Điều hay nhất của Apple đêm qua không phải là sản phẩm
Không phải là phần mềm hay quyết định chuyển đổi sang CPU Apple Silicon, màn thuyết trình trực tuyến của Apple mới là thứ có thể được ’ sao chép’ sớm nhất.
David Lumb, biên tập viên TechRadar trao đổi về sự kiện giới thiệu của Apple
Rạng sáng 23/6, Apple đã tổ chức lễ ra mắt trong sự kiện WWDC 2020. Do tình hình của dịch Covid-19, đây là lần đầu tiên buổi chia sẻ được làm hoàn toàn trực tuyến.
Ra mắt trực tuyến trong mùa dịch đã trở thành hình thức phổ biến, khi mọi công ty đều phải lựa chọn hình thức này. Tuy nhiên, cách ra mắt của Apple vẫn tạo nên sự khác biệt, bởi nó giống như một bộ phim không hề có độ trễ hay lỗi nào trong suốt 2 giờ.
Hình ảnh ấn tượng mở đầu cho màn ra mắt WWDC 2020 trực tuyến của Apple.
“Sân khấu Apple Park không khán giả thật sự ấn tượng”, phóng viên Shara Tibken của Cnet viết trên trang cá nhân, khi hình ảnh mở đầu của sự kiện là CEO Tim Cook ngồi chia sẻ với hàng ghế trống và những ánh đèn sân khấu làm nền.
Bộ phim của Apple
Đó không phải là lần duy nhất Apple gây ấn tượng về mặt thị giác trong sự kiện trực tuyến. Suốt gần 2 giờ đồng hồ sau đó, những đoạn nói chuyện của các lãnh đạo và quản lý Apple lần lượt được trình chiếu như những đoạn quảng cáo, tất nhiên với thời lượng dài hơn.
Apple thể hiện sự chăm chút cho từng đoạn giới thiệu, khi mỗi đoạn phim đều được quay ở những bối cảnh, phông nền khác nhau. Tim Cook ngồi trong sân khấu của Apple Park. Craig Federighi, Phó chủ tịch phần mềm nói trong căn phòng với màn chiếu sau lưng.
Những đoạn giới thiệu được chuyển cảnh liên tục, khiến người xem bớt nhàm chán.
Cindy Lin, quản lý mảng truyền thông giới thiệu tvOS trong một phòng khách của gia đình. Johny Srouji, Phó chủ tịch công nghệ phần cứng nói về dự án chuyển đổi sang CPU ARM trong căn phòng chứa đầy những chiếc Mac và các phần cứng của Apple.
Tất cả đều rất hợp lý, và rất… đẹp. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyển cảnh liên tục nhưng cũng rất tự nhiên khiến cho quá trình theo dõi sự kiện WWDC 2020 luôn tạo được hứng thú và không hề nhàm chán, thậm chí đôi lúc còn hào hứng hơn một số sự kiện gần đây của Apple được tổ chức trong khán phòng với đầy đủ khán giả.
Để ví von, sự kiện WWDC 2020 giống như một bộ phim. Bạn có thể tua qua từng đoạn và luôn nhận ra một cảnh đẹp, ấn tượng trong bộ phim đó. “Kịch bản”‘ của bộ phim này cũng khá chặt chẽ, với phần “cao trào” là CPU Apple Silicon được để sau cùng.
Chỉ Apple nhìn ra sự khác biệt?
Chẳng khó để nhận thấy WWDC 2020 khác biệt với những sự kiện công nghệ diễn ra nửa đầu năm 2020 thế nào. Vì tình hình dịch bệnh, các hãng công nghệ đều phải chuyển đổi sang ra mắt trực tuyến.
Tuy nhiên, cách ra mắt của phần lớn hãng công nghệ đơn giản là chuyển một sự kiện ra mắt thông thường lên phát trên mạng. Vẫn là một vị lãnh đạo công ty đứng trên sân khấu nói với khán giả. Phía sau vẫn sẽ là một màn hình hiển thị các thông tin. Khi phát sóng trên mạng, hình ảnh của vị lãnh đạo và bảng thông tin sẽ được để cạnh nhau để minh họa cho những phát ngôn/
Nói cách khác, nếu bạn từng theo dõi một sự kiện ra mắt sản phẩm thông thường qua mạng cách đây vài năm, thì trải nghiệm xem sự kiện diễn ra trong mùa Covid-19 vẫn y hệt như vậy.
Sự kiện ra mắt P40 Pro, diễn ra tháng 3/2020 vẫn diễn ra theo cách cũ, an toàn nhưng nhàm chán.
So sánh với những sự kiện nói trên, Apple đã làm khác hẳn. Họ biết rõ rằng sẽ không có một khách mời nào được mời tới sân khấu, mà mọi người đều sẽ xem qua mạng, do vậy cách tổ chức sự kiện cũng phải khác biệt.
Không cần lãnh đạo xuất hiện trên sân khấu và chờ đợi những tràng vỗ tay, cũng chẳng cần chờ đợi những khoảnh khắc công bố khiến người xem bất ngờ và hưởng ứng, Apple lựa chọn cách “an toàn” nhưng vẫn phá cách. Đó chính là bộ phim mà hãng đã đầu tư, tốn kém và mất công sức hơn, nhưng lại khiến người xem hào hứng hơn.
Sau sự kiện WWDC 2020, rất có thể nhiều hãng công nghệ sẽ nhận thấy cách ra mắt của Apple thú vị như thế nào. Có lẽ sẽ có hãng tìm cách sao chép sự kiện này, giống như phong cách thuyết trình của Steve Jobs đã trở thành chuẩn mực của nhiều sự kiện công nghệ.
Nếu xét về ảnh hưởng, có lẽ iOS 14 hay máy Mac chạy CPU ARM còn không tạo được ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng như cách mà Apple tổ chức sự kiện.
iOS 14 không có quá nhiều tính năng đột phá so với iOS 13
Những thay đổi trên tất cả nền tảng Apple vừa công bố tại WWDC 2020
Xuyên suốt sự kiện WWDC 2020, ngoài việc giới thiệu những thay đổi trên các nền tảng iOS, iPadOS, tvOS, macOS, watchOS, Apple liên tục nhấn mạnh về tính bảo mật và riêng tư đối với người dùng.
iOS 14
iOS được bổ sung hàng loạt tính năng mới và thay đổi đáng kể về giao diện
iOS 14 khởi đầu cho sự kiện WWDC 2020 của Apple. Phiên bản hệ điều hành mới dành cho iPhone có thể xem là nền tảng được thay đổi nhiều nhất trong sự kiện lần này. iOS 14 đánh dấu bước thay đổi lớn về cách Apple trình bày giao diện các ứng dụng được cài đặt trên iPhone khi hãng giới thiệu App Library, tính năng tự động nhóm các ứng dụng cùng phân loại vào danh sách, tổ hợp. Việc này giúp người dùng giảm bớt số lượng trang giao diện trên điện thoại, đồng thời tăng khả năng kiểm soát phần mềm trên máy. So với App Drawer trên Android, App Library có nét tương đồng nhưng thông minh hơn nhờ khả năng tự động tạo nhóm ứng dụng.
Widgets cũng mang thay đổi về giao diện, khiến những người từng sử dụng hoặc biết tới Windows Mobile của Microsoft có chút thân quen. Giờ đây, Widgets trên iOS sở hữu nhiều kích thước hơn để người dùng dễ dàng lựa chọn, ưu tiên không gian hiển thị đối với những bảng hay sử dụng. Người dùng cũng có thể thêm Widgets vào màn hình chính cùng với các ứng dụng khác thay vì phải mở một trang riêng như trước đây.
Picture-in-Picture (Ảnh lồng ảnh) lần đầu xuất hiện trên iOS, cho phép người dùng xem một ứng dụng ở dạng pop-up nổi trên giao diện của một phần mềm khác, tránh ảnh hưởng tới khả năng hiển thị. Tính năng này khả dụng với cả tập tin hình ảnh lẫn video, nhờ đó chủ nhân máy iPhone có thể vừa xem TV hoặc phim trên điện thoại, vừa trả lời tin nhắn, đọc web, lướt mạng xã hội hay trả lời email...
Siri cũng sở hữu giao diện mới, nhỏ gọn và tiện dụng hơn thay vì kích hoạt riêng chiếm trọn giao diện thiết bị như trước đây. Phần cửa sổ hiển thị của Siri sẽ nhỏ, nằm ở giữa góc dưới của màn hình với biểu tượng Siri động. Trợ lý ảo của Apple cũng được bổ sung khả năng gửi tin nhắn âm thanh.
