Điều hối tiếc nhất cuộc đời
Nước mắt lăn dài trên má, tôi tháo kính lau hoài không hết, những giọt nước mắt này ấm nóng và như keo dính nhẹ nhàng hàn gắn trái tim đang nứt toác của tôi.
Tôi đưa tay chạm vào những con chữ trên máy tính một cách tỉ mẩn như đang chạm vào má của chồng, người đàn ông duy nhất tôi yêu. Tôi khao khát có được đứa con của riêng mình và sợ hãi trước những lời cay nghiệt của mẹ… nhưng cái giá dù có đắt hơn tôi vẫn muốn trả, vì tôi yêu anh.
Bạn thân mến! Đối với bạn điều gì hối tiếc nhất tính đến thời điểm hiện tại? Người ta thường hối tiếc vì những gì đã xảy ra trong quá khứ nhưng quá khứ lại không thay đổi được. Nhưng cô gái trong câu chuyện ngày hôm nay lại hối tiếc về một quãng thời gian còn chưa xảy ra. Vậy điều gì đã khiến cô hối tiếc nhất, để rồi phải chạy trốn đến một đất nước xa xôi? Mời các bạn cùng lắng nghe truyện ngắn:
Truyện ngắn: Điều hối tiếc nhất (Ivy_Nguyen)
- Điều hối tiếc nhất trong cuộc đời bạn là gì?
Ông sếp người nước ngoài đột nhiên hỏi như vậy sau khi tôi xuất sắc trả lời hết các câu hỏi phỏng vấn thuộc chuyên ngành của mình. Đó vốn dĩ chỉ là một câu hỏi màu sắc thêm vào mà thôi. Tôi có thể dí dỏm mà trả lời rằng: Không được ông lựa chọn cho công việc này sẽ là điều hối tiếc nhất của tôi. Nhưng cuối cùng tôi mỉm cười nhợt nhạt và nói cho ông ấy một đáp án khác, đó là đáp án đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi. Ông sếp đã ngạc nhiên khi nghe tôi trả lời, và có thể đã nghĩ rằng tôi hiểu sai câu hỏi. Vì có ai lại đi hối tiếc một quãng thời gian còn chưa xảy ra? Chỉ có tôi biết, tôi đã nghe rõ ràng câu hỏi và cũng đã thành thực trả lời.
Mùa thu năm ngoái, trước khi sự nghi ngờ của tôi về độ nhạy và độ đặc hiệu của que thử thai lên tới đỉnh điểm, và trước khi tôi tin vào lời khẳng định của tay bạn thân là bác sĩ sản khoa rằng vợ chồng tôi rất khó có con thì cái que thử thai thứ n cũng nảy lên được hai vạch. Lão xã nhà tôi đã mừng như phát điên ngày hôm ấy, và dĩ nhiên tôi cũng vậy. Gần mười năm yêu đương và một nửa trong đó là số năm kết hôn, phải đến bây giờ chúng tôi mới có cảm giác tình yêu của mình đã cán tới một cái đích mới.
Tôi còn nhớ, tối đó, lão xã rủ rỉ hỏi tôi: “Em bé lớn bằng nào rồi nhỉ?”. Tôi cười to đáp lại, “Tám tuần thì bằng hạt ngô chứ mấy?”. Có điều hôm sau đi khám, bác sĩ nói đứa bé khỏe nhưng nó nhỏ hơn một xíu so với những đứa bé cùng tuần tuổi. Lão xã tiu nghỉu bảo: “Gọi nó là Vừng nhé vì nó có lớn được bằng hạt ngô như dự kiến đâu”, nhưng tôi trừng mắt cảnh cáo lão. Nhanh thôi nó sẽ lớn bằng bạn bằng bè, thế nên chúng tôi gọi đứa bé là Ngô, dù sau này nó có ngây ngô hiền lành và quê quê như cái tên của nó cũng được, chúng tôi chỉ hi vọng nó có thể khỏe mạnh như những đứa trẻ khác mà thôi.
Khi Ngô lớn hơn một chút vượt qua kích thước hạt ngô và nhắm mục đích to bằng bắp ngô thẳng tiến thì bác sĩ nói Ngô rất yếu, muốn giữ Ngô tôi cần phải hạn chế mọi hoạt động.
Đêm đó lão xã đã xoa lưng và bụng tôi rất lâu mới nói.
- Em à, nghỉ làm đi, mình anh đi làm nhưng anh hứa sẽ chăm sóc tốt cho em và Ngô.
Tôi đã nghĩ thật nhiều, thật kĩ và cuối cùng gật đầu, quyết định ngày ngày ở nhà, nằm trên giường và đọc mấy cuốn sách về sự phát triển của thai nhi, cũng như cách chăm sóc trẻ nhỏ.
