Độ đáng gờm của ‘Hổ bay’ F-5 – chiến đấu cơ duy nhất Houthi sở hữu
Lực lượng Houthi ở Yemen chỉ sở hữu một chiến đấu cơ duy nhất, đó là chiếc F-5 đã cũ kỹ.
Một chiến đấu cơ F-5. Ảnh: military.com
Chiếc chiến đấu cơ này không hỗ trợ được nhiều cho lực lượng Houthi khi họ trở thành mục tiêu trong cuộc không kích của quân đội Anh và Mỹ vào ngày 11/1. Cuộc không kích diễn ra chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng và nhiều quốc gia đưa ra cảnh báo cuối cùng, yêu cầu Houthi ngừng tấn công tại Biển Đỏ hoặc phải hứng chịu các phản ứng quân sự tiềm tàng.
Trong cuộc không kích hôm 11/1, Mỹ dường như không mấy lo ngại máy bay quân sự của họ sẽ gặp phải nhiều sự kháng cự từ Houthi ở trên không.
Một quan chức Mỹ nhận định với tạp chí Air & Space Forces rằng chiến đấu cơ của Houthi không hiệu quả trong chiến đấu.
Theo tờ Business Insider (Mỹ), Houthi chỉ có một máy bay chiến đấu F-5 mà lực lượng đã tịch thu từ quân đội chính phủ trong cuộc nội chiến gần đây. Bất ổn tại Yemen bùng phát từ năm 2011, sau làn sóng biểu tình bạo lực làm chao đảo quốc gia nằm trên Bán đảo Arab này. Biểu tình quy mô khiến Tổng thống Yemen khi đó Ali Abdullah Saleh bị lật đổ và ông Mansour Hadi lên thay thế. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận lại phải đối mặt với lực lượng Houthi. Lực lượng Houthi đã kiểm soát thủ đô Sanaa vào đầu năm 2015.
Theo nhà phân tích Joshua Koontz tại Yemen, chiếc máy bay cũ kỹ F-5 đã bất ngờ xuất hiện trên bầu trời trong cuộc duyệt binh của Houthi ở Sanaa vào tháng 9 năm ngoái.
Video đang HOT
Tờ The Drive (Mỹ) đưa tin máy bay của Houthi có thể nằm trong lô 12 chiếc được Mỹ gửi đến Yemen vào cuối những năm 1970.
F-5 là máy bay chiến đấu siêu vượt âm được quân đội Mỹ triển khai vào những năm 1960 và 1970, đã trải qua nhiều lần nâng cấp. Với đặc tính bền và giá thành rẻ nên F-5 được cung cấp cho một số đồng minh của Mỹ vào những năm 1970. Tờ National Interest đưa tin rằng F-5 vẫn có thể hạ gục tiêm kích tiên tiến nhất của Mỹ hiện nay F-35 nếu nó tiến hành phục kích. Tuy nhiên, khó có khả năng F-5 tiếp cận gần được với F-35.
Tập đoàn Northrop Grumman là đơn vị phát triển F-5. Northrop Grumman đã sản xuất hơn 2.600 “ Hổ bay” F-5. Chiếc F-5 đầu tiên được chuyển giao là vào năm 1964 trong khi chiếc cuối cùng là vào năm 1989. Khoảng 2/3 số máy bay F-5 sản xuất ban đầu vẫn còn hoạt động ở 26 quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Hải quân Mỹ vận hành F-5 trong các bài tập huấn luyện chiến đấu trên không.
Mỹ định đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố toàn cầu
Dẫn lời hai nguồn tin, hãng tin AP cho biết chính quyền Mỹ sẽ sớm công bố kế hoạch đưa lực lượng Houthi ở Yemen trở lại danh sách khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt.
Các tay súng Houthi ở Yemen. Ảnh: AFP
Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liệt Houthi là tổ chức khủng bố nước ngoài bất chấp phản đối mạnh mẽ của các nhóm viện trợ nhân quyền và nhân đạo.
Khi Houthi nằm trong danh sách này, người Mỹ cũng như những cá nhân và tổ chức thuộc quyền tài phán của Mỹ bị cấm hỗ trợ vật chất cho Houthi. Lệnh cấm này khiến các tổ chức viện trợ cho rằng sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo thậm chí còn lớn hơn những gì đã xảy ra ở Yemen.
Đến thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã loại bỏ Houthi khỏi danh sách khủng bố dù bị một số người chỉ trích gay gắt. Mục đích của Mỹ là duy trì lượng thực phẩm, thuốc men và viện trợ cần thiết khác cho người Yemen.
Danh sách khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt mà Mỹ định đưa Houthi trở lại không bao gồm các biện pháp trừng phạt hoạt động hỗ trợ vật chất, không đi kèm với các lệnh cấm nhập cảnh như các đối tượng nằm trong danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Vì vậy, động thái này của Mỹ có thể không gây trở ngại đáng kể cho hoạt động cung cấp viện trợ cho dân thường Yemen.
