Điều ít biết về xe tăng hạng nặng cuối cùng T-10 do Liên Xô chế tạo
Cách đây đúng 67 năm, Liên Xô bắt đầu sản xuất xe tăng T-10, và đó là phương tiện chiến đấu hạng nặng cuối cùng do quân đội Xô Viết chế tạo.
Ngày 15/12/1953, xe tăng hạng nặng T-10 được Bộ Quốc phòng Liên Xô đồng ý chế tạo. Đây là loại xe tăng hạng nặng tiên tiến nhất và cuối cùng của Liên Xô được chế tạo sau chiến tranh. T-10 sau đó đã phục vụ trong quân đội Xô Viết gần 40 năm.
Khái niệm về phương tiện chiến đấu hạng nặng này, ban đầu gọi là IS-5, được trình bày bởi nhà thiết kế Joseph Kotin vào năm 1944. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên Xô khi đó đã xem xét các mẫu đầy hứa hẹn khác là IS-6 và IS-7.
Tuy nhiên, sau một vài năm những mẫu xe đó bị loại bỏ. Quân đội Liên Xô quay trở lại phát triển dự án của Kotin. Cuối những năm 1940, dự án xe tăng hạng nặng trên bắt đầu thực hiện với tên gọi IS-8. Sau cái chết của nhà lãnh đạo Stalin, tên gọi cuối cùng của mẫu xe tăng đã được chấp thuận là T-10.
Xe tăng hạng nặng T-10 của Liên Xô. (Ảnh: wikipedia)
Ý tưởng ban đầu là phát triển dự án nhằm nâng cao độ tin cậy và tăng cường khả năng bảo vệ áo giáp, cũng như khả năng cơ động xuyên quốc gia. Theo đó, lớp áo giáp của xe tăng được lắp ráp theo độ dốc đặc biệt, sẽ giúp độ bền của chúng tăng lên. Phần phía trước của xe tăng được chế tạo theo sơ đồ “mũi giáo”, đồng thời các đường viền của tháp pháo được tối ưu hóa với điều kiện di chuyển của sóng xung kích trong vụ nổ hạt nhân.
Vũ khí chính của T-10 là pháo 122 mm D-25TA mới, có tốc độ bắn lên 3 – 4viên/phút, trong khi ở các mẫu tăng hạng nặng trước đây chỉ đạt tốc độ 2-3 viên/phút.
Ban đầu dòng xe tăng hạng nặng này được đánh giá có tiềm năng hiện đại hóa cao, vì vậy một số mẫu đã được sản xuất hàng loạt từ năm 1954 -1966. Theo đó, T-10A được trang bị thêm một khẩu súng máy cải tiến với bộ ổn định dọc, thiết bị ngắm mới và thiết bị nhìn ban đêm. Trong khi T-10B là phiên bản cải tiến theo mẫu trước đó, có bộ ổn định hai mặt phẳng và tầm nhìn tiên tiến hơn. Còn T-10BK là mẫu xe tăng chỉ huy, được lắp đặt thêm một trạm vô tuyến và một bộ phận nạp điện.
Số lượng thay đổi lớn nhất là đối với biến thể T-10M. Xe tăng này nhận được pháo M-62-T2 mới, với đạn đạo cao và bộ ổn định hai mặt phẳng mới – 2E12 Liven. Ngoài ra, thay vì trang bị súng máy 12,7 mm DShK, T-10M được lắp đặt súng máy KPVT 14,5 mm. Giáp tháp pháo được gia cố thêm ở phía trước. Tất cả các thành viên, ngoại trừ người nạp đạn, đều nhận được thiết bị nhìn ban đêm.
Tổng cộng, hơn 1.500 xe tăng hạng nặng T-10 đã được Liên Xô sản xuất. Theo một số chuyên gia, phương tiện chiến đấu này có thể duy trì sức cạnh tranh cho đến cuối những năm 1980, với điều kiện phải lắp đặt thêm hệ thống điều khiển hỏa lực mới và hệ thống bảo vệ động lực học.
