Doanh nghiệp đòi được kinh doanh
Nhiều quy định của các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chằng, bà chuộc”.
Vừa qua các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu xe hơi đã căng biểu ngữ trước Bộ Công Thương với nội dung: “Vì lợi ích người tiêu dùng, ủng hộ Thủ tướng bãi bỏ Thông tư 20/2011. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”. Theo các DN, thông tư nói trên quy định các nhà nhập khẩu ô tô dưới chín chỗ ngồi vào Việt Nam phải có giấy ủy quyền chính hãng sản xuất và các điều kiện khác về trạm bảo hành. Điều kiện kinh doanh này khiến nhiều DN không thể nhập khẩu ô tô, thậm chí phá sản.
Đây được xem là một điển hình của những bất cập trong môi trường kinh doanh, tạo ra các rào cản gây khó cho DN tham gia thị trường. Vậy phải làm gì để đảm bảo quyền tự do kinh doanh? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với các DN, chuyên gia, đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề trên.
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Chỉ có lợi cho các ông lớn
Tấm băng rôn của các DN nhỏ treo trước Bộ Công Thương cứ ám ảnh tôi mãi suốt mấy ngày qua. Nó như một tiếng kêu của những người không còn biết kêu ai! Một số ý kiến cho rằng các quy định tại Thông tư 20/2011 là để bảo đảm chất lượng ô tô, vì quyền lợi của người tiêu dùng… Nhưng những lý do này không đủ thuyết phục. Thực tế người tiêu dùng chỉ có được lợi ích thực sự khi có sức ép cạnh tranh.
Tôi cho rằng các quy định của Thông tư 20 hiện sai luật. Bởi trong danh sách 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, kinh doanh ô tô không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Thông tư này chỉ có lợi cho các DN lớn chứ không phải cho tất cả DN. Điều này là không công bằng.
Nhân sự kiện này tôi xin được nói thêm, các DN tư nhân ngày càng nhỏ lại, thế nhưng ngày càng có nhiều quy định kiểu muốn “loại” các DN nhỏ ra khỏi thị trường. Với Thông tư 20, các DN nhỏ đặt câu hỏi tại sao những tập đoàn lớn lại sợ cạnh tranh như vậy. Và liệu điều này có liên quan đến giá thành ô tô của Việt Nam đang cao ngất ngưởng hàng đầu thế giới hay không?
Tôi kỳ vọng DN trong nước lớn mạnh. Nhưng để đạt được kỳ vọng ấy, có lẽ cần bắt đầu từ thông điệp của chiếc băng rôn đỏ treo trước cổng Bộ Công Thương với nội dung “Tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh”.
Các DN nhập khẩu xe hơi căng băng rôn trước Bộ Công Thương chiều 21-7. Ảnh: CTV
Ông ĐẶNG HUY ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT:
Video đang HOT
Đảm bảo quyền tự do kinh doanh
Tôi quan niệm các quy định phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN. Còn nếu như quy định hạn chế việc gia nhập thị trường thì có nghĩa là đang triệt tiêu cạnh tranh. Những DN đang tồn tại thì đương nhiên muốn duy trì chính sách đó (Thông tư 20 – PV) vì những lợi ích họ đang được hưởng.
Nhà nước không nên đứng ra can thiệp trong những câu chuyện tương tự thế này vì sẽ làm méo mó thị trường. Cách tiếp cận của chúng tôi sẽ là như thế. Do vậy Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu cho Chính phủ về Thông tư 20 theo hướng này.
xin nói thêm, gần đây tôi đã đi thực tế ở nhiều địa phương và tận mắt chứng kiến nhiều khó khăn khi các DN bỏ tiền ra đầu tư. Ngoài vấn đề đạo đức công chức, sự vênh nhau giữa các luật chuyên ngành với Luật DN, Luật Đầu tư, hai bộ luật tiến bộ nhất cho đến thời điểm này cũng đang là rào cản khiến các DN khó gia nhập thị trường, không thuận lợi trong đầu tư, kinh doanh.
ĐBQH NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH:
Nâng cao tính minh bạch
Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ cần nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch để người dân có đủ niềm tin bỏ vốn ra làm ăn. Thực ra môi trường kinh doanh hiện nay đã thông thoáng hơn so với trước đây. Với những khó khăn còn tồn tại, tôi nghĩ cần phải chỉ ra những khâu nào còn vướng để Nhà nước sửa. Đặc biệt cần phải rà soát các chỉ thị, thông tư, nghị định… xem có điều gì trái với Luật DN, Luật Đầu tư hay không để tháo gỡ.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:
Chằng chịt những ràng buộc vô lý
Không chỉ Thông tư 20 gây khó cho DN mà thực tiễn môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phí kinh doanh cao hơn cả chi phí chính thức và phi chính thức. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao không ít DN muốn khởi nghiệp phải sang tận Singapore.
