Đổ bệnh do thời tiết
Thời điểm giao mùa, lạnh thất thường khiến nhiều người đổ bệnh, nguy hiểm là gây đột quỵ do rét buốt.
Thời tiết thất thường khiến trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp – DUY TÍNH
Tại TP.HCM những ngày qua cho cảm giác mát mẻ. Tuy nhiên theo chuyên gia dự báo thời tiết, đó là sương mù hỗn hợp do ô nhiễm không khí, bụi; còn chuyên gia y tế cảnh báo thời tiết rét lạnh ở phía bắc rất dễ gây đột quỵ.
Trời lạnh, bệnh hô hấp gia tăng
PGS-TS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nội phổi Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết thời tiết lúc chuyển mùa thay đổi, rồi áp thấp nhiệt đới, làm các bệnh đường hô hấp sẽ gia tăng. Cụ thể, những ngày qua, ở BV này các ca bệnh hô hấp tăng 30% so với bình thường.
“Khi độ ẩm trong không khí tăng lên thì những người mắc bệnh phổi mãn tính (COPD) và bệnh hen suyễn dễ vào đợt cấp hơn”, PGS-TS Ngọc khuyến cáo và cho biết khi áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh thì sương mù nhiều hơn bình thường và khiến độ ẩm không khí tăng lên, thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển. Người già và trẻ em dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Do vậy, lúc này cần hạn chế ra đường vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc. Người lớn tuổi chỉ nên tập thể dục khi trời đã bớt mù sương để không ảnh hưởng đường hô hấp, nhất là những người có bệnh nền mạn tính như hen suyễn, tiểu đường, suy tim, COPD…
Còn theo TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 TP.HCM, hằng năm ở thời điểm này, thời tiết lạnh thì bệnh hô hấp tăng lên. Người lớn, trẻ em được khuyến cáo không đi sớm, về khuya. “Khi đưa trẻ đi chơi, du lịch trong những ngày này, cần trang bị đủ phương tiện giữ ấm”, TS-BS Trần Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, nếu trẻ không có dấu hiệu bệnh nặng, không nguy hiểm thì chỉ điều trị triệu chứng, thông thoáng mũi mà chưa cần đến BV. Nếu sau vài ngày không giảm triệu chứng thì nên đến BV khám.
Những ngày qua, Trung tâm hô hấp, BV Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc hen, COPD tăng 20% so với trước; có những ca diễn biến nặng. TS-BS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm hô Hấp, BV Bạch Mai, cho biết thời tiết thay đổi, nhiễm lạnh, mưa phùn gió bấc ẩm ướt… là yếu tố gây khởi phát cơn hen.
Đột quỵ do rét
PGS-TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Chủ nhiệm khoa Can thiệp tim mạch BV T.Ư Quân đội 108, cho biết Khoa Cấp cứu của BV vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nam, 57 tuổi, ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội, được người nhà đưa đến lúc 2 giờ sáng 30.12 do bị cơn đau ngực diễn biến nặng. Trước khi có biểu hiệu đau ngực, bệnh nhân đang đi bộ thể dục lúc 5 giờ ngày 29.12 trong gió lạnh 10 – 11 độ C thì bị mệt và đau ngực trái. Ông được xác định nhồi máu cơ tim do tắc cấp tính động mạch vành bên phải. Bác sĩ đã nong và đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân kết thúc lúc 3 giờ 30 sáng qua, hiện sức khỏe đã ổn định.
Video đang HOT
PGS-TS Trường khuyến cáo, thời tiết thất thường lúc này dễ khiến người ta đổ bệnh, nhất là với bệnh tăng huyết áp; thời tiết rét đậm làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo TS-BS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, Hà Nội, thời tiết lạnh làm co mạch máu, hẹp lòng mạch khiến huyết áp tăng cao. Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần uống thuốc đúng chỉ định và giữ ấm, tránh để lạnh đột ngột. Nếu tập thể dục, nên tập nhẹ nhàng trong nhà, chỉ ra ngoài khi thời tiết đã ấm hơn. Cần đặc biệt lưu ý chỉ số huyết áp vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, khi nhiệt độ giảm thấp.
