Do đâu Myanmar có sức hút mãnh liệt khiến nhiều người tìm đến?
Những ngày qua, Myanmar nhộn nhịp hẳn ra và liên tục đón tiếp rất nhiều doanh nhân trên khắp thế giới tìm đến. Ngành năng lượng của Myanmar đã trở thành chủ đề nổi khi các tập đoàn dầu khí lớn tìm giấy phép thăm dò. Nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới đang cạnh tranh giành quyền thăm dò và khai thác tại 30 mỏ dầu ngoài khơi Myanmar, trong vòng đấu thầu được coi là không rõ ràng và kịch tính nhất trong nhiều năm qua.
Exxon Mobil, Royal Dutch Shell và Statoil nằm trong số hơn 60 doanh nghiệp đủ điều kiện ngay từ đầu để đấu thầu một phần thưởng có thể lớn đến mức chưa được biết đến tại Myanmar, một quốc gia mới nổi với những triển vọng thương mại vẫn còn là ẩn số. Phần quan trọng nhất của gói thầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài là việc mở thầu 19 mỏ dầu ở vùng nước sâu ngoài khơi, nơi họ được tự do hoạt động mà không cần phải hợp tác với các đối tác địa phương.
Trước hạn chốt thầu vào ngày 15/11, các tập đoàn đã ồ ạt tới Myanmar vì khả năng có rất nhiều khí đốt tại đây, với nguồn cầu tiềm năng là Trung Quốc và các nước châu Á xung quanh. Điểm thu hút của Myanmar là nước này nằm giữa thị trường tài nguyên thiên nhiên phát triển nhanh nhất trên thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản khiến giá khí đốt ở khu vực Đông Bắc Á lớn gấp nhiều lần so với châu Âu, châu Mỹ.
Giếng khoan SYT-1X thuộc dự án thăm dò dầu khí Lô M2, ngoài khơi Vịnh Moattama.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, ngành năng lượng Myanmar vẫn chưa phát triển đáng kể do một nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự và nhiều năm chịu lệnh trừng phạt vốn mới chỉ được dỡ bỏ gần đây. Các công ty quốc tế đang đấu thầu dựa trên thành công mà một nhóm nhỏ các công ty dầu khí châu Á như PTT (Thái Lan) và Daewoo (Hàn Quốc) đã được hưởng ngoài khơi bờ biển Myanmar, cũng như dựa vào những linh cảm về địa lý. Ngoài ra, Công ty Total của Pháp và Chevron của Mỹ là một trong số ít các tập đoàn đa quốc gia được hoạt động ở Myanmar.
Theo nhà phân tích Duc Huynh của công ty IHS tại Kuala Lumpur cho biết: “Vòng đấu thầu sẽ là nhân tố lớn thay đổi cuộc chơi đối với tất cả các bên liên quan. Trong vài năm qua, các công ty dầu khí quốc tế mới chỉ đang được ngắm nhìn thị trường Myanmar để chờ đợi các lô thăm dò nói trên được mở thầu”. Còn một quan chức trong ngành dầu khí nói: “Vùng này chưa được khai thác và chúng ta có thể tìm thấy một nguồn lợi lớn. Nếu các bạn đi tìm khí đốt, thì bạn biết có một thị trường với mức giá tốt.” Trong khi đó, đại diện của một công ty quốc tế khác lại cho rằng: “Đây là một cuộc đấu thầu mù mịt bất thường vì chính phủ Myanmar không có biện pháp kỹ thuật để tiếp cận vùng địa chất. Mọi người đang đấu thầu mà không dựa vào tầm nhìn về địa chất, mỗi bên có ý kiến riêng về việc đánh giá thềm lục địa của Myanmar”.
Tuy nhiên, một loạt vấn đề cũng cản đường các công ty năng lượng lớn vào Myanmar, bao gồm chi phí làm việc tại vùng nước sâu do thềm lục địa nhanh chóng thụt sâu. Các tập đoàn đa quốc gia cho biết, các điều khoản tài chính của cuộc đấu thầu – kể cả khi đang được cải thiện bởi chính phủ nước này – vẫn có thể không hấp dẫn nếu việc sản xuất được cho là tốn kém. Điểm mập mờ cuối cùng là môi trường pháp lý và môi trường hoạt động tại Myanmar, với việc vòng đấu thầu đã bị trì hoãn khi chính phủ trong quá trình chuyển đổi thoát khỏi chế độ quân sự cầm quyền phải vật lộn với những phức tạp mang tính kỹ thuật. Trong khi các công ty dầu khí nói rằng đấu thầu đã được tiến hành một cách tương đối minh bạch, nhiều người vẫn còn lo lắng về việc hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, vốn liên quan đến những cá nhân có quá khứ đen tối trong thời kỳ quân đội nắm quyền.
Đào Phong
Theo Dantri