Messages được cải tiến và trở nên giống với ứng dụng mạng xã hội Facebook Messenger hơn. Giờ đây người dùng có thể bấm trả lời riêng tin nhắn trong một nhóm, "thả" tương tác cho tin nhắn... Khả năng gắn những đoạn hội thoại quan trọng hoặc hay sử dụng lên đầu danh mục hiển thị của ứng dụng Messages cũng là một điểm nhấn đáng kể trong bản cập nhật lần này.
Ngoài ra, hãng cũng cập nhật tính năng cho một số phần mềm như CarPlay (hỗ trợ ứng dụng đỗ xe, sạc xe điện, biến iPhone thành khóa NFC đối với một số mẫu phương tiện có hỗ trợ...), Maps (bản đồ với khả năng gợi ý địa điểm tốt hơn, thêm hỗ trợ phương thức di chuyển bằng xe đạp...).
iPadOS 14
iPadOS có mọi cập nhật như iOS nhưng thêm nhiều tính năng độc quyền cho máy tính bảng
Được tách ra từ iOS, iPadOS là nền tảng mới vẫn mang trọn bộ các tính năng của iOS nhưng bổ sung thêm một số khả năng đặc quyền dành cho máy tính bảng của Apple, giúp việc trải nghiệm và hỗ trợ công việc được tốt hơn. iPadOS 14 sở hữu mọi nâng cấp của iOS 14, thay đổi nhẹ về giao diện Widgets, bổ sung cửa sổ tính năng mở rộng và sidebar (thanh công cụ bên hông giao diện). Ngoài ra, Apple cũng lần đầu cho phép người dùng iPad thay đổi ứng dụng email và trình duyệt mặc định trên thiết bị này.
Apple Pencil - thiết bị ngoại vi hỗ trợ cho iPad cũng được bổ sung tính năng mới có tên Scribble, cho phép thiết bị nhận dạng chữ viết tay và chuyển sang dạng chữ in. Nếu người dùng viết nội dung trong ứng dụng Notes, iPad giờ đây có thể sao chép và dán phần thông tin đó vào bất kỳ phần mềm nào có hỗ trợ. Như vậy, người dùng vẫn có thể viết trên iPad để thực hiện việc tìm kiếm thông tin trực tuyến hay chỉnh sửa nội dung văn bản, tài liệu...
iPadOS 14 cũng có khả năng nhận dạng số điện thoại hoặc địa chỉ để hiển thị khung gợi ý tác vụ cho người dùng (gọi điện hoặc chỉ đường). Tính năng này hiện mới khả dụng với tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Universal Search - tính năng tìm kiếm ngay trong ứng dụng từng xuất hiện trên các thiết bị chạy BBOS, BlackBerry OS giờ cũng xuất hiện trên iPadOS để người dùng có thể tìm kiếm danh bạ, tài liệu hoặc bất kỳ nội dung gì ngay tại giao diện đang sử dụng mà không cần chuyển qua mục tìm kiếm chuyên dụng.
watchOS
watchOS 7 tập trung nhiều hơn vào các tính năng theo dõi sức khỏe
Không có nhiều thay đổi trên watchOS như iOS hay iPadOS, nhưng Apple vẫn cập nhật cho mẫu đồng hồ thông minh của mình những tính năng cần thiết. Giờ đây, phiên bản watchOS 7 đã thêm khả năng theo dõi giấc ngủ, đồng thời bổ sung một số hoạt động thể dục thể thao mới vào ứng dụng rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, đáng buồn là các máy Apple Watch đời 1 và 2 sẽ không được hỗ trợ cập nhật, đồng nghĩa người dùng phải sử dụng Watch Series 3 trở về sau, đồng thời có từ iPhone 6S trở đi để cập nhật iOS 14 mới có thể nâng cấp phần mềm cho đồng hồ.
Trong số này, theo dõi giấc ngủ có lẽ là tính năng được yêu cầu nhiều nhất từ khi thiết bị này ra đời. Người dùng có thể làm được khá nhiều việc với các tính năng liên quan tới sức khỏe, giấc ngủ trên watchOS 7 như đặt lịch đi ngủ để máy tự chuyển về chế độ không làm phiền, chuyển trạng thái màn hình và độ sáng...
