Điều trị hormone tăng trưởng cho trẻ chậm phát triển chiều cao
Bé gái ở TP HCM 11 tuổi chỉ nặng 23 kg cao 115 cm, thấp hơn cô em họ cùng tuổi gần 10 cm.
Bé bị bạn bè trêu chọc nên tự ti, mặc cảm về chiều cao của mình. Bố mẹ cho bé uống nhiều loại sữa bổ sung canxi nhưng cải thiện chiều cao không khả quan, đến khi được bác sĩ chẩn đoán bé lùn do suy tuyến yên và được điều trị bằng hormone tăng trưởng. Sau một thời gian điều trị, kết quả là năm đầu tiên bé tăng 10 cm, năm kế tiếp bé tăng thêm 7 cm.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, phòng khám Nhi Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, khi trẻ bị lùn, chậm tăng trưởng chiều cao, vẻ mặt “non” so với tuổi, có thể kèm sứt môi, chẻ vòm… nguy cơ cao đang thiếu hormone tăng trưởng.
Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt, giúp bé tăng trưởng chiều cao bình thường ở độ tuổi trưởng thành.
Bác sĩ đang thăm khám cho bé tại Bệnh viên Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: N.P
Thông thường, trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ tăng 25 cm và hai năm kế tiếp mỗi năm tăng thêm 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm 5 cm. Nếu bé không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao.
Bà Quỳnh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng…
Trên thế giới, tỷ lệ trẻ con thiếu hormone tăng trưởng là một trong 4.000 trường hợp. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc chấn thương đầu, u não, nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…
Video đang HOT
Từ tháng 6 đến tháng 8, mỗi sáng thứ bảy Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám và tư vấn miễn phí cho 300 trẻ em trước độ tuổi dậy thì bị chậm tăng trưởng chiều cao. Đăng ký khám qua số điện thoại 02866 406 690.
Cẩm Anh
Theo vnexpress.net
Bí quyết giúp con bạn tăng chiều cao
Di truyền quyết định 60% chiều cao một người, dinh dưỡng 20%, còn lại là các yếu tố khác như tập thể dục, bổ sung hormone...
Ảnh minh họa
Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM, để giúp con tăng trưởng tối đa, bố mẹ nên hiểu rõ các yếu tố có thể tác động đến chiều cao.
Di truyền
Chiều cao trưởng thành của chúng ta phần lớn được xác định bởi yếu tố di truyền nhưng vẫn có thể tăng cao hơn bình thường. Xác định hệ số di truyền của chiều cao bằng cách ước tính độ cao của bạn giống với người thân như thế nào.
Các báo cáo khoa học của Mỹ cho thấy các yếu tố di truyền quyết định khoảng 60-80% chênh lệch chiều cao giữa mỗi người. Một nghiên cứu khác cho thấy tính di truyền về chiều cao có thể lên đến 87-93% ở các nước phương Tây như Italy và Hà Lan.
Dinh dưỡng
Yếu tố dinh dưỡng đóng góp 20-40% chiều cao của một người. Trong những năm đầu đời, bệnh tật hoặc thiếu dinh dưỡng có thể gây suy giảm tăng trưởng. Lúc này có thể dùng thuốc bổ sung dinh dưỡng để giúp cơ thể phát triển cao hơn. Lưu ý, bổ sung dinh dưỡng chỉ thúc đẩy tăng trưởng khi bạn còn nhỏ hoặc là trẻ vị thành niên, khi cơ thể vẫn còn phát triển.
Các thực phẩm bổ sung quan trọng cho sự tăng trưởng bao gồm vitamin A, B complex, C và quan trọng là vitamin D. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, một thành phần thiết yếu kích thích sự phát triển của xương, cải thiện chiều cao.
Tập thể dục
Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Thể thao Y học cho thấy tập thể dục hỗ trợ phát triển chiều cao. Tập thể dục thường xuyên sẽ kích thích sự phát triển xương, bởi cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để sửa mô thay vì tăng chiều cao.
Hormone tăng trưởng
Tuyến yên sản xuất và tiết ra hormone tăng trưởng kích thích gan và các mô khác để sản sinh sụn. Cơ thể cần tế bào sụn để tăng trưởng xương.
Tuy nhiên sử dụng quá mức hormone tăng trưởng có thể gây đột biến gen thành "người khổng lồ", một căn bệnh hiếm gặp bắt đầu từ thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Ngoài ra, lạm dụng hormone tăng trưởng ở người lớn có thể dẫn đến nguy cơ phát triển khối u trong tuyến yên.
Testosterone
Mức testosterone cũng ảnh hưởng đến chiều cao của một người. Các thông tin y tế báo cáo rằng thiếu hụt testosterone khiến thiếu niên trai giảm tăng trưởng.
Một nghiên cứu trên tạp chí Y học New England cho thấy điều trị liều thấp testosterone có thể kích thích sự gia tăng chiều cao ở trẻ vị thành niên chậm phát triển.
Phong cách sống và tư thế
Nên thay đổi phong cách sống và tạo tư thế tốt cho xương. Dành ít phút để đứng lên, thư giãn hoặc vươn vai có thể giúp bạn cao hơn, tự tin hơn. Tránh để trẻ có thói quen ngồi quá lâu, nhất là ngồi trên máy tính, sẽ làm cong vẹo khung xương và khó phát triển chiều cao.
Yoga và thiền
Yoga và thiền là hai phương pháp tập trung vào hít thở đúng cách, giúp cơ bắp thư giãn. Khi tập luyện, bạn hít sâu giảm căng thẳng cơ thể, tăng cường cột sống và tốt cho xương.
Cẩm Anh
Theo vnexpress.net
Nguy cơ ung thư nếu thiếu vitamin D Người thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến... hơn người bình thường. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Băng Sương, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đại Học Y Dược, tình trạng thiếu hụt vitamin D lâu dài gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như mềm xương, gãy xương...