Đồ cắm trại hàng chục triệu đồng của ‘dân chuyên nghiệp’
Bộ dụng cụ lều, bếp, khu vệ sinh… gọn nhẹ, dễ sắp xếp có mức giá dao động từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, tùy độ cao cấp.
Trong dịch Covid-19, hoạt động động cắm trại (camping) đang ngày càng được quan tâm bởi tính chất gần gũi thiên nhiên, hạn chế tập trung đông người và có nhiều hoạt động ngoài trời. Thực chất trước khi có dịch, cắm trại đã là đam mê, sở thích của nhiều người. Với họ, các chuyến đi đều cần đầu tư về dụng cụ, tìm hiểu điểm đến, các hoạt động ngoài trời và đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường.
Các dụng cụ cần thiết
Chị Lê Thị Hương Giang (Hà Nội), người có kinh nghiệm nhiều năm cắm trại cho biết, đồ dùng không thể thiếu cho chuyến đi là lều, được chọn tùy thuộc vào thời tiết, số người và phương tiện di chuyển. Tiêu chí quan trọng nhất để chọn lều là độ thoáng và khả năng chịu nước. Loại lều thông dụng dành cho 2-4 người có giá khoảng 1-1,5 triệu đồng.
Khi di chuyển bằng xe đạp, xe máy, người chơi nên ưu tiên sử dụng các loại lều hơn 1 kg. Khi di chuyển bằng ô tô có thể sử dụng lều cố định trên xe.
Đồ dùng thứ 2 cũng quan trọng không kém là tấm trải cách nhiệt và đệm hơi để dưới nền đất, giá dao động từ vài trăm đến hơn 1 triệu đồng. Tiếp đến là các bộ bàn ghế xếp, với giá thấp khoảng 600.000 đồng/bộ hoặc từ 2 đến 4 triệu đồng cho các thương hiệu cao cấp hơn. Bếp được sử dụng trong cắm trại có thể là bếp ga du lịch hoặc thùng bếp, bên trong có thể xếp được dụng cụ nấu ăn, gia vị. Nồi niêu, bát đũa, ấm pha trà… mang đi cắm trại đều là đồ tái sử dụng làm từ sứ, inox…
Trong chuyến đi, chị Giang cũng chuẩn bị riêng lều vệ sinh, lều thay đồ, túi nước kèm bơm tay để tắm (khoảng 1 triệu đồng cho túi 10 lít). Tùy từng vị trí cắm trại, người chơi có thể đào hố vệ sinh hoặc sử dụng các loại túi nilon tự hủy được. Cuối cùng, một món đồ không nên thiếu khi đi cắm trại là túi sơ cứu, gồm thuốc, nước sát trùng, bông băng… có thể sơ cứu cơ bản trong trường hợp đứt da, trật khớp.
Còn theo anh Nguyễn Thái Hoàng (TP HCM), người tham gia bộ môn cắm trại từ năm 2013, bộ dụng cụ có mức giá rất đa dạng, thấp nhất là bộ dành cho 2 người với giá khoảng 15 triệu đồng. Bộ trung bình đến cao cấp có giá từ 30 đến 100 triệu đồng. Đồ cắm trại có ưu điểm là gọn nhẹ, dễ sắp xếp, đặc biệt được thiết kế phù hợp với khung cảnh thiên nhiên. Hiện nay có nhiều thương hiệu chuyên đồ cắm trại như Nature Hike, Marmot, Quechua, Colman, Eureka, DOD… cho người chơi lựa chọn.
Video đang HOT
Những lưu ý và các hoạt động khi cắm trại
Chị Giang và anh Hoàng cho biết, trước khi đi cắm trại, người chơi cũng cần tìm hiểu kỹ về điểm đến để có sự chuẩn bị phù hợp và cần xin phép nếu địa điểm đó thuộc quản lý của tổ chức hoặc cá nhân.
