Định hình nền tảng mới cho thị trường chứng khoán phát triển
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán trước thềm năm mới 2019, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khẳng định, năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục củng cố xu hướng phát triển tích cực, lành mạnh, tích lũy thêm những giá trị nền tảng, để tiếp sức cho thị trường duy trì đà phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBCK, Chủ tịch Sở GDCK TP. HCM và Chủ tịch Dragon Capital vinh danh các doanh nghiệp đoạt giải trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu 2018.
Có ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2018 diễn biến lạc nhịp với tăng trưởng kinh tế cũng như các chỉ tiêu vĩ mô tích cực khác, khi chỉ số chứng khoán tăng trưởng âm. Ông có cho là như vậy?
Năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, GDP theo Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, còn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo đạt 6,9 – 7%. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực như vậy, thị trường chứng khoán lại có sự giảm tốc, khi chỉ số VN-Index giảm điểm so với đầu năm, nhất là cuối năm giảm tương đối mạnh so với mốc thị trường đạt đỉnh vào ngày 9/4/2018.
Ông Trần Văn Dũng.
Tuy nhiên, điều này không thể hiện diễn biến trên thị trường chứng khoán có sự lạc nhịp với nền kinh tế, thậm chí diễn biến này hợp lý và dễ hiểu.
Lý do là thông thường, phản ứng của thị trường chứng khoán đi trước những diễn biến của nền kinh tế cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Có nghĩa là đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế 2018 đã phản ánh vào diễn biến của thị trường chứng khoán từ năm 2017 tới đầu năm 2018.
Ngoài ra, xét trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chi phí vốn đầu tư tăng, thanh khoản cũng như điểm số trên thị trường chứng khoán suy giảm là bình thường.
Sự suy giảm chỉ số chứng khoán trong năm 2018 có kéo theo sự sút kém về chất lượng phát triển của thị trường hay không, thưa ông?
Năm 2018 chứng kiến những dấu ấn lịch sử trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index đạt đỉnh trên 1.200 điểm sau 18 năm thị trường vận hành. Sau giai đoạn chỉ số lên nhanh, xuống nhanh trong nửa đầu năm 2018 thì sự ổn định của thị trường nửa cuối năm trong bối cảnh nhiều dự báo đưa ra là sẽ giảm sâu cũng là một dấu ấn lịch sử.
Trong bối cảnh kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới chịu nhiều tác động không tích cực do Fed tăng lãi suất, cũng như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều chuyên gia nước ngoài đã dự báo dòng vốn ngoại sẽ rút dần khỏi Việt Nam.
Video đang HOT
ADVERTISEMENT
Thực tế, điều này đã không diễn ra, bất chấp Việt Nam chịu sức ép từ nhiều phía, trong đó có việc vốn ngoại rút ròng khá mạnh ở 6 thị trường lân cận.
Tại Trung Quốc, những tháng đầu năm 2018, vốn ngoại vào ròng khoảng 29 tỷ USD, nhưng sau khi Fed tăng lãi suất lần 3 thì dòng vốn này rút ra mạnh và xu hướng rút vốn tiếp diễn cho đến trước khi Fed tăng lãi suất lần 4 mới đây, với tổng lượng vốn rút ra khoảng 27 – 28 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, đáng mừng là thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược chiều, khi ghi nhận lượng vốn vào ròng khoảng 2,8 tỷ USD, so với 2,9 tỷ USD trong năm 2017.
Một diễn biến đáng chú ý nữa là lượng tiền mặt trong tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 – 6 tháng gần đây luôn đạt trên 1 tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với các năm trước. Điều đó cho thấy họ đang chờ cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm qua cũng ghi nhận có những thời điểm thanh khoản của thị trường cao kỷ lục, khi đạt tới 8.000 – 9.000 tỷ đồng/phiên vào tháng 4 – 5. Tuy chịu tác động bất lợi từ nhiều phía, nhưng kết thúc năm 2018, thanh khoản của thị trường vẫn duy trì khá tích cực.
Đặc biệt, ở thời điểm thị trường cơ sở biến động mạnh, đã có những ý kiến trái chiều về vai trò của thị trường chứng khoán phái sinh, thậm chí đã có những ý kiến cực đoan là nên siết hoạt động của mảng thị mới trường này.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Tài chính, kết thúc năm 2018, thị trường chứng khoán phái sinh ghi nhận bước phát triển tích cực. Quan trọng hơn là chứng khoán phái sinh đã trở thành công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư.
Những điều này chứng tỏ năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục củng cố xu hướng phát triển tích cực, tích lũy thêm những giá trị nền tảng, để tiếp sức cho thị trường duy trì đà phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Theo góc nhìn của ông, cơ hội nào cho thị trường chứng khoán trong năm 2019?
Xét về các yếu tố nội tại, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tiếp tục ổn định và vận động theo chiều hướng tích cực. Cùng với tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, việc Chính phủ quyết tâm tạo ra những bước tiến rõ nét về thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 đang được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Tâm lý của khối nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tích cực, xét trong mối tương quan so sánh với nhiều thị trường lân cận như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore… Cơ hội kiếm lời trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực. Không chỉ dòng vốn gián tiếp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục có những tín hiệu tốt.
Vậy, đâu là thách thức?
Tuy các yếu tố trong nước thuận lợi là cơ bản, nhưng cần cẩn trọng với các tác động từ kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới. Ngoài mối quan ngại về những tác động của Fed tiếp tục tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung vẫn tiềm ẩn những tác động tiêu cực không chỉ lên kinh tế và thương mại toàn cầu, mà cả về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới. Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến cho chi phí vốn gia tăng, dẫn đến nguy cơ tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi…
Chốt lại, năm 2019, thị trường Việt Nam có cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững, lành mạnh, nên sẽ giúp thị trường phát triển về chiều sâu. Tuy nhiên, việc trông đợi một kịch bản thị trường vận động có yếu tố đột biến là khó xảy ra.
