Disney nghiên cứu công nghệ thay đổi gương mặt diễn viên với chất lượng cực cao, có thể áp dụng để làm phim bom tấn trong tương lai gần
Khi công nghệ này đạt đến độ hoàn hảo, đội ngũ hậu kì và kĩ xảo sẽ không còn quá vất vả trong việc biến gương mặt diễn viên đóng thế thành sao chính của phim nữa.
Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi vừa qua, các ứng dụng, phần mềm thay đổi khuôn mặt dựa trên mạng thần kinh (neural network) đã có những bước phát triển vượt bậc và cho ra những sản phẩm chân thật đến không thể tin nổi. Không chỉ dừng lại ở mức độ cắt ghép hình ảnh tĩnh như photoshop đã và đang làm rất tốt trong nhiều năm qua, sức mạnh của neural network thậm chí còn “khủng” đến nỗi có thể thao túng cả những đoạn video phức tạp (được biết đến thông qua khái niệm deepfake).
Chắc chắn đây sẽ là 1 công cụ sẽ còn được áp dụng rộng rãi hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh. Mới đây, Disney đã công bố nghiên cứu về 1 hệ thống “tráo đối gương mặt” chất lượng cao hoàn toàn mới, hứa hẹn sẽ là món vũ khí đắc lực cho đội ngũ kĩ xảo, hậu kì của Hollywood trong 1 tương lai không xa.
Disney đang nghiên cứu 1 công cụ mới có thể hoán đổi gương mặt diễn viên cực mượt mà và chất lượng cao.
Một trong những thách thức lớn nhất mà các đoạn video deepfake gặp phải chính là chúng cần đến cơ sở dữ liệu khổng lồ. Những dữ liệu này bao gồm hình ảnh gương mặt, chân dung của hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ người khác nhau. Mỗi người lại sở hữu vài chục cho đến vài trăm biểu cảm riêng biệt. Cơ sở dữ liệu càng lớn, chất lượng ảnh đầu vào càng cao thì sản phẩm deepfake cuối cùng sẽ càng chân thực.
Tuy nhiên, đa số các ảnh chụp hiện nay đều được thu thập từ Internet với độ phân giải còn nhiều hạn chế. Những đoạn video 4K cũng bó tay không thể xử lý nổi ảnh chụp quá mờ hoặc vỡ nét, dẫn đến việc chất lượng của quá trình thay đổi gương mặt không được như ý.
Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên mà Disney cần xử lý chính là tạo ra nguồn ảnh chất lượng cực cao, phục vụ riêng cho việc thay đổi gương mặt diễn viên. Trong bài nghiên cứu “Kĩ thuật tráo đổi khuôn mặt chất lượng cao trong khâu kĩ xảo”, được công bố tại sự kiện Eurographics Symposium 2020, đội ngũ nghiên cứu của ETH Zurich và Disney Research Studios đã chia sẽ chi tiết hơn về vấn đề này. Theo đó, họ đưa ra hàng loạt sáng kiến và cách tiếp cận mới tân tiến hơn cho quá trình tự động thay đổi gương mặt với chất lượng sắc nét, đủ điều kiện để có thể sử dụng trong bom tấn chiếu rạp sau này.
Chất lượng ảnh đầu vào có vai trò đặc biệt quan trọng đối với video deepfake cũng như việc đánh tráo gương mặt.
Đầu tiên, thuật toán mới mà các nhà nghiên cứu của Disney đưa ra sẽ chỉnh sửa video gốc để tạo điều kiện cho quá trình thay đổi gương mặt diễn viên sau này. Các chuyển động trọng đoạn video đó sẽ được biến đổi ổn định hơn, mượt mà hơn, loại bỏ toàn bộ những vấn đề có thể xảy ra. Ví dụ như chỉ cần đôi môi của nhân vật hơi run rẩy 1 chút thôi cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của việc trao đổi gương mặt.
Bên cạnh đó, đội ngũ nghiên cứu cũng cải thiện rất nhiều yếu tố khác. Trong đó có thể kể đến công đoạn hòa trộn những gương mặt khác nhau bằng các kĩ thuật có độ chính xác cao hơn, tạo ra sản phẩm chuẩn hơn với ánh sáng, độ tương phản hài hòa hơn. Thuật toán này cũng sẽ giữ chuyển động khung hình mượt mà trong suốt quá trình hoán đổi mặt, loại bỏ hoàn toàn tình trạng gương mặt mới có thể bị lỗi, bị glitch và để lộ ra gương mặt trong đoạn video gốc.
