Đoạn kết của tướng Ratko Mladic
Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Bosnia gốc Serbia, Ratko Mladic đã bị cảnh sát Serbia bắt hôm 26.5, kết thúc 15 năm lẩn trốn.
Năm 2010, chính quyền Belgrade treo giá 10 triệu euro cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ tướng Ratko Mladic, khiến ông này trở thành một trong những người bị truy lùng gắt gao nhất thế giới. Sáng 26.5.2011, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Bosnia đã bị bắt tại làng Lazarevo, cách thủ đô Belgrade của Serbia khoảng 100 km. Tờ Le Figaro dẫn nguồn tin chính phủ cho biết ông Mladic trú tại trang trại của một người bà con. Ông có 2 khẩu súng ngắn trong tay nhưng đã không hề kháng cự khi cảnh sát tiến vào nhà.
Người bị bắt dùng tên Milorad Komadic nhưng những xét nghiệm ADN sau đó chứng tỏ đây chính là tướng Ratko Mladic. Theo Bộ trưởng chuyên trách hợp tác với Tòa án Quốc tế về vấn đề Nam Tư cũ (ICTY) Rasim Ljajic, Mladic “có vẻ già đi nhiều” và “nếu tình cờ đi ngang qua, có thể mọi người sẽ không nhận ra ông ta”.
Ngay sau đó, tướng Mladic đã bị đưa đến trình diện trước một thẩm phán tại Belgrade. Việc thẩm vấn đã được dời lại vì tình trạng sức khỏe của người bị bắt không đảm bảo. Những hình ảnh được phát trên đài truyền hình quốc gia Serbia cho thấy Ratko Mladic đã khập khiễng lê bước tại lối ra vào tòa án. Le Figaro dẫn lời luật sư bào chữa cho biết: “Thẩm phán đã không thu được những thông tin cơ bản nhất từ thân chủ của tôi. Người ta hỏi một đằng, ông ấy trả lời một nẻo. Ông Mladic cần phải được chữa trị tại bệnh viện”. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên tòa án, tướng Mladic đã khẳng định hoàn toàn đủ khả năng giao tiếp.
Nếu không gặp trở ngại, việc dẫn độ Ratko Mladic đến The Hague (Hà Lan) để xét xử tại Tòa án Quốc tế về vấn đề Nam Tư cũ (ICTY) có thể sẽ mất ít nhất 1 tuần. Vị tướng từng một thời “thét ra lửa” đang đối mặt với các cáo buộc: diệt chủng, bắt cóc con tin, giết người hàng loạt… Nếu không bác bỏ được những luận cứ của ICTY, Mladic nhiều khả năng bị tuyên án chung thân. Quá trình tố tụng có thể sẽ kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm. Cựu lãnh đạo Bosnia cùng thời với Mladic là Radovan Karadzic bị bắt từ tháng 7.2008, nhưng đến cuối tháng 10.2009 mới chính thức bị xét xử tại ICTY và phiên tòa đến nay vẫn chưa kết thúc.
Video đang HOT
Tướng Ratko Mladic thời còn ở đỉnh cao quyền lực – Ảnh: Reuters
Anh hùng hay ác quỷ?
Ratko Mladic sinh năm 1942 tại Kalinovik, phía đông Bosnia. Theo Le Figaro, người cha bị những người phát xít tại Croatia sát hại khi Mladic mới 2 tuổi. Mladic gia nhập Học viện Quân sự năm 15 tuổi vì gia đình không đủ khả năng để cho ông ta theo ngành y. Như phần lớn người Serbia khác ở Bosnia vào thời điểm đó, Mladic cho rằng dân tộc mình là “nạn nhân của lịch sử”. Ông ta quan niệm chỉ khi chứng minh được sự hùng mạnh của mình thì người Serbia mới không bị chèn ép nữa.
Sau khi được Tổng thống Slobodan Milosevic giao vị trí Tổng tham mưu trưởng quân đội Bosnia gốc Serbia vào đầu thập niên 1990, tướng Mladic đã thiết lập lại kỷ luật và tổ chức lại toàn bộ quân đội. Với sự lãnh đạo của ông ta, lực lượng này tham gia cuộc chiến Bosnia và trong vòng 3 tháng đã xâm chiếm 70% lãnh thổ Bosnia – Herzegovina. Chính từ cuộc chiến kéo dài từ 1992-1995 này, tướng Mladic đã bị ICTY buộc tội diệt chủng vì vụ thảm sát 8.000 người Hồi giáo ở Srebrenica.
Ratko Mladic bác bỏ những cáo buộc của ICTY và cho rằng ông ta chỉ “bảo vệ dân tộc mình”. Sau hòa ước Dayton đánh dấu kết cho cuộc chiến đẫm máu ở Bosnia Herzegovina năm 1995, tướng Mladic dần bị Belgrade “bỏ rơi” và phải sống trong cảnh lẩn trốn từ 15 năm qua.