Ngoài ra, người chơi cũng cần có kiến thức về cắm trại, một số kỹ năng sinh tồn cơ bản như sử dụng bản đồ, tìm đường, trekking… Anh Hoàng lưu ý, những người mới tham gia cắm trại, đặc biệt cắm trại qua đêm nên đồng hành cùng những người đã có kinh nghiệm để được hướng dẫn an toàn. Nếu cắm trại trong rừng nên tránh những nơi ẩm ướt vì có nhiều loại côn trùng sinh sống còn bên suối thì chọn nghỉ ở khu vực cao để tránh trường hợp nước chảy từ thượng nguồn về ban đêm.
Một số điểm đến phù hợp để cắm trại như hồ Đồng Đò hay khu rừng thông Thiên Phú Lâm, Sóc Sơn, Hà Nội; Hữu Lũng, Lạng Sơn; Dọc lòng hồ Hoà Bình; vườn hoa mơ, hoa mận Mộc Châu, Sơn La; đồi chè Long Cốc, Tân Sơn, Phú Thọ; rừng thông Đà Lạt, Lâm Đồng. Tuy nhiên một số điểm đến đang hạn chế hoạt động cắm trại để phòng, chống dịch.
Trong khi cắm trại tùy vào địa hình người chơi có thể khám phá thiên nhiên, chạy bộ, bơi lội, leo núi hoặc đơn giản hơn là nghe nhạc, đọc sách tận hưởng không gian yên tĩnh. Trong suốt quá trình cắm trại, họ luôn có ý thức bảo vệ cảnh quan, không hái cây, bẻ cành hay vứt rác thải ở các điểm đến. Kết thúc chuyến đi, tất cả rác sẽ được thu gom để mang về các điểm tập kết rác theo quy định.
Ngoài ra, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp, người cắm trại nên ưu tiên lựa chọn các điểm đến vắng người, gần thiên nhiên và đặc biệt tuân thủ các hạn chế đi lại của địa phương nơi mình sinh sống và điểm cắm trại. Ngoài ra không nên tập trung cắm trại đông người để đảm bảo phòng, chống dịch.
Người Việt vào rừng cắm trại trốn Covid-19
Nhiều gia đình và các bạn trẻ cắm trại ở những điểm đến gần gũi thiên nhiên để nghỉ ngơi, hạn chế đông người, tránh Covid-19.
Cứ cách tuần, gia đình 3 người nhà chị Nhung (Hà Nội) lại cùng nhau đi cắm trại một lần. Chị cho biết, các hoạt động du lịch đều bị hạn chế do Covid-19, nên chọn cắm trại để con trai gần 4 tuổi ra ngoài vui chơi và giải phóng năng lượng, song vẫn hạn chế tiếp xúc.
Tiêu chí chọn điểm đến của gia đình chị Nhung là không quá xa Hà Nội, vắng người, có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và đặc biệt là an toàn. Một số điểm cắm trại thuận tiện phải kể đến như vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), thảo nguyên Đồng Lâm (Lạng Sơn)... Trong chuyến đi, gia đình chuẩn bị lều trại, bàn ghế, dụng cụ nấu bếp và thức ăn sống với chi phí khoảng 1-1,5 triệu đồng. Phương tiện di chuyển là ôtô riêng nên gia đình không tiếp xúc với người lạ.
Chị Nhung chia sẻ, những dịp cắm trại rất có ý nghĩa khi mang đến cho gia đình khoảng thời gian gắn kết, các thành viên cùng nhau làm mọi việc như dựng lều, nấu ăn, trò chuyện. Qua đó, con chị cũng học được nhiều kỹ năng sống, kiến thức về thiên nhiên, có ý thức dọn dẹp rác thải sau khi cắm trại. Chị cũng yêu thích cảm giác thư thái và tận hưởng thiên nhiên, đặc biệt trong thời gian Covid-19 lây lan ở nhiều tỉnh thành, khiến hoạt động vui chơi cuối tuần hạn chế.
