Doanh nghiệp tặng 8 xế hộp đắt tiền cho Đà Nẵng ‘vì mục đích chung’
Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp làm ăn được trong khi ngân sách khó khăn, nên họ tặng xe để hỗ trợ thành phố và tuyệt đối không có tiêu cực.
Xe Toyota do Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng là xe doanh nghiệp tặng cho thành phố. Ảnh: N.Đ.
Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng mới đây trưng ra nhiều giấy tờ để bác thông tin Bí thư Thành uỷ đi xe biển số giả. Trong số giấy tờ này, có hóa đơn giá trị gia tăng ghi chiếc Toyota Avalon Limited 5 chỗ giá 1,3 tỷ đồng (đã bao gồm 118 triệu đồng tiền thuế) và dòng chữ “xe cho, biếu, tặng không thu tiền”.
Ông Đào Tấn Bằng, Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, cho biết ô tô Toyota do một doanh nghiệp tặng Thành ủy để phục vụ cho công việc chung. Ngoài xe này, theo ông Bằng, doanh nghiệp còn tặng thành phố 7 chiếc xe khác, gồm các hãng Mercedes, Land Cruiser.
Việc doanh nghiệp tặng xe cho Đà Nẵng diễn ra “cách đây cả chục năm”. Hiện UBND TP.Đà Nẵng đang sử dụng 4 chiếc, còn 4 chiếc do Thành ủy Đà Nẵng sử dụng.
“Trước đây có tiền lệ rồi, ngân sách thành phố khó khăn, doanh nghiệp làm ăn được nên hỗ trợ thành phố vì mục đích chung”, ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Xuân Anh khi làm Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng hồi tháng 4.2014 đã sử dụng một chiếc xe đời 1996, là xe cấp riêng cho cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Được, từ khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau đó khi lên Bí thư, có một vài lần được bố trí xe khác, nhưng đều là xe đời cũ và ông “không đòi hỏi phải là xe gì”.
Video đang HOT
Tháng 2.2016, văn phòng Thành ủy bố trí chiếc Toyota doanh nghiệp tặng cho Bí thư Thành ủy. “Lúc đó anh em văn phòng nói bố trí ngân sách mua xe theo quy định, nhưng tôi bảo cắt, đừng dùng tiên ngân sách nữa”, ông Xuân Anh nói và cho biết biển biển số 299.99 được cấp theo quy định.
“Từ khi tôi làm Bí thư, ngân sách thành phố chưa bỏ một đồng nào mua xe cho tôi đi. Theo tiêu chuẩn, Thành ủy phải trang bị cho tôi một cái xe, chí ít là xe Camry 2.5 theo tiêu chuẩn chung, khoảng hơn 1,1 tỷ đồng”, ông Xuân Anh nói và cho biết dịp cuối tuần ông lái xe riêng của gia đình, không sử dụng xe công.
Đặt ra câu hỏi “có tiêu cực không?”, ông Xuân Anh trả lời: “Tôi cho là doanh nghiệp tặng xe vì mục đích chung. Với trị giá đó, nếu tiêu cực thì ai lại tặng xe”. Bí thư Đà Nẵng cũng cho biết, có nhiều tỷ phú đến Đà Nẵng để tiếp xúc đầu tư đã yêu cầu đưa đón bằng xe sang. Thành phố không có nên phải đi mượn xe của doanh nghiệp. Qua đó, cũng có doanh nghiệp mở lời và tặng xe.
Luật sư Đỗ Pháp (Trưởng văn phòng luật sư cùng tên tại Đà Nẵng), cho biết việc doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan nhà nước, trong quy định về tặng cho hợp pháp thì không vi phạm, vì đó là quan hệ dân sự giữa các bên đồng thuận với nhau.
Tuy nhiên, như dư luận đang đặt ra là phải xem xét động cơ, tính chất tặng xe của doanh nghiệp như thế nào. “Cái này phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, không áp đặt được”, ông Pháp nói.
