Điều gì xảy ra sau khi phương Tây dự báo Nga ’sụp đổ’ do xung đột ở Ukraine?
Thay vì giới lãnh đạo Nga phải đối mặt với vấn đề đoàn kết, chính Ukraine và phương Tây lại đang gặp phải sự chia rẽ và bất đồng về chiến lược chiến tranh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhận định của Tiến sĩ Lim Teck Ghee, nhà sử học kinh tế, nhà phân tích chính sách người Malaysia trên mạng tin eurasiareview.com, chỉ một năm trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo phương Tây đã tuyên bố sự thất bại sắp xảy ra của Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Khi đó, một số thất bại trên chiến trường, thương vong nặng nề và binh biến ở Nga được coi là những nguyên nhân buộc Tổng thống Vladimir Putin có khả năng phải rút quân khỏi Ukraine.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây, được bổ sung bởi các đồng minh của họ – đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore ở châu Á – đã khiến Nga phải chịu gánh nặng lớn hơn trong việc giành nguồn lực cho cuộc chiến mà không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga. Mặt khác, Ukraine là nước nhận được nguồn hỗ trợ nước ngoài dồi dào chưa từng có, cả về quân sự và phi quân sự. Khoản hỗ trợ này được ước tính mới nhất là 233 tỷ USD.
Mỹ, NATO và Ukraine kỳ vọng thất bại của Nga sẽ dẫn tới sự hỗn loạn ở Nga. Truyền thông phương Tây khi đó liên tục đưa ra câu chuyện rằng Tổng thống Putin sẽ không thể tại vị nếu thua trong cuộc xung đột ở Ukraine. Vậy tình hình thực tế hiện nay liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine như thế nào?
Rõ ràng, dự đoán về tổn thất quân sự của Nga đã không xảy ra. Một cuộc phản công được kỳ vọng lớn của Ukraine đã thất bại trong bối cảnh Kiev và phương Tây đổ lỗi cho nhau ai là người chịu trách nhiệm. Tướng Zaluzhnyi, chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Ukraine, trong một cuộc phỏng vấn được công bố rộng rãi, gần đây đã lưu ý rằng bế tắc quân sự đã xuất hiện trong cuộc chiến. Vì điều này, ông đã bị Tổng thống Zelensky nhắc nhở.
Như vậy, thay vì giới lãnh đạo Nga phải đối mặt với vấn đề đoàn kết, chính phía Ukraine lại đang gặp phải sự chia rẽ và bất đồng về chiến lược chiến tranh. Trong khi đó, các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy Mỹ có cái nhìn bi quan về tình hình xung đột. Nhấn mạnh những điểm yếu trong hệ thống vũ khí và phòng không của Ukraine, các quan chức, nhà phân tích và phương tiện truyền thông phương Tây dự đoán cuộc chiến sẽ bế tắc trong nhiều tháng tới.
Video đang HOT
Và có lẽ, quan trọng nhất, không chỉ có phía Ukraine đang mệt mỏi vì chiến tranh. Các nước NATO và Mỹ đã chứng kiến sự ủng hộ của công chúng dành cho Kiev ngày càng giảm và sự phản đối ngày càng tăng đối với việc tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Ngược lại về phía Nga, Tổng thống Putin vẫn tỏ ra tự tin hơn bao giờ hết. Trong những ngày đầu sau cuộc binh biến trong lực lượng Wagner dưới thời Prigozhin vào tháng 6/2023, truyền thông phương Tây đã đưa tin rằng ảnh hưởng của ông Putin đã suy yếu nghiêm trọng. Nhưng hóa ra đó là sự phán đoán sai.
Mới đây, ông Putin đã tuyên bố ý định tái tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2024, một động thái sẽ giúp nhà lãnh đạo Nga tiếp tục nắm quyền ít nhất cho đến năm 2030. Hiện ông Putin dường như không có đối thủ cạnh tranh nào đủ mạnh, nên khả năng giành chiến thắng của ông là khá cao. Các cuộc thăm dò mới nhất vào tháng 10/2023 cho thấy 80% người Nga ủng hộ Tổng thống Putin. Mức độ ủng hộ cao hơn 5% so với tháng 9/2022, khi con số này giảm sau thông báo huy động một phần.
Cần lưu ý rằng ở tuổi 71, ông Putin trẻ hơn Tổng thống Joe Biden hay Donald Trump, những ứng cử viên dẫn đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Ai giành chiến thắng về phía Mỹ sẽ phải đối mặt với một thực tế không thể tránh khỏi là ông Putin sẽ nắm quyền chính trị lâu hơn họ cũng như được duy trì bởi sự ủng hộ của đại đa số người dân Nga.
