Đoàn kết trên hai mặt trận
Kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi như thế nào đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay, trong bối cảnh các nền kinh tế đã sa sút nghiêm trọng vì tác động tiêu cực của dịch bệnh. Trong khi đó, giới phân tích liên tiếp đưa ra dự báo đen tối về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Bức tranh kinh tế thế giới ngày càng tối mầu do sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 3% trong năm nay kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930. Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) R.A-dê-vê-đô nhận định, giao dịch thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm từ 13 đến 32%.
Tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới, dịch Covid-19 đã tàn phá và để lại hậu quả nghiêm trọng. Giám đốc Cục Dự trữ liên bang (FED) chi nhánh Niu Oóc (Mỹ) G.Uy-li-am cho biết, nền kinh tế Mỹ cần từ một đến hai năm hoặc nhiều hơn nữa để phục hồi. Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có thể cần tới 500 tỷ USD/tháng để bảo đảm “sống sót qua dịch”. Tại Trung Quốc, theo Tổng cục Thống kê quốc gia, GDP trong quý I-2020 đã giảm 6,8% so cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của IMF, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm 2020. Bức tranh kinh tế châu Âu cũng đã xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Tại Đức, nền kinh tế số một châu Âu, IMF dự báo tăng trưởng sẽ sụt giảm 7,5% trong năm 2020, trong đó khu vực tư nhân chịu ảnh hưởng lớn. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank đánh giá nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng và khó có thể phục hồi nhanh chóng.
Những ngày qua, một loạt “liều thuốc” mạnh đã được “bơm” vào huyết mạch của các nền kinh tế thông qua một số gói kích cầu hạ lãi suất cho vay và kể cả phát tiền mặt cho người dân. Tại Mỹ, “Chương trình bảo đảm chi trả” trị giá 350 tỷ USD, được chính phủ đưa ra dưới hình thức cho các doanh nghiệp nhỏ vay. Dù Mỹ đang là điểm nóng nhất của dịch bệnh trên toàn cầu, nhưng Tổng thống Mỹ Đ.Trăm khẳng định sẽ sớm mở cửa trở lại đất nước và cho biết, nước Mỹ sẽ vạch ra ba giai đoạn khôi phục kinh tế. Tại Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết, chính phủ sẽ triển khai các biện pháp như giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại châu Âu, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU) P.Gien-ti-lô-ni cho biết, Nhóm Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng ơ-rô (Eurogroup) đã đưa ra các đề xuất cứu trợ trị giá hơn 500 tỷ ơ-rô để cung cấp tài chính cho lĩnh vực chăm sóc y tế và giúp các công ty vừa và nhỏ vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các giải pháp nêu trên vẫn chưa đủ kéo các nền kinh tế ra khỏi suy thoái và càng chưa thể là giải pháp tổng thể để giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại. Giám đốc IMF khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định, các nước châu Á cần tận dụng mọi công cụ chính sách để ứng phó tình hình hiện nay; tập trung ngăn chặn tình trạng phá sản của các doanh nghiệp nhỏ cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Việc cung cấp tiền mặt trực tiếp cho người dân, như một phần trong gói cứu trợ của Mỹ, có thể không phải là chính sách tối ưu đối với nhiều nước châu Á nếu áp dụng. Các nền kinh tế mới nổi cũng cần tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các thể chế đa phương, sử dụng biện pháp kiểm soát nhằm đối phó với dòng vốn bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch.
Video đang HOT
Một trong những vấn đề mà giới phân tích và các chính phủ quan tâm nhất hiện nay là kinh tế thế giới sẽ phục hồi như thế nào sau đại dịch? “Kịch bản tăng trưởng” sẽ là bật dậy nhanh theo mô hình chữ “V”, hay trì trệ kéo dài theo mô hình chữ “L”? Câu hỏi này hiện chưa có đáp án, bởi vì triển vọng tăng trưởng phụ thuộc vào yếu tố quyết định là diễn biến của dịch bệnh. Nếu thế giới có thể nhanh chóng dập dịch, tìm ra vắc-xin chữa trị Covid-19, thì tăng trưởng kinh tế sẽ sớm trở lại; nếu không, tình trạng “hôn mê sâu” của nhiều nền kinh tế có thể kéo dài. Hiện tại, một số nền kinh tế đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại, nhưng thế giới vẫn đối mặt với một giai đoạn phong tỏa mới, nếu dịch bệnh không được kiểm soát chặt chẽ. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cứ mỗi tháng đóng cửa nền kinh tế, tăng trưởng GDP của các nước OECD sẽ sụt giảm 2%.
Biện pháp duy nhất giúp kinh tế toàn cầu phục hồi là các quốc gia đoàn kết chống đại dịch Covid-19 và cùng một chí hướng phối hợp phục hồi kinh tế. Khi nhân loại chưa thể thắng trên mặt trận chống dịch bệnh, thì có thể sẽ “thua” trên mặt trận phục hồi kinh tế và không một quốc gia nào có thể chiến thắng nếu “đi một mình” trong các cuộc chiến nêu trên.