Bệnh nhân ung thư cũng dễ mắc các bệnh khác do lạnh
Bác sĩ Võ Quốc Hoàn, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Ung bướu Hà Nội, cho biết thời tiết giá rét ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh ung thư (UT). Cần giữ ấm, đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng. Những ngày mùa đông, khiến bệnh nhân UT khó khăn để thích nghi do thể trạng của họ yếu, đó cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân UT có nguy cơ dễ mắc bệnh đường hô hấp: phế quản, ho… do nhiễm lạnh. Trời lạnh cũng có thể khiến các bệnh nhân UT bị đau hơn sau phẫu thuật.
L.Châu
Theo thanhnien
Bài thuốc dân gian trị cảm lạnh lúc giao mùa rất hiệu quả
Bệnh cảm lạnh thường tăng vào thời kỳ giao mùa, thời tiết chuyển lạnh đột ngột, mưa dai dẳng lâu ngày. Do đó, cần có những cách chữa cảm lạnh để khắc phục bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian trị cảm lạnh hiệu quả
Vì sao bị cảm lạnh
Trong Đông y gọi bệnh cảm lạnh là thương hàn, có nghĩa là cảm thương phải khí hàn.
Vào mùa đông và khi giao mùa hàn khí lưu hành, nếu cơ thể suy yếu thì chính khí không thể đối kháng được hàn khí, do đó hàn khí sẽ xâm nhập vào kinh lạc và tạng phủ gây ra bệnh thương hàn.
Đông y gọi chính khí là khí dương hay còn gọi là năng lực tự vệ của cơ thể, có tác dụng chống lại các tác động từ bên ngoài vào như sự biến đổi thời tiết, khí hậu như gió, mưa, nóng, lạnh.
Ban ngày khí dương ở ngoài mặt da, ban đêm lui vào tạng phủ.
Vì thế người ta hay bị cảm lạnh sau một đêm ngủ mà không mặc đủ ấm hoặc nằm nơi có nhiều gió lùa hoặc để quạt thổi trực tiếp vào người.
Ngoài ra, theo Đông y, vùng đầu mặt cổ là nơi hội tụ của tất cả các kinh dương trong cơ thể, vì thế vùng đầu mặt là nơi chịu rét tốt nhất trong cơ thể.
Triệu chứng cảm lạnh
Các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện từ một đến ba ngày sau khi cơ thể nhiễm virus cảm lạnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm:
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Viêm họng
- Ho
- Đau nhức cơ thể nhẹ hoặc đau đầu nhẹ
- Hắt xì
- Sốt nhẹ
- Cảm thấy khó chịu trong người.
Bài thuốc dân gian trị cảm lạnh hiệu quả
1. Canh ngải cứu thịt băm
Nguyên liệu: Ngải cứu tươi 100g, thịt thăn lợn 100g.
Cách làm: Ngải cứu rửa sạch, thịt lợn băm nhỏ, xào qua, cho gia vị vừa đủ, cho khoảng 1 bát nước, đun sôi cho rau ngải cứu vào. Canh sôi khoảng 5 phút bắc ra ăn ngay hoặc có thể dùng làm canh ăn với cơm.
2. Cháo hành, tía tô và gừng tươi
Nguyên liệu: Lá tía tô, dọc hành tươi, mỗi thứ 20g; gừng tươi 12g.
Cách làm: Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Múc ra tô rồi trộn chung với tía tô, hành, gừng. Thêm gia vị và ăn nóng, đắp mền cho ra mồ hôi.
Có thể cho vào cháo nóng một lòng đỏ trứng gà để tăng thêm khí lực, bổ sung dinh dưỡng.
3. Nước gừng tươi và mật ong
Nguyên liệu: Gừng tươi 50 - 80g, 2 thìa mật ong
Cách làm: rửa sạch, xắt mỏng, sao chín vàng, giã nát, hòa với một cốc nước sôi, uống ấm từng ngụm nhỏ. Có thể hòa với một ít mật ong hoặc đường để uống.
Trúc Chi t/h
Theo phununews
Việt Nam đối mặt với nhiều bệnh không lây nhiễm gia tăng Việt Nam đang phai đối mặt với sự gia tăng ngay cang trâm trong của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toan quôc. Báo động tử vong do đái tháo đường, tim mạch, ung thư... Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia...