựng tiêu chí cần mở rộng đối tượng DN được hỗ trợ cùng với thủ tục đơn giản nhất.
Nhận định về những sai lầm mà nhiều DN vừa và nhỏ mắc phải đến nỗi lâm vào cảnh hụt vốn như hiện nay ở giai đoạn hậu dịch Covid-19, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường KPMG Việt Nam, cho rằng đó là do các DN không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc lập kế hoạch quản trị tài chính. Nếu DN lập kế hoạch từ sớm và dự báo những tình huống có thể xảy ra và tiên liệu trước là sẽ thực hiện một số hành động để dự trù cho các tình huống xấu thì sẽ giúp cho DN chủ động hơn trong việc quản trị tài chính của mình.
Phát triển ngành thủy sản sau dịch COVID-19 - Bài cuối: Tạo chuyển biến mạnh thu hút đầu tư
Là một trong bốn mũi nhọn "Tứ giác động lực" phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển.
Tuy nhiên, bước vào năm 2020, do ảnh hưởng hạn hán và đặc biệt là dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là với lĩnh vực thủy sản từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ để thu hút đầu tư hiệu quả.
Cà Mau đã chủ động gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Ảnh minh hoạ: Thế Anh/TTXVN
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Thực tế đã qua, ngay khi trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau đã chủ động gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản với những giải pháp cụ thể, tranh thủ ngay khi thị trường thế giới mở cửa bình thường thì các doanh nghiệp này sẽ có đủ điều kiện để bứt phá thành công.
Qua đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với hơn 400 doanh nghiệp với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các ngân hàng thương mại chi nhánh tại Cà Mau đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 1.630 khách hàng (bao gồm các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp,...) với tổng số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ hơn 524 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng dịch COVID-19 là 651 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã rà soát cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp. Sở Tài chính Cà Mau cũng đã rà soát đánh giá lại các quy định về phí, lệ phí và tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành quy định liên quan đến phí, lệ phí.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát và tận dụng triệt để từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt nam - EU (EVIPA) để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, gia tăng giá trị kim xuất khẩu của tỉnh.
"UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các ngành, đơn vị thống kê nhanh khó khăn của doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch để báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời. Sở Công thương làm đầu mối hướng dẫn doanh nghiệp cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của tỉnh: Công suất thiết kế, hàng tồn kho, số lượng công nhân, giá mua nguyên liệu, sản lượng hợp đồng đã ký, đăng ký tạm trữ, năng suất sản lượng năm trước và đồng thời dự báo cho cả năm nay; ngành nông nghiệp thống kê lại diện tích, số lượng, năng suất nuôi tôm trong dân năm trước và dự báo tình hình năm nay; giá cả thu mua tôm của các đại lý, doanh nghiệp trong dân hiện nay...Đây là những cơ sở dữ liệu quan trọng để tỉnh tháo gỡ khó khăn cho ngành xuất khẩu thủy sản thời gian tới".
Theo ngành chuyên môn, với việc giá tôm sụt giảm chưa có tiền lệ như đã qua sẽ ảnh hưởng một cách nghiêm trọng và quy mô lớn đối với "vựa tôm cả nước", bởi Cà Mau có gần 150.000 hộ nuôi tôm, 20.000 công nhân đang tham gia sản xuất trong các nhà máy chế biến thủy sản. Vấn đề này, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau cho rằng, đây là bài toán cần tháo gỡ ngay. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nóng vội thu hoạch những ao chưa đến thời điểm thu hoạch; những ao nuôi dày nên sang thưa tôm ra...
"Bên cạnh đưa ra những dự báo cần thiết thì đã qua Sở đã chủ động nắm bắt tình hình, liên hệ thường xuyên với doanh nghiệp, từ đó, trao đổi tình hình sản xuất, giá cả với cơ sở, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở đã kiến nghị Tổng cục Thuỷ sản có cơ chế đặc biệt với ngành hàng tôm, đề xuất gói hỗ trợ, thậm chí không lãi suất để doanh nghiệp thu mua dự trữ tôm", ông Bằng chia sẻ
Ông Bằng cũng cho biết thêm, trong những tháng còn lại của năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau sẽ tập trung tái cấu trúc, tái cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tập trung sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng thủy sản (nhất là kế hoạch đầu tư, phát triển của ngành tôm) theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chú trọng hình thành các liên kết theo chuỗi hiệu quả và bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với thị trường, phát triển công nghiệp chế biến làm nền tảng để thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân...
Khởi động lại nền kinh tế
Theo UBND tỉnh Cà Mau, nửa đầu quý II năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 195 triệu USD bằng 16,3% kế hoạch, giảm 20% so cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 188,6 triệu USD, bằng 16,4% kế hoạch, giảm 20,2% so cùng kỳ...
Theo ông Nguyễn Văn Đô, Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 29 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản đang duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau gặp khó khăn do hàng tồn kho nhiều, hạn chế về tài chính để thu mua tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, dẫn đến sản lượng tôm chế biến giảm. Tuy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng chưa có doanh nghiệp nào phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động.
Dù thực tế còn nhiều khó khăn thách thức nhưng trước dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội sẽ khởi sắc do dịch COVID-19 đã được kiểm soát và tình trạng hạn hán sẽ kết thúc. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động, mạnh mẽ, cụ thể trong thực hiện "mục tiêu kép".
Theo đó, vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân. Qua đó, chủ động xây dựng kế hoạch công tác "hậu phòng chống dịch COVID-19" để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công việc, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Công ty Điện lực Cà Mau, Bảo hiểm xã hội tỉnh dựa trên kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, khẩn trương tiếp tục rà soát, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện hỗ trợ đảm bảo đầy đủ, đúng đối tượng được thụ hưởng.
Song song đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tăng cường giải quyết, xử lý kịp thời, nhanh chóng những phản ánh, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhằm duy trì, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19...
Ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 và ảnh hưởng của tình hình hạn hán. Bên cạnh việc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau tập trung đẩy mạnh việc cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện thủ tục cấp quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... Với quyết tâm đưa Cà Mau trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến đầu tư sau đại dịch.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định: "Cà Mau sẽ tiếp tục tập trung vào 3 đột phá chiến lược để thu hút đầu tư, là đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Mục tiêu tỉnh đặt ra là làm thế nào rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh".
Với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau tin tưởng điều này không chỉ tạo ra trợ lực đủ lớn trong công tác thu hút các nhà đầu tư tin tưởng, tìm đến mà còn góp phần phát triển bền vững, toàn diện nền kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.
Hạ mặt bằng lãi suất: "Tiếp sức" cho doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động để có dư địa giảm lãi suất cho vay, sẵn sàng cung ứng vốn, "tiếp sức" cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đây là lần thứ 2 hệ thống ngân hàng giảm lãi...