DIW: Kinh tế Đức sẽ thiệt hại hơn 19 tỷ euro do đợt phong tỏa thứ 2
Ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ euro; các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm hơn 2 tỷ euro.
Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) dự báo đợt phong tỏa thứ hai để ngăn chặn sự lây lan mạnh của dịch COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế Đức thiệt hại khoảng 19,3 tỷ euro (22,53 tỷ USD).
Theo tính toán của DIW, ngành nhà hàng và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất với thiệt hại khoảng 5,8 tỷ euro; các lĩnh vực thể thao, văn hóa và giải trí sẽ phải đối phó với mức sụt giảm hơn 2 tỷ euro và ngành bán lẻ khoảng 1,3 tỷ euro, ngành công nghiệp Đức thiệt hại khoảng trên 5 tỷ euro.
Ngoài ra, phần thiệt hại còn lại sẽ thuộc về các công ty cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, các công ty hậu cầu và các nhà khai thác rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, đợt phong tỏa thứ hai sẽ chỉ ảnh hưởng ít đến thị trường lao động. Theo dự báo của DIW, số lượng nhân viên sẽ giảm gần 100.000 người trong quý 4, ít hơn rất nhiều so với đợt phong tỏa đầu tiên hồi tháng 3-4/2020 là 630.000 nhân viên, trong khi đó số lượng lao động theo mô hình rút ngắn thời gian (Kurzarbeit) sẽ tăng 400.000 lên hơn 3 triệu người vào cuối năm nay.
Chủ tịch DIW Marcel Fratyscher nói rằng, DIW kỳ vọng sự phục hồi rõ ràng trong năm tới. Ông nói rằng “Chúng tôi dự đoán rằng, GDP có thể tăng đáng kể trở lại vào năm 2021 nhưng chỉ khi làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể sớm được chấm dứt;” cả số doanh nghiệp phá sản và số người thất nghiệp đều có khả năng tăng. Tuy nhiên, số người thất nghiệp cũng đang được tính toán giảm thiểu bằng mô hình Kurzarbeit.
Để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 thời gian gần đây, Chính phủ Đức đã quyết định phong tỏa có giới hạn lần thứ hai bắt đầu từ ngày 2/11. Chính phủ Đức cũng dự kiến chi 10 tỷ euro để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đợt phong tỏa lần này.
Video đang HOT
Theo Viện dịch tễ Robert Koch sáng 1/11, Cơ quan Y tế Đức ghi nhận thêm 14.177 ca mắc COVID-19 mới nâng tổng số người mắc từ đầu dịch lên 532.930 ca, trong đó có 10.481 ca tử vong.
Chính phủ Đức đau đầu vì nhà vua Thái Lan
Việc quốc vương Thái Lan lưu trú ở Đức đang tạo ra nhiều tranh cãi, buộc Berlin phải khéo léo phản ứng để không gây ảnh hưởng quan hệ song phương.
Trong lúc các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang tạo ra thách thức với hoàng gia Thái Lan thì việc Quốc vương Maha Vajiralongkorn lưu trú lâu dài tại tỉnh Bavaria, Đức, khiến chính phủ nước này đau đầu.
Những người biểu tình tuần qua kêu gọi sự ủng hộ của Berlin, làm dấy lên tranh luận liệu việc nhà vua Thái Lan thực hiện các công việc nhà nước khi ở Đức có vi phạm quy định thị thực và do đó đủ căn cứ để trục xuất ông hay không.
Quốc vương Vajiralongkorn lần đầu tiên tới Đức hồi năm 2007 lúc vẫn còn là thái tử và lên ngôi sau cái chết của cha mình vào năm 2016. Công chúng cũng đặt câu hỏi liệu ông có cần phải trả thuế thừa kế hay không khi ông đã sống lâu ở Đức, đồng thời kêu gọi điều tra hồ sơ nhân quyền của nhà vua.
Vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida chào người ủng hộ sau một buổi lễ ở Hoàng cung hôm 23/10. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuần qua tái khẳng định ông sẽ xem xét kỹ vấn đề và cảnh báo sẽ có "hậu quả ngay lập tức" nếu Quốc vương Vajiralongkorn liên quan đến những hoạt động được cho là trái pháp luật. Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý cho biết phạm vi hành động của chính phủ Đức thực tế rất giới hạn.
"Rất khó chứng minh ông ấy có vi phạm điều luật nào hay không. Ông ấy có thể từ Đức thực hiện các công việc của nhà nước Thái Lan mà không vi phạm chủ quyền lãnh thổ Đức", Stefan Talmon, chuyên gia luật tại Đại học Bonn, nhận xét.
"Nhưng mặt khác, dù Đức không thể ngăn cản nhà vua ra mệnh lệnh về Thái Lan, họ không có nghĩa vụ phải chấp nhận để ông ấy tiếp tục hiện diện tại Đức", Talmon nói thêm.