Đâu là những giải pháp điều hành lớn mà UBCK tập trung trong năm 2019, thưa ông?
Năm 2019, UBCK sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho thị trường phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu.
Theo đó, UBCK khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua. Để các nội dung cải cách của luật sớm đi vào cuộc sống, UBCK bám sát tiến độ hoàn tất dự thảo nghị định hướng dẫn luật và dự thảo nghị định sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính.
Hoạt động tái cấu trúc thị trường tiếp tục được thúc đẩy; trong đó, dồn sức chuẩn bị các điều kiện để thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tiếp tục cơ cấu lại hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng tăng chất lượng, giảm số lượng. Với những công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã ngừng hoạt động trên thực tế mà chưa rút giấy phép hoạt động, thì năm 2019 sẽ xử lý dứt điểm.
UBCK cũng sẽ thúc đẩy triển khai sản phẩm mới; trong đó, ưu tiên “trả nợ” hai sản phẩm là Chứng quyền có đảm bảo và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Trong quý I/2019, nếu điều kiện thuận lợi sẽ triển khai hai sản phẩm này. Nếu bối cảnh chưa cho phép, thì sẽ có một sản phẩm được triển khai vào đầu quý II/2019. Dự kiến, quý IV/2019, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ cho ra mắt một bộ chỉ số mới đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cũng trong năm 2019, khi gói thầu 04 về hạ tầng công nghệ thông tin cho toàn thị trường hoàn tất, UBCK sẽ nghiên cứu triển khai thêm các sản phẩm, nghiệp vụ mới như: bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày.
Trên cơ sở bước tiến tích cực trong năm 2018, UBCK sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tiếp nối nỗ lực để sớm thành công trong nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, nhằm thu hút có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Hữu Hòe
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chứng khoán năm 2019: 'VN Index sẽ dao động từ 960 đến 1080 điểm'
Báo cáo phân tích của CTCK Mirae Asset Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu các ngành vật liệu xây dựng, công nghệ và tiêu dùng trong năm 2019.
VN Index đã suy giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào tháng 4/2018
Nửa cuối năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh theo đà suy giảm chung của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới. Đến giữa tháng 12, chỉ số VN Index chỉ dao động quanh mức 900 điểm, thấp hơn thời điểm cuối năm 2017 (984 điểm).
Trước đó, từ năm 2016 đến tháng 4 năm nay, thị trường đã tăng liên tục với mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ số Dow Jones hay MSCI Merging Market. Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh cao nhất 10 năm qua, VN Index đã nhanh chóng điều chỉnh và mất tới gần 30% điểm số trong thời gian ngắn.
Trong một báo cáo mới đây về thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam chỉ ra rằng, các công ty bất động sản và tài chính - ngân hàng có mức tăng giá cổ phiếu tốt nhất thị trường từ đầu năm đến nay.
Hiện có 44 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn, chỉ số chung của ngành này tăng trưởng 38,5% so với cuối năm trước. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng có 27 doanh nghiệp có mức tăng trưởng là 6,6%.
Phần lớn cổ phiếu của các ngành còn lại đều giảm so với đầu năm. Những lĩnh vực giảm mạnh nhất là y tế và năng lượng, với mức giảm lần lượt là 24,1% và 23,6%.
Phân tích của Mirae Asset Việt Nam cho biết, sự suy giảm của VN Index không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang làm ăn kém đi hay lợi nhuận ít hơn. Chẳng hạn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu khoảng 30,8% và lợi nhuận khoảng 54,8% trong năm nay nhưng giá cổ phiếu ngành lại giảm 11,2%. Điều tương tự cũng diễn ra với ngành tiêu dùng.
Dự báo về thị trường năm 2019, báo cáo của Mirae Asset Việt Nam ước tính VN Index có thể dao động từ 960 điểm đến 1080 điểm, dựa theo mô hình FED (The Fed Model - Bond Yield = EPS / Index). Ngưỡng cao nhất của VN Index theo mô hình trên là 1.080 điểm vẫn thấp hơn so với mức đỉnh năm 2018 là 1.200 điểm.
Báo cáo của Mirae Asset Việt Nam cũng đưa ra những đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tỷ giá ổn định và khả năng thu hút dòng vốn trực tiếp mạnh của thị trường Việt Nam.
Về vĩ mô, báo cáo đánh giá, kinh tế Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng ổn định trong năm sau với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 6,7%, giảm một chút so với năm 2018 nhưng vẫn rất tích cực.
Bên cạnh đó, tỉ giá được duy trì ổn định, đẩy mạnh đầu tư tư nhân cũng như xuất khẩu hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung sẽ là những yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế vĩ mô.
Việt Nam tiếp tục là thị trường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt nhất so với các thị trường lân cận. Năm 2018, theo dữ liệu Bloomberg, gần 2 tỷ USD đã được các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam trong khi Philippines, Thái Lan, India, Malaysia, Indonesia đều bị rút tiền.
Dựa trên những đánh giá về triển vọng đầu tư, báo cáo của Mirae Asset Việt Nam nhận định 3 ngành vật liệu xây dựng, công nghệ và tiêu dùng sẽ đáng quan tâm trong năm 2019 nhờ khả năng tạo lợi nhuận cao và rủi ro thấp so với các lĩnh vực còn lại.
Theo theleader.vn
Đẩy mạnh nền tảng công nghệ hiện đại trong hoạt động chứng khoán 2019 Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải khẳng định điểm nhấn quan trọng năm 2019 trên thị trường chứng khoán (TTCK) là thay đổi công nghệ thông tin. Năm 2019, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm là xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi và các...