Nhiều quy định của các luật về DN và môi trường đầu tư kinh doanh đang trong tình trạng “ông chằng, bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, thiếu liên thông. Xin đơn cử Luật Đầu tư nêu rõ: Bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh nhưng luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ, ngành quy định giấy phép; Luật DN nói DN không cần con dấu, luật chuyên ngành lại vẫn yêu cầu DN phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cơ quan nhà nước.
Chính vì những bất hợp lý như trên cho nên cộng đồng DN kiến nghị ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật này cần được xem xét sửa đổi. Trong đó đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN.
Chúng tôi là nạn nhân Công ty của tôi là một nạn nhân của Thông tư 20 nên rất mong mỏi bãi bỏ thông tư này. Bởi với quy định của thông tư trên, chỉ các DN lớn mới được tham gia nhập khẩu ô tô, còn DN nhỏ bị đẩy ra ngoài lề. Từ đó tôi tha thiết kiến nghị làm sao để điều kiện kinh doanh ô tô nói riêng và kinh doanh các lĩnh vực khác nói chung phải bảo đảm được môi trường bình đẳng cho tất cả DN, không phân biệt đối xử. Ông NGUYỄN ĐÌNH QUYẾT, đại diện Công ty Hưng Hà Đã trình thủ tướng Trước ý kiến khác nhau về Thông tư 20, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay Bộ đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về thông tư này. Bộ để ngỏ theo hai hướng hoặc là nâng cấp quy định về nhập khẩu xe hơi dưới chín chỗ ngồi lên nghị định, hoặc bãi bỏ theo kiến nghị của VCCI và các DN. “Thông tư 20 sẽ do Thủ tướng quyết định số phận” – vị lãnh đạo này nói. Tránh lợi ích nhóm Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, thời gian qua các cơ quan Chính phủ bước đầu đã thống nhất phải sửa đổi 58 điều quy định tại 12 văn bản luật để bảo đảm sự minh bạch, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. Bên cạnh đó, các bộ, ngành phải vượt lên “quyền anh, quyền tôi” để đẩy mạnh cải cách thể chế vì lợi ích quốc gia, tránh lợi ích nhóm. ĐBQH VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI
Theo_PLO
Buôn ô tô: Kinh doanh tự do hay phải có điều kiện?
Một số ý kiến đề nghị nâng cấp Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống thành Nghị định về điều kiện kinh doanh. Như vậy sẽ phải sửa Luật đầu tư, điều này có thể thực hiện?
Sửa Luật Đầu tư vì ô tô?
Đề xuất này được ông Lâm Chí Quang, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đưa ra tại Hội thảo "Đề xuất sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh" diễn ra mới đây.
Theo ông Quang, chỉ có xe nhập khẩu chính hãng mới đảm bảo chất lượng, độ an toàn và quyền lợi cho khách hàng. Ngoài ra, còn liên quan đến chuyện bản quyền, thương hiệu của sản xuất. Nếu cho nhập khẩu tràn lan sẽ gây ra khiếu kiện - ông Quang nói.
Đại diện Công ty Honda Việt Nam, bà Bùi Thị Hồng, cũng đề nghị: Thông tư 20 đã hết hiệu lực từ 1/7/2016, trong khi nghị định thay thế chưa có. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành quy định mới thay thế, giữ nguyên tinh thần của Thông tư 20.
Đại diện cho các DN nhập khẩu chính hãng, ông Trần Tấn Trung - Công ty Audi Việt Nam, cho rằng, thị trường ô tô nhập khẩu hiện rất cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu lớn nên không thể nói là độc quyền. Bản thân doanh nghiệp nếu làm không tốt, chính hãng sẵn sàng hủy bỏ, không cấp giấy ủy quyền và chuyển sang cho nhà phân phối khác.
Với xe nhập chính hãng, khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi từ bảo hành, bảo dưỡng đến hưởng các chế độ chăm sóc của nhà sản xuất, yên tâm không lo lắng nếu xe bị dính lỗi phải triệu hồi,... Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập không chính hãng thường mua xe về bán xong là thôi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng thường mua xe qua khâu trung gian, giá mua thường cao hơn chính hãng, nhưng về nước lại bán rẻ hơn. Chỉ có gian lận thương mại mới như vậy, ông Trung nghi ngờ.
