Đô đốc Mỹ chỉ trích TQ tập trận với Nga ở Biển Đông
Đô đốc Mỹ nói việc tập trận hải quân chung với Nga ở Biển Đông là không cần thiết và có thể lựa chọn một địa điểm khác.
Đô đốc Scott Swift nói rằng Trung Quốc đang làm phức tạp tình hình Biển Đông.
Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương nói rằng Trung Quốc đang thực hiện nhiều hành động gây bất ổn ở Biển Đông, bao gồm tuần tra bằng máy bay và tập trận chung với Nga. Cách đây một tháng, tòa án quốc tế đã bác bỏ hoàn toàn cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc với đường lưỡi bò phi lý.
Đô đốc Scott Swift, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương chỉ ra nhiều hành động gần đây của tàu cá Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Chưa kể, Trung Quốc còn tiếp tục gia cố kho chứa máy bay ở các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Đô đốc Swift cho rằng động thái của Trung Quốc không phải là lời đáp trả trực tiếp cho phán quyết vụ kiện Biển Đông hôm 12.7. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong hành động của Trung Quốc đồng nghĩa căng thẳng khu vực leo thang.
Đô đốc Swift nói trên tàu khu trục tên lửa đang neo ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc rằng “khu vực này là một sân khấu rất kịch tính”. Chỉ huy Mỹ khẳng định tại Hoa Đông và Biển Đông, “mọi thứ thay đổi rất nhanh” cũng như “không dễ dàng hiểu được ý định thực sự của các bên khi chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra”.
Trung Quốc ngang ngược bồi lấp trái phép ở đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận về lời nói của đô đốc Swift. Trung Quốc chỉ lớn tiếng rằng phán quyết của tòa quốc tế không có cơ sở và sẽ không chấp nhận bất kì kết quả nào đưa ra.
Video đang HOT
Dù Trung Quốc liên tục thể hiện thái độ ngang ngược của mình, có vẻ các bên đang tìm cách giải quyết mâu thuẫn nhờ đàm phán. Ngày 8.8, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đã tới Hong Kong để “phá băng” quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ vẫn bày tỏ lo ngại Bắc Kinh sẽ phản ứng trước phán quyết của tòa án bằng cách tiếp tục xây đảo nhân tạo trái phép hoặc thiết lập vùng nhận diện phòng không. Năm 2013, Trung Quốc từng làm điều tương tự ở biển Hoa Đông.
Các chuyên gia và nhà quan sát nói rằng nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố tình leo thang căng thẳng trong khu vực. Nhật Bản tuần trước đã phản đối chính thức Trung Quốc lắp đặt trạm radar trên một giàn khoan gần biển Hoa Đông. Ngoài ra, 230 tàu cá nước này cũng xâm nhập trái phép quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Tàu cá Trung Quốc được nhiều chuyên gia xem là lực lượng bán quân sự của nước này.
Không quân Trung Quốc ngày 6.8 nói rằng chiến đấu cơ Su-30 và máy bay ném bom H-6K của nước này đã bay tuần tra (trái phép) ở Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough gần Philippines.
Ngày 8.8, một tổ chức của Mỹ cung cấp ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang gia cố trái phép kho chứa máy bay chiến đấu ở 3 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
“Việc quân sự hóa không thể làm tình hình dịu bớt”, Đô đốc Swift nói nhưng không chắc chắn những kho chứa này có dùng cho chiến đấu cơ hay không. “Việc này chỉ làm sự tức giận và bất an gia tăng – tính minh bạch biến mất – và làm khu vực thêm bất ổn”. Trong chuyến thăm Washington hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng hứa sẽ không quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đô đốc Swift nói rằng Trung Quốc và Mỹ cần giảm nhiệt khu vực bằng cách sắp xếp các chuyến ghé thăm thường xuyên. Hiện nay, tàu khu trục USS Benfold đã tới thành phố Thanh Đảo, nơi hạm đội Biển Bắc của Trung Quốc đóng quân.
Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương nói rằng ông rất lo ngại khi Trung Quốc tuyên bố sẽ tập trận hải quân chung cùng Nga ở Biển Đông vào tháng 9 tới đây.
Khu trục hạm USS Benfold ở Thanh Đảo, Trung Quốc.