Do công việc đang tạm dừng vì Covid-19, anh Thái Hoàng (TP HCM) cũng đi cắm trại mỗi tuần, vừa để thư giãn, vừa để phục vụ cho công việc làm tour trekking sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Anh thường đi cắm trại cùng bạn gái, hoặc vài người bạn có chung sở thích. Tiêu chí để lựa chọn các điểm đến anh là nơi vắng người, gần thiên nhiên và không xa TP HCM, để có thể đi bằng xe máy.
Gần đây nhất, anh Hoàng cắm trại 2 ngày một đêm tại núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi có núi rừng, suối, thích hợp cho các bạn trẻ hoặc gia đình có con nhỏ. Núi ở đây có độ cao khoảng 500 m so với mực nước biển. Từ đỉnh La Bàn, du khách có thể ngắm toàn cảnh núi rừng. Những đồ anh mang theo gồm lều, bàn ghế, đồ nấu nướng, thức ăn... Chi phí dao động khoảng 1-2 triệu đồng.
Anh Hoàng cho biết, trong giai đoạn Covid-19, cắm trại là loại hình giải trí khá an toàn, vì hành trình hoàn toàn khép kín, người tham gia không phải tiếp xúc với ai. Tuy nhiên, các nhóm chỉ nên đi theo gia đình hoặc 2-3 người, tránh tập trung đông đúc và cần tuân thủ khuyến cáo an toàn của địa phương. "Trong khi nhiều người đang tập trung tại các quán cà phê, nhà hàng thì việc đi cắm trại ở nơi gần gũi thiên nhiên sẽ an toàn hơn", anh nói.
Núi Dinh cũng là điểm chạy bộ, trekking yêu thích của nhiều du khách.
Tương tự, anh Lê Vinh Đệ (Hoài Nhơn, Bình Định) cũng phải tạm dừng công việc vì dịch bệnh. Do ở Bình Định chưa có ca nhiễm Covid-19, nên cuối tuần anh cùng gia đình thường chọn các điểm đến ở nội tỉnh như cửa biển sông Lại Giang, đồi Mặt Trời (huyện An Lão). Đồ đạc mang theo bên cạnh các dụng cụ cần thiết thì tùy địa hình, anh phải mang thêm áo khoác, lều chống sương.
Thông thường, anh sẽ đến điểm cắm trại từ 14h ngày thứ 7, dựng lều trại, kê bàn ghế sau đó đi ngắm hoàng hôn, trước khi về ăn tối. Sáng sớm anh có thể dậy sớm đón bình minh, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên và tận hưởng không khí trong lành, sau đó ăn sáng, thu dọn rác thải, đồ đạc rồi trở về.
Theo anh Đệ, khi dịch bùng phát trở lại, cắm trại giúp anh có thời gian cùng người thân đi ngắm cảnh đẹp quê hương và thư giãn ở nơi vắng vẻ. Chi phí cắm trại cũng tiết kiệm, có thể chưa đến 500.000 đồng một người.
Khung cảnh thiên nhiên trên đồi Mặt trời.
Anh Đệ lưu ý, người đi cắm trại cần tuân thủ các quy định hạn chế đi lại của địa phương nơi mình sống và nơi mình sẽ đến. Ngoài ra, cắm trại chỉ nên đi ít người để cảm nhận được không khí, cảm giác nghỉ ngơi đúng nghĩa và đảm bảo phòng chống Covid-19. Đồ đạc nên được chuẩn bị sẵn sàng từ nhà, hạn chế tiếp xúc nhất có thể trên đường. Ngoài ra, ở những nơi có người, du khách cũng nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn.
7 điểm đến lý tưởng cho những 'tín đồ' du lịch mạo hiểm Du lịch mạo hiểm và hoạt động ngoài trời ngày càng thịnh hành, khi du khách đang có xu hướng tránh các điểm đến đông đúc. Dưới đây là những điểm đến tiêu biểu trong số vô vàn chuyến phiêu lưu kỳ thú trên khắp thế giới. New Zealand New Zealand là điểm đến nổi tiếng về du lịch mạo hiểm. Khi nhắc...