Khi Ngô mười ba tuần, chúng tôi đi siêu âm lần thứ tư. Tôi và lão xã đã không dấu được nụ cười khi bác sĩ nói tình trạng thai nhi rất tốt. Có điều đứa nhỏ hay xấu hổ như ba của nó, và ương bướng như mẹ của nó, vì thế mà nó cứ chìa lưng về phía máy siêu âm khiến cho ông bác sĩ vốn là bạn thân của mẹ nó tốn đến ba mươi phút vẫn chẳng soi ra được nó là trai hay gái. Nhưng chẳng hiểu sao tôi và lão xã lại có niềm tin mãnh liệt vào việc nó sẽ là một đứa con gái. Sau hàng tuần tranh cãi, cuối cùng tên của đứa bé đã được chọn. Vì nó sinh vào mùa hạ, và vì tên đệm của ba nó có một chữ Xuân, mẹ nó có một chữ Thu, nên cái tên được chọn cho nó là Hạ Anh.
Mùa hè tới, khi nó ra đời sẽ là mùa hè đáng nhớ cho nó và gia đình nhỏ bé của nó.
Chỉ tiếc rằng, một ngày đầu xuân, khi lão xã đang cố gắng đi làm vì muốn một cuộc sống tốt hơn cho đứa bé và tôi, còn tôi đang học cách quấn tã cho trẻ sơ sinh từ một đoạn băng video thì cơn đau ập đến.
Nó nhanh đến mức mặc dù tôi đã chuẩn bị vô cùng kĩ lưỡng cho tình huống này vẫn không thể cứu vãn được. Tôi đã ôm chặt lão xã mà òa khóc khi bác sĩ nói với chúng tôi bốn chữ:
- Xin lỗi anh chị.
Cơn đau thể xác tra tấn tôi hai ngày hai đêm nhưng nỗi đau trong tim không dừng lại ở đó. Lão xã ôm tôi, thì thào với tôi khi tôi khóc đến mức muốn ngất trong tay lão.
- Em còn có anh mà!
Ừ, tôi còn có lão, nhưng Hạ Anh của chúng tôi thì sao?
Từ bệnh viện trở về, tôi thẫn thờ đi loanh quanh trong căn hộ của mình. Chẳng còn đứa bé, tôi chẳng cần học cách chăm sóc trẻ sơ sinh, thôi cả việc may vá mấy món đồ cho trẻ nhỏ và dừng đọc những cuốn sách về mẹ và bé. Tôi bỗng thấy mình chẳng có việc gì để làm, vô dụng một cách đáng thương.
Trái đất vẫn quay dù tôi và lão xã có đau khổ đến mấy, và Hạ Anh của chúng tôi có đáng thương đến mức nào thì thời gian vẫn lặng lẽ trôi. Tôi biết điều ấy nhưng bản thân lại không có động lực để bước tiếp. Trái tim tôi còn chìm đắm trong đau thương.
Em còn có anh mà. Lão xã nói đúng, thật may là tôi còn có lão. Lão đã ở bên tôi, chăm sóc tôi, an ủi tôi dù rằng nỗi đau lão cảm nhận được cũng chẳng hề ít hơn tôi. Nhìn tôi ngày một tiều tụy và chán chường, lão xã lén lút gửi hồ sơ của tôi tới một vài nơi. Đó cũng là lý do tôi có mặt ở cuộc phỏng vấn này.
Tôi được chọn, lẽ dĩ nhiên, vì kiếm được ai có thể trả lời xuất sắc hơn tôi? Chỉ có điều cầm tờ giấy trúng tuyển trên tay, tôi ngẩn người nhìn bầu trời phía trước. Gió lồng lộng thổi tung mái tóc tôi khiến tôi giật mình, mùa hè đang đến rồi sao?
Mùa hè này tôi sẽ tới một nơi thật xa vì công việc vừa mới nhận được, lão xã thì bắt đầu cho một dự án kinh doanh mới, chỉ có Hạ Anh bé bỏng của chúng tôi sẽ không có mùa hạ nào dành cho nó. Tôi chợt nhận ra cả tôi, lão xã, và đứa bé đều đã bỏ lại sau lưng điều hối tiếc nhất cuộc đời mình: Mùa hạ năm nay, dù nó còn chưa kịp tới.
Các bạn vừa lắng nghe truyện ngắn Điều hối tiếc nhất của tác giả Ivy_Nguyen. Các bạn thân mến, đối với một người phụ nữ thì làm mẹ là thiên chức cao quý nhất. Đa số phụ nữ đều có bản năng làm mẹ, đến một độ tuổi nào đó họ sẽ thèm được nghe tiếng khóc trẻ thơ, thèm được chăm sóc một mầm sống bé bỏng. Thế nhưng thiên chức rất tự nhiên ấy lại trở thành khao khát của những người phụ nữ kém may mắn, khó hoặc không thể sinh con bằng phương pháp tự nhiên. Dường như tác giả Ivy_Nguyen luôn trăn trở về số phận của những người phụ nữ có hoàn cảnh như vậy. Điều này một lần nữa được chị đề cập đến trong truyện ngắn Cái giá của yêu thương. Tiếp theo chương trình, mời bạn lắng nghe truyện ngắn này.