Vậy ông Putin muốn gì ở Ukraine? Câu trả lời cho những vấn đề này đã được người đứng đầu Điện Kremlin đưa ra trong cuộc họp báo thường niên, trong đó các nhà báo Nga và nước ngoài cũng như công chúng đã hỏi ông về nhiều chủ đề, bao gồm các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva, xung đột Ukraine và Gaza, mối quan hệ của Nga với Mỹ và các đồng minh cũng như sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Về Ukraine, ông Putin nói rõ rằng sẽ không có hòa bình cho đến khi Nga đạt được các mục tiêu của mình, điều mà ông khẳng định là không thay đổi.
Giải thích rằng Moskva đang tìm cách “phi phát xít và phi quân sự hóa Ukraine” cũng như đảm bảo “tình trạng trung lập” của Kiev, ông Putin nói với công chúng Nga và phần còn lại của thế giới rằng hòa bình sẽ đến ngay khi đạt được những mục tiêu này,
Bây giờ Ukraine, Mỹ và NATO phải quyết định xem họ nên làm gì tiếp theo trước lập trường rõ ràng này của một người có thể là nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng nhất của Nga trong 100 năm qua và là người lãnh đạo một quốc gia có bề dày lịch sử, sự kiên cường và khả năng phục hồi trong các cuộc chiến tranh bất chấp những yếu tố bất lợi nhất chống lại họ.
Nguyên nhân khiến Áo bất ngờ ủng hộ lệnh trừng phạt Nga của EU
Theo Reuters ngày 17/12, Áo đã thông qua gói trừng phạt Nga thứ 12 của EU sau khi Ukraine loại Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen, ngân hàng phương Tây lớn nhất ở Nga, khỏi danh sách đen.
Sự hiện diện của Raiffeisen nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa Áo và Nga. Ảnh: globalcapital.com
Danh sách đen của Ukraine không có giá trị pháp lý, nhưng có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, củng cố áp lực buộc ngân hàng Raiffeisen phải rời khỏi Nga. Đây là động thái mà ngân hàng Raiffeisen của Áo sẵn sàng thực hiện nhưng vẫn chưa xảy ra.
Áo đã muốn Ukraine loại Raiffeisen khỏi danh sách đen để đổi lấy việc thông qua gói trừng phạt Nga mới nhất của EU.
Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen của Áo vận hành một hệ thống thanh toán ở Nga cung cấp dịch vụ cho hàng trăm công ty. Sau áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý quốc tế, ngân hàng này đã công bố ý định chuyển hoạt động kinh doanh của mình khỏi lãnh thổ Nga.
Trước đó vào ngày 15/11, Ủy ban châu Âu đã đệ trình lên Hội đồng EU các đề xuất về gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga. Đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 120 cá nhân và thực thể với cáo buộc liên quan đến việc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Ngoài ra, EU đề xuất các lệnh cấm mới đối với nhập khẩu và xuất khẩu kim cương của Nga, cũng như các biện pháp tăng giá dầu và chống hành vi lách lệnh trừng phạt của EU.
Đến ngày ngày 12/12, các đại sứ EU đã không đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt Nga này. Quyết định này bị cản trở bởi Áo, khi chính phủ nước này yêu cầu Ukraine loại Ngân hàng Quốc tế Raiffeisen khỏi danh sách "các nhà tài trợ quốc tế cho chiến tranh".
Cho đến hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của Hội đồng châu Âu trong năm 2023 diễn ra từ 14-15/12, có thông tin Vienna tiếp tục chặn gói trừng phạt Nga thứ 12. Cùng lúc đó, nước này tiến hành đàm phán để buộc Kiev loại Raiffeisen khỏi danh sách đen.
Mặc dù Áo công khai ủng hộ Ukraine, nhưng một số quan chức nói chuyện với Reuters cho biết họ không muốn cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với Nga vì cho rằng vẫn có thể khôi phục quan hệ. Đầu tháng 10, Ngoại trưởng Áo, Alexander Schallenberg, đã công khai chỉ trích danh sách đen của Ukraine là tùy tiện tại cuộc họp của các bộ trưởng châu Âu ở Kiev.
Sự hiện diện của Raiffeisen nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa Áo và Nga, vốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ thông qua các đường ống dẫn khí đốt và tài chính của Moskva, với Vienna là trung tâm thu nhận tiền mặt từ Nga và các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ.
Mặc dù UniCredit của Italy cũng có hoạt động kinh doanh ở Nga nhưng Raiffeisen lớn hơn nhiều và đã trở thành một phép thử cho quyết tâm của phương Tây trong việc chấm dứt quan hệ với Nga.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã đổ hàng tỷ USD viện trợ tài chính và quân sự vào Ukraine và ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga sâu rộng, nhưng sau hơn 21 tháng giao tranh, Kiev đang gặp khó khăn hơn trong duy trì sự ủng hộ này.
Châu Âu đang mệt mỏi và mất tập trung về Ukraine? Thật khó để thoát khỏi cảm giác rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine - ngay cả ở châu Âu - đang mất dần sự quan tâm đến những gì từng là ưu tiên hàng đầu của họ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Tổng thống Moldova Maia Sandu tại cuộc họp...