Thông tin về kế hoạch trên của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh lực lượng Houthi đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công kể từ tháng 11/2023 nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ, một hành lang quan trọng cho giao thông vận tải biển trên thế giới. Các lực lượng của Mỹ và Anh đã đáp trả bằng cách thực hiện hàng chục cuộc tấn công trên không và trên biển nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen từ ngày 11/1.
Trong khi đó, ngày 16/1, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định rằng Mỹ và đồng minh phải cùng nhau giải quyết mối đe dọa do Houthi gây ra đối với các tàu thương mại ở Biển Đỏ để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Ông Sullivan phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ): "Tình trạng này kéo dài bao lâu và mức độ tồi tệ như thế nào không chỉ phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia trong liên minh đã tấn công Houthi vào vào tuần trước".
Ông Sullivan thừa nhận các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, cũng như các cuộc tấn công mà các lực lượng khác gây ra ở Liban, Syria, Iraq và Yemen, đặt ra mối lo ngại rằng cuộc chiến Israel - Hamas có thể leo thang ngay cả khi các quan chức Israel đang giảm cường độ chiến dịch quân sự ở Gaza.
Ông Sullivan nói: "Chúng ta phải đề phòng và cảnh giác trước khả năng rằng trong thực tế, thay vì hướng tới giảm leo thang, chúng ta đang trên con đường leo thang mà chúng ta phải quản lý".
Trước đó, Thủ tướng Qatar, ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, nhận định rằng tình hình ở Trung Đông là công thức dẫn đến leo thang ở khắp mọi nơi. Theo ông, chấm dứt xung đột ở Gaza sẽ ngăn chặn Houthi và các nhóm khác tiến hành các cuộc tấn công ở những nơi khác trong khu vực.
Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã gây ra gián đoạn đáng kể cho thương mại toàn cầu. Giá dầu đã tăng cao hơn trong những ngày gần đây, mặc dù giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm nhẹ vào đầu phiên giao dịch ngày 16/1.
Tuần trước, bà Linda Thomas Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, cho biết từ tháng 11/2023, 2.000 tàu đã buộc phải chuyển hướng và đi xa hơn hàng nghìn km để tránh Biển Đỏ. Houthi đã đe dọa hoặc bắt giữ các thủy thủ làm con tin từ hơn 20 quốc gia.
Mỹ và Anh đã phát động cuộc tấn công thứ ba nhằm vào lực lượng Houthi ngày 16/1. Máy bay của Mỹ và Anh đã ném bom các cơ sở của Houthi trong doanh trại của huyện Mukayris, khu vực pháo đài At Taffah và các cơ sở ở huyện Sawmaah. Cuộc tấn công diễn ra khi Houthi tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào tàu chở hàng Zografia treo cờ Malta ở Biển Đỏ.
Dù liên tục tấn công Houthi nhưng điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby nhấn mạnh Mỹ không muốn gây chiến với Houthi. Ông Kirby nêu rõ: "Chúng tôi không tìm cách mở rộng chiến dịch này. Houthi có một sự lựa chọn và họ vẫn còn thời gian để đưa ra lựa chọn đúng đắn".
Trước đó, cuối ngày 15/1, Iran đã bắn tên lửa vào trụ sở tình báo của Israel nằm ở một khu vực gần Lãnh sự quán Mỹ ở Irbil, trụ sở của khu vực người Kurd ở phía Bắc Iraq và các mục tiêu có liên quan đến nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Syria.
Sau đó, Iraq đã gọi các cuộc tấn công vào nước này là vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và triệu hồi đại sứ của nước này ở Tehran.
Trong khi đó, theo hãng tin TASS, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya đánh giá những lý lẽ của Mỹ và Anh đưa ra liên quan đến chiến dịch tấn công Houthi là "vô cùng yếu ớt". Ông Nebenzya nói: "Không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho chiến dịch tấn công này vào chủ quyền của Yemen".
Đại sứ Nebenzya nhấn mạnh liên minh của Mỹ không có ủy quyền hợp pháp nào để thực hiện hành động vũ lực. Ông kết luận: "Bảo vệ hoạt động vận tải thương mại là một chuyện, những vụ tấn công tàu thuyền thương mại là không thể chấp nhận được, nhưng tấn công một cách bất hợp pháp và không tương xứng nhằm vào một quốc gia khác lại là một câu chuyện hoàn toàn khác".
NYT: Dù bị Mỹ - Anh không kích, phần lớn khả năng tấn công của Houthi vẫn còn nguyên Theo báo Mỹ New York Times ngày 13/1, dù đã đánh trúng mục tiêu song các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào mục tiêu của Houthi ở Yemen chỉ khiến lực lượng này mất 25% tài sản quân sự. Sân bay Hodeidah ở thành phố cảng Hodeidah, Yemen bị hư hại sau cuộc không kích của Mỹ và Anh ngày...