Truyện ngắn: Cái giá của yêu thương (Ivy_Nguyen)
Kì nghỉ đầu tiên sau khi đi du học, tôi chán muốn chết. Bạn bè không về nhà cũng đi du lịch, cả kí túc xá chỉ còn mỗi mình tôi. Chồng gọi điện, dặn dò ra ngoài đi dạo nhiều vào đừng có ru rú trong nhà. Nhưng đi dạo một mình có gì thú vị? Vì không có anh đi cùng em mới ru rú trong nhà đấy.
Tôi đã một mình vượt qua mùa đông dài lạnh giá, ban đầu cứ ngỡ là không thể chịu đựng được vậy mà thời gian chẳng vì vết thương lòng của ai đó chưa lành mà ngừng trôi. Nhắm mắt lại và nằm dài trên giường, tôi nghĩ mình sẽ cứ nằm như thế tới khi anh đi làm về và gọi hỏi: “Em yêu đang làm gì thế?” Nhưng tiếng tin nhắn xuất hiện sớm hơn thường lệ khiến tôi phải ghé mắt nhìn vào màn hình máy tính.
- Chị còn nhớ em không?
Đằng sau cái tên Reo là một chữ Work nên tôi biết đây có thể là một khách hàng từng nhận được dịch vụ tư vấn của mình. Tôi đã bỏ công việc này gần hai năm nay nhưng thỉnh thoảng vẫn nhận được tin nhắn xin lịch hẹn của một vài khách quen. Liếc nhìn đồng hồ, mới bốn giờ chiều tức là khoảng mười giờ sáng ở Việt Nam. Bảy tiếng nữa chồng mới đi làm về, thật chẳng biết phải làm gì trong khoảng thời gian đó, vậy nên tôi ngồi dậy, gõ xuống bàn phím.
- Có chứ, chào Reo, dạo này em có khỏe không?
Với tư vấn viên, nhớ được khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ là yêu cầu số một để họ quay lại hoặc giới thiệu khách hàng khác cho mình. Nhưng tôi đâu có bộ óc bác học mà nhớ được hết, thế nên vừa trả lời tôi vừa mở phần mềm lưu trữ, gõ vào đó cái tên Reo. Kết quả tìm kiếm là: Not found (không thấy). Tôi bặm môi, khẽ nhăn mặt, Reo nào nhỉ? Tôi liếc nhìn tin nhắn đến:
- Hì, lần trước em đặt lịch cho đứa em họ, lâu như thế không ngờ chị nhớ được, chị tài thật.
À, tôi chuyển tên Reo sang tìm kiếm ở mục Relatives (họ hàng) quả nhiên tìm thấy thông tin, hai năm trước cô bé này đã đặt lịch ba buổi giáo dục giới tính cho cô em họ mười sáu tuổi. Tôi gõ xuống:
- Có gì đâu mà tài hả em? Em tốt nghiệp chưa? Tìm chị có việc gì không em?
Khung chat Skype ẩn hiện tên Reo cứ như em đang gõ cái gì đó dài lắm mà hồi lâu chẳng thấy tin nhắn nào gửi tới. Tôi kiên nhẫn chờ không phải vì tôi vốn là người giỏi lắng nghe, công việc tạo cho tôi sự kiên nhẫn đó. Mãi mới thấy Reo nhắn lại.
- Em… em muốn đặt lịch tư vấn.
Tôi đồng ý, đơn giản là vì muốn làm gì đó cho đỡ nhàm chán.
- Em muốn tư vấn khi nào, cho ai, email giúp chị thông tin cơ bản của người đó và nếu có thể thì sơ lược vấn đề khúc mắc nữa nhé.
- Em… là em muốn được tư vấn, và nếu có thể thì ngay bây giờ được không chị?
Thường thì tôi cần thời gian để tìm hiểu hồ sơ và vấn đề mắc phải của khách hàng, nhưng tôi có cảm giác cô bé này đang gặp vấn đề khá nghiêm trọng và cần được chia sẻ ngay nên đồng ý. Có điều ngay sau đấy tôi thấy hối hận vì quyết định đó. Reo đã hai mươi mốt tuổi, khẩn cấp yêu cầu tư vấn tâm lý và giới tính thì lí do thường gặp nhất là có vấn đề về xu hướng chuyện ấy hoặc mang thai. Quả nhiên:
- Chị, em chậm kinh hơn một tháng rồi.
Khi còn trẻ các cô gái tìm mọi cách tránh thai, tới khi có tuổi thì đi khắp nơi chữa trị để sinh được con, đây có thể coi là một xu thế mới của xã hội không? Tôi thở dài, hỏi Reo:
- Còn nhớ ngày kinh cuối cùng không em?
Từ cách tính kì kinh, tôi biết em mang thai hơn hai tháng rồi. Bạn trai là người em quen được bốn tháng thông qua bạn của bạn. Tôi như nhìn thấy được vẻ thẫn thờ của Reo bên kia bàn phím khi cái tên của em một lần nữa ẩn hiện trên khung chat mà chẳng có lời nhắn nào được gửi tới. Tôi không giục mà liếc nhìn đồng hồ, hết giờ tư vấn là tôi hết trách nhiệm. Thực ra tôi không muốn tiếp tục ca tư vấn này. Khi chỉ còn mười phút nữa là hết giờ hẹn thì Reo nhắn:
- Chị ơi, em không giữ đứa bé lại được.