NGUYÊN KHÔI
BVSC: Cơ hội nâng tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI có thể thu hút thêm 200 triệu USD lượng vốn mới
Theo Báo cáo thường niên của CTCK Bảo Việt (BVSC), thách thức trong năm 2020 là sự khó lường của bôi cảnh vĩ mô quôc tê, đặc biệt liên quan đên rủi ro mới là dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng có những cơ hội đến từ kinh tế vĩ mô Việt Nam có tính ổn định cao, khả năng nâng tỷ trọng trong rổ chỉ số MSCI và có thêm các quỹ ETF mới đầu tư vào thị trường.
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 sẽ mang lại lòng tin rất lớn cho nhiều nhà đầu tư vào hệ thống chính trị của Việt Nam. Bên cạnh đó, dù tăng trưởng GDP sẽ giảm tốc, nhưng ổn định của hệ thống ngân hàng, cùng khả năng các chỉ số vĩ mô khác biến động trong tầm kiểm soát của Chính phủ sẽ là điểm nhấn tích cực, tạo ra sức hút cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bên cạnh đó, vào tháng 5/2020, hoạt động tái cơ cấu danh mục của tổ chức xây dựng chỉ số MSCI sẽ chính thức diễn ra khi Kuwait được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market - FM) lên thị trường mới nổi (Emerging market).
Sau khi Kuwait được nâng hạng, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ MSCI dự kiến sẽ được nâng từ mức 17% hiện nay lên mức gần 30%, tương ứng thu hút thêm lượng vốn mới có giá trị khoảng 200 triệu USD.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều cơ hội để được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo chỉ số FTSE hay MSCI.
Thị trường còn có thể kỳ vọng vào các quỹ ETFs hoạt động dựa trên các bộ chỉ số mới là Vietnam Diamond Index (VN DIAMOND), Vietnam Financial Select Sector Index (VN FIN SELECT), Vietnarn Leading Financial Index (VN FIN LEAD), được xây dựng bởi HOSE.
Các cổ phiếu trong rổ của 3 bộ chỉ số này phần lớn đã hết tỷ lệ được phép mua của khối ngoại. Việc ra đời của các quỹ ETFs này giải quyết một phần nhu cầu đầu tư của khối ngoại vào các cổ phiếu chất lượng nhưng đã hết hoặc còn lại room không đáng kể. Sự ra đời các quỹ ETFs nội này kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại và qua đó hỗ trợ tích cực đến sức cầu của thị trường.
Dù vậy, thị trường sẽ gặp thách thức từ sự khó lường của bối cảnh vĩ mô quốc tế, đặc biệt liên quan đến rủi ro mới là dịch bệnh Covid-19 .
Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết, hay khả năng gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Triển vọng kinh tế giảm tốc, nhiều rủi ro khiến tâm lý của nhà đầu tư e ngại khi lựa chọn các tài sản mang tính rủi ro cao như cổ phiếu trong ngắn hạn.
Các sự kiện quan trọng khác như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 hay xung đột thương mại Mỹ-Trung, dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn sự khó lường là những rủi ro đáng lưu ý khác đối với thị trường chứng khoán.
Còn một rủi ro khác cần chú ý, theo BVSC là rủi ro từ các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có tốc độ phát triển rất nhanh trong 2 năm gần đây. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành cả năm 2019 là 296,71 ngàn tỷ đồng. Năm 2018 giá trị này là 224 ngàn tỷ, còn năm 2017 giá trị phát hành đạt 115 ngàn tỷ.
Như vậy, sau 2 năm, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã tăng gấp 2,5 lần. Với tốc độ phát triển nhanh, trong khi điều kiện kinh doanh năm 2020 lại không thuận lợi như những năm trước có thể khiến rủi ro của thị trường này tăng lên và từ đó có thể tác động không tích cực tới thị trường cổ phiếu.
Năm 2020, BVSC đặt kế hoạch tổng doanh thu 533 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, giảm nhẹ về doanh thu nhưng nhích nhẹ so với thực hiện năm 2019. Kế hoạch được đặt ra với dự báo về điều kiện thị trường là VN-Index trung bình quanh mức 990 - 1.040 điểm trong năm 2019. Giá trị giao dịch trung bình phiên đạt khoảng 5.400 tỷ đồng/phiên. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên mức 1.083 tỷ đồng.
Nhưng, kế hoạch này có thể được điều chỉnh để sát với tình hình thực tế tăng trưởng kinh tế và TTCK trước tác động của dịch Covid - 19.
Nhã An
PV Drilling (PVD): Năm 2020 đặt mục tiêu lãi 68 tỷ đồng, giảm 63% so với 2019 Năm 2020 PV Drilling (PVD) đặt mục tiêu đạt 4.680 tỷ đồng doanh thu tăng 7% và 68 tỷ đồng LNST giảm 63% so với 2019. Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã CK: PVD) đã công bố báo cáo thường niên năm 2019. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 với doanh thu...