Định danh tài khoản YouTube để loại bỏ nội dung xấu độc, Bộ TT&TT cần phối hợp với cả Google và nhà mạng
Theo bà Tú Phượng, CEO MeTub, để định danh được tài khoản YouTube để quản lý nội dung, loại bỏ các nội dung xấu độc, Bộ TT&TT cần phối hợp với Google, YouTube hoặc nhà mạng.
Vì khi người dùng muốn tạo kênh YouTube thì phải có tài khoản email Google và thường Google yêu cầu số điện thoại xác thực.
Bà Hà Thị Tú Phượng, CEO và là nhà sáng lập MeTub Network. Ảnh theo Brand Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có những động thái rất quyết liệt nhằm ngăn chặn các nội dung độc hại trên hai mạng xã hội Facebook và YouTube. Việc ngăn chặn nội dung xấu độc trên các mạng xã hội, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về hai mạng xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay cả Facebook và YouTube gần như bất lực trong việc quản lý nội dung video xấu độc, nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Khi cơ quan nhà nước yêu cầu gỡ bỏ các nội dung xấu độc, thì chỉ vài ngày sau các video này lại được rất nhiều tài khoản khác đăng lại, mà YouTube, Facebook không thể kiểm soát nổi.
Báo cáo với Bộ TT&TT, YouTube đã đổ lỗi cho chính các nhà sáng tạo nội dung Việt Nam tạo ra các nội dung rác nhiều nhất, biến Việt Nam trở thành nơi sản xuất ra nhiều nội dung vi phạm nhiều nhất. Theo YouTube hiện nay có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.
Các kênh YouTube tiếng Việt để phát triển nội dung, kiếm tiền quảng cáo thì họ có thể tham gia vào mạng quản lý đa kênh (MCN) là các công ty được YouTube ủy quyền quản lý các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam. Tính đến tháng 5/2019, theo thông báo chính thức của Google cho Bộ TT&TT thì YouTube có 5 MCN tại Việt Nam (Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân, BHMedia) quản lý khoảng 6.000 kênh YouTube tiếng Việt. Mới đây, Yeah1 đã bị YouTube rút giấy phép do những vi phạm chính sách của YouTube.
Ngoài 6.000 kênh YouTube do các MCN quản lý, qua rà soát của Cục PTTH&TTĐT, hiện YouTube đang trực tiếp quản lý 130.000 kênh tiếng Việt. Cục PTTH&TTĐT cho rằng, sai phạm trên YouTube chủ yếu đến từ 130.000 kênh tiếng Việt do YouTube trực tiếp quản lý. Ví dụ, các kênh có sai phạm đã bị xử lý như Khá Bảnh, Bà Yến Ba Vàng đều là các kênh đăng ký trực tiếp với YouTube.
Video đang HOT
Để ngăn chặn các nhà sáng tạo nội dung YouTube ngừng đi theo con đường “tà đạo”, không sản xuất các nội dung vô bổ, nhảm nhí, xấu độc trên YouTube, Google, Bộ TT&TT đã đề ra giải pháp quản lý các kênh YouTube tiếng Việt bằng cách định danh các tài khoản này.
Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, yêu cầu có đăng ký đủ thông tin, mã số thuế, tài khoản. Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật thì mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị Bộ TT&TT thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo. Bộ TT&TT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để có biện pháp quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.
ICTnews đã đặt câu hỏi với bà Hà Thị Tú Phượng, CEO sáng lập MCN MeTub Network, liệu biện pháp quản lý định danh các kênh YouTube tiếng Việt có khả thi hay không, để làm được thì Bộ TT&TT phải có chính sách quản lý cụ thể thế nào?