Dẫu biết sự ngập ngừng của Reo rất có thể dẫn tới lựa chọn này, thế mà tim tôi vẫn đau nhói. Vì những ca như thế này mà chồng đã khuyên tôi ngừng công việc tư vấn và giờ tôi hiểu anh ấy nói đúng. Tôi day nhẹ lên ngực như thể muốn dằn xuống chua chát và vỗ về những những vết rạn đang âm ỉ đau trở lại trong con tim mình.
Tư vấn viên không phải là cha mẹ người ta, cũng không phải là quan tòa phán xét đúng sai. Việc của tôi chỉ là lắng nghe khách hàng, xác định nguyện vọng của họ và đưa ra lời khuyên, tất cả chỉ có vậy. Trong tình huống này, việc tôi phải làm là giảng giải nguy cơ của việc phá thai để em cân nhắc lại và nếu em vẫn cương quyết với quyết định thì tôi sẽ cung cấp cho em địa chỉ và bảng giá của một số cơ sở y tế uy tín, dặn dò em cách chăm sóc bản thân sau khi phá thai. Nhưng, đứa bé đầu tiên tôi mất cũng mới chỉ là bào thai hơn hai tháng tuổi, tôi đã không thể cầm lòng mà làm trái quy tắc của một tư vấn viên khi gõ xuống:
- Em à, đứa bé đã có não bộ và trái tim, nếu đi khám, bác sĩ có thể cho em nghe tiếng tim đập. Em đành lòng sao?
Reo không trả lời. Tôi vò đầu bứt tóc một hồi rồi gửi cho Reo mấy file thông tin về dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe rồi tắt máy tính, rồi gắng lắc mạnh đầu và lẩm bẩm mãi một câu: “Chỉ là một khách hàng mà thôi, chỉ là một khách hàng mà thôi…”
Với một người mong con tới đỏ mắt như tôi thì những cuộc tư vấn kiểu này thật sự quá sức chịu đựng. Tôi đã hai lần mang thai nhưng không thể làm mẹ. Lần sẩy thai đầu tiên tôi đã nhận ra sự khác thường bởi bản thân có hiểu biết nhất định với y học nên đã đi khám rất nhiều nơi. Cuối cùng vợ chồng tôi nhận được chẩn đoán: không thích hợp về mặt di truyền. Đơn giản có thể hiểu là chúng tôi đều bình thường về vẻ bề ngoài nhưng có những khiếm khuyết trong bộ gen, nếu kết hôn và sinh con với người khác thì không sao, nhưng hai kẻ cùng khiếm khuyết ấy lại yêu nhau nên những đứa con sẽ mang những dị tật của bố mẹ và cơ thể tôi sẽ đào thải chúng ngay từ khi còn là bào thai.
- Không có con cái thì ngày sau sống thế nào hả? Mày lại thích trẻ con như thế… Thôi còn trẻ hay bỏ đi lấy đứa khác con ạ, hoặc tụi mày mỗi đứa kiếm lấy một đứa con riêng về mà nuôi. – Mẹ tôi vừa lau nước mắt vừa khuyên tôi như thế.
Tôi không tin, không muốn tin vào điều đó nên ép chồng để mang thai thêm một lần nữa, và lần này tôi mất đứa bé ở tháng thứ năm. Tôi như rơi vào hố sâu tuyệt vọng và khốn khổ hơn là mẹ chồng biết chuyện. Bà gây áp lực để vợ chồng tôi bỏ nhau, và bà đã bước đầu thành công khi khiến tôi hoảng sợ mà chạy trốn tới tận đất nước xa xôi này.
***
Tối chồng gọi điện tới, dịu dàng hỏi han:
- Em làm gì hôm nay?
- Em có một ca tư vấn!
- Em…
Tiếng của anh vang lên thấy rõ được sự lo lắng, tức giận, và cả chút gì đó chua xót, tôi vội vàng lấp liếm:
- Thôi nào, anh làm như ai tìm đến em tư vấn cũng là để phá thai ấy. Chỉ là một ca tư vấn cũ xin vài lời khuyên thôi. Em cũng sẽ không tiếp tục công việc này nữa, hứa mà!
Anh thở phào bảo: “Thế thì được”. Mắt tôi hoe đỏ, người đàn ông thương yêu và quan tâm mình tới mức này làm sao tôi có thể buông tay đây? Tôi day day cái mũi cay xè, trêu anh vài câu. Dù đã yêu nhau và làm vợ chồng nhiều năm nhưng chúng tôi vẫn có thể thủ thỉ nói chuyện hàng giờ như hồi mới yêu. Mức độ hòa hợp về tính cách của chúng tôi lớn đến vậy vì sao về di truyền lại đối nghịch nhau cơ chứ?