Ông Lâm Chí Quang nói thêm, có những mẫu xe giá nhập khẩu chính hãng khai 45.000 USD thì DN không chính hãng chỉ khai 15.000 USD, nhờ đó giá tính thuế thấp và giảm khoản chi rất lớn, DN hưởng lợi nhưng Nhà nước thất thu.
"Chúng tôi đề nghị giữ nguyên các quy định của Thông tư 20, để đảm bảo cho thị trường có sự ổn định, minh bạch và không gây tác động xấu tới những DN làm ăn chân chính, đầu tư bài bản", ông Quang kiến nghị.
Tuy nhiên, các luật sư lại cho rằng, theo Luật Đầu tư mới, kinh doanh ô tô không thuộc 267 ngành nghề có điều kiện. Do đó, muốn nâng cấp Thông tư 20 lên thành Nghị định về điều kiện kinh doanh ô tô thì trước hết cần phải sửa Luật Đầu tư. Phải đưa ô tô vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này, liệu có thực hiện được? Và có nên làm?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cơ quan chức năng có chủ trương sửa Luật Đầu tư ngay trong năm nay. Dự kiến sẽ loại bỏ khoảng 70 ngành nghề đang thuộc nhóm kinh doanh có điều kiện và thêm vào 10 ngành nghề mới. Nhưng với ô tô, ông Đức cho rằng "không thể được".
Ông Đức lý giải, ngoài Luật Đầu tư, theo quy định của Hiến pháp, Luật Dân sự thì quyền tự do kinh doanh công dân chỉ được hạn chế bằng luật. Muốn hạn chế ngành nghề nào đó phải có 3 điều kiện là: ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và đạo đức. Kinh doanh ô tô không ảnh hưởng đến 3 lĩnh vực trên, vì vậy không thể hạn chế hay áp đặt điều kiện kinh doanh cho nó và nếu muốn, trước hết phải sửa Hiến pháp. Đó là điều không thể và cũng không thấy có lý do gì phải sửa, ông Đức nói.
Theo một số chuyên gia, các quy định của Thông tư 20 chỉ áp dụng cho xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống. Giả sử có sửa Luật Đầu tư, đưa ô tô thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì sẽ phải áp dụng cho cả xe chở khách từ 10 chỗ trở lên và xe tải các loại. Như vậy, xe tải, xe khách nhập khẩu cũng bắt buộc phải có ủy quyền chính hãng. Điều này chắc chắn phát sinh nhiều hệ lụy cho thị trường ô tô.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, khi nói đến kiểm soát nhập khẩu ô tô là liên quan đến kiểm soát chất lượng và kiểm soát thị trường.
Với kiểm soát chất lượng thì có thể khẳng định về mặt pháp luật, Việt Nam hiện đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam. Bất cứ ô tô nào lăn bánh tại Việt Nam đều được đăng kiểm và đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật.
Vấn đề triệu hồi xe cũng đã được quy định tại Thông tư 19 của Bộ GTVT. Triệu hồi xe lắp ráp sản xuất trong nước hay xe nhập khẩu (trong đó gồm cả nhập khẩu uỷ quyền hay không uỷ quyền) đều như nhau. Cần phải phát huy quy định này chứ Thông tư 20 của Bộ Công Thương không nên gánh thêm nhiệm vụ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc DN trong nước mua ô tô từ các nhà cung cấp ở nước khác hợp lệ, cho dù không được nhà sản xuất uỷ quyền trực tiếp tại Việt Nam vẫn hợp pháp, chủ nhãn hiệu (nhà sản xuất) không có quyền ngăn cấm. Do vậy, không nên dựng hàng rào để ngăn cản.
Thông tư 20 cũng không làm giảm nhập siêu ô tô. Nếu năm 2011, Việt Nam chi 1,02 tỷ USD để nhập khẩu ô tô, thì sang năm 2015 là 2,98 tỷ USD. Tỷ lệ nhập khẩu ô tô nguyên chiếc 2011 chiếm 0,94% tổng giá trị nhập khẩu, nhưng đến 2015 là 1,81% tổng giá trị nhập khẩu.
"Các quy định cần phải bảo đảm lợi ích đông đảo người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, chứ không phải để hạn chế quan hệ phân phối và luật hoá các quan hệ này", ông Tuấn nói.
Trần Thủy
Theo_VietNamNet
Bộ trưởng phải gỡ bỏ 'hòn đá tảng' giấy phép con Các bộ trưởng là những "mắt xích" cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành bại của việc cởi trói cho doanh nghiệp khỏi những điều kiện kinh doanh vô lý. Từ 1-7, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chính thức có hiệu lực. Người dân và doanh nghiệp hy vọng sẽ được thực hiện quyền tự do kinh doanh hiến định...