Điều tra ‘điểm nóng’ phá rừng Ea Rớt
Từ nhiều năm nay, tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Ea Kar và Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) rất phức tạp.
Hàng trăm ha rừng xanh tốt đã bị cạo trọc. Không những vậy, các đối tượng phá rừng còn manh động chống đối, đe dọa lực lượng quản lý, bảo vệ rừng hòng cướp lại tang vật, giải cứu đồng bọn.
Gia tăng phá rừng, chống người thi hành công vụ
Những diện tích rừng bị tàn phá tại tiểu khu 704, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) khu vực giáp ranh với xã Cư Pui (huyện Krông Bông), tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Vào trung tuần tháng 8, theo chân lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Lâm nghiệp Ea Kar), phóng viên đã vào “cổng trời Ea Rớt” – nơi được xem là điểm nóng phá rừng khu vực giáp ranh giữa hai huyện Ea Kar và Krông Bông từ nhiều năm nay.
Đi sâu vào lõi tiểu khu 704 thuộc địa phận xã Cư Bông, chúng tôi đã “mục sở thị” tình trạng tàn sát rừng. Lựa chọn một điểm cao phóng xa tầm mắt là hàng chục quả đồi đã bị “cạo trọc”. Diện tích bị phá lên tới cả trăm ha để lấy lâm sản và đất sản xuất. Nhiều diện tích rừng đã bị phá trước đó nhiều năm, nhưng cũng có nhiều diện tích mới phá, đốt cháy loang lổ, những gốc cây rừng bị cưa hạ, đốt cháy, được thay thế bằng những cây ngắn ngày như ngô, sắn.
Theo lời người dẫn đường, thủ đoạn của các đối tượng phá rừng rất tinh vi, manh động. Các đối tượng tập trung 20 – 30 người đi vào rừng ban đêm, thường vào khoảng thời gian nửa đêm về sáng. Các đối tượng dùng dao, rựa phát thực bì, dùng cưa lốc đốn hạ cây to, sau đó để khô rồi đốt nên mức độ tàn sát rừng rất khủng khiếp.
Ông Nguyễn Phi Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cho biết: Công ty đang chịu áp lực rất lớn để bảo vệ diện tích rừng được giao. Đặc biệt, diện tích rừng tại tiểu khu 704, giáp ranh với huyện Krông Bông bị phá rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Rừng bị phá chủ yếu do dân di cư tự do ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, thực hiện để lấy gỗ làm nhà, lấy đất sản xuất. Mỗi nhà có từ vài ha đến hàng chục ha đất sản xuất từ việc phá rừng.
Những diện tích rừng bị tàn phá tại tiểu khu 704, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) khu vực giáp ranh với xã Cư Pui (huyện Krông Bông), tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Theo thống kê, từ năm 2018 đến tháng 6/2021, tại khu vực giáp ranh giữa xã Cư Pui (huyện Krông Bông) và xã Cư Bông (huyện Ea Kar) đã xảy ra 80 vụ phá rừng, xâm chiếm đất rừng, với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 207 ha. Khi bị phát hiện, các đối tượng vi phạm rất manh động, huy động số đông gây áp lực, sẵn sàng chống trả lại lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 vụ chống người thi hành công vụ.
Mới đây, ngày 26/7/2021, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar tiến hành tuần tra rừng đã phát hiện việc khai thác lâm sản trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 9, tiểu khu 704 thuộc địa giới hành chính xã Cư Bông. Số cây bị khai thác là 21 cây, số lâm sản còn lại tại hiện trường là 11,4 m3 gỗ tròn, chủng loại gỗ từ nhóm V đến nhóm VII. Lần theo dấu vết tại hiện trường đến thôn Ea Rớt, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện một xe máy độ chế chở 3 lóng gỗ. Sau khi yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra, khoảng 5 phút sau có hơn 40 người cầm hung khí bao vây, hù dọa lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar để cướp tang vật và phương tiện.
Theo ông Nguyễn Phi Tiến, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng khu vực giáp ranh đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các đối tượng phá rừng chủ yếu từ xã Cư Pui tràn sang. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng ở chốt 704 mỏng, chỉ có 3 người, khi tuần tra thường bị đe dọa, gặp cản trở khi dẫn giải đối tượng, tang vật. Hơn nữa, do địa bàn cách xa trung tâm huyện gần 40 km nên khi có vụ việc xảy ra, rất khó khăn trong việc huy động lực lượng ứng cứu, nhất là vào ban đêm.