Nói chuyện với chồng xong tôi hơi bất ngờ khi nhận được email của Reo. Tôi phân vân một lúc mới mở ra xem.
“Chị, em mới nói chuyện với bạn trai. Anh ấy bảo cho anh ấy một tuần để về quê thuyết phục bố mẹ, anh ấy hứa sẽ cưới em và lo cho mẹ con em. Bạn trai em là dân ngoại tỉnh, công việc chưa ổn định, em đã nghĩ anh ấy sẽ kêu em đi phá thai. Em không đủ tự tin và khả năng để làm một bà mẹ đơn thân, em sẽ phải nghỉ học, tương lai của em và của cả đứa bé cũng sẽ bị hủy hoại. Thế nên em mới có ý định phá thai. Nhưng câu nói cuối cùng của chị đã khiến em khóc òa. Cám ơn chị rất nhiều, nhờ chị em có dũng cảm để nói chuyện với bạn trai, có dũng cảm để lựa chọn giữ lại đứa bé.”
Tôi nở nụ cười, trái tim chợt thấy ấm áp lạ thường. Tôi gửi lời chúc phúc tới gia đình nhỏ của Reo. Dù biết Reo chỉ là một khách hàng, nhưng niềm vui của em vẫn len lỏi thật sâu trong trái tim tôi. Tôi hạnh phúc vì đứa trẻ được sinh ra, ngay cả khi người làm mẹ không phải là tôi.
Sau kì nghỉ dài thì không khí học tập của tuần đầu tiên có chút uể oải, trừ kẻ đang chán muốn chết chờ ngày đi học như tôi thì mặt của sinh viên nào cũng có thể dùng cụm từ “dài như cái bơm” để miêu tả. Đám sinh viên trong kí túc xá muốn cải thiện tình hình nên mở party vào cuối tuần, tôi định tham gia nhưng cuối cùng đổi ý vì nhận được email chuyển tiền. Người gửi lấy tên Reo và đặt lịch hẹn trước bữa tiệc nửa tiếng. Vì bận rộn cả ngày trên trường nên tôi không kịp check mail, theo quy tắc nếu tôi không email xác nhận thì buổi tư vấn được đặt lịch sẽ hủy nhưng tôi cảm nhận được có điều gì đó không ổn và tôi không nỡ để Reo phải đối diện với nó một mình.
Tên của Reo ẩn hiện mãi ở khung chat nhưng lần này tôi nhận được tin nhắn và nó rất dài. Gã bạn trai của Reo sau một tuần “về thuyết phục gia đình” đã mất hút, chỗ trọ cũng chuyển đi mất, tự block facebook và tắt máy điện thoại. Reo chưa từng về nhà anh ta nên chẳng biết đi đâu tìm, bạn bè anh ta thì không ai đủ thân thiết để cô thăm hỏi, mà dường như anh ta cũng đã nói gì đó với họ nên tất cả đều tránh mặt Reo. Cái thai trong bụng Reo đã sang tháng thứ ba, và em hoàn toàn tuyệt vọng.
- Ông trời rất thích trêu đùa em chị ạ. Cứ lôi em lên thiên đàng rồi ngay sau đó đày em xuống địa ngục.
Nick của Reo tắt ngóm đèn khi tôi còn chưa đưa ra được một lời tư vấn nào cả. Em ấy thực ra cần một người lắng nghe mình thôi còn quyết định làm gì thì ngay từ đầu em đã có. Tôi đưa tay sờ bụng, nơi này tôi đã từng có hai đứa con của riêng mình chỉ tiếc rằng tôi chẳng thể giữ được chúng. Giá như Reo biết với tôi sinh mạng những đứa trẻ quan trọng tới mức nào? Tôi nhắn với chồng là đi dự party nên anh ấy cũng không gọi tới, vì thế tôi có thể ôm chăn bật khóc một mình trong suốt buổi tối.
Nửa đêm tôi dậy vì tiếng tin nhắn Skype trên điện thoại, người gửi là Reo.
- Chị em ở bệnh viện rồi.
- Em muốn nghe tiếng tim thai một lần.
- Bác sĩ nói nó là là thai đôi chị ạ.
- Chị ơi, em…
Ngón tay tôi run bắn khi lướt qua các tin nhắn. Tôi chẳng có tư cách gì khuyên em giữ hay bỏ nhưng tôi không thể cầm lòng khi đứng trước sinh mạng của không chỉ một mà là hai đứa trẻ.
- Em nên về nhà cho tĩnh tâm lại đã. Đừng vội làm gì dại dột.
Tôi đã nhắn cho Reo như thế dù biết rằng chẳng dễ dàng gì em mới có quyết tâm tới bệnh viện, bây giờ ra về tới khi nào em mới đủ dũng cảm để quay lại? Nếu là một tư vấn viên chuyên nghiệp, tôi nên hỏi em: “Em muốn thế nào? Quyết định của em là gì?” Và trong tình huống này tôi đã biết câu trả lời, lời khuyên của tôi phải là nhắm mắt, thư giãn và chịu đau một lần rồi thôi. Càng kéo dài thì khi phá thai cơ thể em sẽ càng mất thời gian phục hồi, và ảnh hưởng tâm lý tới em càng nặng nề hơn. Nhưng những lời ấy, sao tôi có thể nói được? Chồng nói đúng, nghề này chẳng hợp với tôi.