“Có rất nhiều địa điểm phù hợp cho cuộc tập trận này”, ông Swift nói. Đô đốc cũng cho biết còn quá sớm để nhận định hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc là một sự leo thang quân sự có chủ ý hay là hoạt động thường kỳ.
Đô đốc Swift nói ông không thấy dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở bãi cạn Scarborough gần Philippines.
Theo Danviet
Trung Quốc bày binh bố trận trên cả Biển Đông và biển Hoa Đông
Giới chuyên gia ngày 8.8 đưa ra nhận định rằng Trung Quốc điều các tàu chính phủ và máy bay quân sự tới Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm "đánh tiếng" rằng Bắc Kinh có thể "ra đòn" bất cứ thời điểm nào.
Hiện Trung Quốc đang tăng cường hiện diện trên các vùng biển tranh chấp, với việc tàu chính phủ nước này tuần tra gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông vài ngày qua. Còn tại Biển Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng vừa tiến hành tuần tra trên không bằng máy bay chiến đấu.
Theo các nhà phân tích, hai chiến dịch trên nhằm mục đích phô trương năng lực của Bắc Kinh để duy trì sự hiện diện vững chắc ở cả hai vùng biển tranh chấp này.
Tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát. Ảnh: Reuters
Tuần duyên Nhật Bản cho biết, 14 tàu công vụ của Trung Quốc, một số tàu có trang bị vũ khí, đã xuất hiện tại quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư hôm 8/8. Quần đảo này hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.
Mỗi ngày, Trung Quốc lại tăng số lượng tàu và tần suất hiện diện trong khu vực. Hôm 7.8, Bắc Kinh cử 13 tàu. Hôm 6.8, con số này là 7 tàu. Chỉ trong cuối tuần qua, Trung Quốc đã đi vào gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư 14 lần.
Các tàu này hộ tống 230 tàu cá Trung Quốc hoạt động trong khu vực mà Nhật Bản coi là vùng biển tiếp giáp của họ (vùng biển trong khoảng 12 hải lý tới 24 hải lý tính từ nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư).
Thậm chí, một số tàu công vụ Trung Quốc còn đi vào vùng 12 hải lý của nhóm đảo đá này.
Cùng lúc, Trung Quốc thực hiện các đợt tuần tra trên không ở Biển Đông. Hôm 6.8, Trung Quốc cho biết đã điều máy bay ném bom H-6K, chiến cơ Su-30 và các máy bay khác bay quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Đại tá Trung Quốc về hưu Yue Gang nói rằng, hầu hết các lực lượng Hải quân Trung Quốc tập trung vào Biển Hoa Đông, nhưng vẫn duy trì lực lượng nhất định ở Biển Đông.
Nhà bình luận quân sự Ni Xexiong tại Thượng Hải cắt nghĩa hành động của Trung Quốc, nói rằng các chiến dịch hải quân và không quân đều nhằm cho thấy Trung Quốc có thể xử lý hai cuộc xung đột khu vực cùng lúc (trên Biển Đông và Hoa Đông).
Hôm 8.8, Nhật Bản tuyên bố sẽ đáp trả cứng rắn. Hãng thông tấn Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên của Nhật cho hay, lực lượng tuần tra biển của Nhật đã tăng cường tuần tiễu trong khu vực, nhưng không công bố chi tiết.
Ngày 9.8, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã lần đầu tiên trực tiếp trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa liên quan tới việc các tàu Trung Quốc tái diễn hành động xâm nhập lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku. Trước đó hôm 6.8, Người phát ngôn Không quân Trung Quốc, Đại tá Thân Tiến Khoa cho biết các máy bay Không quân Trung Quốc, trong đó có máy bay ném bom H-6K và máy bay tiêm kích Su-30, đã hoàn thành chuyến tuần tra không phận trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Nham (Bãi cạn Scarborough) tại Biển Đông. (Văn Giang)
Theo Danviet
Được Trung Quốc bơm tiền, Campuchia mất gì? Để có được sự ủng hộ của Campuchia về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã phải tiêu tốn một số tiền không nhỏ. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khiến ASEAN "chia rẽ" khi công khai ủng hộ Trung Quốc trên Biển Đông Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang chuẩn bị cho một thời kì khó khăn giữa những lời chỉ trích...