Đổ nợ vì Covid-19
Tào Tích Nhân đang phải vật lộn với những khoản nợ vì không thể rời Hồ Bắc trở lại thành phố làm việc do lệnh phong tỏa chống Covid-19.
Như nhiều lao động nông thôn khác, Tào hồi cuối tháng một đưa vợ con về quê nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cuối cùng không thể trở lại thành phố làm việc khi tỉnh Hồ Bắc bị phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan.
Một công nhân vệ sinh băng qua đường giữa trời tuyết rơi ở Vũ Hán ngày 15/2. Ảnh: Frontier Post.
“Chúng tôi chưa bao giờ trải qua tình trạng hoảng loạn như thế này”, Tào cho biết từ quê nhà ở thị trấn Thảo Điếm, một vùng nông thôn nghèo của tỉnh Hồ Bắc.
“Anh rể tôi nói rằng nhà chức trách sẽ không để chúng tôi trở lại làm việc trước tháng 4, nên anh ấy sẽ phá luật vì không còn thu nhập nuôi sống gia đình nữa. Điều đó tồi tệ không kém gì nhiễm virus”, Tào nói.
Covid-19 đã khiến hơn 80.000 người nhiễm và hơn 3.200 người chết trên toàn Trung Quốc đại lục. Dịch bệnh khiến hàng loạt khu vực bị phong tỏa. Những tuần gần đây, trong khi các cửa hàng và nhà máy trên khắp Trung Quốc bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại, gần 60 triệu dân thuộc hơn 12 thành phố của Hồ Bắc vẫn trong tình trạng “đóng băng”.
Niềm hy vọng của không ít người, bao gồm cả Tào, được nhen nhóm khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước tới thăm tâm dịch Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên, hiện chưa xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các lao động nhập cư có thể sớm trở lại làm việc tại những trung tâm sản xuất bờ biển phía đông Trung Quốc.
“Chúng tôi rất tức giận vì quyết định của chính quyền”, Trương Lương, tài xế xe tải 36 tuổi đến từ thành phố Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc, nói. Anh đang chìm trong nợ nần sau khi mua một chiếc xe tải để phục vụ công việc.
“Chúng tôi đều khỏe mạnh cả nhưng lại mắc kẹt ở nhà. Chính phủ đã chặn hết các con đường, nhưng không hỗ trợ hay đền bù cho những thiệt hại của chúng tôi”, Trương cho biết.
Video đang HOT
Với Tào, tài xế làm việc cho một ứng dụng đặt xe chở khách ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm kinh tế của Trung Quốc cách Vũ Hán 1.200 km, tình hình tài chính gia đình đang trở nên căng thẳng hơn mỗi ngày.
Không thu nhập, anh phải dùng thẻ tín dụng để trả hơn 420 USD tiền gốc và lãi cho chiếc xe mua bằng tiền vay ngân hàng từ tháng 10/2018.
Gia đình chị gái Tào cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, khi cả hai vợ chồng không thể trở lại làm việc ở Đông Quan. Ngoài hai con gái và cha mẹ già phải nuôi dưỡng, hai người còn đang phải trả tiền vay ngân hàng khoảng 850 USD một tháng cho căn hộ ba phòng ngủ họ mua ở Tô Châu.
“Nhìn chung, tất cả người trẻ ở làng tôi đều nợ nần, không căn hộ, thì xe cộ hay điện thoại”, Tào nói.
Khác với thế hệ di cư đầu tiên đến thành phố để làm việc những năm 1990, cư dân trẻ vùng nông thôn Trung Quốc ngày nay không còn khao khát trở về quê xây nhà, lập gia đình. Thay vào đó, họ thường có xu hướng vay tiền mua nhà ở các thị trấn hay thành phố lớn.
Tỷ lệ nợ gia đình trên tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng kỷ lục từ 17,9% cuối năm 2008 lên 52,1% năm 2018 và 55,8% vào năm ngoái.
Covid-19 mang đến “rủi ro cực lớn” cho các lao động nhập cư, những người vay tiền để mua nhà, Simon Zhao, phó trưởng khoa Khoa học Xã hội và Phân viện Hong Kong Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nhận định.
“Trở lại làm việc là điều sống còn. Rất nhiều người dân ở nông thôn vội vã vay tiền để mua nhà ngay cả khi họ không thực sự đủ khả năng chi trả”, ông cho hay. “Nếu dịch bệnh trong nước và toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường việc làm Trung Quốc, thị trường bất động sản nội địa sẽ gặp rủi ro lớn”.
280 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc thường nghỉ từ hai đến ba tuần tại quê nhà vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian còn lại, họ làm việc trong các nhà máy.
Chỉ nghỉ một ngày mỗi tuần, hầu hết người lao động đều chọn làm tăng ca từ hai đến 4 tiếng một ngày vào mùa hè để gia tăng thu nhập. Nhưng khi rất nhiều người ở Hồ Bắc đến giờ vẫn chưa thể quay trở lại làm việc, họ bắt đầu cảm thấy áp lực.
“Hai tháng qua, tất cả các huyện, thị trấn, làng mạc trên toàn tỉnh Hồ Bắc đều hoang vắng và tĩnh mịch. Các tuyến đường đều bị chặn và có người canh gác ngày đêm”, Cao Minh Huy, 28 tuổi, sống tại huyện Nam Chương, cho hay. “Chúng tôi sống trong sợ hãi. Tôi chắc chắn sẽ trở thành người thất nghiệp khi trở về Thâm Quyến vì thẩm mỹ viện nơi tôi làm việc đã đóng cửa. Nhưng tôi vẫn phải trả hơn 540 USD mỗi tháng cho căn hộ của mình”.