Reo đã nghe lời khuyên và trở về nhà còn tôi ôm gối thức trắng một đêm. Sáng hôm sau tôi viết mail cho Reo.
“Reo à, chị nói lời này không phải với tư cách một tư vấn viên mà với tư cách một người phụ nữ. Đó là sinh mạng của hai đứa trẻ đấy, xin em hãy suy nghĩ cẩn trọng. Chị có quen biết một số trung tâm tình thương, nếu em quyết định sinh chúng ra, chị sẽ giúp em liên hệ để chúng có thể nhận được bố mẹ nuôi tốt nhất. Hãy cho chúng một cơ hội được nhìn thấy ánh sáng mặt trời được không em?”
Reo không trả lời email ấy của tôi. Tôi chuyển khoản lại số tiền Reo đã trả cho phí tư vấn cộng thêm một số tiền nữa vì tôi biết em khó khăn về tài chính và tôi không xứng đáng nhận tiền khi chưa làm tròn vai trò của tư vấn viên. Reo nhắn lại tức thì:
- Vì sao chị chuyển tiền cho em?
Tôi đã bình tĩnh lại và hiểu dù có nói gì thì tôi cũng không thể sống hộ Reo được, cuộc đời Reo là của cô ấy, quyết định của Reo phải do chính cô ấy lựa chọn. Thế nên tôi đã nói:
- Nếu em muốn bỏ, thì dùng số tiền ấy tới một trung tâm y tế có chất lượng để giảm thiểu di chứng sau khi phá thai. Còn nếu em muốn giữ lại, thì giúp chị mua tặng tụi nhỏ bộ quần áo mới.
Tôi biết Reo đã đọc tin nhưng em ấy không nhắn lại. Dù biết nhiều khả năng Reo sẽ không thay đổi quyết định nhưng tôi vẫn mang một hi vọng mỏng manh và đợi chờ em ấy liên lạc lại. Vì nếu phá thai, vấn đề được giải quyết em sẽ chẳng cần tôi nữa, còn nếu lại tìm tới tôi nghĩa là Reo cần sự giúp đỡ từ tôi cho hai đứa trẻ. Nhưng mọi chuyện chẳng như tôi mong muốn, hai tuần sau khi đang nói chuyện với chồng, tôi nhận được email của Reo.
“Tuần trước em đã tới bệnh viện. Chị có thể mắng em là con quỷ độc ác, không có nhân tính vì em cũng cảm thấy bản thân mình như vậy. Nhưng em làm vậy vì em cũng là một đứa con nuôi. Cuộc sống ở trại trẻ mồ côi khủng khiếp thế nào chị không tưởng tượng nổi đâu. Em đã sung sướng vô cùng khi được nhận nuôi, ai cũng nói đó là “bố mẹ nuôi tốt nhất” và quả thực những ngày tháng sau đó của em vô cùng tốt nhưng nó chấm dứt khi mẹ nuôi em mang thai. Họ bắt đầu ghẻ lạnh em. Khi em đậu đại học, họ nói lo học phí cho em bốn năm nhưng đổi lại đừng quay về nhà nữa.
Em cũng muốn những đứa bé này được nhìn thấy ánh mặt trời, nhưng em không muốn chúng sống khổ sở như em. Em hận người sinh ra và bỏ rơi mình lắm, vì thế em không muốn con sẽ hận em. Em đã không thể quyết định số phận mình rồi nên em muốn có thể đem tới những gì tốt đẹp nhất cho con và bây giờ chưa phải lúc ấy. Vì quyết định này nên em đau đớn và khổ sở lắm, nhưng em coi đó là cái giá phải trả vì sai lầm của mình và vì để thực hiện điều em muốn. Nếu số phận trừng phạt khiến sau này em không thể có con thêm một lần nữa thì em cũng chấp nhận với sự trừng phạt ấy. Cám ơn chị đã không hề phán xét và tôn trọng quyết định của em.”
Tôi hiểu sự khó khăn trong quyết định của Reo nhưng vẫn không nén nổi tiếng khóc xót xa. Chồng lo lắng hỏi:
- Em sao vậy?
