Đò chợ miền Tây
Không phải những chuyến đò ngang, chẳng phải con đò dọc, đò chợ miền Tây mới chính là phương tiện giao thông độc đáo, đặc trưng nhất của vùng sông nước. Mặc dù rất nhiều những tuyến đường quốc lộ, những cây cầu mang tầm châu lục cùng các phương tiện giao thông hiện đại đã được hình thành nhưng những chuyến đò chợ, dấu tích từ thủa hồng hoang mở cõi đến nay vẫn còn, vẫn gắn bó thân thiết cũng những con người miệt sông nước Cửu Long Giang, như nét gạch nối quá khứ và tương lai, hàng trăm năm qua.
Quang cảnh bến đò chợ
Nối những dòng sông
Cùng mục đích như những chuyến xe chợ, tàu chợ (thuộc ngành đường sắt), các chuyến đò chợ cũng nhắm đến lượng hành khách là các lao động nghèo, thu nhập thấp. Rất nhiều chuyến đò chợ đã thân thuộc và là phương tiện giao thông chủ yếu từ Cần Thơ đi Cà Mau, từ Cần Thơ đi Kiên Giang, từ Kiên Giang đi Cà Mau hay từ Cần Thơ đi An Giang, đi vùng Tứ giác Long Xuyên hay thậm chí ngược lên cả mạn Mỹ Tho, Sài Gòn, Đồng Nai… Mặc dù đã hiện đại hóa rất nhiều nhưng do điều kiện địa chất, thổ nhưỡng, tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1A nối từ Lạng Sơn chỉ có thể chạy tới trung tâm huyện Năm Căn (Cà Mau) mà thôi, người dân ở nhiều nơi như Ngọc Hiển, Đất Mũi… nếu muốn đi chuyển bắt buộc phải đi đò chợ. Và đấy chính là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đò chợ vẫn còn hoạt động, đưa khách từ trung tâm Cần Thơ đi về khắp miệt đồng bằng. Có mặt ở bến tàu chợ trên đường Hai Bà Trưng (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) lúc sáng sớm, chúng tôi thấy rất đông người dân đã có mặt trên bến tàu đợi tới chuyến của mình.
Video đang HOT
Bà Trần Thị Hào, 67 tuổi, làm nghề buôn bán ở phường Cái Khế chia sẻ: Mỗi tháng 2 lần tôi đi đò chợ từ đây về nhà ở dưới Gò Quao (Kiên Giang) thăm gia đình con cháu. Đò này đi chỉ 60 ngàn/ lượt, rẻ hơn xe đò mà lại không bị say. Hơn nữa, ngồi trên đò còn có võng nằm, có thể ngó ra ngoài boong ngắm sông nước chứ như đi xe đò, khói bụi nhức đầu lắm. Thú thực, bao năm tôi đi đò chợ chẳng thấy tai nạn gì mà lại rất tiện lợi vì dù sao, với người dân miền Tây, sông ngòi cũng gần gụi thân thiết hơn.
Vận chuyển hàng hóa xuống đò
Cùng chung tâm sự như bà Hào là gia đình anh Cảnh, nhân viên ngân hàng ở Cần Thơ chia sẻ: Từ bé, mình đã quen với cuộc sống sông ngòi rồi, bao năm ở thành phố thấy bức bí, mỗi lần về quê đều tranh thủ đi đò chợ để ngắm cảnh, lên boong nhậu lai rai cùng mấy người bạn. Ngoài ra, việc đi đò cũng là cơ hội để mình giới thiệu với vợ bởi cô ấy là người gốc Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) nên ít biết về vùng sông nước quê chồng. Thế nên, những lần đi đò chợ về quê, qua mỗi bến sông, mỗi ấp chợ, mỗi ngã ba anh Cảnh đều chỉ tay, kể chuyện cho vợ và hai đứa con trai của mình nghe. Nơi này trước đây cha từng đi buôn thơm với bạn trong ấp, chỗ kia cha từng theo ông ngoại đi đánh lưới đêm hay khúc sông này, cha từng chèo thuyền đi học…
Có lẽ, ý nghĩa lớn lao của những chuyến đò chợ miền Tây không chỉ đơn giản là đưa đón hành khách và chuyên chở hàng hóa mà còn là để nối liền những dòng sông, mang những vùng đất xa lạ, những cù lao, ốc đảo riêng biệt lại gần nhau. Khi mùa mưa đến, nước nổi tràn ngập mênh mông vùng đồng bằng thì ý nghĩa thực sự của đò chợ mới được thể hiện một cách rõ nét nhất. Không đông đúc, ồn ào như những chuyến đò chợ ở trung tâm Cần Thơ, chuyến đò chợ mà tôi từng đi từ bến đò Hồng Đức nằm trên quốc lộ 62 đoạn qua thị trấn Thạnh Hóa (Long An) để vào trung tâm vùng Đồng Tháp Mười khá vắng vẻ và thưa thớt. Tuy nhiên, theo anh Sáu đưa đò, hơn 40 năm qua, bất kể mưa nắng, chưa khi nào gia đình anh nghỉ một phiên đò chợ nào. Phần vì kinh tế, nhưng quan trọng anh sợ những hành khách của mình, các nông dân, người đi chợ huyện, thầy cô giáo đi dạy… sẽ lỡ công việc bởi đò chợ là phương tiện duy nhất vào được vùng rốn Đồng Tháp Mười, nơi quanh năm ngập phèn mặn. Và chắc chắn, không riêng gì vùng rốn Đồng Tháp Mười, nhiều địa phương khác ở miền Tây, ngoài những chuyến đò chợ, người dân không còn bất cứ phương tiện nào để đi về, giao lưu tiếp xúc với mọi người chung quanh.