Đến nay, những người Bosnia gốc Serbia vẫn xem Ratko Mladic như một vị anh hùng. Tổng biên tập tờ Courrier des Balkans cho biết sau khi tướng Mladic bị bắt, một vài nhóm người đã đổ xuống đường phản đối ICTY tại Belgrade. Trong khi đó, lãnh đạo Pháp, Ý và các nước châu Âu khác đánh giá đây là một bước tiến quan trọng giúp Serbia chính thức được xem là ứng viên gia nhập EU. Từ Hội nghị G8 ở Deauville (Pháp), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định “sẽ làm tất cả để Serbia được công nhận là ứng viên EU vào cuối năm nay”. Trước đây, nhiều nước, đặc biệt là Hà Lan cho rằng Belgrade vẫn còn nhân nhượng với tướng Mladic và khẳng định việc bắt giữ nhân vật này là một điều kiện “cần” để mở cửa vào EU cho Serbia.
Theo Thanh Niên
Tướng Mladic sống thế nào trong 15 năm trốn chạy?
Quãng đời chạy trốn của Ratko Mladic, một trong những nhân vật bị truy lùng gắt gao nhất thế giới, đầy những ngả rẽ và diễn biến - mặc dù ông này không bao giờ thực sự rời khỏi nhà.
Ratko Mladic lúc bị bắt. (Ảnh: Reuters)
Vị tướng 69 tuổi, người phải đối mặt với các cáo buộc thảm sát 7.500 người Hồi giáo Bosnia ở Srebrenica năm 1995, bị bắt ở một ngôi làng phía bắc Serbia, nơi ông này sống bằng tên giả. Mladic là nghi phạm tội ác chiến tranh cao cấp nhất vẫn chạy trốn sau khi chính trị gia Serbia Radovan Karadzic bị bắt vì các tội tương tự năm 2008.
Khi lực lượng an ninh bắt được Mladic, vị tướng đang sống trong một căn nhà của người thân - dù trên thực tế, gia đình ông đã đâm đơn yêu cầu tuyên bố Mladic qua đời, viện dẫn ông vắng mặt đã 7 năm.
Mladic dùng biệt danh Milorad Komadic song không để râu và cũng không dùng bất cứ đồ cải trang nào.
Mladic trở thành kẻ chạy trốn sau khi bị Tòa án Tội phạm quốc tế truy tố năm 1995 và bị buộc tội diệt chủng, phạm các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Ông này đi trốn sau vụ bắt giữ Slobodan Milosevic năm 2001 và ban đầu trốn trong các cơ sở quân sự Serbia, theo các thông tin tình báo.
Chỉ riêng trong năm 2006, có hai thông tin nhầm lẫn về việc bắt giữ Mladic, một ở Belgrade và một ở Romania, chưa kể lời đồn đại ông đã bị đột quỵ và gần chết.
Và năm 2009, chương trình "60 phút" của Bosnia đã phát sóng các đoạn video gia đình về Mladic tại một khu trượt tuyết với 2 phụ nữ được xác định là vợ và con dâu ông này và các tư liệu đó được cho là được ghi hình năm trước đó.
Ratko Mladic bị bắt sau 15 năm chạy trốn. (Ảnh: AP)
Danh tiếng của Mladic là một nhà ái quốc Serbia đã mang lại cho ông lòng trung thành của nhiều người. Trong một cuộc thăm dò mới đây, chỉ có 14% người Serbia tham gia nói họ sẽ trao nộp ông để lấy giải thưởng 1,3 triệu Euro (1,84 triệu USD). Và các công tố viên tòa án hình sự thường cáo buộc chính phủ Serbia nấn ná trong cuộc truy tìm nghi phạm tội ác chiến tranh này.
Để hỗ trợ cuộc truy lùng, Mỹ đã gửi một nhóm chuyên gia FBI tới Belgrade, cùng với các cảnh sát trưởng đề xuất kế hoạch 11 điểm bắt Mladic. Tuy nhiên, họ bị chính phủ Serbia đối xử lạnh nhạt, theo các điện tín ngoại giao mà WikiLeaks có được.
Năm 2009, các nhà ngoại giao Mỹ ngụ ý trong các điện tín rằng Nga, một đồng minh của Serbia, có thể trợ giúp Mladic.
"Các nhà lãnh đạo Serbia bảo thế này với nhau, thế khác với báo chí quốc tế và khác nữa với dân chúng nước mình", Maxime Verhagen, Ngoại trưởng Hà Lan khi đó, nói với Philip Gordon, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu.
Trong những năm gần đây, việc trao nộp Mladic được coi như một áp lực nhằm vào Serbia để nước này có thể gia nhập Liên minh châu Âu. Nhiều nhà quan sát chính sách ngoại giao cho rằng, động lực chính trị ở Serbia đã thay đổi đủ để các quan chức nước này có thể nộp nghi phạm mà không phải hứng chịu thêm nhiều thiệt hại.
Việc bắt giữ Mladic đặc biệt làm hài lòng Terree Bowers, cựu luật sư Mỹ có trong tay trát bắt đầu tiên nhằm vào ông này. "Khi tôi nhận trát đó, tôi không nghĩ lại phải mất 16 năm mới đưa được ông ta ra trước pháp luật", Bowers nói với báo Huffington Post.
Theo VietNamNet
Hồ sơ tội ác của "đồ tể" Ratko Mladic Trước ống kính camera, các vệ sĩ của tướng Ratko Mladic thân thiện tặng chocolate cho những đứa trẻ người Hồi giáo Bosnia, hứa hẹn với các phụ nữ đang khiếp sợ rằng bạo lực đã chấm dứt. "Không ai sẽ bị làm hại", Tư lệnh quân đội người Bosnia gốc Serbia nói vào ngày 12.7.1995 trong khi dịu dàng vuốt đầu một...