- Có một cô bé mang thai đôi mà em tư vấn cách đây không lâu, em… đã nghĩ tới việc thuyết phục em ấy sinh chúng ra và mình sẽ nhận nuôi chúng. Nhưng em biết mẹ sẽ chẳng thể nào đồng ý đâu, việc em nhận hai đứa con nuôi có khi còn là lí do chính đáng để mẹ ép anh bỏ em… Em sợ mất anh… Em cũng chưa hoàn toàn tắt đi hi vọng sẽ có đứa con của riêng mình, em chưa sẵn sàng cho việc nhận nuôi con. Vì thế em đã im lặng và cô bé ấy đã phá thai. Giá như… giá như…
Tôi nói ngắt quãng và cuối cùng khóc nghẹn. Giá như tôi đủ quyết tâm để thuyết phục Reo? Giá như hai đứa bé ấy nằm trong bụng tôi chứ không phải em ấy? Hay giá như mối quan hệ vợ chồng tôi không rơi vào tình huống này? Chính tôi cũng chẳng biết là mình muốn giá như điều gì, nhưng tôi biết tất cả chỉ là “giá như”. Sự thật là chúng tôi không thể sinh con, sự thật là hai đứa bé đã mất, và sự thật là chúng tôi đang cách nhau tới tám nghìn cây số.
Chồng đợi cho cơn xúc động của tôi qua đi mới nhẹ nhàng hỏi tôi có đủ bình tĩnh không vì anh có điều muốn nói. Tôi cuống quýt tắt webcam. Tôi sợ “cái điều muốn nói” này vô cùng, tôi sợ anh không đủ yêu thương tôi, sợ anh muốn có những đứa con của riêng mình, sợ anh không chịu được trước áp lực của mẹ mà bỏ rơi tôi nên đã bỏ trốn, trốn tới tận nơi cách biệt anh tới sáu giờ đồng hồ vào giữa mùa đông lạnh tới buốt tim.
Anh đương nhiên không nhìn thấy vẻ mặt khổ sở và cả sự tuyệt vọng trên khuôn mặt tôi, những tin nhắn cứ lần lượt được gửi tới.
- Vợ à, em luôn như vậy. Em không muốn cô gái kia phá thai nhưng không kiên quyết làm đến cùng, để rồi sự việc xảy ra em lại cảm thấy hối tiếc. Em không muốn chúng ta chia tay, nhưng em lại bỏ mặc anh để một mình chạy trốn. Em có nghĩ rằng nếu cứ trốn tránh như vậy một ngày mình sẽ mất nhau?
- Em đi học được hai tháng, mẹ đem về một cô giúp việc rất trẻ. Em cũng biết chuyện trong nhà anh chưa từng quản đúng không? Nhưng lần này anh không thể ngồi yên được vì nửa đêm cô ta không mặc gì và mò vào phòng mình.
Tôi đờ đẫn đọc những con chữ. Trái tim tôi lạnh ngắt và ngón tay cứng ngắc trước bàn phím.
- Khi anh đuổi cô ta ra ngoài thì mẹ xuất hiện. Mẹ bảo, để cô ta mang thai hộ, đến khi em trở về thì con đã sinh ra rồi, chỉ cần nói với em là đứa trẻ này được nhận nuôi. Nếu anh và mẹ không nói ra, mọi chuyện sẽ êm ấm. Mẹ sẽ không bận tâm về chuyện con cái của chúng ta, em cũng có những tháng ngày thanh thản. Sau khi mất con và trước khi đi du học, nhìn em chẳng còn chút sức sống nào mà vẫn ngày đêm bị mẹ chì chiết, tim anh đau lắm. Không giấu vợ, anh cũng bị lung lay, cũng bị thuyết phục, nhưng rồi anh không làm được. Lừa dối em trên chính chiếc giường của vợ chồng mình, đánh liều với tình yêu của chúng ta… anh không làm được.
- Vợ à, anh không thể bỏ mặc mẹ, nhưng tin tưởng anh được không? Anh nhất định sẽ không bỏ rơi em, và xin em cũng đừng bỏ rơi anh! Anh đã nhiều lần tự nhủ coi việc không có con là cái giá cho việc mình được bên nhau, tuy cái giá đó quá đắt nhưng anh chấp nhận. Anh không muốn mất em. Em à, chẳng lẽ để bên anh em không thể trả cái giá đó sao?
- Vợ à, đừng chạy trốn nữa, học xong về với anh nhé em?
Nước mắt lăn dài trên má, tôi tháo kính lau hoài không hết, những giọt nước mắt này ấm nóng và như keo dính nhẹ nhàng hàn gắn trái tim đang nứt toác của tôi. Tôi đưa tay chạm vào những con chữ trên máy tính một cách tỉ mẩn như đang chạm vào má của chồng, người đàn ông duy nhất tôi yêu. Tôi khao khát có được đứa con của riêng mình và sợ hãi trước những lời cay nghiệt của mẹ… nhưng cái giá dù có đắt hơn tôi vẫn muốn trả, vì tôi yêu anh.
Các bạn vừa lắng nghe truyện ngắn Cái giá của yêu thương của tác giả Ivy_Nguyen. Các bạn thân mến, theo văn hóa phương Đông thì việc kết hôn gắn liền với trách nhiệm làm cha mẹ. Khi yêu người ta coi nhau là tất cả, yêu chỉ đơn giản vì yêu nhưng hôn nhân lại không đơn giản như vậy. Trong nhiều gia đình, việc kết hôn mà không có con là một nỗi bất hạnh, có thể là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân. Nhưng trên tất cả, tình yêu và cả tình nghĩa vợ chồng dành cho nhau mới là điều quý giá nhất. Mong những cặp vợ chồng nào có hoàn cảnh tương tự như trong câu chuyện trên sẽ đủ yêu thương để vượt qua những định kiến khắt khe và giữ gìn hạnh phúc của mình.