Dòng xe tăng hạng nặng T-10 cuối cùng của Liên Xô hoàn thành sứ mệnh hoạt động của mình vào năm 1993.
"Quý bà chết chóc" và cuộc đối đầu lấy mạng nhau 3 ngày với tay bắn tỉa sừng sỏ Đức
Trong vòng 1 năm, Lyudmila Mikhailovna Pavlichenko trở thành "người phụ nữ nguy hiểm nhất" thế kỷ 20, và là nữ bắn tỉa "chết chóc" nhất khi so sánh trong bất kỳ quân đội, cuộc chiến nào.
Lyudmila Mikhailovna Pavlichenko. Ảnh: NYP
Trong Thế chiến II (1939-1945), người dân Liên Xô nổi tiếng với cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ Đại chống lại phát xít Đức. Thời thế tạo anh hùng, trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, nhiều chiến sĩ Hồng quân đã thể hiện được bản lĩnh, ý chí và tài năng để tạo ra những chiến công phi thường. Mời độc giả cùng tìm hiểu về những anh hùng Liên Xô khiến phát xít Đức "kinh hồn bạt vía" ở Thế chiến II trong loạt bài dài kỳ lần này.
Từ cô sinh viên ngây thơ...
Video đang HOT
Ngày 22/6/1941, Hitler vi phạm hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Đức và Liên Xô khi thực hiện chiến dịch Barbarossa. Ba triệu quân của phe Trục (phát xít) với 6.000 đại pháo, 2.000 chiến đấu cơ Không quân Đức và hàng nghìn xe tăng tràn vào Ukraine (thuộc Liên Xô).
Kiev, thủ đô của Ukraine, là một trong những mục tiêu nhắm đến cuối cùng của Hitler, cùng với Moscow và Leningrad.
Lyudmila Mikhailovna Pavlichenko, sinh viên lịch sử tại Đại học Kiev, đang đi bộ đến lớp học thì một đám lính phát xít Đức xông tới phá hủy ngôi trường. Pavlichenko nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp. Đêm đó, cô hạ quyết tâm: "Tôi sẽ xung phong ra trận".
Nghĩ là làm, sáng hôm sau, nữ sinh khi đó 24 tuổi tới văn phòng tuyển quân với chiếc váy lụa, đi giày cao gót. Pavlichenko giống một người mẫu hơn là người lính ra trận. Người tuyển quân đã cười lớn khi thấy dáng vẻ của Pavlichenko.
"Tại sao bạn không làm việc trong các nhà máy như những phụ nữ khác?", người tuyển quân hỏi.
Sự phát triển công nghiệp nhanh chóng của Liên Xô và cuộc đại suy thoái toàn cầu cuối những năm 1920 đầu 1930 đã khiến một lượng lớn người dân Liên Xô từ trang trại đổ xô ra các thành phố.
Phụ nữ trẻ được khuyến khích làm việc, học đại học và tham gia huấn luyện quân sự trên tinh thần bình đẳng. Giống nhiều thanh niên đồng trang lứa thời đó, Pavlichenko rất thích các hoạt động thể thao quân sự. Cô là một tay bắn súng trường xuất sắc, đã giành không ít các danh hiệu trong những cuộc thi bắn súng trường trong vùng. Khi cuộc chiến của Hitler đe dọa tới sự tồn vong của Liên Xô, Pavlichenko đã rèn luyện bằng cách đăng ký vào một trường bắn tỉa tự nguyện được tổ chức bởi Đoàn thanh niên cộng sản Lenin (Komsomol) địa phương.
Pavlichenko ban đầu bị cười chê vì cô giống một người mẫu hơn một chiến sĩ. Ảnh: Orlova Center
Sau khi thấy thái độ và nghe câu hỏi của người tuyển quân, Pavlichenko lôi ra bằng tốt nghiệp bắn tỉa và nhiều danh hiệu bắn súng khác, đặt lên bàn thay cho câu trả lời. Người tuyển quân lập tức thay đổi thái độ và đơn xin ra trận của Pavlichenko được chấp nhận.