Trước những khó khăn đó, lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Ea Kar kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời cho Công ty trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh. Đặc biệt, Công ty cần sự hỗ trợ của chính quyền các xã có rừng, kiểm lâm địa bàn, công an trong công tác tuần tra, truy quét thường xuyên; khi phát hiện, bắt giữ đối tượng vi phạm thì nhanh chóng hỗ trợ lực lượng kịp thời…
Video đang HOT
Điều tra, xử lý nghiêm minh
Những diện tích rừng bị tàn phá tại tiểu khu 704, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) khu vực giáp ranh với xã Cư Pui (huyện Krông Bông), tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Ea Kar về tình trạng phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh với huyện Krông Bông và các vụ việc chống người thi hành công vụ, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm Ea Kar, Krông Bông) phối hợp với Chủ rừng tăng cường kiểm tra, tuần tra tại các vị trí trọng điểm về phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Ea Kar, Krông Bông chú trọng chỉ đạo việc kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng khu vực giáp ranh; xác minh, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ và cướp lại phương tiện, lâm sản đã bị lực lượng chức năng tịch thu.
“Hành vi khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 704, do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, cơ quan chức năng các huyện cần khẩn trương thiết lập hồ sơ, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Đỗ Xuân Dũng nói.
Lâm sản được khai thác trái phép ở rừng giáp ranh để dựng nhà gỗ tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Liên quan đến tình hình phá rừng và các vụ chống đối lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Công an tỉnh nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện Ea Kar, khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm xác định các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương lập kế hoạch, xác định rõ địa điểm thường xảy ra vi phạm để hỗ trợ, phối hợp, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý.
UBND tỉnh giao UBND các huyện Ea Kar và Krông Bông chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; chú trọng việc kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng khu vực giáp ranh giữa 2 huyện; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức về các hành vi vi phạm các quy định pháp luật lâm nghiệp. UBND tỉnh yêu cầu huyện Krông Bông chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái pháp luật tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Công ty Lâm nghiệp Ea Kar thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Điều 74, Điều 79 Luật Lâm nghiệp năm 2017; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững.
Lực đẩy cho phát triển thương mại điện tử
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra những lực đẩy rất lớn để thị trường thương mại điện tử phát triển.
Nắm bắt xu hướng này, tỉnh Ninh Thuận tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận và tham gia thương mại điện tử để mở rộng thị trường kinh doanh.
Đưa sản phẩm lên sàn
Chị Trần Gia Minh Châu, Chủ cơ sở kinh doanh Xứ Phan (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), bán hàng online thông qua website thương mại điện tử của cơ sở và mạng xã hội.
Trong mùa vụ năm nay, nho xanh là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận chính thức được đưa lên bán trên sàn thương mại điện tử thông qua Chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" do Cục Thương mai điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp sàn thương mại điện tử Sendo triển khai.
Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết, từ ngày 9/7, sản phẩm nho xanh của công ty chính thức được mở bán ở vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn. Sản phẩm nho xanh đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh, được dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm minh bạch thông tin về canh tác, thu hái, bảo quản và vận chuyển.
Trong ngày đầu tiên lên sàn, công ty đã tiêu thụ được 3 tấn nho xanh trị giá 174 triệu đồng. Thông qua sàn thương mại điện tử, nhiều người tiêu dùng biết được đầy đủ thông tin về sản phẩm nho xanh của công ty nên đã gọi điện và đặt hàng.
Ông Nguyễn Đình Quang chia sẻ thêm, công ty hiện đang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với 4 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác trồng nho xanh với tổng diện tích hơn 40 ha. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, được ngành công thương hỗ trợ đưa sản phẩm nho xanh lên sàn giao dịch thương mại điện tử giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn, góp phần duy trì sản xuất cho người nông dân và giữ được giá trị hàng nông sản.
Cùng với nho tươi, công ty đang đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ quả nho, táo để tiếp tục đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong thời gian tới.
Trước tình hình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến khách hàng ngại đến các cửa hàng để mua trực tiếp hoặc tập trung ở chỗ đông người như chợ, siêu thị. Nắm được tâm lý đó, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn Ninh Thuận đẩy mạnh bán hàng online trên các ứng dụng nền tảng mạng xã hội và các website thương mại điện tử.