Đặc biệt, chủ nhân của Apple Watch giờ đây có thể chia sẻ các loại mặt đồng hồ mình yêu thích và tự tạo ra các tổ hợp ứng dụng để hiển thị trên đồng hồ theo nhu cầu cá nhân. Liên quan tới đại dịch Covid-19, Apple bổ sung hệ thống phát hiện hành vi rửa tay trên Watch, tự nhận biết khi nào người dùng bắt đầu rửa tay và tiến hành bộ đếm lùi giúp người dùng biết khi nào họ rửa tay đủ lâu theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.
tvOS
tvOS kết nối với HoneKit và mang giao diện gần giống iOS
tvOS mới sẽ thêm khả năng kiểm soát trực tiếp các phụ kiện thuộc HoneKit thông qua trung tâm điều khiển mới, có giao diện tương tự như iOS và iPadOS. Khả năng chia sẻ âm thanh với tai nghe AirPod cũng được tăng cường, đồng thời hỗ trợ chia sẻ video trực tuyến từ ứng dụng Photos trên thiết bị iOS với độ phân giải tối đa tới 4K.
HomePod, mẫu loa thông minh chạy tvOS cũng được cập nhật hỗ trợ dịch vụ chơi nhạc không phải Apple Music, tuy nhiên "táo khuyết" chưa cho biết sẽ dùng được với sản phẩm của đơn vị nào.
macOS Big Sur
Cập nhật lớn nhất trên macOS 10.16 có lẽ là ứng dụng Safari
Big Sur là tên địa danh tuyệt đẹp thuộc bờ biển miền trung California (Mỹ) được lấy để đặt tên cho phiên bản macOS mới. Với số phiên bản macOS 10.16, nền tảng này được thiết kế lại nhiều về giao diện kể từ lần gần nhất là macOS 10. Big Sur "vay mượn" một số yếu tố thiết kế từ iOS như trung tâm điều khiển tùy biến, trung tâm thông báo mới... Một số ứng dụng cũng được thiết kế lại biểu tượng như Mail, Photos, Notes, iWork, Messages...
Các máy tính Mac cũng được cập nhật phiên bản ứng dụng Maps mới với nhiều tính năng hơn (cũng mượn từ iOS).
Các biểu tượng ở thanh Dock mang thiết kế mới với nhiều nét tương đồng như trên iOS, một nỗ lực được "táo khuyết" giải thích "để biểu tượng ứng dụng trên hệ sinh thái Apple được đồng nhất trong khi vẫn giữa nguyên được tính cá nhân hóa trên Mac".
Đúng như tên gọi, Big Sur cũng mang tới bản cập nhật lớn nhất từ trước tới nay kể từ khi trình duyệt web Safari ra đời. Công ty cho biết trình duyệt này có tốc độ xử lý nhanh hơn 50% so với Chrome và mở được nhiều thẻ trên màn hình hơn. Việc giữ chuột trên mỗi tab sẽ giúp người dùng xem trước được nội dung của trang đó và thao tác chuột phải sẽ mang tới lựa chọn đóng toàn bộ tab nằm bên phải của thẻ đó.
Safari cũng bắt đầu hỗ trợ các tiện ích mở rộng được thiết kế cho những trình duyệt khác và sở hữu một kho tiện ích riêng. Không như các đối thủ trên thị trường, Safari cho phép người dùng tùy chỉnh website nào sẽ được chạy tiện ích mở rộng nào. Việc ngăn chặn website theo dõi hành vi của người dùng cũng được nâng lên tầm cao mới.
Theo công bố của Apple, tất cả phiên bản cập nhật mới nói trên sẽ được hãng tung ra vào mùa thu năm nay, tức khoảng từ tháng 9 tới.
Apple đang lộ rõ hình ảnh xấu xí hơn bao giờ hết Apple bước vào Hội nghị WWDC 2020 trong lúc phải đối mặt với làn sóng phản ứng gay gắt nhất từ giới công nghệ kể từ khi App Store 'chào đời' năm 2008. Trong năm tài chính 2019, các nhà phát triển ứng dụng bên thứ ba đã giúp Apple bỏ vào túi mảng dịch vụ thêm 46 tỷ USD, tương đương với...