Với sự phát triển của machine learning, không có gì ngạc nhiên khi mỗi ngày, giới khoa học lại tìm ra 1 ứng dụng mới của công nghệ này. Điều đó sẽ giúp họ nhanh chóng giải quyết những vấn đề mà trước đây vốn cực kì phức tạp và tốn thời gian. Kể từ khi những đoạn video deepfake đầu tiên xuất hiện trên Internet, các chuyên gia kĩ xảo đã nhìn ngay ra tiềm năng mà công nghệ này sở hữu đối với ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình. Trong đó, việc tráo đổi gương mặt giữa các diễn viên đóng thế với sao chính đã không còn là 1 công việc quá xa lạ đối với đội ngũ hậu kì.
Khi deepfake đạt đến độ hoàn hảo, đội ngũ hậu kì có thể sẽ không còn phải vất vả trong việc biến khuôn mặt của diễn viên đóng thế thanh gương mặt của sao chính nữa.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó ở thời điểm hiện tại lại là cả 1 công đoạn khá cồng kềnh, từ khâu trang điểm, thiết kế góc quay, cho đến những thao tác xử lý phức tạp trên máy tính, và đôi khi là phải quay lại 1 số phân cảnh để lấy được góc cạnh khác trên gương mặt của họ. Toàn bộ quá trình trên, cộng với việc phụ thuộc quá nhiều vào đội ngũ VFX, thường ngốn 1 khoản tiền không nhỏ của các studio phim.
Với nghiên cứu mới của Disney, những đoạn phim quay đã quay xong nhưng không được dùng có thể sẽ trở thành dữ liệu để “dạy” cho thuật toán của họ, và rồi nó sẽ tự tìm ra phương án hoán đổi khuôn mặt hợp lý nhất. Thế nhưng, điều này cũng đặt ra 1 vấn đề khá nghiêm trọng: Chúng ta sẽ khó lòng có thể phân biệt được những đoạn video deepfake trong tương lai, khi công cụ này đã hoàn hảo và được ứng dụng rộng rãi. Viễn cảnh Internet lại ngập tràn trong nạn tin giả, dưới hình thức tinh vi hơn – video, là hoàn toàn có thể xảy ra và sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc chắt lọc thông tin từ phía người dùng.
Sự bá chủ của Trí tuệ nhân tạo
Tương lai của chiến tranh hiện đại ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, với sự trỗi dậy nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), thứ mà Trung Quốc đang chú trọng phát triển và xuất khẩu ra nước ngoài.
AI có thể ứng dụng trong hàng loạt lĩnh vực, từ nhận diện khuôn mặt đến xe ô-tô tự lái và vũ khí. Việc Trung Quốc tích cực xuất khẩu những công nghệ tự làm còn giúp họ có cơ hội tiếp cận bộ máy an ninh của nước khác. Ảnh hưởng này càng gây lo ngại hơn khi được gắn với sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), trong khi Trung Quốc đang dùng BRI để thúc đẩy xuất khẩu công cụ AI, ông Hugh Harsono, một sĩ quan trong quân đội Mỹ, viết trong một bài vừa đăng trên tạp chí The Diplomat.
Theo bài viết, Trung Quốc đang ở trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo các hệ thống trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là những công nghệ liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia. Việc tập trung vào phát triển và xuất khẩu các hệ thống AI quân sự bao gồm những chức năng an ninh điển hình như giám sát diện rộng và nhận diện khuôn mặt, cùng với "nền tảng công nghệ tích hợp" sử dụng "dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo" để có thể "dự đoán chính sách".
Các thiết bị bay không người lái (UAV) của Trung Quốc như Wing Loong 2 và CH-4 đã được xuất khẩu thành công, với các đơn hàng từ UAE, Ả-rập Xê-út, Ai Cập và Pakistan. Bên cạnh đó, các công ty có tầm hoạt động toàn cầu như Huawei, Hikvision và ZTE làm việc trực tiếp với nhiều chính phủ nước ngoài để phát triển các giao diện AI hiện đại nhất, được áp dụng ở hơn 230 thành phố trên khắp thế giới tính đến cuối năm 2019.
Khả năng kiểm soát của Bắc Kinh đối với các cơ sở nghiên cứu trong nước càng thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu công nghệ AI, tạo nên vị thế ưu việt của nước này trong không gian AI khi so sánh với những đối thủ mạnh như Nga và Mỹ. Những hệ thống đó đã được Trung Quốc thử nghiệm và thu được hiệu quả lớn, với hai ví dụ quan trọng nhất là giám sát tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nhiều thành phố triển khai thí điểm hệ thống đánh giá tín nhiệm xã hội đối với từng công dân.