Chị Trần Gia Minh Châu, Chủ cơ sở kinh doanh Xứ Phan (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, sản phẩm chủ lực của cơ sở gồm nho, rượu nho, nước mắm các loại hải sản tươi và chế biến khô đều được đăng tải hình ảnh chi tiết, niêm yết giá rõ ràng trên mạng xã hội Facebook, Zalo, website của cơ sở. Khi có nhu cầu, khách hàng có thể liên hệ qua số điện thoại để được tư vấn, đặt hàng, hàng hóa sẽ được gửi đến tận nhà rất tiện lợi và đảm bảo an toàn.
Tính từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, thông qua nền tảng bán hàng online giúp cơ sở đi các đơn hàng với sản lượng bình quân mỗi tháng khoảng 3 tấn hải sản các loại, tăng gấp đôi so với cách bán hàng truyền thống. Bán hàng trên "chợ mạng" giúp cơ sở mở rộng kênh bán hàng với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng ở các địa phương trong cả nước.
Theo ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, ngành công thương đã và đang thực hiện các chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh và đơn vị phân phối hàng hóa có cơ hội trao đổi, tìm hiểu về việc phát triển kinh doanh trên môi trường số.
Theo đánh giá, thương mại điện tử ngày càng được nhiều doanh nghiệp, người dân lựa chọn nhờ ưu thế tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, chi phí sản xuất, tiếp thị, tìm kiếm đối tác, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại và bán các sản phẩm như: nho, táo, nước mắm, hải sản khô, măng tây xanh, trà măng tây, hành tím, mật nho, mắm nem, yến sào, tỏi, mủ trôm, mứt rong sụn...trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Lazada, Tiki, Shopee, Postmart và trên nền tảng mạng xã hội.
Cơ hội do thương mại điện tử mang lại rất lớn, song mức độ ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử để giao dịch mua bán hàng hóa của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng ở Ninh Thuận còn thấp. Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Ninh Thuận xếp hạng 42/56 tỉnh, thành tham gia khảo sát với 5,26 điểm (điểm trung bình chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của các địa phương là 8,5 điểm).
Qua phân tích của ngành chức năng, một trong những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thương mại điện tử của Ninh Thuận. Đó là, hàng hóa chưa đa dạng, sản phẩm chủ yếu là hàng nông sản sản xuất theo mùa vụ, sản lượng và chất lượng chưa đồng đều.
Thêm vào đó, để đưa được nông sản lên sàn thương mại điện tử thì các cơ sở, đơn vị cần đảm bảo năng lực kho bãi, hệ thống bảo quản lạnh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng tới khách hàng... theo yêu cầu của các đơn vị phân phối.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, khả năng cung ứng sản phẩm số lượng lớn cho các đơn vị phân phối để tiêu thụ trong toàn hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn hạn chế.
Hơn nữa, việc đầu tư mua sắm, trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chủ yếu vẫn tập trung vào việc đầu tư hạ tầng phần cứng so với các hạng mục khác như đào tạo nhân sự, công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng... cũng còn hạn chế, cần sớm được khắc phục.
Phát triển quy mô thị trường
Bán hàng online là phương thức được nhiều cơ sở, doanh nghiệp áp dụng.
Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển quy mô thị trường thương mại điện tử với khoảng 55% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Doanh số thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến tăng 25%/năm, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.
Ngoài ra, Ninh Thuận phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; khoảng 50% các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; từ 40 - 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như các mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để đạt mục tiêu đề ra, Ninh Thuận sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng để tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh thông qua ứng dụng thương mại điện tử.
Cụ thể, tỉnh sẽ dành trên 6,6 tỷ đồng triển khai các hoạt động chính, bao gồm: tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về thương mại điện tử; đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về bán hàng trực tuyến; tăng cường quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trên môi trường số.
Cùng đó, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận để quảng bá hình ảnh sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Kết hợp tổ chức chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng nông, thủy sản; xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh với doanh nghiệp logistics để tối ưu hóa chi phí và thời gian phân phối hàng hóa.
Đồng thời, Ninh Thuận tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh trực tuyến trên các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội, kết nối doanh nghiệp thương mại điện tử trong tỉnh và nước ngoài.
Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia ngày hội triển lãm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử uy tín.
Để phát huy tốt vai trò của thương mại điện tử, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng để tạo dựng uy tín và khẳng định được thương hiệu trên sàn.
Đồng thời, áp dụng hệ thống quản lý sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn tới.
Thừa Thiên - Huế tiếp sức cho người lao động vượt khó, ổn định cuộc sống Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 300 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, khoảng 7.500 lao động bị dừng hoặc mất việc làm. Đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Trước diễn biến phức tạp của dịch...