Bà Tú Phượng cho rằng, việc định danh các kênh YouTube tiếng Việt thì không thể định danh 100% các kênh được, tuy nhiên có thể cải thiện được một phần. Và để định danh được các kênh YouTube, Bộ TT&TT cần phải làm việc với các đơn vị đang làm việc trực tiếp với những người sản xuất nội dung. Tuy nhiên số lượng kênh kiểm soát được sẽ rất nhỏ so với tổng thị trường, và thường chỉ kiểm soát được những nhà sáng tạo đã “lộ mặt”, đối tượng này không khó khăn trong việc định danh.
“Đồng thời, Bộ TT&TT cần phối hợp với Google, YouTube hoặc nhà mạng. Vì khi người dùng muốn tạo kênh YouTube thì phải có tài khoản email Google và thường Google yêu cầu số điện thoại xác thực. Vậy nếu có thể định danh toàn bộ số điện thoại người dùng và phối hợp được với Google, YouTube thì cũng có thể là 1 phương pháp tốt để định danh được các tài khoản YouTube”, bà Tú Phượng phát biểu.
Bình luận về việc YouTube đang cho rằng, chính các nhà làm nội dung ở Việt Nam là người tạo ra các nội dung rác, nội dung xấu. Và để hạn chế tình trạng này thì việc kiểm duyệt nội dung trên YouTube cần phải làm thế nào, vai trò của YouTube, của các MCN trong việc quản lý nội dung ra sao?
Bà Tú Phượng cho hay: “Theo tôi cũng phải đặt ra câu hỏi, vì sao số lượng nội dung rác, nội dung xấu ở Việt Nam cao hơn hẳn so với các thị trường khác của YouTube. Mình không thể liên tục chờ sai phạm rồi lại đi xử lý được”.
Bà Tú Phượng đề xuất, Bộ TT&TT cần có quy định rõ ràng thế nào được coi là nội dung xấu, độc, thế nào là nội dung rác. Việc quy định này giúp các MCN, nhà quảng cáo hay người tạo nội dung chặn ngay từ đầu vào lúc tạo nội dung.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích tạo nội dung có ích, mang tính giáo dục cao. Ví dụ, phối hợp cùng nhà quảng cáo tạo quỹ đầu tư cho việc sản xuất nội dung, trường quay, thiết bị để các bạn trẻ có kỹ năng kiếm tiền trên YouTube có thể sản xuất nội dung sạch, nội dung có ích cho người xem.
Theo ITC News
Bộ TT&TT sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để ngăn chặn Fake News
Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí nhận dạng Fake News dựa trên kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp quản lý đối với Fake News tại Việt Nam.
Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, trong thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được 4.466 video clip xấu độc trên trang YouTube theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây, theo đó, đã hạ nguyên 6 kênh. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Năm 2018, trong công tác quản lý về thông tin điện tử, Bộ TT&TT nghiên cứu phương án rà soát, giám sát thông tin trên mạng, đồng thời tổng hợp các hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng. Triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam (chủ yếu là đối với Facebook và Google). Facebook, Google đã phải thiết lập cơ chế xử lý riêng dành cho Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Thường xuyên chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và YouTube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube.
Việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trên các mạng xã hội nước ngoài khi đối tượng vi phạm thường ẩn danh hoặc giả mạo người khác gây khó khăn trong công tác điều tra.
Facebook, Google đã phải thiết lập cơ chế xử lý riêng dành cho Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Trong năm qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp đã thực thi từ năm 2018 như đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu phải có đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm tại Việt Nam giúp quy trình xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm được nhanh và hiệu quả hơn.
Đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí nhận dạng Fake News dựa trên những kinh nghiệm quốc tế và đưa ra các giải pháp quản lý đối với Fake News tại Việt Nam. Xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả mạng xã hội tích hợp đa dịch vụ trên nền tảng hạ tầng công nghệ theo định hướng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ sinh thái số.
Theo ICTNews
Đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng Ngành TT&TT với các sứ mạng và định hướng mới, báo chí truyền thông phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam. Là nhân tố chính đấu tranh với nạn tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng, góp phần tích cực tạo ra niềm tin và đồng thuận xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam...