Dinh dưỡng cho trẻ mùa nóng
Dinh dưỡng mùa nóng cho trẻ luôn là thách thức lớn nhất với các bậc phụ huynh có con nhỏ. Ngoài việc phải làm sao đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, việc phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa qua đường ăn uống cũng là điều cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc trẻ.
Bổ sung đủ dinh dưỡng và vi chất
Theo BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, mùa hè với cái nóng oi bức luôn tạo cho con người cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Với các bé, điều này càng nặng nề vì các bé còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên cần đáp ứng đủ chất trong khẩu phần ăn của trẻ. Ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng nói chung thì cần chú ý đến những vi chất có từ thực phẩm hàng ngày. “Mùa hè, trẻ được nghỉ học nhưng lại tham gia vào nhiều sinh hoạt, trò chơi nên tiêu hao rất nhiều năng lượng. Nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ”. Theo BS. Diệp, những ngày oi nóng như thế này cần cho bé ăn nhiều hơn ngày thường nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: rau dền, rau muống, bí… chúng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin cho cơ thể, bổ sung chất xơ, rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ, khẩu phần ăn có nhiều canh rau, ít dầu mỡ…
Ngoài ra, có thể giúp trẻ chống chọi với cơn nóng, tránh rôm sảy, mẩn ngứa bằng cánh cho bé ăn bổ sung bằng những bữa ăn bổ mát như: chè hạt sen, sữa, sữa chua, bánh flan… Lưu ý cho bé uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày. Tốt nhất là những thức uống có giá trị dinh dưỡng như: sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống, sinh tố, nước ép trái cây.
Video đang HOT
Món ăn đa dạng cho trẻ từ rau củ đã rửa sạch, nấu chín để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ trước nguy cơ bệnh mùa nóng tấn công
Chú ý chế độ ăn để không mắc bệnh đường tiêu hóa
Mùa nóng, trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy do thức ăn ôi, thiu, do vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở trong môi trường nóng ẩm cũng như nước đá không tinh khiết. Cho đến nay, tiêu chảy cấp vẫn còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ vì do cơ thể mất nước và điện giải, tiêu chảy cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hay bị tóe nước trên 3 lần/24 giờ là trẻ đã bị tiêu chảy. Vào mùa nắng nóng, trẻ thường bị tiêu chảy do vi khuẩn (như E.Coli) hoặc do virút. BS.CKII. Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM lưu ý các bậc phụ huynh khi chăm trẻ cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc trong chế biến cũng như bảo quản thức ăn cho trẻ nhằm đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng bệnh cho trẻ. Nguyên tắc cơ bản nhất vẫn là “ăn chín uống sôi”. Và thức ăn của bé khi đã chế biến cần tránh để ngoài nhiệt độ môi trường hơn 2 giờ. Khi bảo quản trong tủ lạnh cũng cần biết nên bảo quản trong thời gian bao lâu và những thực phẩm gì nên, không nên trữ lâu trong tủ lạnh.
Các bác sĩ cho biết, trong mùa hè, nhiều trẻ nhập viện vì phụ huynh đi làm thường pha sẵn sữa cho vào tủ lạnh cho trẻ uống trong ngày. Điều này khá phổ biến và hậu quả là trẻ thường bị đau bụng, nặng thì tiêu chảy và phải đến bệnh viện. Theo khuyến cáo, tất cả các loại sữa đều không nên để lâu hoặc pha sẵn vì dễ làm mất đi các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, nếu bảo quản không đúng, để sữa pha quá thời gian sẽ gây lên men, tạo môi trường thuận lợi để nấm, vi khuẩn phát triển. Khi trẻ uống phải sữa này sẽ bị tiêu chảy, nhiễm độc, gây mất nước và rối loạn điện giải rất nguy hiểm.
Theo BS. Thu Hậu, trời nóng nực làm người khó chịu, mất nhiều mồ hôi gây ra khát, để giải nhiệt thì mọi người có xu hướng dùng nước đá thật lạnh cho đã. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân làm cho siêu vi và vi trùng ở vùng hầu họng phát triển gây viêm hô hấp trên, sốt siêu vi có hay không kèm phát ban hay có thể diễn tiến đến viêm phế quản. Bên cạnh đó, mùa hè, người lớn thường chuộng các món ăn khoái khẩu như các loại gỏi, nộm, rau sống, salat nếu không hạn chế thì cần chú ý chế biến thật kỹ để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Tốt nhất là ít cho trẻ ăn những món này. Ưu tiên chế biến nhiều món ăn đa dạng cho trẻ từ rau củ đã rửa sạch, nấu chín để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ trước nguy cơ bệnh mùa nóng tấn công.
Theo vietbao
Lưu ý cho bà mẹ khi trẻ hăm tã kèm tiêu chảy
Hăm tã là tình trạng trẻ bị viêm ở vùng da quấn tã, có thể xảy ra ở mọi trẻ, ít nhất một lần trong 3 năm đầu đời nhưng phổ biến vào giai đoạn từ 9-12 tháng tuổi
Nguyên nhân hăm tã là do tã lót ướt cọ xát làm da trẻ đỏ và bóng lên hoặc da bị kích ứng từ các chất thải (phân, nước tiểu, chất tẩy rửa mạnh). Ngoài ra, nhiễm nấm Candida do da bị ẩm ướt lâu, sử dụng kháng sinh dị ứng với tã lót, chất tẩy rửa, xà bông, chất liệu vải hoặc viêm da tiết bã (có màu vàng, tăng tiết bã, có thể gặp ở mặt, đầu, cổ)... cũng khiến trẻ bị hăm tã.
Để đề phòng tình trạng này, gia đình cần dùng các loại tã thấm nước tốt, tránh ẩm mốc thay tã thường xuyên khoảng 3 giờ/lần nhằm tránh ứ đọng phân và nước tiểu tiếp xúc với da. Trước khi thay tã mới, cần lau da thật khô và sạch. Trong khi thay, tránh để băng keo dính vào da làm tổn thương và kích ứng da trẻ. Khi thay tã, tay người thay phải được rửa sạch sẽ không mang tã quá chật.
Thông thường, trẻ bị hăm tã có thể được điều trị tại nhà. Người chăm sóc trẻ nên tắm cho trẻ bằng xà bông dịu nhẹ, nước ấm và dùng khăn mềm lau sạch da. Chú ý lau kỹ các vùng nếp kẽ nhưng không cọ xát hay kì mạnh làm da kích ứng nhiều hơn.
Sau khi tắm, nên cho da trẻ để hở vài giờ ngoài không khí trước khi mang tã. Không lau cho trẻ bằng chất có cồn hay propylene glycol khi đang hăm tã vì sẽ làm phỏng da và lan vi trùng sang nơi khác.
Nếu sử dụng tã vải, tránh dùng bột giặt có chất tẩy rửa mạnh, thuốc tẩy và nước làm mềm vải. Lưu ý không dùng các loại máy sấy cho trẻ nhỏ cũng như dùng quần ni-lông cho trẻ nói chung tránh xa các loại phấn thoa cho trẻ bị hăm tã vì sẽ khiến các vùng nếp kẽ ẩm ướt.
Tuy nhiên, trong các trường hợp trẻ bị hăm kéo dài hơn 7 ngày, hăm trở nên nặng hơn và lan rộng, không tìm ra nguyên nhân bị hăm tã, hăm tã đi kèm tiêu chảy trong hơn 48 giờ hay kèm sốt... thì gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tùy theo mức độ mà bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc phù hợp như kháng nấm nếu nhiễm nấm, kháng sinh nếu bị chốc và thoa corticoid trong trường hợp hăm tã do dị ứng hoặc chàm thể tạng, chàm tiết bã.
Theo vietbao
Mùa nóng, đừng cho trẻ uống nhiều nước mát! Lời khuyên này nghe như bất hợp lý, nhất là vào mùa nóng bức, trẻ dễ bị mất nước. Nhưng thật sự, các chuyên gia y tế cũng khuyên như thế. Tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa ở TP.HCM, hiện phần lớn trong hóa đơn tính tiền của người mua hàng đều có từ một đến vài loại nước...