Pavlichenko là một trong 2.000 nữ bắn tỉa phục vụ trong lực lượng Hồng quân Liên Xô và chỉ 500 người trong số họ sống sót khi chiến tranh kết thúc.
Trong vòng 1 năm, Pavlichenko trở thành người phụ nữ nguy hiểm nhất thế kỷ 20, được mệnh danh là "quý bà chết chóc" nhất khi so sánh trong bất kỳ quân đội, cuộc chiến nào.
Qua kinh nghiệm cay đắng khi 500 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng dưới họng súng của các tay bắn tỉa Phần Lan trong Chiến tranh mùa đông (1939 - 1940), Liên Xô hiểu được giá trị của lực lượng bắn tỉa và chú trọng hơn vào chương trình đào tạo bắn tỉa. Các đội bắn tỉa được đưa vào gần như tất cả đơn vị.
Sau khi trải qua khóa đào tạo ngắn hạn về chiến thuật bắn tỉa và quân sự cơ bản, Pavlichenko được cấp một khẩu súng trường Mosin-Nagant 7,62 mm (loại súng trường bắn tỉa tiêu chuẩn vào năm 1932) có thể bắn chính xác ở phạm vi 1.250 mét.
Pavlichenko được chỉ định vào Sư đoàn bắn tỉa V.I. Chapayev 25, thuộc Hồng quân Liên Xô. Được trang bị khẩu súng trường mới và 120 băng đạn, cô gái trẻ cùng hàng nghìn tân binh lên tàu hỏa ra chiến trường.
Đơn vị của Pavlichenko đã chiến đấu với quân đội Romania và phát xít Đức, cố chặn kẻ thù tiếp cận thành phố Odessa từ phía nam. Thành phố Odessa là cảng thương mại quan trọng nhất của Liên Xô và là nơi đặt căn cứ của Hải quân Liên Xô.
Dù có thành tích bắn súng xuất sắc nhưng Pavlichenko vẫn gặp khó khăn ban đầu ở chiến trường khốc liệt. Ảnh: War History Online
Buổi đầu cầm súng chiến đấu trên chiến trường với Pavlichenko là một trải nghiệm không bao giờ quên. "Tôi biết nhiệm vụ của mình là phải bắn chết kẻ thù. Lý thuyết bao giờ cũng dễ dàng nhưng tôi hiểu thực tế khắc nghiệt hơn thế", Pavlichenko chia sẻ.
Các sư đoàn súng trường số 25, 95 và 421 của Liên Xô cùng các đội hỗ trợ hình thành 3 tuyến phòng thủ riêng biệt gồm các chiến hào, công sự và hào chống tăng nằm cách thành phố Odessa khoảng 50 km.
Đại đội số 2 của Pavlichenko, nằm ở trung tâm của tuyến phòng thủ đầu tiên khi cuộc tấn công của quân Đức nhằm vào Odessa bắt đầu ngày 8/8/1941, phải đối mặt với những loạt pháo của địch nổ như sấm sét.
Pavlichenko và các đồng đội của cô nhắm về một cánh đồng rộng, nơi một số binh lính Đức đang di chuyển về gần một ngọn đồi. Đây là những mục tiêu dễ dàng nhưng cô gái trẻ thấy ngón tay trên cò súng như đóng băng. Nỗi sợ bủa vây lấy Pavlichenko khiến cô cứng người.
Tiếng nổ bất ngờ của súng trường và súng máy từ hàng cây đối diện là dấu hiệu của một cuộc thăm dò. Pavlichenko nghe thấy âm thanh như tiếng búa đập vào quả dưa hấu, sau đó là tiếng kêu gào đau đớn. Trong hoảng loạn, nữ bắn tỉa nhìn thấy một đồng đội, người cô mới làm quen trên chuyến tàu ra trận, bị đạn bắn trúng đầu và cảnh tượng sau đó vô cùng đau thương. "Hình ảnh đó khiến tôi tự nhủ nhất định phải tiêu diệt kẻ thù", Pavlichenko chia sẻ.
