Doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản làm gì để giữ chân nhân lực?
Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, đang điều trị COVID-19… hay việc vận hành “3 tại chỗ” thời gian dài cũng khiến người lao động mệt mỏi.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia ( Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Các tỉnh Nam Trung bộ là khu vực trọng tâm của sản xuất thủy sản Việt Nam, chiếm từ 90 – 95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng. Nhưng đây cũng là vùng thời gian qua nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau.
Hiện, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ từ 1 0- 50% số lượng lao động. Ước tính trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm và ít nhất số lượng tương tự nữa cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo do giãn cách, ngừng sản xuất.
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào mới đạt trung bình từ 30 – 35% cho mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%.
Bên cạnh đó, có sự khác nhau rõ rệt về tỷ lệ công nhân chế biến thủy sản được tiêm chủng mũi 1 giữa các tỉnh. Việc này không chỉ tác động đến tâm lý các doanh nghiệp, mà còn đặc biệt ảnh hưởng đến phương án sản xuất và khả năng phục hồi sản xuất.
Với các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp, người lao động phải chờ đợi vaccine quá lâu trước khi được tiêm phòng để có thể quay lại nhà máy. Do đó, địa phương cần nâng mức ưu tiên, tạo điều kiện tiêm vaccine cho công nhân lao động. Cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vaccine và thực hiện nghiêm túc 5K.
May mắn doanh nghiệp nằm trên địa bàn đã phần lớn là “vùng xanh”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, công ty đã hồi phục trên 90% lao động so với trước đây. Đây là may mắn cho doanh nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng nhờ tỉnh có chiến lược phòng chống dịch đúng hướng, hiệu quả. Người lao động có thẻ tên và giấy đi đường do doanh nghiệp cấp có thể từ “vùng xanh” đến doanh nghiệp làm việc dễ dàng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, khó khăn hiện nay là việc kiểm tra y tế định kỳ bảo đảm an toàn mới sản xuất và công ty thực hiện tầm soát 3 ngày/lần nên chi phí không nhỏ.
Bên cạnh vấn đề cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế có hướng dẫn về vấn đề xét nghiệm ở doanh nghiệp; trong đó, quy định rõ về tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi. Đồng thời, nên không nên cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.
Video đang HOT
Các địa phương cho phép người lao động đang mắc kẹt ở các khu nhà trọ được về quê hoặc quay trở lại làm việc trước khi xét nghiệm. Đồng thời, xét nghiệm miễn phí, hỗ trợ tiền đi đường để họ có thể về quê hoặc đi làm khi có xét nghiệm âm tính.
Về tổ chức sản xuất, bà Trương Thị Lệ Khanh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, muốn mở rộng sản xuất thì việc tập hợp lao động mới để hoạt động “3 tại chỗ” rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp cần thêm các phương án như “1 cung đường, nhiều điểm đến”…
Theo VASEP, khi số lượng nhân công còn lại mệt mỏi vì “3 tại chỗ”, phúc lợi mới sẽ góp phần động viên, thúc đẩy tinh thần sản xuất. VASEP đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ bữa ăn cho công nhân viên, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng chung tay trả lương cùng doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động nguồn lực như: xây dựng quy chế về an toàn và sức khỏe cho người lao động trong môi trường làm việc; cân bằng nguồn chi phí và doanh thu khi các chi phí an ninh, vệ sinh, bảo hộ lao động… sẽ phát sinh; xây dựng chế độ phúc lợi phù hợp.
Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”, địa phương cần hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất tương thích với năng lực của nhà máy theo quy định giãn cách của Bộ Y tế, không khống chế số lao động được tham gia.
Nhận định về thị trường xuất khẩu rau quả trong quý IV, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung quốc và châu Âu sẽ hồi phụ, nhu cầu sẽ tăng trở lại.
Để phục hồi sản xuất, tận dụng cơ hội này, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa… Các địa phương cần đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, khu công nghiệp, khu chế xuất… để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, một số khâu sản xuất của ngành không đủ nhân lực tham gia do người lao động không muốn tham gia sợ nhiễm bệnh, người tham gia được lại không đủ điều kiện về y tế như chưa được tiêm vaccine…
Các tỉnh, thành cần xem xét phương án thí điểm do doanh nghiệp đề xuất về mở rộng quy mô sản xuất “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện trên cơ sở có phương án tổ chức vùng đệm giữa lực lượng lao động mới và lực lượng đang thực hiện “3 tại chỗ”. Đồng thời, mở thêm các mô hình mới “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, về lâu dài, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu để hoạt động trong tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn như doanh nghiệp muốn an toàn thì không thể thiếu nhà ở cho công nhân.
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU - Bài 2: Không để ảnh hưởng xuất khẩu thủy sản
Không chỉ Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Mỹ cũng đang tiến hành điều tra hải sản khai thác IUU nhập khẩu vào nước này; trong đó, có Việt Nam.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Việc bị cảnh báo "thẻ vàng" cũng như việc khắc phục "thẻ vàng" chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và còn các thị trường khác trong tương lai. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những biện pháp cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới với các khuyến nghị của EC.
Với những khuyến nghị của EC, theo Thứ trưởng thời gian tới, ngành tiếp tục có các biện pháp khắc phục như thế nào?
Hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật gồm: 2 nghị định của Chính phủ, 8 thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực từ năm 2019 đã quy định đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU. Các văn bản này khi xây dựng đều tham khảo ý kiến của EC.
Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản và các văn bản có hiệu lực, quá trình tổ chức thực hiện bộ lộ những khó khăn, vướng mắc, do đó cần sửa đổi, bổ sung. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thi hành luật phù hợp với tình hình thực tế và theo khuyến nghị của EC như: Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Trong quá trình thực thi, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, trách nhiệm về quản lý nhà nước từ tỉnh, huyện, xã cần rõ ràng hơn, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh đó, không thể không nói đến trách nhiệm của người dân khi chuyển từ nghề thủy sản nhân dân sang ngành thủy sản có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Ngư dân cũng phải nâng cao ý thức, thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật thì mới đảm bảo các các yếu tố trong 4 khuyến nghị của EC.
Về quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật các quy định xử phạt ở Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã rất rõ ràng. Vấn đề là các tỉnh, thành tổ chức đồng loạt để đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả.
Riêng vấn đề truy xuất nguồn gốc, hạ tầng là yếu tố quyết định chính. Thời gian tới, ngân sách nhà nước sẽ có phân bổ đầu tư công trung hạn để đảm bảo hạ tầng thủy sản, đặc biệt là hạ tầng khai thác để có bước chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc từ đánh bắt, nhập hàng vào đến cảng, nhà máy và xuất khẩu sang các thị trường.
Hiện còn gần 10% tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, theo Thứ trưởng, việc này cần có sự triển khai thế nào?
Để đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì kinh phí phải do ngư dân đầu tư. Trong hoàn cảnh khó khăn, một số địa phương đã có các chính sách hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị này. Còn lại gần 10% số tàu chưa lắp định vị, một phần là ngư dân chưa bỏ kinh phí ra lắp đặt, một phần có số lượng tàu nằm bờ....
Tới đây, trong đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ "thẻ vàng" mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo thì việc lắp và kết nối thiết bị từ địa phương tới Trung ương sẽ phải hoàn thành trong năm 2021. Từ đó, phấn đấu gỡ "thẻ vàng" sớm nhất, không để ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu, cũng như xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đã quan tâm đến chống khai thác IUU như Mỹ.
Có địa phương những năm trước không có tàu vi phạm khai thác IUU nhưng trong 8 tháng năm 2021 lại có. Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của địa phương để tránh xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý?
Nhiệm vụ quản lý tàu cá trách nhiệm trước hết là thuộc địa phương. Các địa phương có vai trò quan trọng trong việc vận động, quán triệt nhận thức cho ngư dân. Để họ hiểu rõ được nếu khai thác vi phạm sẽ ảnh hưởng đến cả ngành thủy sản, thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, để họ ý thực được và sẽ chấp hành.
Những năm qua, tàu cá vi phạm khai thác IUU đã giảm. Trong số tàu vi phạm có 2 loại: tàu vi phạm vùng biển nước ngoài và tàu bị bắt giữ tại khu vực chồng lấn, vùng nước lịch sử. Như vậy, chúng ta sẽ lọc ra, tàu nào vi phạm, tàu nào khai thác ở vùng nước lịch sử, vùng biển chồng lấn để có phương pháp xử lý khác nhau.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có 42/2019/NĐ-CP xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm. Như EC khuyến cáo là cần có danh sách các tàu có nguy cơ đó để có sự quản lý chặt ngay từ lúc xuất bến đến khi cập bến.
Hiện nay, có tình trạng có tàu cá của tỉnh này khi vi phạm khai thác trở về vào tỉnh khác. Như vậy, ngành và địa phương sẽ rà soát lại tất cả các cảng cá, các quy định và sự phối hợp của các địa phương để đảm bảo sẽ phải kiểm soát chặt chẽ các tàu cá.
Thứ trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra việc triển khai các công việc nhằm chống khai thác IUU ở các địa phương. Qua kiểm tra, Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc thực thi nhiệm vụ này ở địa phương?
Tôi đã trực tiếp đi kiểm tra cơ bản tất cả các cảng cá; trực tiếp kiểm tra cách ghi chép ở các quyển nhật ký khai thác, việc bố trí lực lực tại cảng, bố trí thiết bị và sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Đến nay phải khẳng định sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với chống khai thác IUU chưa đảm bảo đúng theo tinh thần của văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU và các chỉ thị, công điện, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Như trong cuộc họp vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã hỏi xã, nhưng đó cũng là trách nhiệm huyện và tỉnh đối với xã về quản lý IUU.
Sau các đợt kiểm tra của lãnh đạo Bộ, tôi cũng thấy nhiều địa phương có chuyển biến mạnh trong việc triển khai chống khai thác IUU. Nhiều địa phương đã nhanh chóng lắp trang thiết bị giám sát, đầu tư nhà phân loại sản phẩm... việc tuyên truyền tại cảng cũng rõ ràng và tích cực hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực ở cảng được bổ sung và số tàu vi phạm giảm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, tin tưởng thời gian tới việc chống khai thác IUU của Việt Nam sẽ có kết quả tích cực.
Theo Thứ trưởng, vai trò của doanh nghiệp trong việc chung tay khắc phục "thẻ vàng" là gì?
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có nhiều hành động cụ thể để chống khai thác IUU như: ban hành sách trắng, thông tin tuyên truyền, làm nhiều tờ rơi... nhưng việc hoàn thiện hồ sơ đối với sản phẩm khai thác vẫn có.
Do đó, thời gian tới đề nghị VASEP vận động các doanh nghiệp kiên quyết không mua những sản phẩm khai thác bất hợp pháp. Đây cũng chính là một trong những giải pháp sẽ hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác hải sản bất hợp pháp.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
Hải quan gỡ khó cho doanh nghiệp về xác định mã số hàng hóa Đề cập về khó khăn của doanh nghiệp khi xác định mã số hàng hóa và trị giá hải quan, chiều 13/8, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Hải quan đang tích cực đàm phán xây dựng danh mục HS (mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới); Danh mục biểu thuế ASEAN, đưa các...