Luật sư cũng cho rằng, trong bất kỳ quan hệ nào cũng không thể trọn vẹn được. Doanh nghiệp thông qua việc tặng xe cũng muốn thể hiện tình cảm với chính quyền, vì cái gì tặng cũng có mục đích. “Người ta vừa ý định tốt là muốn đóng góp xây dựng cho thành phố, nhưng cũng muốn tạo quan hệ thân thiện, muốn để chứng tỏ thương hiệu của mình… “, ông Pháp phân tích.
Nêu quan điểm “không ai cho không ai cái gì”, ông Pháp cho rằng chính quyền cũng cần phải thận trọng trong việc nhận xe từ doanh nghiệp biếu tặng, không để tình trạng thân thiết với doanh nghiệp này mà ưu đãi hay làm bất lợi cho doanh nghiệp khác.
Theo Nguyễn Đông (VNE)
Doanh nghiệp tặng xe có phải hình thức "hối lộ công khai"?
Nhận xe hay quà tặng của doanh nghiệp liệu các cơ quan công quyền địa phương có thể khách quan, vô tư trong việc xử lý những công việc liên quan đến doanh nghiệp này?
Sự việc Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tính khởi kiện chuyên trang điện tử Văn nghệ trẻ (Báo Văn nghệ) vì có bài đăng cho rằng ông Xuân Anh đi xe biển xanh giả đang gây xôn xao dư luận. Cán bộ Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy xe biển xanh, cụ thể là xe Toyota biển 43A - 299.99 là xe do Văn phòng Thành ủy quản lý và phân công phục vụ Bí thư Thành ủy. Nhưng một tình tiết đáng lưu ý là nguồn gốc chiếc xe này do một doanh nghiệp tặng trước đó (hóa đơn mua xe ghi giá xe 1,182 tỷ). Ngoài Thành ủy, hiện Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cũng đang quản lý và sử dụng 4 xe công khác đều do doanh nghiệp tặng.
Xe biển số 43A-299.99 của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng được doanh nghiệp tặng. Ảnh: Đình Thiên
Cũng đang ồn ào là việc một doanh nghiệp muốn tặng xe cho tỉnh Cà Mau. Cụ thể, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại - Du lịch Công Lý (phường 8, TP.Cà Mau) định tặng Tỉnh ủy và UBD tỉnh Cà Mau 2 xe sang trị giá hơn 6 tỷ đồng. Ông Giám đốc Công ty cho biết, do đường sá ở Cà Mau quá xấu nên ông muốn tặng một "cặp" xe cho Tỉnh ủy một chiếc, UBND tỉnh một chiếc. Ông này cũng phân bua rằng nếu muốn "đi cửa sau" thì cần gì ồn ào như thế này.
Tuy nhiên một tờ báo thông tin, sau khi tặng Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau 2 chiếc xe sang trị giá trên 6 tỷ đồng, Công ty Công Lý được cơ quan chức năng tỉnh này "nương tay" đối với một số dấu hiệu sai phạm, khiến dư luận bức xúc.
Chưa rõ có mối quan hệ nào giữa việc "nương" của cơ quan thuộc tỉnh Cà Mau với chủ nhân của 2 chiếc xe sang kia không nhưng trước đó, tháng 8.2016 tỉnh Ninh Bình đã phải "nói không" với 3 chiếc xe tiền tỷ do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hoa Lư (tại huyện Nho Quan, Ninh Bình) tặng.
Tìm kiếm trên internet cụm từ "doanh nghiệp tặng xe" sẽ còn nhiều kết quả thú vị. Không chỉ địa phương, các bộ ngành cũng nhận xe từ doanh nghiệp... Tuy nhiên, đến nay, chưa có số liệu chính thức (được công bố) về những doanh nghệp "yêu mến" cơ quan nhà nước nên tặng quà, cụ thể là xe ô tô. Nhưng kết quả tìm kiếm cho thấy, thường là doanh nghiệp trong tỉnh (hoạt động tại địa bàn tỉnh) tặng xe cho tỉnh. Có lẽ do gần gũi nên nảy sinh tình cảm, thấu hiểu nỗi khó khăn?
