Điện thoại cho người già ở Việt Nam: Quá nghèo nàn
Ít thể loại, mẫu mã xấu, thêm vào đó gần như không có sự tham gia của các “ông lớn”, thị trường điện thoại cho người già ở Việt Nam đang quá nghèo nàn.
Điện thoại dành cho người già vẫn chưa được các hãng quan tâm tại Việt Nam.
Chỉ có một vài mẫu sản phẩm
Video đang HOT
Mặc dù được xem là một phân khúc “hot” trên thế giới, nhưng đến nay tại Việt Nam, điện thoại dành cho người già gần như rất nghèo nàn về sản phẩm cũng như mẫu mã. Thậm chí, những chiếc điện thoại này hiếm đến nỗi rất nhiều người trẻ khi thấy nó đã xem là hàng “độc” và sắm luôn cho mình để xài.
VinaPhone và MobiFone được xem là 2 nhà mạng đầu tiên cung cấp điện thoại cho người già tại Việt Nam với sản phẩm Alo S202 và Ring 3000, do ZTE sản xuất. Đây là những điện thoại có bàn phím lớn kết hợp với chức năng đọc số và hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đáng chú ý ở sau các điện thoại này có một nút khi bấm vào sẽ phát ra âm thanh như chuông báo động để người cao tuổi có thể nhận được sự giúp đỡ. Ngoài ra đèn pin cũng được tích hợp để giúp cho việc đi lại trong tối hay đài FM để hợp với xu hướng nghe đài của các cụ.
Bên cạnh sản phẩm của hai nhà mạng trên, rất khó để tìm được các sản phẩm điện thoại cho người già chính hãng khác tại Việt Nam. Một số sản phẩm của Ino như F8 và F12 cũng được giới thiệu, có điều việc tìm mua cũng nan giải, khi quá ít cửa hàng bán chúng.
Một điểm đáng nói nữa là các sản phẩm điện thoại cho người già được thiết kế hiện nay vẫn còn nhiều điểm yếu như màn hình quá nhỏ, hình dáng thô, ít tính năng. Điều thực tế nữa là phím bấm số to nhưng ở việc phân bố chữ cái vẫn chưa thay đổi so với điện thoại thường, khiến việc nhắn tin còn khó khăn. Ngoài ra các phím “ nóng” chỉ cần bấm để thực hiện nhanh các thao tác, rất cần thiết cho người già, cũng chưa được chú ý ở các điện thoại này.
Nhu cầu có, các hãng bỏ quên?
Chị Nguyễn Thị Loan, ở Quận 3, TP.HCM cho biết, chị muốn mua một chiếc điện thoại cho mẹ mình đã hơn 50 tuổi, nhưng kiếm khó quá. Gần như không thấy các hãng điện thoại nổi tiếng nào có bán loại này. Chị Loan đành mua cho mẹ mình một chiếc điện thoại Nokia để dùng, với điện thoại này chị chỉ cho bà cách nghe, gọi là chính.
Anh Nguyễn Văn Thanh, ở Quận 1, TP.HCM cũng than thở, tìm điện thoại cho người già quá khó. Bố anh gần 60 tuổi, mắt hơi kém nên cần một chiếc điện thoại dễ sử dụng, số và chữ to, màn hình cũng phải lớn, nhưng anh tìm mỏi mắt chẳng thấy. Anh đành sắm cho cụ một chiếc điện thoại bình thường để cụ nghe các con gọi về, còn chiếc điện thoại để cụ có thể liên lạc với bạn bè đành tìm vào dịp khác nếu có.
Một thực tế phải nói rằng, các hãng trong khi mải mê chạy đua với các phân khúc điện thoại dành cho giới trẻ, doanh nhân, với các mẫu mã như nghe nhạc, smartphone… lại quên mất rằng, có một phân khúc cần phải được chú ý nữa đó là điện thoại cho những người cao tuổi.
Nếu như ngày xưa, cuộc sống ở nông thôn, nhà cửa gần nhau các cụ không cần dùng đến điện thoại làm gì, mỗi lần làm ấm nước chè họ chỉ cần đứng ở sau nhà gọi í ới mấy tiếng là đã tụ họp được. Với cuộc sống hiện đại ngày nay, ở thành phố để các cụ gặp mặt nhau hay để gọi con cháu trong nhà, yêu cầu phải có một chiếc điện thoại trở nên cấp thiết, nhưng để tìm được một chiếc điện thoại phù hợp và các cụ dễ sử dụng là điều không hề đơn giản trên thị trường hiện nay.
Điện thoại cho người già đang trở thành một nhu cầu trong xã hội, nhưng thị trường điện thoại cho người già ở Việt Nam lại đang rất trầm lắng. Các hãng vẫn chưa chú trọng vào việc khai thác điện thoại di động ở phân khúc này và điều đó đang lãng phí đi một số lượng khách hàng đáng kể trong xã hội.
Theo ICTnew