Khoảng 30% trong số 9,7 tỷ USD doanh thu của Hikvision đến từ các nước khác
Ngược lại, Mỹ thúc đẩy chiến lược chính phủ dẫn dắt các nghiên cứu AI. Cách làm này khiến Mỹ không thể xuất khẩu nhiều các sản phẩm AI có thể ứng dụng vào mục đích an ninh. Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu (ECRA) năm 2018 hạn chế xuất khẩu các công nghệ mới nổi, đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia của Mỹ. Điều này tạo ra một môi trường mà trong đó nhiều công ty phương Tây sợ trở nên liên kết quá gần gũi với quân đội Mỹ mà làm mất cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng lớn.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị lĩnh vực AI cũng mở rộng sang chuỗi cung ứng các hệ thống AI. Điều này thể hiện trong việc phát triển công nghệ máy tính cần để hỗ trợ hệ thống AI, đặc biệt là thiết bị bán dẫn. Trung Quốc đã đầu tư 21,8 tỷ USD vào ngành công nghiệp này với mục tiêu mở rộng sản xuất chip, nhằm đạt mức tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Thị trường AI mở rộng cả về quy mô và doanh thu dự kiến sẽ mang về hơn 50 tỷ USD cho Trung Quốc vào năm 2022.
Nhiều quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng AI vào các mục đích an ninh quốc gia, coi đây là cách để lấp vào khoảng trống về nhân sự và tăng tính minh bạch trong hạ tầng quốc phòng tương ứng của họ. Nhiều nước ở châu Phi, Trung Đông, châu Á và Nam Mỹ đang dùng AI và công nghệ giám sát của Trung Quốc, với ưu thế là chi phí thấp, dễ sử dụng và thu hút thêm đầu tư nước ngoài từ BRI.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc đã được xuất khẩu ra nhiều nước
Giữa năm 2018, Zimbabwe thông báo kế hoạch tận dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt của Hikvision vào mục đích giám sát an ninh biên giới. Hikvision cũng khởi động dự án thí điểm ý tưởng về thành phố thông minh ở Mutare, thành phố lớn thứ tư của Zimbabwe. Đầu năm 2019, chính phủ Zimbabwe được tài trợ công nghệ nhận diện khuôn mặt từ CloudWalk Technology, một công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì các cáo buộc vi phạm ở Tân Cương. Công nghệ đó giúp xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt quy mô lớn cho chính phủ Zimbabwe.
Năm 2019, Philippines triển khai hệ thống giám sát mang tên "Philippines An toàn" ở vùng đô thị Manila, với 12.000 camera giám sát được lắp đặt, sử dụng các công cụ AI kết hợp với công nghệ nhận diện khuôn mặt. Chính phủ Philippines hợp tác với Huawei và Tập đoàn Xây dựng Công nghệ quốc tế Trung Quốc (CITCC) và vay gần 400 triệu USD, một bước đi gây thêm quan ngại về chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc thông qua BRI.
Ông Harsono cho rằng trường hợp của Zimbabwe và Philippines cho thấy 2 cách Trung Quốc có thể tận dụng AI, trong số nhiều công nghệ, để tạo vị trí của mình trong các hệ thống thông tin liên lạc và an ninh nước ngoài. Quỹ Heritage (Mỹ) mô tả Trung Quốc là "lãnh đạo thế giới về gián điệp kinh tế và các chiến dịch gây ảnh hưởng ở nước ngoài", làm dấy lên hoài nghi rằng Bắc Kinh đang dùng BRI và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để giám sát giới chức và lãnh đạo doanh nghiệp ở nước khác.
Chỉ riêng ở châu Phi, các công ty có quan hệ với nhà nước Trung Quốc đã xây dựng 14 mạng nội bộ của chính phủ và tặng máy tính cho ít nhất 35 chính phủ châu Phi. Sự chấp nhận rộng rãi đối với AI Trung Quốc ở Mỹ Latin cũng dẫn đến quan ngại tương tự, với dự đoán rằng những hệ thống đó sẽ trở thành công cụ cho hoạt động thu thập thông tin tình báo và gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Những mô hình tương tự đang hình thành ở Ecuador, Myanmar, Iran và nhiều nước dọc con đường mà BRI đi qua.
Tài xế GrabBike làm việc hơn 7 giờ/ngày dễ mắc phải các lỗi nguy hiểm Một nghiên cứu mới đây của RMIT cho thấy gần 1/3 tài xế xe ôm công nghệ ở Việt Nam từng gặp tai nạn xe cộ và đáng ngạc nhiên là 80% trong số đó tự khiến mình gặp nguy hiểm do chạy xe bất cẩn. Đây là nội dung đáng chú ý trong nghiên cứu "Những hành vi nguy hiểm dẫn đến...