...đến "quý bà chết chóc"
Trong 28 ngày, Pavlichenko đã tiêu diệt được 100 binh lính Đức quốc xã, tỷ lệ trung bình là gần 4 tên/ngày. Không nhiều tay bắn tỉa trong lịch sử đạt được thành tích ấy trong cùng khoảng thời gian.
Pavlichenko liên tục di chuyển, từ chỗ này sang chỗ khác để có thể tận dụng hết khả năng của đôi mắt tinh tường và bàn tay vững vàng.
Ngày 9/10/1941, cô bị một mảnh đạn pháo sượt qua da đầu. Đại đội trưởng của cô không may mắn như vậy và đã hy sinh. Thượng sĩ Leonid Kitsenko, cấp trên khác của Pavlichenko cũng bị thương. Trong tình thế cấp bách, Pavlichenko không ngại hiểm nguy, giả trang thành chỉ huy để giữ vững ý chí chiến đấu của Hồng quân và khiến kẻ thù nản chí. Với tấm băng quấn trên đầu, khuôn mặt đầy máu nhưng nữ bắn tỉa không run sợ.
"Lũ hèn nhát", một sĩ quan cấp trên hét lớn về phía các đồng đội của Pavlichenko. "Hãy nhìn người phụ nữ kia xem. Cô ấy còn dũng cảm hơn các anh".
Khi một tên lính phát xít muốn chiêu dụ Pavlichenko, cái giá của hành động này vô cùng đắt. Ảnh: Screengrab
Không chỉ đồng đội mà chính người Đức cũng phải nể phục và muốn chiêu dụ Pavlichenko. Một buổi chiều, Pavlichenko hạ gục tên lính điều khiển điện đàm của phát xít Đức ở khoảng cách rất xa dù bị hạn chế tầm nhìn bởi cơn mưa.
Quân Đức cho rằng chỉ có Pavlichenko mới có thể làm được điều đó. Một tên trong số chúng liều lĩnh đứng lên hét lớn: "Pavlichenko, hãy rời bỏ đồng đội của cô và tới với bọn ta đi". Đáp trả, Pavlichenko nổ súng và tên lính của Đức quốc xã đổ gục.
Nữ bắn tỉa huyền thoại của Liên Xô từng có 36 lần đối đầu với các tay bắn tỉa của phát xít Đức và đều giành chiến thắng.
Đối đầu kinh điển
Pavlichenko có cuộc đối đầu căng thẳng nhất với tay bắn tỉa sừng sỏ của phát xít Đức. Ảnh: Pop Flock
Ngày 11/11/1941, Pavlichenko đối đầu với một tay bắn tỉa sừng sỏ của Đức quốc xã khi 60.000 binh sĩ của phe Trục tấn công vào khu vực phòng thủ của thành phố Sevastopol.
Theo thói quen, Pavlichenko chui vào chỗ ẩn náu của mình trước bình minh. Hôm đó, trời có sương mù vào buổi sáng và nữ bắn tỉa Liên Xô nằm chờ mục tiêu như thường lệ.
Khi ánh nắng lên và sương tan, Pavlichenko thoáng thấy một chiếc mũ của quân Đức trên tán cây và cành cây rung rinh. Pavlichenko không lạ chiêu này (buộc dây vào cành cây rồi giật). Cô không ít lần sử dụng nó để thu hút sự chú ý của tay bắn tỉa đối phương. Nếu mắc bẫy, tay bắn tỉa đối phương sẽ khai hỏa và để lộ vị trí. Và đó là quá đủ để nữ bắn tỉa Liên Xô kết liễu đối thủ. Nhận biết được cái bẫy của quân Đức, Pavlichenko dừng lại và kiên nhẫn chờ đợi.
Vài giờ sau, khi mặt trời nhô cao hơn, Pavlichenko phát hiện ra chuyển động nhưng chưa đủ để xác định đó là một mục tiêu rõ ràng. Theo nữ bắn tỉa Liên Xô, đây vẫn là chiêu đánh lạc hướng của tay bắn tỉa phát xít. Pavlichenko vẫn tiếp tục chờ đợi cơ hội.