Tình hình tại ngôi làng của Cao cũng ngày càng tuyệt vọng. “Có một nhóm WeChat khoảng hơn 400 người, tất cả đều là người làng tôi. Thanh niên ngày nào cũng nói về việc họ muốn quay lại làm việc ra sao. Tất cả lợn, gà, vịt đều đã bị thịt hết rồi”.
“Chúng tôi đã hết sạch tiền và chẳng mấy chốc sẽ rơi vào cảnh khánh kiệt”, cô nói.
Theo vnexpress.net
Cô gái giúp người Vũ Hán vượt qua tuyệt vọng
Anna Liu rời Vũ Hán để theo đuổi giấc mơ làm báo, nhưng giờ cô lại muốn gắn bó hơn với nơi đây để giúp người dân vượt qua dịch Covid-19.
Liu, 30 tuổi, từng là phóng viên của tờ Q Daily có trụ sở ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi tòa soạn cắt giảm nhân sự vào tháng 12 năm ngoái, Liu trở về quê ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc để đón Tết Nguyên đán cùng bố mẹ. Sau khi thành phố bị phong tỏa hôm 23/1 để ngăn virus corona lây lan, bản năng của một nhà báo thôi thúc Liu làm việc.
"Tôi thực sự thấy lo lắng trong suốt 48 giờ đầu tiên. Vũ Hán giờ như thành phố bị cô lập. Mọi thứ như một cơn bão lớn cuốn mọi người vào, nhưng không ai biết sẽ đi về đâu", Liu nói.
Lo lắng cho an toàn của con gái, bố mẹ yêu cầu cô ở yên trong nhà. Nhưng với kinh nghiệm của một phóng viên, Liu muốn trở thành một tình nguyện viên, giúp người dân ở Vũ Hán có thể tiếp cận những thông tin cần thiết để vượt qua những tình huống khó khăn, nhiều lúc tưởng như tuyệt vọng, trong thành phố bị phong tỏa.
"Mọi thứ đều theo một chiều từ trên xuống dưới", Liu nói tới cách thức truyền tải thông tin từ chính quyền trung ương tới địa phương. "Không có kênh thông tin nào giúp người dân Vũ Hán liên hệ với chính quyền để biết điều gì đang xảy ra, hoặc để chính quyền biết được điều chúng tôi cần".
Anna Liu tác nghiệp ở Tân Cương tháng 6/2019. Ảnh: NY Times.
Là một tình nguyện viên, Liu không cung cấp thực phẩm, khẩu trang cho người dân, thay vào đó là thông tin. Cô bắt đầu mỗi ngày bằng việc lướt qua các bài đăng của người Vũ Hán kêu gọi giúp đỡ trên mạng xã hội. Sau đó, cô liên lạc với họ để xác minh thông tin chi tiết, chỉnh sửa bài đăng cho họ và giúp họ tìm đến đúng nơi có thẩm quyền hoặc nguồn cung ứng vật tư cần thiết.
Cô giúp họ nộp đơn khiếu nại, tìm giường bệnh hoặc được bệnh viện tiếp nhận điều trị, vào thời điểm mà mọi người ở Vũ Hán dường như trở nên tuyệt vọng trước cuộc khủng hoảng y tế do nCoV gây ra và tình trạng thiếu thông tin.
Có nhiều tình huống xảy ra cần cô hỗ trợ, như người dân bị đưa tới nhầm bệnh viện, gia đình không thể tiếp cận người thân già yếu hoặc bị ốm, hay người mắc các bệnh khác không có nơi điều trị.
Từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, chính quyền thành phố bị cáo buộc bưng bít thông tin và phản ứng chậm chạp, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Dịch đến nay đã khiến khoảng 2.236 người chết ở Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm tăng lên 75.456, trong đó khoảng 44.000 người ở Vũ Hán.
"Là một nhà báo, tôi cố gắng giúp thông tin được truyền tải cân bằng hơn tới người dân", Liu, người không rời khỏi nhà suốt một tháng qua, cho biết. Cô nói thêm rằng kinh nghiệm làm việc với bộ máy hành chính ở Trung Quốc đã giúp cô rất nhiều trong cuộc khủng hoảng hiện tại.
Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy bất lực khi còn quá nhiều người dân tuyệt vọng ở Vũ Hán. "Tôi không thể cho họ một sự giúp đỡ thực sự nào", Liu nói.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi trưởng thành, Liu ở lại nơi cô sinh ra và lớn lên nhiều hơn một tuần. "Tôi chưa từng bỏ công bỏ sức tìm hiểu Vũ Hán trước đây. Tôi đã từng cố chạy trốn khỏi nó", Liu nói, giải thích rằng thành phố hạng hai này chưa từng được mọi người thực sự chú ý đến. Nhưng giờ thì khác.
"Mọi người trên khắp cả nước chỉ trích Vũ Hán. Họ nói rằng giới chức thành phố yếu kém và người dân ở đây đi khắp nơi để lây nhiễm bệnh cho người khác", Liu cho hay.
Cựu phóng viên này cho biết cô sẽ ở lại Vũ Hán thêm một hai năm hiểu nhiều hơn về quê hương và giúp đỡ người dân thành phố vượt qua khủng hoảng.
Thanh Tâm (Theo NY Times)
Theo vnexpress.net
Người đến từ Vũ Hán: Đi đâu cũng bị ghẻ lạnh, trở thành tội đồ bị cộng đồng cô lập cách ly và lời khẩn cầu tha thiết Trở thành tâm dịch của virus corona, người dân ở Vũ Hán rơi vào tình trạng không thể bi đát hơn. Tại Trung Quốc, Vũ Hán từng được biết đến là một thành phố của loài hoa anh đào, một trung tâm kinh tế của tỉnh Hồ Bắc và là nơi có lịch sử hào hùng. Nhưng giờ đây, đô thị có khoảng...