Talmon lưu ý các thủ tướng Đức như Konrad Adenauer, Helmut Kohl hay Angela Merkel cũng có thời gian dài ở Italy hay Áo và gần như vẫn điều hành công việc trong nước khi ở nước ngoài.
"Thủ tướng Adenauer rất thích ở Italy và chúng ta không biết ông ấy đã tiến hành bao nhiêu công việc nhà nước khi đến đây", Talmon nói. "Điều đó hoàn toàn bình thường. Điều khiến trường hợp của nhà vua Thái Lan trở nên bất thường là việc ông ấy đã kéo dài thời gian lưu trú tại Đức lâu đến vậy".
Ông cho hay những mệnh lệnh mà nhà vua Thái Lan có thể ban hành từ Đức có những giới hạn riêng. Ví dụ, các lệnh trừng phạt tử hình hay đàn áp những cuộc biểu tình ôn hòa có thể trở thành cái cớ cho việc trục xuất theo luật pháp quốc tế.
Nghị sĩ đảng Xanh Frithjof Schmidt cho rằng nhà vua có thể vi phạm các điều khoản thị thực, qua đó vi phạm luật pháp Đức. Schmidt hồi đầu tháng kêu gọi Ngoại trưởng Maas ngăn nhà vua can dự vào các công việc chính trị nội bộ tại Thái Lan khi đang ở Đức.
Vua Vajiralongkorn là một cư dân của Bavaria. Ông sống tại một khách sạn trên núi cao cùng với đoàn tùy tùng và sở hữu một biệt thự bên hồ Starnberg. Đảng Xanh cũng đặt câu hỏi về thuế thừa kế nhưng những thông tin này phải tuân thủ luật bảo mật nghiêm ngặt.
"Tôi muốn hỏi chính phủ một lần nữa về tính hợp pháp của việc ông ấy ở tại Đức", Schmidt nói. "Thị thực của ông ấy rõ ràng được cấp với những điều kiện và quy định rằng các chính sách ảnh hưởng tới Thái Lan không nên được thực hiện trên đất Đức. Chẳng hạn, khi tôi đến Mỹ, với tư cách một thành viên quốc hội, tôi cần thị thực bổ sung có chứa một số điều kiện liên quan".
Các cuộc biểu tình ở Thái Lan bùng phát từ đầu năm nay trước khi bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Biểu tình được nối lại vào tháng 7 và nhanh chóng lan rộng trong tháng 8.
Những người biểu tình trẻ tuổi đưa ra ba yêu cầu: Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức, thay đổi hiến pháp được soạn thảo dưới chế độ quân sự và cải cách chế độ quân chủ, điều sẽ gây ảnh hưởng lớn tới xã hội và chính trị đất nước.
Báo chí Đức đang tăng cường độ đưa tin về các cuộc biểu tình tại Thái Lan cũng như Vua Vajiralongkorn. Tờ Sueddeutsche Zeitung tuần qua nói rằng Berlin đang bị kéo vào các tranh chấp ở Thái Lan và mọi chuyện đang bị biến thành một cuộc tranh chấp quốc tế.
Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan ở Hong Kong đã gửi thư cho South China Morning Post đề cập đến việc truyền thông đưa tin về sự hiện diện của Vua Vajiralongkorn tại Đức.Cơ quan này đề cao "tình hữu nghị lâu đời giữa Thái Lan và Đức", đồng thời chỉ trích những thông tin "bị bóp méo rộng rãi và bị chính trị hóa một cách không phù hợp" về chế độ quân chủ.
"Quốc vương Thái Lan là người 'trị vì nhưng không cai trị' và chỉ thực hiện các nhiệm vụ mang tính nghi lễ như hoàng gia Anh", thông báo từ Tổng lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan có đoạn. "Nhà vua không tham gia vào chính trị và công việc điều hành nhà nước hàng ngày, vốn thuộc về trách nhiệm của thủ tướng và chính phủ".
Theo họ, những thông tin về hoàng gia bị chính trị hóa một cách không phù hợp sẽ làm lẫn lộn các mối quan hệ cá nhân của nhà vua với mối quan hệ song phương giữa Thái Lan và Đức.
Sự ủng hộ đối với hoàng gia đã "ăn sâu trong xã hội Thái Lan", bức thư nhấn mạnh. "Mối liên kết sâu sắc đó không thể dễ dàng bị bỏ qua như các nhà quan sát suy đoán".
Tổng thống Putin: Thật tốt cho châu Âu khi có Đức Tổng thống Putin cho rằng thật tốt cho châu Âu khi có một "bà cô" nghiêm khắc nhưng tốt bụng, có thể yêu cầu giúp đỡ là CH Liên bang Đức. Ngày 29/10, trả lời câu hỏi về các phương pháp của chính sách tiền tệ ở Liên bang Nga tại diễn đàn "Nước Nga kêu gọi!", Tổng thống Nga Vladimir Putin đã...