Pavlichenko "thi gan" cùng tay bắn tỉa Đức trong cuộc đối đầu kéo dài 3 ngày. Ảnh: DM
Không thể chờ lâu hơn, tay bắn tỉa của phát xít Đức nổ phát đạn đầu tiên. Pavlichenko nhìn thấy sự thay đổi đáng ngờ của một bóng đen và sau đó là một tia sáng lóe lên từ họng súng. Phát đạn trúng vào tảng đá mà nữ bắn tỉa Liên Xô đang ẩn náu. Phát bắn thứ 2 trượt đầu Pavlichenko. Cô luồn lách rời khỏi chỗ ẩn náu, cúi thấp người và tận dụng dốc ngược làm nơi ẩn nấp tạm thời trước khi leo lên mỏm đá gần đó và chui vào bụi cây.
Chỗ ẩn nấp mới giúp Pavlichenko có góc quan sát tốt hơn về vùng đất thấp giữa cô và kẻ thù. Nữ bắn tỉa Liên Xô không dám di chuyển. Mây kéo đến và tuyết bắt đầu rơi. Cái lạnh, sự căng thẳng, cơn đói khát bủa vây lấy Pavlichenko nhưng cô vẫn tiếp tục chờ đợi trong một cuộc đấu mà hai bên "thi gan" xem bên nào sẽ mất kiên nhẫn nổ súng trước.
Cuối cùng, tay bắn tỉa phát xít vẫn là người mất kiên nhẫn. Tên này nhô đầu cao hơn để quan sát khu vực nữ bắn tỉa Liên Xô ẩn nấp. "Bùm", một phát đạn trúng vào trán tay bắn tỉa phát xít. Đó là phát bắn duy nhất và cuối cùng của Pavlichenko. "Cuộc đấu súng lần đó chắc chắn là cuộc đối đầu căng thẳng nhất trong cuộc đời tôi", Pavlichenko từng chia sẻ.
Một đội tuần tra của Liên Xô sau đó xác nhận tay bắn tỉa của phát xít là một kẻ sừng sỏ khi nhật ký của tên này đánh dấu đã giết hơn 400 quân Đồng Minh.
Số binh lính phát xít mà Pavlichenko tiêu diệt được là 309. Tuy nhiên, do nữ bắn tỉa Liên Xô thường làm việc độc lập nên con số trên mới chỉ là con số được xác định chính thức. Con số thực tế được cho là gần 500.
Pavlichenko được cử tới Mỹ và Canada để gây quỹ ủng hộ. Ảnh: Sascha Welt
Vì sự nổi tiếng của mình, Pavlichenko được cử đến Mỹ và Canada vào cuối năm 1942 để gây quỹ ủng hộ chiến tranh. Nữ bắn tỉa Liên Xô đã phát biểu tại 43 thành phố Mỹ và là công dân Liên Xô đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng, nơi cô dùng bữa với Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin Roosevelt và Đệ nhất phu nhân Eleanor.
Từ sau lần tới Mỹ đến khi Thế chiến II kết thúc, Pavlichenko trở thành người huấn luyện bắn tỉa ở gần Moscow. Năm 1945, Pavlichenko được xuất ngũ với quân hàm thiếu tá. Bà trở lại Đại học Kiev để hoàn thành chương trình hậu đại học. Bà trở thành nhà sử học và hoạt động trong công tác cựu chiến binh cho tới khi qua đời vì tuổi già ngày 17/10/1974, ở 58 tuổi. Một đường phố ở Sevastopol đã được đặt theo tên bà để ghi nhớ các đóng góp to lớn của nữ bắn tỉa Liên Xô.
Azerbaijan có thể đã phá hủy 4 tỷ USD vũ khí Armenia Giới chuyên gia ước tính Armenia mất hàng trăm xe tăng, thiết giáp, máy bay và khí tài trị giá hơn 4 tỷ USD trong giao tranh với Azerbaijan. Viện nghiên cứu Kinh tế thuộc Đại học Kinh tế Azerbaijan tuần trước công bố báo cáo về thiệt hại khí tài mà quân đội Armenia hứng chịu trong cuộc giao tranh 44 ngày...