Một trong 2 chiếc xe do doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau. Ảnh: PLO
Lật lại sử xưa, có thể thấy, các triều đại phong kiến nước ta đều rất chú ý đến việc không để quan lại địa phương chịu ảnh hưởng khi "thực thi công vụ tại địa phương đó". Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) thời nhà Lê có những quy định khá rõ ràng: Quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không được tậu đất, vườn ruộng, nhà tại nơi cai quản... Cụ thể: Chương Hộ hôn có quy định "các quan ty ở trấn ngoài mà lấy đàn bà con gái ở trong hạt mình, thì xử phạt 70 trượng, biếm ba tư (một hình thức làm hạ thấp tư cách của người bị phạt) và bãi chức".
Luật công chức Nhật Bản cũng không cho phép công chức nhận tiền, hàng hóa hay bất động sản từ một bên hưởng lợi. Trong đó "bên hưởng lợi" được xác định rất rõ ràng. Ví như đối với công chức xử lý việc cấp phép thì "bên hưởng lợi" là tổ chức kinh doanh hoặc cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh cần được cấp phép...
Trở lại với căn cứ pháp lý về việc địa phương nhận quà tặng, Quyết định Số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng quà, nhận quà tặng nêu rõ: Nghiêm cấm nhận quà mà cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý.
Soi vào các trường hợp tặng xe như ở Cà Mau, việc Công ty Công Lý có hoạt động tại tỉnh Cà Mau như đầu tư khu du lịch Khai Long (ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), nhận hơn 15 ha đất rừng phòng hộ để khai thác, quản lý... liệu có liên quan đến "hoạt động công vụ" mà tỉnh Cà Mau chịu trách nhiệm giải quyết hay quản lý không?
Cho đến này, những vụ nhận xe do doanh nghiệp tặng đều được cơ quan quản lý nhà nước công khai và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Việc nhận hay không là quyền của địa phương. Ngay trường hợp tỉnh Ninh Bình, tỉnh này đã trả lại xe trước khi có văn bản trả lời của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, dù pháp luật "bật đèn xanh", liệu sự cho, tặng - nhận này liệu có làm "phát sinh tình cảm", có làm chùn tay các cơ quan công quyền khi xử lý "người tặng quà đúng luật" hay không?
Câu trả lời chưa rõ ràng ở thời điểm hiện tại. Xin được dẫn tiếp một câu chuyện xưa: Trần Thì Kiến tính người cương trực. Trước làm môn khách cho Hưng Đạo Vương, sau được Vương tiến cử lên làm An phủ sứ Thiên Trường. Một hôm, có người đem biếu mâm cỗ. Mấy ngày sau người kia quả nhiên có việc nhờ vả, An phủ sứ bèn móc họng nôn ra nguyên mâm cỗ.
Đó là chuyện xưa, còn nay, với việc tặng quà và các hình thức biến tướng kèm theo, để các cơ quan chức năng, chính quyền thực sự công tâm, khách quan khi giải quyết các sự vụ, nên chăng, cần có quy định rõ không cho phép bất cứ cơ quan công quyền nào nhận xe từ doanh nghiệp.
Theo Danviet
Đà Nẵng bác tin Bí thư Nguyễn Xuân Anh đi xe sang, biển giả Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, chiếc xe biển số xanh 43A-299.99 là biển số thật, được Bộ Công an cấp và đăng kiểm cho Thành ủy Đà Nẵng phục vụ công việc chung. Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục lưu hành chiếc xe này đến khi hết hạn để khẳng định biển số của chiếc...