Theo blogradio.vn
Dốc tâm thành lập trường mầm non vì tình yêu con trẻ
Với lòng đam mê và yêu mến trẻ, chị Nguyễn Thị Nhiệm đã nuôi một ước mơ, ngày nào đó mình có thể thành lập một ngôi trường mầm non để được yêu thương, chăm sóc các bé. Sau bao nhiêu khó khăn, ước mơ ấy giờ đây đã thành hiện thực.
Trường mầm non Búp Sen Xanh tọa lạc tại phường An Bình, TP. Rách Giá, tỉnh Kiên Giang được thành lập từ tháng 8/2017. Mặc dù mới đi vào hoạt động được khoảng 1 năm nhưng với đội ngũ giáo viên có kỹ năng, chuyên môn, ngôi trường khang trang, sạch đẹp, nên hiện nay số lượng học sinh đã đạt trên 120 bé với các lớp Nụ, Mầm, Chồi, Lá, mỗi lớp trung bình từ 25-27 bé.
Nhớ lại khoảng thời gian ngày đầu thành lập, chị Nhiệm tâm sự: "Với ước mơ cháy bỏng là thành lập một ngôi trường mầm non để thỏa niềm đam mê chăm sóc con trẻ, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp, mặt bằng không có nên ban đầu mình chỉ quản lý một nhóm trẻ gia đình với số lượng khoảng 25 trẻ từ 3 đến 4 tuổi. Rôi cơ duyên đã đến sau một lần minh tình cờ gặp người bạn muốn bán mảnh đất với giá phải chăng.
Sau khi bàn bạc với gia đình, mình đã quyết định mua mảnh đất đó. Đất đã có trong tay song vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng thì còn thiếu hụt đu đương. Giưa lúc chưa biết phải giải quyết thế nào thì môt người bạn kết nghĩa, sau khi nghe mình trình bày đề việc xây dựng trường mầm non, đã nhiêt tinh ủng hộ và bán thiếu cho toàn bộ vật liệu để xây dựng trường, khi nào có sẽ trả dần".
Niềm hạnh phúc của chị Nhiệm bên khu vui chơi của các bé
Từng bước một, chị Nhiệm dân vượt qua nhiêu kho khăn, hoan thiên viêc xây trường va mua sắm đủ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy, nuôi dưỡng các bé.
Khi đã hoàn thành mọi thủ tục pháp lý, việc tìm kiếm học sinh cũng là điều làm chị suy nghĩ nhiều đêm. Đích thân chị hàng ngày lặn lội khắp các con ngõ, khu phố, đến từng hộ gia đình có con nhỏ để mời họ gửi con vào học.
Các bé chăm chú tập tô màu
Việc tuyển giáo viên cũng là điều khó khăn, bởi chăm sóc trẻ nhỏ cần có nghiệp vụ, kỹ năng và lòng yêu trẻ. Chị Nhiệm đã liên hệ với Trường cao đẳng Sư phạm va Phòng Nội vụ thành phố Rạch Giá để được hô trơ tuyên dung nhân sư cho trương. Cuôi cung, chi cung co đươc một đội ngũ giáo viên mâm non co nghiêp vu, kỹ năng tốt, săn sang đông hanh cung chi tư buôi ban đâu trương đi vao hoat đông.
.
Một tiết dự giờ của cô và trò trường mầm non Bup Sen Xanh
Y thưc trach nhiêm xa hôi cua minh, trường mầm non Búp Sen Xanh ngoài việc thu học phí, dịch vụ đối với trẻ em bình thường, còn có các chế độ giảm miễn, ưu tiên cho con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn. Trẻ em khi đến đây, ngoài việc được chăm sóc, nuôi dưỡng còn được học ngoại ngữ, tham gia các trò chơi vận động ngoài trời.
Những bữa ăn với đầy đủ dinh dưỡng cho các bé
"Với quyết tâm yêu nghề, mến trẻ, mình sẽ luôn cầu thị và cô găng học hỏi nhiều hơn để ngôi trường ngày càng được hoàn thiện, hiện đại, nhằm góp phần phục vụ nhu cầu của cha mẹ phụ huynh và vì tương lai của trẻ thơ", chị Nhiệm chia sẻ.
Mai Khoa
Theo phunuvietnam.vn
Bắt nhịp dạy tốt, học tốt từ đầu năm học Bước vào năm học mới, sau thời gian dài được nghỉ hè, vui chơi thoải mái, không ít học sinh bị rơi vào tình trạng "hổng" kiến thức, mất cân bằng trong học tập. Một số học sinh khác có biểu hiện uể oải, mệt mỏi, ngủ gật trong giờ... Các thầy cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, giúp học...