Tháo neo, chuẩn bị hải trình mới
Đò vượt… biển Đông
Không chỉ nối liền những dòng sông, làm ngắn lại những vùng quê, nhiều chuyến đò chợ miền Tây còn nối cả đôi bờ… biển Đông rộng lớn. Mặt trời quá trưa, gần 50 hành khách, người dân đi đón người quen đang hồi hộp ngóng ra phía cảng Vàm Láng ở ấp Lăng (thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông, Tiền Giang) để ngóng người thân trên chuyến đò chợ Vàm Láng-Vũng Tàu. Theo bác Phạm Văn Từ, 47 tuổi làm nghề lái xe thồ ở cảng này thì, mỗi ngày 1 chuyến, cứ khoảng 2 giờ chiều là đò cập bến, sau đó chừng hơn 2 giờ rưỡi là lại bắt đầu chạy từ đây sang bên thành phố Vũng Tàu, có dừng chân 1 trạm ở bến đò Cầu Đen hoặc bến đò Tắc Suất (thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ, TP. HCM) tùy theo yêu cầu để đón trả khách. Với hành trình khoảng gần 40 cây số, tương đương 22 hải lý, giá vé của đò chợ cho một hành khách đi từ Gò Công Đông (Tiền Giang) tới Vũng Tàu chỉ vào khoảng 70 ngàn đồng. Nếu đi theo đường bộ, qua địa phận Long An, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai thì quãng đường dài hơn 4 lần và giá vé xe đò cũng hơn gấp 3 lần. Vì thế, từ bao năm qua, chuyến đò Vàm Láng-Vũng Tàu luôn đông khách và hàng hóa.
Đò chợ miền Tây
Khá vất vả, chúng tôi mới bước được lên chiếc đò tên Thuận Lợi mang biển số TG 12677 khi vừa cập cảng Vàm Láng. Anh Đinh Văn Bản, nhân viên phụ đò tươi cười, mỗi chuyến hàng hóa và hành khách rất nhiều nên việc đảm bảo an toàn cho khách hàng là quan trọng nhất vì đò của chúng tôi là đò… vượt biển Đông, đi qua nhiều vùng có sóng gió lớn ngoài biển nên khá nguy hiểm. Mùa này, nước êm sóng nhẹ nên đò chạy từ đây sang bên Cần Thạnh và Vũng Tàu chỉ khoảng 4 đến 5 giờ chứ vào mùa mưa bão, có khi phải mất 7 đến 8 giờ vì không thể chạy nhanh. Ngoài ra, việc cột chặt các loại hàng hóa có giá trị cho khách như xe máy, các đồ điện dân dụng đặt trên boong cũng hết sức quan trọng. Vì thế nên hơn 40 năm qua, tôi chưa từng thấy có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra trên hải trình của chuyến đò Vàm Láng-Cần Giờ-Vũng Tàu này mặc dù thời tiết biến đổi ngày càng khắc nghiệt hơn.
Có thể nói, với đặc điểm tự nhiên cùng phong tục tập quán, thói quen đi đò nên những chuyến đò chợ như thế vẫn là nhu cầu không thể thiếu, chiếm một phần quan trọng trong đời sống giao thông của người dân miệt đồng bằng. Nó chính là nét chấm phá đặc sắc nhất về bức tranh giao thông muôn màu cũng như tập quán sinh hoạt của người miền Tây sông nước, từ bao đời nay.
Theo Đại Đoàn Kết