Đoàn liên ngành kết thúc kiểm tra tại Formosa Vũng Áng
Sau 4 ngày làm việc, đoàn liên ngành với sự tham gia của 7 bộ đã đưa các số liệu, tài liệu ghi nhận ở Khu Kinh tế Vũng Áng về Hà Nội phân tích, từ đó sớm đưa ra kết luận cuối cùng về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường của Formosa.
Chiều 7/5, đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường tại công trường Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng ( thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã họp phiên cuối cùng để thống nhất kết quả sau 4 ngày làm việc.
Sau khi tổng hợp kết quả làm việc của các tổ, sáng cùng ngày lãnh đạo đoàn liên ngành đã đến trụ sở của Formosa để chốt biên bản làm việc. Biên bản cuối cùng phải dịch ra song ngữ để đại diện Formosa xem và ký.
Hệ thống xả thải của Formosa. Ảnh: Đức Hùng
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho VnExpress biết, đoàn liên ngành đã ghi nhận số liệu, tài liệu và mang về Hà Nội để phân tích, hiện chưa có kết quả cuối cùng.
Video đang HOT
Đây là đoàn kiểm tra lớn nhất, với tham dự của nhiều bộ nhất kể từ khi xuất hiện thông tin cá chết. Đoàn gồm có đại diện của 7 bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công Thương, Công an, Quốc phòng cùng Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Đoàn bắt đầu làm việc tại trụ sở Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa vào chiều 4/5. Những ngày sau đó, 6 tổ công tác được phân chia để kiểm tra các hạng mục theo phân công của trưởng đoàn.
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết. Hiện tượng bất thường này dần lan theo hướng Bắc – Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi là thủy triều đỏ) có thể là nguyên nhân.
Thủ tướng sau đó đã chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương lập đoàn kiểm tra, xác định nguyên nhân chính xác gây ra thảm họa môi trường này.
Đức Hùng
Theo VNE
Hàm lượng kim loại nặng trong cá biển tại Hà Tĩnh ở ngưỡng cho phép
Sau khi thu thập 12 mẫu cá biển, tôm, cua, mực... tại Hà Tĩnh, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kết luận, hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật trong các loại thực phẩm này đều trong giới hạn cho phép.
Có 12 mẫu cá biển, tôm cua, mực tươi sống, nước biển, rau... được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia phối hợp với nhà chức trách Hà Tĩnh lấy mẫu tại khu vực Cảng cá Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) vào ngày 28/4.
Kết quả kiểm nghiệm thực phẩm biển tại vùng biển Hà Tĩnh.
Sau khi được kiểm nghiệm, kết quả cho thấy hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, cyanide đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết, tỉnh đã lập tổ công tác liên ngành gồm y tế, nông nghiệp, các chi cục liên quan. Hàng ngày, tổ tới những chỗ người dân thường xuyên đánh bắt, các cảng cá ở vùng biển Hà Tĩnh để lấy mẫu thực phẩm biển về kiểm nghiệm, từ đó có những khuyến cáo cụ thể với bà con.
Sau ảnh hưởng bởi đợt cá chết hàng loạt, nhiều ngư dân ở vùng cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã ra khơi, nhộn nhịp mua bán trở lại. Ảnh: Đức Hùng
Để người dân an tâm đi du lịch biển, cách đây hai ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã công bố các thông số phân tích mẫu nước ở một số bãi tắm tại Hà Tĩnh như Xuân Hải (Lộc Hà), Xuân Thành (Nghi Xuân), Thạch Hải (Thạch Hà), Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh, Mũi Đao (thị xã Kỳ Anh). Kết quả cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển, vùng bãi biển tắm, thể thao dưới nước.
Đầu tháng 4, từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Thống kê đến ngày 25/4, bốn tỉnh ven biển phát hiện gần 70 tấn cá tự nhiên chết, chủ yếu là các loài sống ở tầng đáy gần bờ.
Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa là nguyên nhân gây thảm họa. Tại cuộc họp chiều 1/5 tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành điều tra, đưa ra kết luận cụ thể, chặt chẽ, khoa học.
Đức Hùng
Theo VNE
Một thợ lặn ở Formosa bị nhiễm độc đồng Trong 9 thợ lặn được kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế), có một thợ lặn bị nhiễm độc đồng nặng. Ngày 27/4, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, có 9 thợ lặn làm việc tại Công ty Nibelc - doanh nghiệp cung ứng nhân lực thi công đê chắn sóng cảng Sơn Dương Formosa...