Điện, xăng cùng tăng giá: Lo giá cả leo thang
Theo các chuyên gia, với việc giá xăng tăng 1.610 đồng/lít ngày 11/3, tiếp đến giá điện tăng 7,5% từ 16/3, Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng từ tháng 5 tới, sẽ khiến nhiều mặt hàng có nguy cơ ồ ạt tăng giá theo.
Người dân lo giá cả sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng trước việc xăng, điện đồng loạt tăng giá. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vẫn bức xúc “độc quyền”
Chuyên gia kinh tế – TS Lưu Bích Hồ cho biết, giá điện tăng, vấn đề nằm ở tính minh bạch giá thành. “Người dân vẫn chưa yên tâm với cách tính giá thành điện hiện nay. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói, tăng giá sẽ tăng thu thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, giúp bù lỗ, cải thiện khả năng tích lũy để đầu tư tiếp… Tất cả lý do nêu lên chưa đủ sức thuyết phục, rất khó chấp nhận do anh còn độc quyền. Giờ giá điện tăng người dân phải chấp nhận, nhưng họ yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu EVN”, TS Hồ nói.
Chuyên gia về giá Ngô Trí Long nói: Điện và xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng với toàn bộ nền kinh tế. Khi hai mặt hàng này tăng giá sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá lên. Khi điện tăng 7,5%, các cơ sở tiêu thụ điện lớn cũng quyết định sẽ tăng giá hàng hóa ở mức tương ứng. Theo vị chuyên gia này, giá cả thời gian qua thấp không phải do chúng ta cải thiện được năng suất, chất lượng, hiệu quả, chủ yếu do giá xăng dầu giảm, sức mua yếu, hàng tồn nhiều nên doanh nghiệp phải giảm giá bán.
“Trong khi chi phí đầu vào tăng, nhưng doanh nghiệp không dám tăng giá bán hàng hóa, vì lo sức mua lại giảm, khiến tồn kho tăng… Hậu quả, doanh nghiệp đã khó càng khó thêm, thu nhập người lao động giảm, doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng, xa hơn là suy thoái kinh tế”, ông Long nói.
Đồng tình với ý kiến về giá điện chưa minh bạch, ông Long bổ sung, giá thành điện hiện nay được EVN đưa vào cả các yếu tố về quản trị kém, thất thoát lớn, đầu tư ngoài ngành, chi phí bất hợp lý (chi tiền làm biệt thự, bể bơi, thăm nước ngoài…).
Ngoài ra, EVN so sánh giá điện với các nước trong khu vực rồi nói Việt Nam còn thấp cũng không thuyết phục. Ông dẫn chứng, giá điện của Malaysia tương đương Việt Nam, nhưng nước này có hơn 90% lượng điện là từ nguồn nhiệt điện (than, khí, dầu) – mức giá bằng Việt Nam là thấp. Trong khi đó, Việt Nam có gần 60% là từ thủy điện, mà giá bằng Malaysia là quá đắt.
Video đang HOT
“Tất cả những lý do EVN đưa ra đều là ngụy biện, chứng tỏ cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng vai trò giám sát và kiểm tra, để EVN tính chi phí giá thành một cách hợp lý. Còn nói giá điện tăng mọi người được hưởng, hoặc nói là nếu không tăng giá sẽ phá sản, đó là điều phi lý, phi thị trường, không chấp nhận được”, ông Long nói.
Về giá xăng dầu, cả TS Lưu Bích Hồ và TS Ngô Trí Long đều đồng tình, hiện giá xăng dầu đã cơ bản theo thị trường thế giới, nên khi tăng lúc giảm. Vấn đề chỉ nằm ở việc điều tiết quỹ bình ổn và hài hòa lợi ích của người tiêu dùng với doanh nghiệp. “Tuy nhiên, vừa rồi chúng ta tăng thuế môi trường với xăng dầu quá cao, quá sốc (tăng lên 3.000 đồng/lít xăng)”, ông Long nói.
Giá xăng tăng thêm 1.600 đồng lúc 15h ngày 11/3 sẽ góp phần tạo nên một mặt bằng giá mới. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo TS Lưu Bích Hồ, đợt tăng giá xăng dầu và điện này sẽ tác động lên giá lương thực thực phẩm. Do mặt hàng lương thực thực phẩm chủ yếu phụ thuộc vào mùa màng, đầu ra, nếu giá có tăng cũng không nhiều (trừ khi mất mùa).
Tuy nhiên, theo TS Hồ, với giá các mặt hàng công nghiệp lại khác. “Vừa qua, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp đều tăng, tôi không hiểu họ điều tra thế nào, khi người dân đâu có tiền để mua. Giờ giá điện và xăng dầu tăng, doanh nghiệp tăng giá bán thì lấy ai mua, tồn kho lại tăng, doanh nghiệp lại lao đao”, TS Hồ dự báo.
TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ lo ngại việc tăng giá xăng dầu, điện, phí môi trường xăng dầu sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ, từ thép, xi măng, cước vận tải, đến mớ rau, con cá, bát phở… tăng theo và lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Theo ông Doanh, giá xăng tăng do giá dầu thế giới tăng, nên phải chấp nhận. Tuy nhiên, với giá điện hiện đang là độc quyền. Đến nay, giá thành điện chưa được giải trình, các yêu cầu của Thủ tướng với ngành điện về tăng năng suất lao động thế nào, giảm biên chế thế thừa, giảm hao hụt truyền tải ra sao… cần làm rõ thêm.
Cái nữa, giá điện tăng một lần 7,5% là quá cao, khiến các DN sử dụng nhiều điện trở tay không kịp. Nếu tăng 3-4%, DN có thể tiết kiệm, hoặc điều chỉnh, tìm cách thích nghi dần. “Năm 2015 là năm hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu mình phải giảm, hàng hóa nước ngoài vào rẻ hơn. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ không thể nào cạnh tranh được”- ông Doanh nói.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc tăng giá điện có tác động tích cực là người dân sẽ tiết kiệm điện nhiều hơn. “Còn khi tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh, giá điện tính theo giờ, ngành điện làm rõ giờ nào bao nhiêu tiền, công tơ đếm được số điện theo giờ, để tính toán cho đúng, phải giải trình rõ”- ông Doanh nói.
Theo Lê Hữu Việt – Phạm Anh – Phạm Tuyên
Tiền Phong
Điện tăng mạnh, lạm phát sẽ trở lại?
Theo tính toán của BVSC, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì chỉ riêng mặt hàng này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,25% trong thời gian tới. Riêng trong tháng 3, mức độ phản ánh có thể mới chỉ khoảng 0,1%; còn lại sẽ phản ứng rõ rệt hơn trong CPI tháng 4.
Bên cạnh kế hoạch tăng giá điện thì thời gian tới giá xăng dầu có thể cũng sẽ tăng trở lại gây sức ép lên CPI
Tại báo cáo phân tích vừa mới được gửi nhà đầu tư, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong khi nhóm hàng xăng dầu góp phần quan trọng nhất trong việc giúp mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo tháng liên tục âm trong 4 tháng vừa qua (từ tháng 11/2014) thì sang tháng 3/2015, hiệu ứng trên có thể sẽ không còn nữa.
Thậm chí, theo BVSC, nếu giá dầu thế giới tiếp tục duy trì quanh mức 50 USD/thùng thêm một thời gian nữa trong khi quỹ bình ổn xăng dầu suy giảm thì rất có thể liên bộ Công thương - Tài chính sẽ sớm có quyết định tăng giá xăng dầu trong nước trở lại (ước tính sau Tết giá xăng có thể đã tăng thêm gần 2.500 đồng/lít nếu Quỹ bình ổn giá không được sử dụng).
Ngoài xăng dầu thì giá điện dự kiến sẽ tăng 7,5% kể từ ngày 16/3 tới đây cũng đang là mối lo cho không ít doanh nghiệp.
Theo tính toán của BVSC, nếu giá điện tăng thêm 7,5% thì chỉ riêng mặt hàng này sẽ khiến CPI tăng thêm khoảng 0,25% trong thời gian tới. Riêng trong tháng 3, mức độ phản ánh có thể mới chỉ khoảng 0,1%; còn lại sẽ phản ứng rõ rệt hơn trong CPI tháng 4.
Ngoài CPI thì chỉ số giá sản xuất PPI chắc chắn cũng sẽ tăng lên do giá điện tăng. Mức độ tăng sẽ khác nhau giữa các ngành nghề, doanh nghiệp nhưng sẽ đặc biệt lớn đối với các hộ sử dụng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng...
Về thị trường chứng khoán, trong tuần vừa rồi, thị trường đã trải qua tuần giao dịch với diễn biến tăng giảm điểm xen kẽ giữa các phiên. Nhóm cổ phiếu bluechips, ngân hàng và chứng khoán thay nhau dẫn dắt thị trường, tuy nhiên hiệu ứng tăng điểm của các nhóm này không được duy trì liền mạch qua các phiên.
Tuy nhiên, điểm tích cực là khối lượng giao dịch toàn thị trường có sự cải thiện tương đối mạnh so với trung bình của tuần trước đó (tăng khoảng 30%) cho thấy sự khởi sắc dần của lực cầu.
Hiện xu thế tăng ngắn hạn của thị trường vẫn đang được bảo lưu. Do vậy, theo khuyến nghị của BVSC, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng khoảng 50%, đồng thời kết hợp trading quay vòng thêm với tỷ trọng khoảng 20-30% để nâng cao hiệu quả cho danh mục tổng thể.
Bích Diệp
Theo Dantri
Điện tăng 7,5%, có thật chỉ phải trả thêm "vài nghìn đồng"? Theo tính toán của Dân trí, với mức tăng giá 7,5% từ 16/3 tới, các hộ gia đình sẽ chỉ phải trả thêm trên 100 đồng/kWh, nhưng trong mùa nóng, nếu dùng tới 700-800 kWh điện mỗi tháng, khoản tiền tăng thêm có thể tới gần 130.000 đồng/tháng. Chỉ phải trả thêm trên 100 đồng/kWh nhưng nếu sử dụng nhiều, không ít gia...